Chán nản vì chồng “điêu toa“

Anh chuyên nói những lời không có thật về cháu với mẹ anh, làm vừa mất tình cảm vợ chồng lại mất tình cảm mẹ chồng con dâu.

Cô thân mến!
Một lần nữa cháu muốn nhận những lời chia sẻ từ cô. Tới giờ cháu không muốn nghĩ tới ai ngoài cô nữa. Cô dành thời gian chia sẻ cô nhé.
Cháu xin nhắc lại câu chuyện của cháu mà cô từng tư vấn. Cháu năm nay 28 tuổi, con cháu được 8 tháng, lấy chồng tới giờ này đã được 3 năm, hiện đang công tác ở huyện. Từ cơ quan cháu về nhà chồng khá xa nên hồi chưa có con, cháu về hàng tuần vào chiều thứ 6. Giờ thì không về được thường xuyên nữa cô ạ. Và từ đó xung đột cũng xảy ra.
Như thư trước đã nói, hai vợ chồng cháu đến với nhau mẹ cháu không đồng ý lắm nên giờ khó khăn cháu chỉ muốn tìm đến cô. Cô cũng biết ở thư trước, hôm 10/3 cháu từ chỗ làm về nhà chồng rất vui vẻ. Rồi con khóc, hai vợ chồng chưa có kinh nghiệm chăm con, chưa biết cách dỗ con, chồng lại gia trưởng, cục tính và hai đứa cãi nhau.
Nhưng chuyện không dừng ở đó, bố mẹ chồng cháu đã gọi bố mẹ cháu sang nói chuyện nhằm giáo dục cháu, họ nói cháu láo toét. Cháu cũng chấp nhận, chỉ phản ứng một cách bình thường, nghĩ rằng dù gì chuyện cũng đã xong.
Khoảng 2 tuần sau, chồng cháu lên thăm con. Lên được tầm khoảng 3 tiếng thì anh bảo về. Cháu chỉ bảo anh về thì về đi, nhưng nhớ để tiền cho con và bác (bác là chị gái mẹ chồng cháu lên trông con giúp cháu). Anh không những không đưa mà vợ chồng cháu lại một trận cãi nhau.
Anh bảo không có tiền, anh đưa tiền cho mẹ hết rồi muốn lấy thì lấy từ mẹ (chồng cháu làm lái xe nên thu nhập cũng được nhưng tiền được bao nhiêu anh đưa cho mẹ hết cô ạ). Cháu nghĩ mình khó khăn mới xin chồng nhưng giờ thì thấy mình phụ thuộc quá. Tiền lương của cháu được 3 triệu mà thôi.
Hôm qua cháu gọi điện về cho mẹ chồng, bảo mẹ hỗ trợ tiền cho cháu và bác ở trên này thì mẹ cháu cũng nói là ừ. Mẹ còn nói thêm là cháu giờ sống nhờ vào đứa con, còn nói những chuyện không có thật khiến cháu bực mình quá cô ạ.
Cháu biết mẹ nghe anh, toàn nói những gì tốt đẹp về mình và đơm đặt cho cháu nhiều thứ. Cháu nói với mẹ chồng “nếu sự thật như anh nói con đã phục sát đất luôn, con thấy oan uổng quá mẹ ạ”. Mẹ bảo hôm nào hai đứa về ngồi trước mặt mẹ nói chuyện, nói hết ra cho mẹ nghe thử.
Tại sao một người đàn ông mà miệng lại điêu thế hả cô? Người ta vợ láo còn bảo vệ cho vợ để giữ tình cảm mẹ chồng con dâu nhưng đằng này, lại nói những lời không có thật về cháu với mẹ anh, như thế chả phải vừa mất tình cảm vợ chồng lại mất tình cảm mẹ chồng con dâu hay sao. Cháu buồn quá, rã rời chân tay khi nghe nhưng lời mẹ chồng nói lại.
Giờ cháu không cần gì cả, cháu mong cô khuyên cháu nên làm gì với tình huống như vậy.
Cô lại giữ kín email giúp cháu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cháu thân mến!

