Nhắn tin đe dọa Chủ tịch tỉnh, TP: Vì sao tội danh khác nhau?

(Kiến Thức) - Đối tượng nhắn tin đe dọa Chủ tịch TP Đà Nẵng đang bị điều tra hành vi “đe dọa giết người” trong khi đối tượng đe dọa Chủ tịch Bắc Ninh bị truy tố tội “Khủng bố”.

Nhắn tin đe dọa như thế nào được coi là tội phạm?
Vụ việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị đối tượng Đào Tấn Cường (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng nhắn tin đe dọa đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trước đó, vào tối 19/8, C45 (Bộ Công an) đã tiến hành bắt khẩn cấp ông Đào Tấn Cường để điều tra hành vi "Đe dọa giết người" khi ông Cường được cho là nhắn tin với nội dung đe dọa gửi đến số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ, UBND thành phố Đà Nẵng. Ngày 20/8, Cục Cảnh sát hình sự đã tiến hành di lý nghi can Đào Tấn Cường ra Hà Nội, để phục vụ công tác điều tra.
Nhan tin de doa Chu tich tinh, TP: Vi sao toi danh khac nhau?
 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh VNN
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã đưa ra những phân tích về việc nhắn tin đe dọa như thế nào được coi là tội phạm?
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác.
“Hành vi đe dọa giết người thể hiện bằng lời nói, hành động như tuyên bố bằng lời, viết thư, gửi tin nhắn qua điện thoại, thư điện tử hoặc đe dọa bằng dao, gậy, súng… Hành vi đe dọa giết người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đối với người bị đe dọa. hành vi dù là trực tiếp hay gián tiếp đe dọa nhưng phải làm cho người bị đe dọa tin rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết người. Căn cứ để xác định mức độ đe dọa nguy hiểm đến tính mạng với nạn nhân phụ thuộc vào sự đánh giá qua các tiêu chí: nhân thân của người đe dọa và người bị đe dọa, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn khi có hành vi đe dọa giết người,…”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
Luật sư Thơm cho biết thêm: “Đối với việc đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc lý do công vụ của nạn nhân được thể hiện việc thi hành công vụ hay lý do công vụ đó có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội nên đối tượng đã chủ động đe dọa giết nạn nhân. Động cơ mục đích nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ được giao. Tội đe dọa giết người được qui định tại Điều 103 BLHS 1999 với hình phạt cao nhất đến 07 năm tù khi thuộc 1 trong các trường hợp: Đối với nhiều người; Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân,…”.
Tại sao cùng nhắn tin đe dọa lại có những tội danh khác nhau?
Việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bị nhắn tin đe dọa không phải là vụ việc duy nhất lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố bị nhắn tin đe dọa, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – ông Nguyễn Tử Quỳnh cũng bị một số đối tượng nhắn tin đe dọa. Trong khi đối tượng Đào Tấn Cường đang bị điều tra hành vi "Đe dọa giết người" thì trước đó đối tượng Nguyễn Trọng Phương (SN 1980, ở Ba Đình, Hà Nội) – kẻ nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị truy tố tội “khủng bố”. Vì sao cùng nhắn tin đe dọa lại bị điều tra truy tố những tội danh khác nhau?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm lý giải, trong trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần, xâm phạm tự do thân thể của người khác, nhưng không nhằm gây sự hoảng sợ trong công chúng, không nhằm chống chính quyền nhân dân thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng như Tội đe dọa giết người theo Điều 103 BLHS.
Nhan tin de doa Chu tich tinh, TP: Vi sao toi danh khac nhau?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
“Về mặt khách quan đều có hành vi giống nhau nhắn tin đe dọa xâm phạm tính mạng đến người có chức vụ quyền hạn đang thực thi công vụ. Nhưng động cơ mục đích phạm tội là khác nhau”, Luật sư Thơm cho hay.
“Đối với Tội khủng bố theo Điều 84 BLHS mà các đối tượng phạm tội ở Bắc Ninh đã bị đưa ra xét xử thì thấy việc các đối tượng phạm tội nhắn tin đe dọa xâm phạm tính mạng Cán bộ, Công chức nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân vì giữa đối tượng phạm tội với Cán bộ, công chức không có quan hệ hay mâu thuẫn cá nhân. Chỉ vì những chủ trương chính sách do lãnh đạo Tỉnh ban hành theo qui định của pháp luật đã bị cho rằng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng nên đã đe dọa ngăn cản thực thi các qui định đó”, Luật sư Thơm phân tích.
“Đối với việc xảy ra ở Đà Nẵng, nếu kết quả điều tra xác định do mâu thuẫn trong việc điều hành quản lý hành chính của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến đối tượng phạm tội nên đã thù tức đe dọa giết người thì hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của Tội đe dọa giết người. Hành vi phạm tội được xác định do mâu thuẫn cá nhân, không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video Bắt 2 đối tượng nhắn tin đe doạ Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh - Nguồn VTC16:
Điều 103. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Thông tin chính thức vụ PCT quận Thanh Xuân đỗ xe ăn bún có gì mới?

