Lãng mạn thời hôn nhân

Có lẽ, lãng mạn còn là lúc chồng được nhìn ngắm người phụ nữ mình yêu làm đẹp.

Sinh nhật vợ, chồng vẫn không có biểu hiện gì khác lạ. Tối, chồng bảo vợ ngồi lên xe, chở đến một shop quần áo. Sau một lúc ngắm nghía, chồng nháy mắt với vợ rồi chỉ vào chiếc váy hoa điệu đà mà vợ đã ao ước bấy lâu. Quà sinh nhật của chồng bao nhiêu năm vẫn vậy: không bất ngờ, không cầu kỳ, không lời có cánh nào được “đính kèm”. Vậy mà, trong mắt vợ, chồng luôn là người lãng mạn.
Nhiều người ngần ngại hôn nhân vì mường tượng ra thời kỳ kinh khủng của hậu hôn nhân. Chồng luôn nhấn giọng: “Chẳng có lãng mạn cho vợ đằng sau tiếng con khóc, nợ đòi đâu!”. Đúng là không hoa hồng, không lời có cánh, không cà phê, xinê… Thời gian càng trôi, sự lãng mạn càng bị những gót chân bươn chải bỏ quên một cách vô tình. Nhưng bù lại, vẫn có những điều lãng mạn khác mà thời yêu nhau chưa bao giờ có được.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Như chuyện hôm sinh nhật. Cái váy đó vợ đã ngắm nghía mấy tháng trời nhưng không dám mua vì quá đắt. Tiền học cho thằng cu lớn, tiền sữa cho thằng cu nhỏ, tiền ăn, tiền điện… rồi bao nhiêu thứ phải chi trả cứ bủa vây, ngăn không cho vợ phung phí. Thẻ lương của chồng, vợ giữ. Những khoản chi tiêu bên ngoài chồng tự xoay xở với tiền thưởng hàng quý của công ty. Eo hẹp là thế mà chồng vẫn dành dụm để mua váy tặng vợ (lại biết đúng cửa hàng và cái váy vợ “nhắm”), đó chẳng phải là lãng mạn sao?
Điểm lại, sau mấy năm làm vợ chồng, những cái nắm tay của chúng mình thưa thớt hẳn. Những buổi hẹn hò, cà phê bị vợ đưa vào danh sách những “trò tiêu khiển” xa xỉ. Những tin nhắn nhớ thương lùi vào… thời xa vắng. Biết bao nhiêu thứ “có” bị biến thành “không” từ ngày mình trở thành vợ chồng. Nói vậy mà không phải vậy, vợ chồng vẫn có những giây phút lãng mạn tuyệt vời mà ngày xưa chưa bao giờ được hưởng. Như cái hồi biết vợ có thai, chồng nhảy lên sung sướng, ôm vợ xoay mấy vòng rồi hốt hoảng dừng lại vì sợ đứa con trong bụng… chóng mặt. Đêm nào chồng cũng nằm áp tai lên bụng vợ, thầm thì nói chuyện với con. Chồng còn xung phong làm việc nhà, thỉnh thoảng đi chợ và làm “đạo diễn” nhà bếp cho vợ được nghỉ ngơi. Hay đơn giản hơn, dù bận rộn đến mấy thì mỗi sáng chồng đều dắt xe ra khỏi cổng giúp vợ. Chồng bảo, làm thế để vợ có động lực thắt cà vạt mỗi sáng cho chồng.
Khi vợ bị cảm, chồng không cuống cuồng hỏi han như thời đang yêu nữa mà thay vào đó, chồng nhìn vợ một cách nghiêm khắc rồi “phán”: “Sao em chủ quan với sức khỏe của mình thế? Mưa mặc mưa, nắng mặc nắng, người chứ có phải sắt đá gì mà không đổ bệnh”. Rồi cứ để cho vợ khóc sụt sùi vì tủi thân, chồng xách xe ra khỏi nhà, trở về với mấy vỉ thuốc cảm trên tay. Có hôm, chồng một mình hì hụi xây lại góc nhỏ trước thềm nhà. Thấy chồng mồ hôi nhễ nhại, vợ chạy ra toan bưng gạch, dọn rác phụ thì bị la té tát. Vợ thoáng buồn, chẳng lẽ chia sẻ công việc với chồng là sai? Chồng không an ủi, không thừa nhận mình quá đáng mà chỉ buông một câu: “Việc này cứ để anh lo, lỡ anh ốm còn có người lo cho anh chứ. Không phải việc gì em giúp anh cũng thấy vui đâu”. Lãng mạn thời vợ chồng đúng là có khác.
Là vợ chồng, biết hết tật xấu của nhau rồi nên “cuốn cẩm nang” mang tên “tốt khoe, xấu che” gần như bị vứt vào sọt rác. Thế là, bao nhiêu cái xấu được phô ra một cách tự nhiên, đôi khi thái quá. Ấy vậy mà những tật xấu ấy lắm lúc mang lại tiếng cười rộn rã trong căn nhà nhỏ và được vợ thay cho cái tên mỹ miều là “lãng mạn kiểu… chồng”.
Không còn như thời son trẻ, vợ dễ dãi hơn với nhu cầu làm đẹp của bản thân. Có gì mặc đó, ra ngoài cũng khoác vội mấy thứ quần áo đơn giản cho thoải mái. Đôi lúc chồng nhăn mặt góp ý. Vốn biết tiếp thu, vợ lấy lại phong độ cái thời “điểm phấn thoa son”, dù dáng dấp đã không còn như thuở hoàng kim. Hôm vợ chồng rủ nhau đi ăn cưới đứa em họ, vợ xúng xính trong chiếc váy maxi màu kem mềm mại. Mới bước xuống nửa cầu thang đã thấy cả chồng lẫn con nhìn lên vẻ… phấn khởi. Không cần những lời khen ngợi ngọt như đường phèn thuở đang yêu, chỉ cần cái nhìn ấy thôi là đủ cho vợ ngất ngây hạnh phúc. Có lẽ, lãng mạn còn là lúc chồng được nhìn ngắm người phụ nữ mình yêu làm đẹp.
Thời đang yêu, nào là “nếu có tiền anh sẽ đưa em lên mặt trăng”, nào là “mình sẽ sống trong một ngôi nhà hạnh phúc và có một đàn con nhỏ thật dễ thương”, hay sướt mướt hơn “sau này lấy nhau, mỗi sáng đi làm mình sẽ hôn nhau để chào tạm biệt và không quên nói lời yêu thương”… Đến khi thành đôi, mình cũng giống như nhiều cặp vợ chồng khác phải đối mặt với những vấn đề lớn như nuôi con, có nhà thành phố… Thực tế cuộc sống khiến vợ chồng mình lao vào làm việc cật lực. Lãng mạn của ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là ánh mắt sung sướng nhìn nhau khi dành dụm đủ tiền mua cái tủ lạnh, cái máy giặt hay đơn giản chỉ là sắm được chiếc nôi cho con. Nhớ nhất là khoảnh khắc mình ôm chặt lấy nhau, nước mắt ràn rụa khi cầm trong tay sổ đỏ của một miếng đất nhỏ vùng ven.
Vợ gọi đó là lãng mạn của thời hôn nhân.

