Nhỏ chanh chữa đau mắt... bé gái bị tổn thương biểu mô giác

Thấy cháu gái hay đỏ mắt, ngứa, bà ngoại làm theo mẹo dân gian nhỏ nước cốt chanh để cháu sạch mắt. Kết quả là bệnh nhi phải nhập viện vì bị tổn thương biểu mô giác mạc.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), bệnh nhi K.L.P. 2 tuổi được người nhà đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng mí mắt sưng, kết mạc mắt đỏ.

Qua khai thác bệnh sử được biết, thấy cháu gái hay đỏ mắt, ngứa nên bà ngoại cũng làm theo mẹo dân gian nhỏ nước cốt chanh để làm sạch mắt, sáng mắt. Sau khi nhỏ khoảng 2-3 giọt nước cốt chanh nguyên chất vào mắt trái, bà ngoại thấy bé khóc thét, đau rát mắt, nước mắt chảy liên tục. Dù đã nhanh chóng rửa mắt cho cháu bằng nước muối sinh lý nhưng triệu chứng của bé không giảm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đi làm về, biết sự việc, ba mẹ bé vội vàng đưa con bệnh viện để thăm khám.

Qua khám lâm sàng, BSCKI Nguyễn Đức Huy, Trung tâm Mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thấy mí mắt sưng nhẹ, kết mạc mắt đỏ (sung huyết kết mạc lan tỏa). Dùng đèn khe sinh học (slit lamp) ghi nhận tổn thương biểu mô giác mạc, tróc biểu mô rải rác. Bác sĩ Huy chẩn đoán bé viêm kết giác mạc cấp do kích thích hóa học (axit từ nước chanh), tổn thương biểu mô giác mạc.

Bác sĩ Huy cho biết, trong nước chanh có chứa axit citric, có khả năng gây tổn thương đến các tế bào của cơ thể, phỏng axit. Nếu nhỏ vào mắt sẽ gây tổn thương trực tiếp đến giác mạc, nguy cơ viêm loét, đặc biệt ở trẻ nhỏ, có thể hình thành sẹo giác mạc thậm chí có thể thủng giác mạc dẫn đến mù vĩnh viễn.

“Trước đây vài năm cũng có trào lưu thuận tự nhiên nhỏ mắt cho trẻ nhỏ bằng sữa non. Đã có trường hợp trẻ bị viêm đục mờ toàn bộ giác mạc, khi đến gặp bác sĩ thì đôi mắt của bé gần như không còn cách nào hồi phục lại được, nghĩa là gần như mù hoàn toàn”, bác sĩ Huy nói.

Tương tự trường hợp của chị M.K. 27 tuổi, (Tiền Giang) thử trị xoang bằng cách nhỏ nước cốt chanh nguyên chất vào mũi mỗi buổi sáng 3 giọt.

Hai ngày đầu, khi nhỏ chanh vào mũi, chị thấy cực kỳ xót và rát niêm mạc mũi, không chảy dịch nhầy trong mũi như nhiều người khác. Chị lên hội nhóm ở mạng xã hội xin thêm ý kiến thì được hướng dẫn nhỏ thêm giọt, tăng tần suất.

Chị cũng làm theo, sau đó thấy mũi càng rát bỏng, sưng đau, cảm giác nóng, khó chịu trong mũi, nước mũi chảy không ngừng kèm mệt mỏi, mất ngủ, kiệt sức. Chị thực hiện được hơn 1 tuần thấy không hiệu quả nên ngưng.

Triệu chứng vẫn còn kéo dài đến nay, chị khạc ra mủ xanh cùng đọc thông tin trên báo về nguy hiểm của việc này nên vội vàng đi khám.

Qua khám lâm sàng, nội soi mũi họng, bác sĩ Phát ghi nhận niêm mạc mũi bệnh nhân sung huyết, phù nề. Bề mặt niêm mạc có nhiều vùng tổn thương dạng trượt nhẹ dấu hiệu do tiếp xúc thường xuyên với chất kích thích (axit từ chanh); nhiều dịch nhầy, mủ xanh vàng. Lỗ thông xoang phù nề, bít tắc, cản trở dẫn lưu của xoang, có dấu hiệu viêm xoang sàng, xoang hàm hai bên.