(Kiến Thức) - Lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân đã thông tin chính thức về vụ việc bà Lê Mai Trang - Phó chủ tịch UBND quận - "đi ăn bún điều lãnh đạo phường trông xe".

Liên quan đến việc bà Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang và bà Huỳnh Thị Mỹ Dung - Giám đốc trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Thanh Xuân đi ôtô ăn bún trên phố Nguyễn Quý Đức (Hà Nội) và “điều” lãnh đạo phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ra trông xe gây xôn xao dư luận, chiều 18/7, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Đặng Hồng Thái - Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã thông tin chính thức đến báo giới.
Thong tin chinh thuc vu PCT quan Thanh Xuan do xe an bun co gi moi?
Hình ảnh bà Mai Trang và bà Dung được ghi lại bởi camera người dân trước đó.
Thong tin chinh thuc vu PCT quan Thanh Xuan do xe an bun co gi moi?-Hinh-2
 Khu vực nơi xảy ra sự việc bà Lê Mai Trang và Huỳnh Thị Mỹ Dung đỗ xe ô tô để đi ăn trưa.
Theo ông Đặng Hồng Thái, sự việc xảy ra vào khoảng 12h ngày 7/7, bà Lê Mai Trang cùng bà Mỹ Dung đi ô tô mang BKS 29A-488.76 (do bà Dung lái), đỗ xe tại khu vực đầu hồi nhà C17 đường Nguyễn Quý Đức. Sau đó, chị L. (chủ quán cafe nhà C17 Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và một phụ nữ không đồng ý cho đỗ xe ở đó. Tiếp đó, chị L. và bà Trang, bà Dung có sự tranh luận, rồi bà Trang và bà Dung để xe đó đi ăn.
Thong tin chinh thuc vu PCT quan Thanh Xuan do xe an bun co gi moi?-Hinh-3
 Ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) thông tin về việc bà Trang và bà Dung đi ô tô ăn bún "điều" lãnh đạo phường Thanh Xuân Bắc đến trông xe.
"Do địa điểm diễn ra sự việc gần trụ sở UBND phường Thanh Xuân Bắc và có sự phản ánh của người dân về tình hình an ninh trật tự, ông Vũ Minh Lộ - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc và một công an phường đến nơi xảy ra sự việc để nắm bắt tình hình vụ việc", ông Thái thông tin.
Theo ông Thái: "Quan điểm của quận Thanh Xuân là xem xét, giải quyết vụ việc một cách nghiêm túc, công tâm, khách quan, đúng người, đúng việc, sai đến đâu xử lý đến đó. Việc đồng chí Chủ tịch UBND phường và Trưởng Công an phường Thanh Xuân Bắc trông xe cho đồng chí Dung và Trang là không đúng".
Mời độc giả xem video Sợ bị cẩu xe, tài xế đồng loạt dùng cách này để "lách luật" - Nguồn: VTC News:
Trước câu hỏi của nhiều phóng viên, thời điểm xảy ra sự việc bà Trang đang đối thoại với người dân nhưng vẫn bỏ đi, ông Thái cho hay: "Trong clip xuất hiện trên mạng xã hội chỉ có hình ảnh, không có ngôn ngữ trao đổi giữa đồng chí Trang và bà L., giữa hai người cãi nhau là như thế nào chúng tôi sẽ trao đổi lại với đồng chí Trang để có hành động cư xử đúng đắn".
Nói về việc bà Mai Trang bị nhắn tin đe dọa, chửi bới sau sự việc xảy ra, ông Thái cho hay: "Tin nhắn đe dọa, chửi bới đồng chí Mai Trang có những hành văn không có tính tích cực và liên quan đến tính chính trị và đồng chí Mai Trang đã gửi lên công an quận và trực tiếp tôi đã xem".
Thong tin chinh thuc vu PCT quan Thanh Xuan do xe an bun co gi moi?-Hinh-4
Bà Lê Mai Trang -  Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.

