Nghề lạ ở Việt Nam: Cây mọc dại bờ rào mang về trồng 3 tháng là thu hoạch, dân hái ngọn bán quanh năm, thành đặc sản nổi tiếng

Nhờ hương vị độc đáo, dễ trồng, giá trị kinh tế cao, loại rau dại này đang được nhiều nông dân đưa về trồng tại các vùng đất mới như Tây Nguyên, mở ra hướng đi bền vững và hiệu quả cho người làm nông.

Rau dạ hến là một trong những loại rau rừng đặc sản quen thuộc của đồng bào vùng cao Tây Bắc. Loài rau này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như rau khai, rau bồ khai, dây hương, rau nghiến hay rau ngót leo. Thoạt nhìn, rau dạ hến có phần giống rau bồ ngót, song điểm khác biệt nằm ở phần ngọn mập mạp, có hình dáng tựa như đọt su su non. Lá của cây cũng to, dày và bóng hơn.

Khi còn tươi sống, rau có mùi hăng đặc trưng, thứ hương ngai ngái mà không phải ai cũng ưa ngay từ lần đầu thưởng thức. Thế nhưng, với những người đã “phải lòng” loài rau rừng này, mùi thơm đó lại chính là điểm thu hút.

Từ khoảng tháng 2 đến tháng 7 âm lịch là thời điểm rau dạ hến vào mùa, xanh tốt và mọc nhiều trong rừng, hoặc được người dân trồng ở bờ rào. Người dân địa phương thường lên núi hái về, chọn những ngọn non mơn mởn để chế biến. Rau có thể luộc, nhúng lẩu, nhưng ngon nhất vẫn là đem xào với tỏi hoặc thịt bò. Khi nấu chín, rau dậy mùi thơm nồng, vị đậm đà, hơi ngăm ngăm, vừa lạ miệng vừa đầy chất núi rừng.

Ngày nay, rau dạ hến không chỉ xuất hiện trong bữa cơm của người dân bản địa mà còn góp mặt trong thực đơn của nhiều quán ăn vùng cao, được bán trên chợ mạng và các chợ truyền thống ở thành phố. Giá rau dạ hến lên tới 100.000 đồng/kg.

Vì mang lại giá trị kinh tế, gần đây nhiều hộ gia đình vùng cao đã mở rộng mô hình trồng rau dạ hến ở vườn nhà hoặc trên đồi để bán cho thương lái đi khắp các tỉnh thành. Rau dạ hến trồng khoảng 2-3 tháng sau khi giâm hom thì có thể bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên. Cây này có thể cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt là vào mùa mưa, và có thể thu hoạch liên tục sau mỗi 4-5 ngày bằng cách cắt tỉa các ngọn non

Vốn là con em của vùng đất cà phê Đan Phượng, anh Minh đã có nhiều năm gắn bó với vườn cà phê của gia đình tại Lâm Đồng. Trước kia, mảnh vườn ấy chủ yếu trồng cà phê, về sau có xen thêm bơ và mắc ca để đa dạng hóa nguồn thu nhập. Thế nhưng, khi giá cà phê bấp bênh, lại thêm nỗi lo thiếu nhân công mỗi vụ thu hoạch, anh Minh quyết định phải tìm hướng đi mới.

Năm 2017, qua lời giới thiệu của một cán bộ khuyến nông, anh mạnh dạn thử nghiệm trồng rau dạ hến, một loại rau đặc sản miền núi Tây Bắc vốn nổi tiếng với vị giòn ngọt, hương ngai ngái đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao. Nhiều người e ngại loài rau rừng này không hợp khí hậu Tây Nguyên, nhưng anh Minh lại tin vào sức sống mãnh liệt của giống rau thân leo này.

Anh không trồng rau dạ hến trên ruộng riêng, mà tận dụng không gian dưới tán cây sầu riêng, cây bơ để tạo thành mô hình vườn đa tầng. Nhờ đó, không chỉ tối ưu diện tích mà còn tạo ra môi trường mát mẻ, tự nhiên cho rau phát triển. Là cây trồng ưa khí hậu mát, rau dạ hến bén rễ rất nhanh, chỉ sau vài tháng là bắt đầu cho thu hái những ngọn non đầu tiên.

Rau dạ hến chỉ cần trồng một lần, đến khi cây cao khoảng 60 cm thì bắt đầu bấm ngọn để thu hoạch. Càng hái, cây càng đẻ nhiều đọt non, mỗi ngày mỗi xanh rì, cho năng suất đều đặn. Khi thấy cây có dấu hiệu già cỗi, anh Minh hạ gốc sát mặt đất – chỉ một thời gian sau, thân mới lại vươn ra, tiếp tục cho vụ mới.

Từ vài luống ban đầu, hiện nay anh Minh đã mở rộng diện tích trồng rau dạ hến lên tới 1 hecta. Cùng với các loại rau bản địa khác như rau lỗ bình, bầu đất, mô hình vườn của anh trở thành một không gian trồng rau sinh thái theo hướng thuận tự nhiên. Mùa khô, anh để cỏ mọc tự nhiên phủ kín đất giữ ẩm. Khi cỏ cao, anh cắt ủ lại gốc cây để tạo lớp mùn xanh, vừa giữ nước, vừa bồi bổ cho đất.

Không chỉ chăm chút sản phẩm, anh Minh còn chủ động quảng bá nông sản qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook. Những hình ảnh về vườn rau xanh mướt, những clip chia sẻ cách chăm sóc rau thuận tự nhiên đã giúp anh tiếp cận nhiều khách hàng tại Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.

Với năng suất khoảng 2 tạ/sào/đợt hái, giá bán sỉ trung bình 50.000 đồng/kg, cùng các nguồn thu khác từ rau rừng, cà phê nhân xanh và mắc ca, mỗi năm mô hình canh tác của gia đình anh Minh mang về từ 400 đến 500 triệu đồng – một con số đáng mơ ước đối với nhiều hộ nông dân hiện nay.

Cũng làm giàu từ trồng rau dạ hến, anh Ma Văn Sa (ở Đắk Lắk) mở rộng diện tích trồng rau đặc sản này lên 1ha. Ban đầu anh chỉ mua giống về trồng để ăn, nhưng thấy rau dễ sống, lớn nhanh, lại có mùi vị đặc biệt nên anh mạnh dạn mở rộng diện tích lên 1 hecta.

Không ngờ, thứ rau tưởng như bình dị ấy lại trở thành mặt hàng “đắt khách”. Người dân quanh vùng rủ nhau tìm mua, nhiều nhà hàng, quán ăn, thậm chí cả tiệc cưới trên địa bàn huyện cũng đặt hàng đều đặn. Dù đã tăng sản lượng, anh Sa vẫn không đủ rau để bán.

Rau dạ hến được trồng theo hướng thuận tự nhiên, ít tốn công chăm sóc. Trong mùa mưa, rau phát triển tốt, mỗi ngày anh hái được khoảng 10 kg, bán với giá 50.000 đồng/kg, thu về khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Mùa khô khắc nghiệt hơn, nước tưới hạn chế, nhưng cứ 3–4 ngày anh vẫn có thể thu được 10 kg, thu nhập gần 500.000 đồng/lần hái.

Nhờ mô hình trồng rau đơn giản, dễ nhân rộng, lại phù hợp với điều kiện khí hậu Tây Nguyên, anh Sa đang dần có nguồn thu nhập ổn định, bền vững. 

Bạn có thể quan tâm