Ông chồng “ngoa” miệng

Ngày thường không ăn nhậu, chồng Giang đã mắng vợ con không tiếc lời, khi rượu vào, thói điêu ngoa của anh càng phát huy.

Vừa nghe chồng thông báo chiều nay đám bạn kéo đến, Giang vội vàng dắt xe ra khỏi nhà. Tức thì, anh chồng chỉ tay vào mặt Giang, quát: “Thái độ gì vậy? Bạn tôi đến mà cô bỏ đi đâu?”. Không nói lời nào, Giang cúi mặt lầm lũi đi, sau lưng là tiếng chửi sa sả của chồng.
Cả tuần làm việc quần quật ở công ty, ngày cuối tuần Giang cũng chẳng được yên thân vì chồng thường rủ rê bạn bè về nhà ăn nhậu. Trước đây, sợ chồng, Giang còn lao vào bếp phục vụ bạn chồng, nhưng làm chậm cũng bị chồng chửi, nấu dở cũng chửi, không làm càng bị chửi thậm tệ hơn. Ngày thường không ăn nhậu, chồng Giang đã mắng vợ con không tiếc lời, khi rượu vào, thói điêu ngoa của anh càng phát huy.
Những buổi tối tăng ca về trễ, vừa về đến cửa, cô đã nghe chồng nhẻ nhói: “Cô đi theo trai hay sao mà giờ này mới về?”. Giang chưa kịp phân bua thì một tràng từ ngữ tục tĩu văng ra. Từ ông bà, cha mẹ, anh em của cô đều bị chồng lôi ra xỉ vả. Không bao giờ đánh vợ nhưng những câu chửi rủa, sỉ nhục của chồng như dao cứa vào lòng cô. Ngay cả với con gái, chồng Giang cũng không tha. Mỗi lần con đi học thêm về trễ là anh ta nanh nọc: “Học hành gì giờ này mới về? Đi theo trai hả? Đúng là giỏ nhà ai quai nhà nấy…”. Con bé không ít lần ôm mẹ, khóc tức tưởi.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhà ở chung cư, cửa đóng then cài tách biệt, Giang ít khi phải nhìn thấy những con mắt tọc mạch, tò mò của hàng xóm, nhưng cô sợ nhất những ngày giỗ chạp, bị chồng mắng nhiếc trước mặt anh em, họ hàng, khiến cô không biết giấu mặt vào đâu. Lần đi đám giỗ bố chồng, Giang có việc đột xuất ở công ty nên nhắn tin báo cho chồng biết cô đến trễ nửa tiếng. Không ngờ dọc đường xui xẻo, cô lại bị bể bánh xe. 
Nhắn tin thông báo cho chồng biết sự cố ngoài ý muốn, Giang đinh ninh chồng sẽ thông cảm. Nhưng vừa đến nơi, chưa kịp chào ai, Giang đã nghe tiếng chồng lanh lảnh: “Mày là người hay súc vật vậy? Đến ngày giỗ bố tao mày cũng không nhớ đường mà về à? Mày định bôi tro trét trấu vào mặt tao hay sao mà giờ này mới thò mặt đến?”. Sợ vợ chồng to tiếng, các chú phải lôi chồng vào bàn nhậu. Các dì, các mợ kéo Giang vào bếp để tránh xấu hổ. Thấy Giang khóc rưng rức, nhiều bà thím thương hại, an ủi, nhưng họ cũng chẳng biết cách nào giúp cô thoát khỏi ông chồng hay dùng “võ miệng”. Xét cho cùng, chồng Giang cũng là người biết làm ăn, không bồ bịch, cờ bạc, cũng chẳng bao giờ đánh đập vợ con, chỉ thi thoảng hay tụ tập ăn nhậu.
Cuối tuần, Giang chạy sang nhà tôi, hai mắt sưng húp. Cô bảo, chắc không sống nổi với ông chồng “ngoa” miệng này. Ngày còn yêu nhau, chồng Giang nói năng cũng nhẹ nhàng, lịch sự, đâu có chợ búa như bây giờ. Giang vừa khóc, vừa kể một thôi một hồi những lời lẽ nặng nề mà chồng thường xuyên sử dụng với mình. Giang khẳng định sẽ làm đơn ly hôn. Vừa kể xong chuyện, điện thoại trong túi Giang đổ chuông. Cô lấm lét bắt máy. Chẳng biết chồng Giang nói chuyện gì, cô vội tắt máy, đứng lên: “Thôi tớ về đây. Chồng tớ gọi báo bà nội và mấy cô lên chơi. Không về sớm ông ấy lại chửi nữa”. Tôi hỏi đùa: “Vậy còn chuyện ly hôn thì sao?”. Giang ậm ờ: “Để nói thẳng thêm vài lần nữa xem hắn có thay đổi không. Nếu không được thì cũng phải lôi nhau ra tòa”.
Tội nghiệp cô bạn thân hiền lành, nhẫn nhịn của tôi, chẳng biết còn chịu đựng được cái tính thô lỗ ấy của chồng bao lâu nữa?

Ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì...

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại chị. Ở cái tuổi 43 nhưng chị chẳng khác nào đứa trẻ 13, 14 tuổi. Không phải chị trẻ mà chị nhỏ, người bé tí tẹo, chỉ còn da bọc xương…

Chị có ba đứa em. Bố mẹ chị là công nhân. Năm chị học lớp 11, bố chị mắc bệnh nặng, qua đời. Mẹ chị phải về hưu non để ra ngoài làm kiếm tiền nuôi các con ăn học. Chị học xong lớp 12 thì nghỉ, đi làm để giảm gánh nặng cho mẹ.

Thời gian dần trôi. Lần lượt ba đứa em của chị học hết phổ thông, rồi lên cao đẳng, đại học và lập gia đình. Lúc này chị đã bước vào cái tuổi mà mọi người thường cho là... ế - 32 tuổi. Ba năm sau, chị gặp anh. Anh trẻ hơn chị năm tuổi, chẳng có việc làm, gia đình cũng nghèo khó. Nhưng với suy nghĩ “có còn hơn không”, chị nhắm mắt lấy anh.

Vợ chồng chị ở nhà mẹ đẻ, cuối tuần mới về nhà chồng. Thời gian đầu, anh có vẻ “ngoan”, gia đình vợ kêu làm gì thì làm nấy. Nhìn chị và anh quấn lấy nhau như đôi sam, mọi người ai cũng mừng cho chị. Một năm, hai năm, rồi bốn năm qua đi nhưng anh chị vẫn chẳng có con. Lúc đầu ai cũng nghĩ là lỗi do chị, vì chị đã lớn tuổi. Đến bệnh viện phụ sản khám thì bác sĩ cho hay chị hoàn toàn có khả năng sinh sản, “mắc mứu” nằm ở chỗ “tinh binh” của anh quá yếu. Gia đình chị, nhất là mẹ chị khuyên hai vợ chồng chị vào TP.HCM hoặc ra Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng anh không đồng ý.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi anh xin được một chân lái xe taxi, thế là anh chẳng còn “ngoan” nữa. Anh lấy lý do công việc rồi đi sớm về khuya, chẳng thèm ngó ngàng gì đến chị. Mẹ anh khăng khăng “cái đứa con dâu khô đét như que củi” mới chính là thủ phạm không biết “đẻ đái” gì. Bà tìm mọi cách thể hiện “quyền lực của mẹ chồng”, mắng chó chửi mèo, xài xể chị. Những lúc như vậy, anh không an ủi vợ mà còn đổ thêm dầu vào lửa. Chị chán, không muốn về nhà chồng nữa nhưng mẹ chị bắt phải về, vì “ở đâu cái thói có chồng mà không về nhà chồng. Muốn cho thiên hạ bôi tro trát trấu lên mặt mẹ mày à?”.

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì em gái chị chia tay chồng rồi dẫn con về nhà mẹ ở. Thế là chị phải “hoãn” ý định bỏ chồng.

Hai năm sau, khi chuyện của em gái đã lắng xuống, chị nói với mẹ sẽ bỏ chồng. Mẹ chị đỏ mặt tía tai: “Vì mẹ, mày cứ sống vậy đi. Em mày đã ly hôn, giờ mày mà ly hôn nữa, thiên hạ người ta sẽ chửi vào mặt mẹ mày đấy. Thôi thì mẹ lạy chị, chị thương lấy cái thân già của mẹ, đợi mẹ chết rồi chị muốn làm gì thì làm”…

Chị đành lặng lẽ ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn.

Đừng quá yêu chồng mà quên mất mình!

Phụ nữ càng hy sinh, càng nhường nhịn, đàn ông càng lấn tới. Bài học “xương máu” ấy, chị thuộc nằm lòng, quyết không để dính vết xe đổ.

15 tuổi, chị nghe ba có bồ. Mẹ không làm ầm ĩ nhưng dằn vặt, đau khổ. Mẹ, người phụ nữ một thời xuân sắc, giờ xơ xác, héo úa. Mẹ cả đời lo toan cho chồng con, nhưng lại bị phản bội. Trong đầu chị lờ mờ hình thành nên một ý nghĩ nào đó, khác với những gì người ta vẫn ca ngợi về sự hy sinh của người phụ nữ.

Đến khi chị Hai có chồng, rồi anh rể cũng có bồ lúc chị Hai xuống sắc, thì chị “sáng” ra một điều, đó là chị Hai cũng như mẹ, chẳng chịu lo cho mình nên mới ra nông nỗi. Vì thế, chị nghĩ mình phải tự thương lấy mình. Mình mà không thương mình thì chẳng ai thương mình cả. Chẳng riêng gì mẹ hay chị Hai, cứ nhìn mấy đứa bạn thân và chị em phụ nữ xung quanh, hay những câu chuyện trên phim, trên báo là thấy ngay. Đừng quá yêu chồng mà quên mất mình!

