Đau đáu trong lòng vì nhiều liệt sĩ chưa được “về nhà”
Gần 20 năm qua, những bước chân âm thầm lặng lẽ của thầy Hồ đã tạo nên những cuộc hội ngộ đầy xúc động. Thầy giáo với mái tóc đã pha màu sương cùng chiếc xe cũ kỹ, chiếc máy ảnh nhỏ nhắn rảo bước qua hơn hàng nghìn nghĩa trang để làm một điều đặc biệt. Đó là chụp ảnh, thu thập dữ liệu từ những phần mộ của các thế hệ anh hùng, hy sinh anh dũng trên chiến trường tạo thành kho thông tin khổng lồ để người nhà liệt sĩ tìm được người thân. Bên cạnh đó, những phần mộ khuyết danh, ông cũng tìm mọi cách để tìm quê quán cho người nằm yên dưới nền đất lạnh…
Sau khi tốt nghiệp khoa Toán, trường ĐH Vinh năm 1981, thầy Hồ quyết định khoác balo, soạn hành lý di chuyển từ quê nhà Hà Tĩnh vào khu vực Đông Nam Bộ, vừa bắt đầu công việc dạy học, vừa thực hiện tâm nguyện lớn lao của bố là tìm mộ của anh trai.
Hàng chục năm trời dãi nắng dầm sương, hành trình tìm mộ của anh trai được thầy giáo gọi là “mò kim đáy bể”. Bởi lẽ, mọi thông tin dần dà qua năm tháng cũng mai một, đồng đội của anh trai cũng không còn nhiều. Có người thì nói anh trai vẫn còn sống chỉ là lưu lạc ở đâu đó, có người thì bảo đã hy sinh trên đất Quảng Trị…

Cứ mỗi khi trống tiết, không có giờ lên lớp giảng dạy, thầy Hồ lại chạy rong ruổi ở các nghĩa trang nuôi hy vọng tìm được phần mộ của anh trai mình. Cuối cùng, sự kiên nhẫn suốt nhiều năm đã giúp thầy Hồ nhận được nhiều manh mối quan trọng.
Lần mò theo những thông tin còn sót lại trên những bằng khen danh dự của anh trai, thầy Hồ tìm đến chiến khu năm ấy, gặp những cán bộ bảo quản tàng thư, lưu trữ. Thầy Hồ không chỉ tìm được bản danh sách liệt sĩ mà còn có cả sơ đồ mộ chí của 7 liệt sĩ, trong đó có anh trai của mình.
Tâm nguyện của bố cuối cùng đã được thầy Hồ thực hiện. Trong khoảnh khắc tưởng như nhẹ nhõm ấy, thầy Hồ lại trăn trở nhiều suy nghĩ. Bởi nếu thầy có thể tìm được người thân giữa bao mịt mùng thông tin như thế, thì biết bao gia đình khác ngoài kia cũng đang khắc khoải chờ một phép màu tương tự.
Năm 2008, thầy Hồ bắt đầu hành trình “thầm lặng” của mình, rong ruổi khắp các nghĩa trang cùng chiếc điện thoại mà ông tâm sự chỉ dùng để “nghe và gọi” và chiếc máy ảnh kỹ thuật số cũ kỹ để bắt đầu thực hiện dự án ý nghĩa của mình. Ông thành lập website riêng, với tên gọi “Người đưa đò” - cái tên như nói về nghề nghiệp trân quý của mình và cũng là hành động “đưa” liệt sĩ tìm lại người thân.
Nói về khó khăn, thầy Hồ cho biết đó là một câu chuyện dài, khi đặt chân đến một nghĩa trang lại có nhiều trở ngại khác nhau từ thời tiết, quãng đường di chuyển, thông tin bị thất lạc, hồ sơ về liệt sĩ đôi khi là tài liệu mật nên cũng ít được tiết lộ nhiều…
Dẫu vậy, thầy Hồ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, hình ảnh người thầy lặng lẽ trên con xe cũ kỹ, chạy ven theo các con đường làng đến các nghĩa trang ở TP.HCM, Tây Ninh… cho đến những tỉnh thành ở Tây Nam Bộ. Có những đoạn đường di chuyển hàng trăm, hàng nghìn cây số ông vẫn không ngại đến tận nơi tìm kiếm, chụp ảnh và ghi lại thông tin của các liệt sĩ.