Liên quan đến sự việc, cơ quan công an đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính đối với Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc - Vũ Minh Lộ về lỗi điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung bị phạt lỗi đỗ xe ô tô không đúng nơi quy định, theo quy định của Nghị định số 46 của Chính phủ.

Gái trẻ tức tối phóng hỏa đốt nhà, thì ra vì lý do "củ chuối" này

(Kiến Thức) - Nhắn tin đòi bạn trai lớn tuổi về nhà nấu cơm cho ăn nhưng lâu không thấy tin nhắn trả lời, cô gái trẻ tức tối phóng hỏa đốt nhà.

Mới đây, cảnh sát Giang Tây đã tiếp nhận một vụ việc tương đối kỳ quặc, khiến nhiều người khó có thể tin được. 
Anh Mã, 43 tuổi và bạn gái của mình là cô Tiểu Chương, 27 tuổi tuy chưa kết hôn nhưng cũng đã sống chung với nhau như vợ chồng. Bình thường, Tiểu Chương chỉ ở nhà, được anh Mã chiều chuộng. Gần đây, cô muốn đi làm lại để kiếm thêm chút tiền tiêu vặt và ngày hôm đó là ngày đầu tiên Tiểu Chương đi làm. 

Bài viết của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm Ngày truyền thống CAND

Kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống CAND, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới".

Kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới". TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết.

Từ đầu thế kỷ 21, thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cuộc cách mạng gắn liền với sự phát triển của không gian mạng, hợp nhất công nghệ vật lý, kỹ thuật số và sinh học, kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể, làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cuộc cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị. Sự kết nối và tương tác thông qua Internet đã mở ra một kỷ nguyên mới thúc đẩy tiến trình phát triển xã hội của nhân loại. Không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành và đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Do vậy, phát triển và làm chủ không gian mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các nước trên thế giới.

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà không gian mạng đem lại, các nước cũng phải đối mặt với các nguy cơ, như: Chiến tranh mạng, gián điệp mạng, tấn công mạng, tội phạm mạng và nhiều vấn đề phức tạp mới. Đối với Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, tội phạm mạng gia tăng hoạt động tấn công mạng nhằm thu thập thông tin, bí mật nhà nước, bí mật nội bộ, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống mạng thông tin; sử dụng Internet, nhất là các trang mạng xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia. Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn, có trọng tâm, trọng điểm; sử dụng các trang mạng, blog liên tục đăng tải các bài viết có nội dung xấu, độc hại; tổ chức các chiến dịch công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Bai viet cua Chu tich nuoc nhan ky niem Ngay truyen thong CAND
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho các điển hình tiên tiến trong lực lượng Cảnh sát nhân dân ngày 11/7/2017. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN 
Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong các lĩnh vực gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng; xây dựng không gian mạng an toàn, trở thành nguồn lực mạnh mẽ để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17/6/014 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành, địa phương, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới có bước phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tăng cường. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ viễn thông, Internet, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông được xác lập và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng được xây dựng và từng bước hoàn thiện. Công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia, tội phạm mạng được tiến hành khẩn trương, có hiệu quả. Việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ trên không gian mạng được chú trọng. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tăng cường.