Bác sĩ Phát chẩn đoán bệnh nhân K. viêm xoang mạn tính đợt cấp bội nhiễm, viêm niêm mạc mũi do kích thích hóa học. “Viêm niêm mạc mũi do kích thích hóa học là niêm mạc mũi bị tổn thương bởi tác nhân hóa học bên ngoài, trong trường hợp này là axit trong chanh; khác với viêm mũi dị ứng (do cơ địa), hay viêm do virus/bacteria (nhiễm trùng)”, bác sĩ Phát nói.

Theo bác sĩ Phát, bệnh nhân vốn có nền viêm xoang mạn tính, cơ địa nhạy cảm với thời tiết, nên hệ niêm mạc mũi đã yếu. Khi nhỏ trực tiếp nước cốt chanh nguyên chất có tính axit cao vào mũi liên tục, niêm mạc bị kích thích mạnh, dẫn đến phù nề, tổn thương bề mặt và mất khả năng tự bảo vệ.

Vết thương này tạo điều kiện cho vi khuẩn bội nhiễm, làm dịch nhầy chuyển xanh vàng, biểu hiện điển hình của một đợt viêm xoang cấp bội nhiễm trên nền xoang mạn. May thay, bệnh nhân đã dừng việc này và đi khám, điều trị kịp thời; nếu kéo dài, bệnh tiến triển và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn như viêm xoang biến chứng ổ mắt hoặc viêm màng não.

Bác sĩ Phát hút dịch nhầy, giúp thông thoáng mũi xoang cho chị Mỹ, đồng thời kê toa thuốc điều trị, hướng dẫn chăm sóc mũi giai đoạn nhạy cảm, đồng thời hẹn tái khám 1 tuần sau để theo dõi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ, các cơ quan như mắt, mũi, tai còn liên kết mật thiết với hệ thần kinh cảm giác. Dây thần kinh khứu giác, thị giác, thính giác đều bắt nguồn từ não, đi xuyên qua các sọ, phân nhánh đến các cơ quan cảm nhận. Khi bị kích ứng hoặc tổn thương do axit, có thể gây rối loạn dẫn truyền tín hiệu, ảnh hưởng đến khả năng ngửi, nghe, nhìn. Kích ứng kéo dài có thể gây viêm dây thần kinh khứu giác, thính giác, giảm khả năng cảm nhận âm thanh, mùi vị, gây đau đầu dai dẳng. Bệnh khó hồi phục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Môi trường axit cũng làm thay đổi hệ vi sinh vật tự nhiên. Cả mắt mũi tai đều có hệ vi sinh vật cân bằng giúp bảo vệ khỏi vi khuẩn gây hại. Việc nhỏ chanh có tính axit mạnh có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh, tạo điều kiện cho các vi khuẩn, nấm phát triển. Nấm tai, nấm mũi rất dễ phát triển trong điều kiện niêm mạc bị tổn thương và độ pH thay đổi.

Không ít người cho rằng chanh là nguyên liệu thiên nhiên nên lành tính. Tuy nhiên, tự nhiên không đồng nghĩa với an toàn khi sử dụng sai cách hoặc sai mục đích. Ngộ nhận rằng tự nhiên lành tính là một cái bẫy. Sử dụng sai cách không những không điều trị bớt bệnh mà còn có thể gây các biến chứng, tốn kém chi phí nhiều lần so với điều trị ban đầu.

Bác sĩ Phát cũng nhấn mạnh rằng, các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng các sản phẩm được chiết xuất từ chanh và tinh chế kỹ lưỡng, như xịt mũi chiết xuất từ cùi chanh, mới có thể đảm bảo độ an toàn cho niêm mạc mũi nhạy cảm. Việc sử dụng nước cốt chanh tươi nguyên chất không qua xử lý có thể chứa vi khuẩn và nấm men gây hại.

Do đó, bác sĩ khuyên rằng chúng ta không nên tự ý nhỏ bất cứ chất lạ nào vào mắt, mũi, tai, vì có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe không thể lường trước được. Việc điều trị bệnh cần được thực hiện theo chỉ định của bác sỹ và các phương pháp điều trị đã được kiểm chứng.