"Thời gian chụp ảnh không lâu bằng xử lý hình ảnh. Tôi dành cả hàng chục ngàn giờ làm việc. Mỗi tấm ảnh đều được chú thích đầy đủ thông tin liệt sĩ. Tên của mỗi tấm ảnh chính là tên của liệt sĩ để người thân vào gõ tìm theo thứ tự chữ cái nhanh chóng và dễ dàng, được đồng bộ hóa hình ảnh giống nhau về kích thước, rồi mới đăng lên trang website cá nhân của tôi lập ra dành cho người thân liệt sĩ muốn tìm kiếm thân nhân thất lạc…” - ông chia sẻ thêm về quy trình thực hiện hỗ trợ gia đình liệt sĩ tìm mộ của người thân đã hy sinh trong thời chiến.
Bên cạnh sự tâm huyết thực hiện ước nguyện của mình là giúp người nhà các liệt sĩ tìm được mộ phần của người thân, thầy còn là người vui tính, lúc nào cũng lạc quan, yêu đời. Trên trang cá nhân, thầy còn tự nhận mình là "lão khùng", lý giải về biệt danh này, thầy tâm sự: “Chụp bia mộ từ sáng sớm đến khi tắt nắng, chỉ nghỉ ăn trưa 30 phút, chụp được có khi 8.000 ảnh một ngày rồi đem về ngồi máy tính từ sáng sớm đến khuya xử lý ảnh, lọc thông tin hồ sơ liệt sĩ đưa lên mạng xã hội. Có khi lại nhận tin nhắn, email phải phản hồi liên tục không ngừng nghỉ… nếu không “khùng” chắc không làm được. Mạng xã hội vẫn cứ gọi tôi là lão khùng, tôi thấy hay hay”.
“Chẳng nhớ nước mắt rơi bao nhiêu lần…”
Trong suốt gần 20 năm qua, đã có hơn 10.000 gia đình tìm thấy được mộ của liệt sĩ bị thất lạc, thầy Hồ không giấu được niềm vui và sự xúc động khi làm cầu nối giúp những chiến sĩ anh dũng tìm được đường để về nhà sau bao năm xa cách, nằm lại nơi chiến trường.

Về chi phí di chuyển, thầy Hồ cho biết đều được trích từng đồng lương và cả lương hưu mà thầy đã nhận. Trong những chuyến hành trình của mình, bên cạnh chiếc balo chứa thiết bị ghi, chụp thì còn có hình bóng của người vợ hậu phương, lúc nào cũng ủng hộ chồng.
Có những chuyến đi, hai vợ chồng đèo nhau trên con xe cũ, chấp nhận nắng mưa, trơn trượt, lạc đường, xe hư để làm điều ý nghĩa.
“Không chỉ giúp người nhà các liệt sĩ cải táng mà tôi còn vận động, quyên góp cho những gia đình liệt sĩ còn bố, còn mẹ để chia sẻ sự yêu thương, kính trọng đối với những thế hệ hy sinh anh dũng để bảo vệ đất nước” - thầy Hồ nghẹn ngào tâm sự.
Trong suốt hàng chục năm nay, thầy giáo hy sinh thời gian nghỉ ngơi của mình, hy sinh luôn cả những khoản lương hưu để giúp các gia đình liệt sĩ tìm được người thân. Khi được hỏi: “Thầy đã cho đi rất nhiều, vậy thầy đã nhận lại gì trong suốt năm tháng vừa qua?”.
Thầy trầm ngâm, khảng khái đáp: “Tôi nghĩ hạnh phúc của gia đình liệt sĩ cũng là hạnh phúc của tôi. Vì thế, tôi vẫn bước tiếp trên hành trình này để hoàn thành trách nhiệm của mình và gieo mầm những tia hy vọng để người nhà liệt sĩ có thể tìm được người thân của mình đang nằm ở một nơi lạnh lẽo nào đó trên khắp các tỉnh thành. Bên cạnh đó, đi khắp nơi tôi học được nhiều thứ, tôi thấy sức khỏe tinh thần của bản thân được cải thiện nhiều hơn, như vậy đã quá đủ…”.

Dù hành trình tìm kiếm không ít nhọc nhằn, nhưng đối với thầy Hồ, mọi gian khổ đều trở nên xứng đáng khi được chứng kiến những khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa của các gia đình liệt sĩ. Đó là những giọt nước mắt của người con chưa từng được gọi tiếng “ba”, "bố"... lớn lên trong nỗi khắc khoải và chờ đợi một ngày tìm được nơi yên nghỉ của người thân mình. Là ánh mắt rưng rưng của những người mẹ, người cha đã già, vẫn kiên trì nuôi hy vọng đưa con trở về đất mẹ. Mỗi lần tận mắt thấy những xúc cảm dâng trào ấy, ông lại thấy tim mình ấm lại, và chính điều đó trở thành ngọn lửa âm ỉ tiếp sức để ông tiếp tục hành trình dù phải băng rừng, vượt núi cũng không nản lòng.
Hành trình của thầy Hồ không chỉ là những chuyến đi dọc ngang đất nước, mà còn là hành trình của nghĩa tình, của lòng biết ơn và khát vọng kết nối những mảnh ghép ký ức còn dang dở. Mỗi tấm ảnh mà người thầy về hưu thầm lặng lưu giữ không chỉ là một tư liệu quý, mà còn là ánh sáng le lói giữa bao năm tháng mong chờ của những gia đình liệt sĩ. Vì biết đâu mai đây trong hàng trăm nghìn bức ảnh ấy lại có tên của người thân hy sinh trong thời kháng chiến…