Chán vợ cái gì cũng “quy ra thóc“

Vợ bảo, cứ đưa tiền đây, vợ cần sẽ tự mua cho đỡ phí. Nên hàng năm, đến ngày sinh nhật, chồng thừa biết món gì đợi mình ở nhà…

Chồng đi làm về mang theo lốc nước yến ngân nhĩ, loại hảo hạng. Vợ liếc qua, biết ngay là để tối chồng đi thăm bà ngoại mấy đứa nhỏ bệnh vừa nhập viện. Nhấm nhẳng, vợ buông một câu: “Sang quá, cả đời mẹ con tôi còn chưa được uống mấy cái thứ xa xỉ này”.

Chồng giận tím mặt, nhưng nín nhịn cho êm nhà. Tới bữa cơm, vợ bồi tiếp, đại ý là hôm qua mấy đứa kia (ý là em vợ) đi chưa về, tôi đã phải đóng tạm ứng viện phí cho bà ngoại rồi, có đâu mà phải thăm nom, biếu xén nữa. Chỉ giỏi bày vẽ. Thời buổi khó khăn, lương ba cọc ba đồng, mà sao nhiều người cái gì cũng thích hình thức…

Tôi đâu biết đó là lần cuối cùng…

Có lẽ, cuộc sống sẽ thật sự khép lại với tôi trong ngày em lên xe hoa với một người khác…

Sang Nhật được gần 1 năm thì tôi bị tai nạn trong một lần đi làm ca đêm. Tỉnh dậy, tôi bàng hoàng khi biết rằng mình đã mất 1 chân. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là cánh cửa tương lai đã khép lại. Đã mấy lần tôi nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời. May mà có bạn bè ở bên cạnh chăm sóc, động viên.

Nằm viện 6 tháng, vết thương của tôi đã lành hẳn. Tôi được lắp chân giả, đi đứng sinh hoạt gần như bình thường. Ngoài khoản tiền bồi thường tai nạn lao động khá lớn, tôi được chủ sử dụng lao động bố trí cho công việc phù hợp với sức khỏe. Tôi bắt đầu thấy phấn chấn trở lại. Thế nhưng, chính lúc đó, một nỗi lo lắng khác ập đến.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tôi đã giấu ba má, giấu Hương việc tôi bị tai nạn. Cứ nghĩ đến lúc mọi việc vỡ lỡ, Hương sẽ thất vọng, buồn đau, thậm chí bỏ rơi mình, tôi không thể nào chịu đựng nỗi. Những suy nghĩ đó đã khiến tôi quẫn trí, tuyệt vọng. Tôi quyết định chia tay em với một lý do hoàn toàn bịa đặt: Tôi đã quen người khác trong lúc làm việc bên này. Tôi bảo Hương đừng thư từ, đừng chờ đợi tôi nữa. Độc ác hơn, tôi còn cố tình đùa cợt: “Bên em có biết bao người xứng đáng hơn anh…”.