Tuy nhiên, tình hình mất an toàn thông tin mạng tại một số nơi còn diễn ra phức tạp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng thông tin quốc gia chưa đồng bộ, hiệu lực thi hành chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng còn sơ hở, chưa theo kịp tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là đối với báo điện tử, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, thuê bao di động trả trước, hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn chủ quan, sơ hở trong quản lý thông tin nội bộ, bí mật nhà nước; chưa nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng như tính chất nguy hiểm trong âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm mạng chống phá ta trên không gian mạng; công tác phòng ngừa còn để lộ, lọt bí mật nhà nước, bí mật nội bộ trên mạng…

Thời gian tới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam nhanh chóng đón bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, phát triển văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, sự phát triển của các dịch vụ, nhất là mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và xu hướng chuyển dịch hoạt động các mặt của đời sống xã hội lên không gian mạng đang đặt ra những thách thức gay gắt với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Với xu hướng kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể, Internet kết nối vạn vật và các hệ thống, hoạt động tấn công mạng của các thế lực thù địch, tội phạm mạng sẽ ngày càng gia tăng, không chỉ dừng lại ở mục đích thu thập thông tin bí mật, mà còn phá hoại cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, thậm chí trở thành những loại vũ khí nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, được sử dụng song hành cùng các loại vũ khí truyền thống một khi xung đột vũ trang xảy ra.

Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Nâng cao nhận thức và năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với những nguy cơ tấn công, phá hoại từ không gian mạng. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể, giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, an ninh mạng; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong bảo vệ an toàn, an ninh mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tập trung xây dựng, ban hành Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Quy định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, an ninh mạng và quy trình thẩm định phương án, biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng mà đặc biệt là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin liên quan đến hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định phương án, biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng trước khi triển khai. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải thường xuyên được kiểm tra, đánh giá dưới góc độ an toàn, an ninh mạng từ giai đoạn thiết kế, xây dựng đến khâu vận hành.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ viễn thông, Internet theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tập trung quản lý các loại hình thông tin trên mạng, nhất là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog; có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các trang thông tin điện tử, blog có nội dung xấu, độc hại, tin nhắn rác; quản lý chặt chẽ thuê bao di động trả trước và dịch vụ Internet. Có quy định để doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia và lợi ích của người sử dụng; phải đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước ta. Ban hành bộ quy tắc ứng xử của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phòng, chống hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, bôi nhọ, vu khống trên không gian mạng.

Rà soát, quy hoạch các cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, giám sát chặt chẽ các luồng kết nối Internet quốc tế; kịp thời ngăn chặn các hoạt động tấn công mạng và chặn lọc thông tin gây nguy hại đến an ninh quốc gia; phân định rõ hoạt động cung cấp dịch vụ mang mục đích thương mại và hoạt động của các cơ quan hành chính nhằm bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật, bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý cả về hành chính và kỹ thuật. Xây dựng cơ chế phối hợp, thực hiện tốt công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Tăng cường quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, nhất là trang thông tin điện tử, báo điện tử theo quy định của pháp luật; kịp thời định hướng để báo chí tuyên truyền có hiệu quả, cung cấp thông tin chính thống đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về các sự kiện phức tạp, nhạy cảm, nhất là các sự kiện được dư luận quan tâm. Xây dựng quy chuẩn văn hóa của những người đưa thông tin lên mạng, như không đưa tin thất thiệt, không rõ nguồn lên mạng…; đồng thời, phải có chế tài đối với những người vi phạm, đưa tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội. Chấn chỉnh trật tự, kỷ cương, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, tích cực góp phần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Kiện toàn tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng lực lượng bảo vệ an toàn, an ninh mạng tinh nhuệ, hiện đại. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt làm việc trong các cơ quan, tổ chức bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Có cơ chế huy động, hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp về công nghệ bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong nước lớn mạnh, làm chủ thị trường; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đủ năng lực tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tham gia các công ước, thoả thuận quốc tế về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Triển khai có hiệu quả các nghị định thư, thoả thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm mạng đã ký kết với các nước. Chủ động rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an toàn, an ninh mạng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức, tập đoàn kinh tế có trình độ phát triển cao về công nghệ thông tin để đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

GS. TS. Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam