Cây lục bình còn có tên gọi khác là bèo Nhật Bản, một loại thực vật thủy sinh quen thuộc trên các ao hồ, kênh rạch ở miền Tây Nam Bộ. Từng bị xem là loài xâm lấn, mọc dày đặc gây cản trở giao thông thủy và chỉ được dùng làm thức ăn cho gia súc, cây lục bình nay đã “đổi đời”, trở thành nguyên liệu chế biến món ăn dân dã, ngon miệng và còn có giá trị dược liệu cao.

Cây lục bình có tên khoa học là Eichhornia crassipes, có nguồn gốc từ lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Loài cây này được du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 để làm cây cảnh nhờ hoa có màu tím xanh đẹp mắt. Tuy nhiên, với tốc độ sinh trưởng nhanh và dễ lan rộng, lục bình sớm phát triển mạnh tại các vùng sông nước, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Lục bình có thân xốp, phình to ở gốc giúp nổi trên mặt nước. Lá mọc tỏa tròn, có cuống dày và bóng, rễ mọc thành chùm dài dưới nước. Hoa mọc thành chùm trên cuống, mỗi bông có 6 cánh màu tím nhạt hoặc xanh lam pha chút hồng.
Trước đây, lục bình thường được nông dân hái về cho lợn ăn, vì thân mọng nước, mềm và dễ tiêu hóa. Người dân còn dùng làm phân xanh, ủ làm chất đốt, hoặc tết thành các sản phẩm thủ công. Thế nhưng, trong những năm gần đây, khi xu hướng ẩm thực quay về với thiên nhiên và thực phẩm sạch lên ngôi, cây lục bình lại bất ngờ được ưa chuộng trở lại.
Phần đọt non và thân non của lục bình có thể chế biến thành nhiều món ăn dân dã mà ngon miệng. Vị giòn giòn, ngọt nhẹ và hương thơm đặc trưng khiến nhiều người yêu thích.

Phổ biến nhất là lục bình xào tỏi hoặc xào chung với đậu đũa, chỉ cần xào nhanh tay để giữ được độ giòn tự nhiên, thêm chút tỏi phi thơm là có ngay món ngon đơn giản mà đưa cơm. Lục bình luộc chấm mắm kho quẹt cũng là món ăn quen thuộc của người miền Tây, vị thanh mát của rau hòa quyện với vị đậm đà của mắm khiến ai đã ăn một lần đều nhớ mãi.
Với những ai thích món khai vị, gỏi lục bình trộn tôm thịt là lựa chọn lý tưởng. Đọt lục bình được trụng sơ, trộn cùng thịt ba chỉ, tôm luộc và rau thơm tạo nên hương vị vừa giòn vừa béo lại không hề ngấy. Ngoài ra, lục bình còn được dùng nấu canh với tép đồng, rất thích hợp trong những ngày hè oi ả.
Trong Đông Y, lục bình có tính mát, vị ngọt, hơi cay nhưng không chứa độc, có tác dụng lợi tiểu, sơ phong, chữa sưng tấy, giải độc và viêm đau như viêm tinh hoàn, viêm hạch bạch huyết, viêm khớp ngón tay, chín mé, sưng nách, sưng bắp chuối ở bẹn, tiêm bị áp xe,… Ngoài các tác dụng này, hoa lục bình còn giúp an thần. Trong đó, thân và lá của cây có công dụng tiêu viêm, giải độc da, giúp chữa ung nhọt, làm giảm sưng. Nó cũng có thế phối trộn với các vị thuốc khác chữa hạch cổ tràng nhạc.
Những tác dụng của cây lục bình với sức khoẻ
Làm đẹp da và chăm sóc tóc
Trong lĩnh vực chăm sóc da, nhiều sản phẩm hiện nay đã sử dụng chiết xuất từ hoa lục bình nhờ vào đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm tự nhiên. Những chiết xuất này được đánh giá là giải pháp an toàn, lành tính giúp cải thiện các vấn đề da liễu. Một mẹo dân gian là nghiền nát hoa lục bình rồi trộn với bột gạo và nghệ để làm mặt nạ hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da như chàm.
Không chỉ tốt cho làn da, hoa lục bình còn có tác dụng chăm sóc tóc. Khi dùng chiết xuất của loài hoa này như một loại dầu gội tự nhiên, mái tóc không chỉ trở nên mềm mượt mà còn lưu lại hương thơm dịu nhẹ, tươi mát.
Cải thiện hệ tiêu hóa và sức khỏe phụ nữ
Trong ẩm thực dân gian, các món ăn từ lục bình – đặc biệt là đọt non xào chung với đậu – được cho là giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Theo y học cổ truyền, lục bình hỗ trợ chức năng lá lách, cải thiện triệu chứng buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng và tiêu hóa kém.

Với phụ nữ sau sinh, lục bình luộc là món ăn được ưa chuộng nhờ khả năng kích thích tiết sữa. Ngoài ra, hoa lục bình còn được sử dụng như một bài thuốc dân gian hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, giúp cơ thể khỏe mạnh và cân bằng hơn.
Tác dụng kháng viêm và hỗ trợ điều trị
Nước ép từ cây lục bình, khi kết hợp với nước chanh, có thể dùng để bôi ngoài da giúp làm giảm viêm và điều trị áp xe. Loại nước ép này cũng thường được dùng để giảm đau rát do viêm họng.
Điều trị rắn cắn và bệnh tả
Một công dụng ít ai ngờ đến của lục bình là hỗ trợ điều trị rắn cắn, đặc biệt với các loài rắn không có độc. Lá cây được giã nát và đắp trực tiếp lên vết thương giúp giảm sưng, làm dịu da và hỗ trợ mau lành. Ngoài ra, thân cây lục bình còn được dùng trong món ăn dân gian để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng bệnh tả như nôn mửa hay buồn nôn.
Lưu ý: Khi dùng lục bình làm rau ăn hoặc thuốc chữa bệnh, cần lưu ý rằng loài cây này có khả năng hút kim loại nặng như chì, thủy ngân nếu mọc ở vùng nước ô nhiễm. Vì vậy, chỉ nên sử dụng lục bình ở nơi nước sạch để tránh nguy cơ ngộ độc. Ngoài ra, không nên ăn quá thường xuyên, vì lục bình dễ tích tụ độc tố nhiều hơn các loại rau khác. Người có cơ địa nhạy cảm cũng nên thận trọng, vì có thể bị kích ứng hoặc ngứa khi dùng.