Cô không nhớ thư trước cô viết gì, chỉ nhớ một cô gái 28 tuổi mà khá vụng chăm con, vụng ứng xử. Cô có trách và có nhắc cháu là nên già dặn lên vì mình không trẻ nữa, đáng lý mình phải nhiều kinh nghiệm lên chứ. Thư lần này, qua cách diễn tả và hành văn, cô tiếp tục thấy cháu lóng ngóng, vụng và dại nữa.
Dù là gần 30 tuổi, nhưng ai cũng lóng ngóng với con đầu. Tưởng lấy nhau là lên tiên như thế mãi, không đâu, đàn ông họ mau no xôi và cũng sớm chán chè sau hôn nhân ngay. Gặp phải ông chồng cục tính mà con nhỏ léo nhéo là họ nổi khùng lên ngay mà. Như chồng cháu không hiếm, rồi con đầu vừa lơn lớn thì đã tòi đứa khác, lúc ấy cô vợ lãnh đủ.
Nhưng chúng cháu ở xa nhau quá, khoảng cách nhiêu khê thì tốn kém, dễ xa mặt cách lòng. Vợ vì công việc ở huyện, âm thầm với con nhỏ, gánh hết mọi việc, chồng về thăm vừa mệt vừa bực vì con nó cứ chắn ở giữa. Có những ông chồng chỉ ham vợ (ham xác thịt của vợ) chứ không ham con dù tính sở hữu về con có khi rất đậm. Những người ấy bản năng lớn, tính người nhỏ, thế thôi.
Có lẽ vì đi đi về về mãi mà vợ chồng cháu gặp nhau không thuận. Trong khi đó chồng cháu lại gần với mẹ ruột của cậu ấy hơn, gì cũng mẹ, nghe lời mẹ, tiền giao mẹ giữ. Mà chồng cháu đã từng chê trách cháu không thuận với mẹ chồng nên càng ít yêu cháu đi.
Có vấn đề ở tình yêu từ phía chồng cháu. Có vấn đề từ tính cách của cậu ta khi không giúp cháu nuôi con mà đẩy tay hòm chìa khóa cho mẹ ruột. Làm sao khiến một người đàn ông yêu và lo toan trọn vẹn cho mình? Đó là cả một nghệ thuật cháu ơi, hình như cháu thiếu phần kỹ năng và cả kỹ xảo nữa, lại bất lợi ở khoảng cách với chồng.
Con mới có 8 tháng, không mỏi mệt gì chuyện vợ với chồng được. Còn quá ít thâm niên để bảo là hiểu thấu nhau và chán nhau. Chỉ vì các cháu chưa thu xếp hợp lý chỗ ăn chỗ việc và chỗ để ở như mọi đôi bình thường.
Cô tin khi đã thực sự gom về một mối thì con đó, càng lớn càng đáng yêu, chồng sẽ bình tĩnh và sẽ thay đổi. Hãy nghĩ đến phương án sống một nơi chứ đừng đay nhau từng vụ từng việc rồi bảo bế tắc, tuyệt vọng.
Khi mẹ chồng bảo hai đứa về để nói chuyện trước mặt mẹ thì mình về, có gì đâu mà ngán. Chuyện sao nói vậy, để mẹ nghe bằng hai tai và mẹ hòa giải. Và nên đề nghị mẹ cắt một phần tiền lương của chồng cháu để chu cấp chính thức cho cháu nuôi con và nuôi cả dì ruột của chồng đang phụ giúp mình ấy.
Cái lý bố phải cùng mẹ nuôi con luôn thuộc về phụ nữ, chừng nào họ khước từ cái quyền ấy, hãy tính sau.

Phụ nữ là một bí ẩn của tạo hóa

Nói “bí ẩn” nghe có vẻ sách vở, thực tế vẫn nghe than phiền rằng các bà “phức tạp quá”, hoặc các bà đang “phức tạp hóa” vấn đề.

Phụ nữ là một bí ẩn của tạo hóa, bí ẩn đến mức nhiều khi không thể hiểu nổi. Bao nhiêu giấy mực văn chương, bao nhiêu sự kiện lịch sử đã thăng trầm theo cái bí ẩn ấy. Sự thật là, dù các chị em có thể nói chuyện suốt ngày, thở than kể lể rất nhiều, các sự kiện vẫn không vì thế mà đơn giản hơn, sáng rõ hơn. Nói “bí ẩn” nghe có vẻ sách vở, thực tế vẫn nghe than phiền rằng các bà “phức tạp quá”, hoặc các bà đang “phức tạp hóa” vấn đề.

Đây là một sự phức tạp: “Em vừa sinh con gái, được hơn một tháng tuổi. Bé đầu cũng là con gái. Gia đình chồng em không quan tâm đến cháu, nhưng lại muốn đặt tên cho cháu, chồng em thì hoàn toàn theo ý ba mẹ. Em thích con gái có chữ “thị”, gia đình chồng em không muốn. Ông bà chỉ muốn có cháu trai thôi. Tại sao em sinh con ra mà không được đặt tên con theo ý mình? Mấy hôm nay em rất buồn, nhiều lần nghĩ đến việc ly hôn…”.

Còn đây là một cách giải quyết phức tạp: “Em lập gia đình nhưng hai mẹ con vẫn ở nhà ông bà ngoại, đến nay đã hai năm. Chồng em đi làm xa nhưng tiền bạc không thấy mang về. Lo ngại anh có người khác, em giục chồng phải dành dụm để mua nhà, ra riêng, nhưng chồng em chỉ ừ ừ rồi thôi. Sau nhiều lần nhắc nhở không kết quả gì, em tự ý vay tiền mua một miếng đất. Không ngờ, miếng đất thuộc diện giải tỏa không làm được giấy tờ. Giờ em cũng không biết tính sao, chồng em rất giận nên mấy tháng nay không về…”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một kiểu phức tạp khác: “Tôi nghi ngờ chồng tôi có người khác. Điều làm tôi buồn nhất là cách ông ấy đối xử với tôi. Cả ngày vợ chồng không nói với nhau câu nào, đi làm về thì coi ti vi hay đi chơi rồi ngủ. Ông ấy còn hay cáu. Ngày trước, chuyện gì tôi nói ông ấy cũng nghe có trước có sau, nhưng giờ nhiều lần ông ấy nghe lời người khác về nhà mắng chửi tôi. Tôi buồn lắm. Cứ nghĩ đến lúc họ cần mình thì mình đến, mà sao lúc mình cần họ thì họ lại quay đi. Tôi có nên dọn hẳn sang nhà con trai ở, để ông ấy sống một mình cho ông ấy thấm thía…”.

Thế đấy, trẻ có sự phức tạp của trẻ, già có sự phức tạp của già, nghèo cũng tâm tư mà có của ăn của để cũng tâm tư. Bản thân những vấn đề của gia đình đã phức tạp, lại càng bị làm cho rối rắm thêm vì cách nghĩ vơ hết mọi chuyện vào mình, liên tưởng triền miên, kết dính chuyện này với hàng loạt những chuyện khác.

Trong tất cả các trường hợp, những người trong cuộc luôn mong muốn các nhà tư vấn sẽ đưa ra cho mình được giải pháp “khác thường”, “đặc biệt” nào đó và cơ bản là có thể giải quyết được ngay vấn đề họ đang gặp phải. Trả lời câu hỏi “tại sao” của phụ nữ thường không đơn giản, vì mỗi một câu trả lời luôn có nguy cơ kéo theo một câu hỏi “tại sao” nữa.

Thật ra, các giải pháp thường rất đơn giản nhưng chẳng có giải pháp nào có thể giải quyết được vấn đề ngay lập tức.

Đừng đi tìm những giải pháp ở bên ngoài ngôi nhà của mình. Những giải pháp thường có sẵn ngay trong nhà mà bạn không biết đó thôi. Hãy tách vấn đề thành từng chuyện nhỏ riêng biệt và giải quyết từng chuyện, đừng vò cho cuộn chỉ đã rối còn rối thêm. Hầu như trong tất cả mọi trường hợp, giải pháp đầu tiên vẫn là trò chuyện, trao đổi. Hãy nói rõ mong muốn của mình, đồng thời tôn trọng mong muốn của người khác. Đừng phủ định sạch trơn, đừng phỏng đoán và làm theo phỏng đoán, đừng định kiến…

Lời tham vấn có thể cần thiết, giải pháp mà tư vấn viên đưa ra có thể là rất tốt, nhưng người thực hiện giải pháp đó mới là điều quan trọng. Cùng một giải pháp nhưng có thể gỡ rối được chuyện này mà không gỡ được chuyện kia. Vậy nên, hãy coi chính bản thân mình đã là một phần rất quan trọng của giải pháp, lần lượt bước từng bước một, gỡ từng việc. Một quyết định như ly hôn hay ly thân không phải là giải pháp, chỉ là một cách đối phó mà thôi.

Do không quan tâm đến tính lâu dài của giải pháp, chị em thường không đủ kiên nhẫn để theo đuổi một cách làm nào đó trong thời gian dài. Thử một lần không được, thay vì cần thử lần hai, lần ba, chị em thường bỏ cuộc. Điểm yếu của phụ nữ là quá lệ thuộc vào cảm xúc, dễ bị cảm xúc đẩy đi chệch hướng. Sau một lần thấy không kết quả gì, chị em nản lòng, lại hỏi “có cách nào để...”, rồi phân bua “tôi đã làm rồi, tôi đã có thử rồi, nhưng…”.