Mấy cô bạn thân bị chồng phản bội từng cay đắng truyền "kinh nghiệm": đàn ông họ bạc bẽo lắm. Phụ nữ càng hy sinh, càng nhường nhịn, đàn ông càng lấn tới. Bài học “xương máu” ấy, chị thuộc nằm lòng, quyết không để dính vết xe đổ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị chọn chồng bằng lý trí, vì sợ lấy người mình yêu dễ sinh mù quáng. Cân đong đo đếm mãi chị mới chấm được anh. Dù không học cao như chị nhưng anh có garage xe hơi, làm ăn khấm khá. Chị nghĩ đàn ông mà học cao thì sự lừa dối càng tinh vi. Chị có chồng, mẹ thở phào như trút được gánh nặng. Chị từng bảo: có chồng sớm như lũ bạn làm sao đủ chín chắn mà biết... thương mình.

Ý nghĩ phải thương lấy mình ăn sâu vào tâm thức như một “triết lý” sống của chị. Mình không thương mình thì làm sao có đủ sức mà thương người khác? Thương mình cũng chính là thương con, là vun đắp cho “tổ ấm” của mình được bền vững.

Sinh con được hai tháng, chị kiên quyết dứt sữa sớm. Dù ai cũng bảo sữa mẹ là tốt nhất nhưng chị vẫn khăng khăng cho uống sữa ngoại nhập để bé khỏe mạnh, thông minh hơn. Thực ra, chẳng phải chị không biết sữa mẹ tốt, hay quá bảo thủ mà còn vì một nguyên nhân khác, đó là bởi chị lo “vòng 1” xuống cấp, chồng ra ngoài nhìn mấy cô gái trẻ mà mắt cứ hau háu thì sao chị chịu được.

Chăm sóc con cái, thức đêm thức hôm, quán xuyến nhà cửa... anh “tự giác” chia sẻ với vợ. Nhờ chồng giỏi giang lại biết lo xa nên chị khá thảnh thơi. Ở cơ quan, mấy cậu trai trẻ cứ tấm tắc khen chị vẻ đầy ngưỡng mộ. Có cậu còn bảo: “Phải chi vợ em cũng được như chị! Hôm nào chị tư vấn giúp vợ em”. Chị liếc đôi mắt lá răm bén ngọt: “Nói cho cố, vợ nghe được lại ăn đòn!”. Cậu ấy đẩy xa hơn, nửa đùa nửa thật: “Vợ em mà được như chị, em cưng hết biết!”. Câu nói của cậu làm chị đỏ mặt nhưng trong lòng thấy vui. Chị càng tâm đắc về bài học “thương mình”.

Niềm vui của chị là khi tung tăng mua sắm, cùng bạn bè đổ mồ hôi trong phòng tập yoga, được thư giãn trong spa… và nhất là khi được ngắm mình trong gương, để thấy mình như ngày càng trẻ đẹp hơn. Và đặc biệt là khi được nghe những lời trầm trồ, có cánh.

Chị cứ yêu đời một cách vô tư lự như thế mà đâu để ý, chồng mình đang lặng lẽ, miệt mài với trách nhiệm “trụ cột”, ổn định kinh tế gia đình trong thời buổi đầy rẫy khó khăn, còn kiêm thêm việc chia sẻ mọi chuyện lớn nhỏ khác với vợ. Chị không nhận ra anh ngày càng mệt mỏi và trở nên ít nói. Cũng không nhận ra, đã từ lâu mình quá thờ ơ với gia đình nhỏ của mình. Con gái đi học về là rút vào thế giới của riêng nó. Những bữa cơm qua quýt, đơn giản dần vì ít được “đầu tư”. Giải thích điều này, chị bảo: “Thời buổi này ăn uống nhiều chỉ tổ bệnh. Cứ đơn giản cho nó lành”.

Một hôm, anh bảo cần bàn bạc chuyện quan trọng gì đó với chị. Đúng lúc chị đang vội, liếc nhìn vẻ mặt khắc khổ đầy lo âu của anh, chị cười dí dỏm: “Có gì mà nghiêm trọng vậy anh? Ngoài “sự chết” thì đâu có gì đáng phải lo sợ. Cứ làm quan trọng hóa mọi chuyện chỉ già người đi thôi anh à!”. Anh sững nhìn chị rồi lẩm bẩm như chỉ nói với mình: “Ừ… Chẳng có gì là... quan trọng hết!”.

Chưa đầy hai tháng sau, vào một ngày chị đang cất tiếng hát oanh vàng trong phòng karaoke cùng mấy cô bạn thì nhận được tin chồng đang phải cấp cứu. Chị hoảng hốt thật sự khi bác sĩ bảo anh bị ung thư giai đoạn cuối. Đất trời chao đảo, lâu nay anh như cây tùng, cây bách vững chãi cho chị yên tâm, thoải mái tựa vào. Nhưng bây giờ, chị biết sẽ ra sao?