Hương đâu biết rằng, khi viết những điều đó, tôi đã khóc như một đứa trẻ.

Chúng tôi quen nhau từ bé vì hai nhà ở cạnh nhau dưới quê. Hương nhỏ hơn tôi đến 5 tuổi và là em út của thằng bạn thân. Năm tôi 17 tuổi, ba má tôi về lại Sài Gòn sinh sống, chúng tôi mất liên lạc mãi cho đến khi Hương vào đại học. Tình cờ gặp lại nhau, mới đầu tôi xem em như em gái của mình. Dần dần tình yêu đến lúc nào cũng không biết. Khi tôi đi Nhật lao động, Hương đang học đại học kiến trúc năm cuối cùng.

Tôi đâu biết đó là lần cuối cùng…

Tôi nhớ hôm chia tay ở sân bay, Hương nắm chặt tay tôi, cố không khóc dù mắt đã đỏ hoe: “Anh ráng giữ gìn sức khỏe. 3 năm hay 5 năm, em cũng chờ, anh đừng lo lắng gì cho em”. Tôi ôm chặt em vào lòng vì biết rằng lâu lắm mình mới lại được gần nhau như vậy. Tôi đâu biết đó là lần cuối cùng tôi được ôm em trong vòng tay của mình.

Ba má tôi khi biết chuyện cũng đã rất giận, thậm chí khi tôi gọi điện thoại về chúc Tết, má tôi không thèm nghe. Còn ba tôi thì bảo ông thấy buồn với cách cư xử của tôi. “Con lớn rồi nên làm chuyện gì cũng phải suy nghĩ cho có trước, có sau. Ba không can thiệp vào chuyện riêng của hai đứa nhưng chẳng còn mặt mũi nào mà gặp con Hương”. Những lời nói của ba như muối xát vào lòng tôi. Thế nhưng tôi đã quyết thì nhất định không thay đổi. Tôi thậm chí không đọc mail của Hương dù tôi vẫn nhìn thấy nó hằng ngày mỗi khi check mail.

Được một thời gian, không thấy Hương gởi mail nữa, tôi nghĩ là em đã bình tâm, và có người khác. Khi ấy tôi có cảm giác rất lạ: vừa buồn nhưng cũng vừa mừng như thể đã trút được gánh nặng. Không gởi mail nữa, chắc là Hương đã thật sự quên tôi…

Hết hạn 3 năm, tôi về nước. Đến lúc ấy, ba má tôi mới biết tôi chỉ còn lại một chân. Má tôi đã ôm tôi lặng lẽ khóc không thành tiếng. Rất lâu sau má mới nói được: “Vậy là má đã trách lầm con...”. Còn ba tôi thì im lặng hút thuốc liên tục.

Tối đó má mới nói với tôi: “Tháng sau con Hương cưới. Nó vừa gởi thiệp cho ba má”. Tôi cố nén cảm xúc, vờ làm vẻ bình thản: “Vậy hả má? Lâu lắm rồi con không liên lạc với Hương. Cô ấy lấy ai hả má?”. Má tôi lắc đầu: “Má không biết. Nó khóc và nói với má là nó không thương nhưng ba nó đang bệnh nên nó phải nghe lời”.

Tôi đọc tên người con trai trong thiệp cưới, hoàn toàn chẳng có cảm giác quen thuộc nào nhưng tôi biết chắc chắn đó là một người đàn ông đã lấp vào khoảng trống mà tôi để lại cho Hương…

Cả đêm đó và nhiều đêm sau, tôi không ngủ được. Tôi rất muốn gặp Hương một lần để giải tỏa cho em vướng mắc trong lòng trước khi em thuộc về người khác. Nhưng tôi cũng sợ rằng điều đó làm em bận lòng.

Chẳng biết có phải vì tôi nghĩ nhiều đến Hương như vậy mà chiều hôm qua, em đột nhiên ghé qua nhà và ở lại rất lâu. Tôi trốn em trong phòng cả buổi tối mãi đến khi em ra về, tôi mới kịp đứng trên lầu nhìn xuống. Cái dáng hình đó sao mà thân thương đến nao lòng. Sau đó mẹ tôi bảo: “Không biết con nhỏ có nghi ngờ gì không mà nó cứ nhìn cái áo của con vắt trên thành ghế mà má không kịp cất. Tội quá! Thôi thì chuyện đã lỡ rồi, chờ nó cưới xong, con nên gặp nó một lần để nói rõ mọi chuyện”.

Thoạt đầu tôi nghĩ nên làm như vậy nhưng rồi có một tiếng nói khác cứ thôi thúc, bảo tôi phải làm ngược lại. Tôi đau xót nhận ra rằng tôi vẫn còn yêu Hương biết chừng nào. Và có lẽ, cuộc sống sẽ thật sự khép lại với tôi trong ngày em lên xe hoa với một người khác…