“Đơn giản - đó chính là sự phức tạp đã được giải quyết”. Tuy nhiên, sống đơn giản không dễ dàng gì và cũng không mấy phù hợp với bản chất người phụ nữ. Thôi thì, phụ nữ hãy vẫn cứ bí ẩn, cứ phức tạp, nhưng nếu “đụng chuyện”, hãy tự nhắc mình điều đầu tiên là phải nhìn nhận sự vật đơn giản như chính bản thân nó, để tìm một giải pháp đơn giản, dễ thực hiện và kiên trì với giải pháp đó cho đến khi mọi chuyện trở nên đơn giản hơn…

Ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì...

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại chị. Ở cái tuổi 43 nhưng chị chẳng khác nào đứa trẻ 13, 14 tuổi. Không phải chị trẻ mà chị nhỏ, người bé tí tẹo, chỉ còn da bọc xương…

Chị có ba đứa em. Bố mẹ chị là công nhân. Năm chị học lớp 11, bố chị mắc bệnh nặng, qua đời. Mẹ chị phải về hưu non để ra ngoài làm kiếm tiền nuôi các con ăn học. Chị học xong lớp 12 thì nghỉ, đi làm để giảm gánh nặng cho mẹ.

Thời gian dần trôi. Lần lượt ba đứa em của chị học hết phổ thông, rồi lên cao đẳng, đại học và lập gia đình. Lúc này chị đã bước vào cái tuổi mà mọi người thường cho là... ế - 32 tuổi. Ba năm sau, chị gặp anh. Anh trẻ hơn chị năm tuổi, chẳng có việc làm, gia đình cũng nghèo khó. Nhưng với suy nghĩ “có còn hơn không”, chị nhắm mắt lấy anh.

Vợ chồng chị ở nhà mẹ đẻ, cuối tuần mới về nhà chồng. Thời gian đầu, anh có vẻ “ngoan”, gia đình vợ kêu làm gì thì làm nấy. Nhìn chị và anh quấn lấy nhau như đôi sam, mọi người ai cũng mừng cho chị. Một năm, hai năm, rồi bốn năm qua đi nhưng anh chị vẫn chẳng có con. Lúc đầu ai cũng nghĩ là lỗi do chị, vì chị đã lớn tuổi. Đến bệnh viện phụ sản khám thì bác sĩ cho hay chị hoàn toàn có khả năng sinh sản, “mắc mứu” nằm ở chỗ “tinh binh” của anh quá yếu. Gia đình chị, nhất là mẹ chị khuyên hai vợ chồng chị vào TP.HCM hoặc ra Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng anh không đồng ý.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi anh xin được một chân lái xe taxi, thế là anh chẳng còn “ngoan” nữa. Anh lấy lý do công việc rồi đi sớm về khuya, chẳng thèm ngó ngàng gì đến chị. Mẹ anh khăng khăng “cái đứa con dâu khô đét như que củi” mới chính là thủ phạm không biết “đẻ đái” gì. Bà tìm mọi cách thể hiện “quyền lực của mẹ chồng”, mắng chó chửi mèo, xài xể chị. Những lúc như vậy, anh không an ủi vợ mà còn đổ thêm dầu vào lửa. Chị chán, không muốn về nhà chồng nữa nhưng mẹ chị bắt phải về, vì “ở đâu cái thói có chồng mà không về nhà chồng. Muốn cho thiên hạ bôi tro trát trấu lên mặt mẹ mày à?”.

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì em gái chị chia tay chồng rồi dẫn con về nhà mẹ ở. Thế là chị phải “hoãn” ý định bỏ chồng.

Hai năm sau, khi chuyện của em gái đã lắng xuống, chị nói với mẹ sẽ bỏ chồng. Mẹ chị đỏ mặt tía tai: “Vì mẹ, mày cứ sống vậy đi. Em mày đã ly hôn, giờ mày mà ly hôn nữa, thiên hạ người ta sẽ chửi vào mặt mẹ mày đấy. Thôi thì mẹ lạy chị, chị thương lấy cái thân già của mẹ, đợi mẹ chết rồi chị muốn làm gì thì làm”…

Chị đành lặng lẽ ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn.

Con sẽ đi theo ai!

Mâu thuẫn giữa vợ chồng Ngân lên đỉnh điểm, cu Tít đứng ngơ ngác ở góc nhà, lúng túng khi bố mẹ hỏi “con sẽ đi theo ai”.

Nửa đêm, tiếng chuông cửa réo rắt khiến ông bà bật dậy. Vừa mở cửa, ông vừa đánh tiếng hỏi ai. Bên ngoài, tiếng cô con gái gấp gáp: “Bố mở cửa cho con”. Cửa mở, ông bà ngạc nhiên trước cảnh Ngân tay xách nách mang lỉnh kỉnh va li, túi xách. “Con quyết định sống ly thân ”. “Rồi cu Tít phải làm sao?”. “Nó sẽ sống cùng bố”. Ngân nói rồi lên phòng nằm khiến ông bà trăn trở cả đêm.

“Nguyên nhân là gì mà vợ chồng lại đến nông nỗi này?”, “Vẫn là chuyện dạy bảo cu Tít…”. Ông bà nhìn nhau thở dài “chuyện bé mà cả hai đứa xé ra to thế này sao?”. “Con không thể chịu nổi nữa”… Bà bấm máy gọi cho con rể. “Việc dạy bảo cu Tít, con cũng có quyền nhưng cô ấy cứ phản đối rồi gây chuyện. Lần này cô ấy thích sống ly thân hay ly hôn, con cũng… chiều”. Con rể bức xúc cúp máy luôn.

Cuộc hôn nhân của cô con gái chỉ êm ả trong thời gian chưa có cu Tít. Từ ngày có con, vợ chồng chúng nó liên tục cãi vã. Trước đây, bà nghĩ đó là chuyện vặt vì vợ chồng nào chẳng có lúc xô xát. Với lại, chúng nó cũng chỉ cãi nhau quanh cái chuyện cho con ăn cái này, mua cho con cái nọ, dạy con chơi kiểu gì chứ không phải ra ngoài “ăn chả ăn nem” hay cờ bạc, lô đề gì. Thỉnh thoảng, con gái giận chồng ôm con về nhà, ông bà phân tích thiệt hơn. Hai đứa hạ hỏa nhanh chóng rồi lại ríu rít bồng bế nhau về. Thế nhưng từ ngày cu Tít đi học, chuyện nuôi dạy đứa con duy nhất khiến hai vợ chồng bất hòa nhiều hơn.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Có hôm mới sáng sớm tinh mơ, Ngân đã gọi điện mếu máo với mẹ: “Con muốn hè này cu Tít về quê để trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn còn anh ấy lại nhất quyết bắt thằng bé tham gia học kỳ quân đội. Vì chuyện này mà vợ chồng con cãi nhau cả đêm”. Lại có hôm mưa tầm tã, ông bà thấy con rể đội mưa gió đến mời nhạc phụ sang “dạy bảo” lại con gái vì “không coi chồng ra cái gì khiến con không thể dạy nổi con trai”. Nguyên nhân là Ngân không muốn cho cu Tít tiếp xúc với tiền quá sớm trong khi chồng cô lại suốt ngày dùng tiền làm “phần thưởng”. Chiều nay Ngân được cô giáo gọi lên thông báo cu Tít rủ bạn bỏ học đi chơi game cả buổi. Về nhà, cô tra hỏi con lấy tiền đâu để chơi, nó bảo đó là tiền thưởng của bố và tiền mỗi lần nó đi mua đồ giúp bố thừa lại. Vậy là bao nhiêu nỗi tức giận cô trút lên chồng. Không dừng lại ở đó, cô luôn lấy lỗi dạy con không đúng cách ấy của chồng để áp đảo anh mỗi lần dạy con sau đó. Còn chồng cô vẫn dạy bảo, yêu chiều con theo cách của mình bất chấp sự can thiệp của vợ.

Ngân về nhà bố mẹ đến ngày thứ hai thì nhận được tin cu Tít theo đám bạn xấu lấy cắp đồ trong siêu thị. Hai vợ chồng hớt hải chạy đến khắc phục hậu quả và xin đón con về để dạy bảo. Về đến nhà, cả hai thi nhau đổ lỗi do cách dạy con của người nọ, người kia đã làm cho thằng bé hư hỏng. Cuộc chiến quy trách nhiệm của hai vợ chồng đang căng thẳng thì ông bà đến.

Chứng kiến cảnh con gái ký xẹt vào lá đơn ly hôn một cách kiên quyết còn con rể cũng chẳng ngần ngại ký ngay sau đó, ông bà buồn bã: “Lẽ ra giờ này các con phải nhận ra được sai lầm của cách dạy “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” mà khắc phục chứ không phải ký nhanh vào lá đơn này”. Nhưng hình như mâu thuẫn giữa vợ chồng Ngân đã không còn gỡ được, chỉ có cu Tít đứng ngơ ngác ở góc nhà, lúng túng không biết trả lời thế nào khi bố mẹ hỏi “con sẽ đi theo ai”.