Giữa những cánh rừng nguyên sinh của Tây Bắc và Tây Nguyên có một loại quả mọc hoang dã, từng bị lãng quên nhưng nay lại trở thành đặc sản quý, đó là quả màng tang. Loài cây này cho ra những chùm quả nhỏ bé nhưng thơm nồng, được ví như “hạt tiêu của núi rừng” nhờ mùi sả đặc trưng và vị cay nhẹ, là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn dân dã và thậm chí còn được dùng để sản xuất tinh dầu.

Theo các tài liệu thực vật học, màng tang có tên khoa học là Litsea cubeba Pers, thuộc họ long não. Cây thường cao từ 5 đến 8 mét, mọc rải rác hoặc tập trung thành cụm nhỏ ở độ cao khoảng 1.500 mét trong rừng thứ sinh. Thời điểm cây ra hoa rơi vào khoảng tháng 2 đến tháng 3, còn mùa thu hoạch quả bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 8 hằng năm. Loài cây này phân bố chủ yếu ở một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan, trong đó tại Việt Nam, màng tang được tìm thấy nhiều ở các tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Gia Lai và Lâm Đồng.
Điểm đặc biệt của quả màng tang là hương thơm rất dễ nhận biết, giống như sả nhưng dịu hơn, thoảng chút cay như tiêu rừng. Tuy nhiên, vị cay này không nồng gắt mà ấm nhẹ, rất thích hợp để làm gia vị trong các món nướng, canh, muối chấm hoặc dùng thay cho sả và tiêu trong nấu ăn. Người dân vùng cao từ lâu đã hái quả màng tang để làm gia vị trong bữa cơm thường nhật, nhưng vài năm trở lại đây, loại quả này được nhiều thực khách ở thành phố, các đầu bếp nhà hàng quan tâm và đặt mua để chế biến món ăn mang hương vị đặc trưng núi rừng.

Theo anh Ngọc – một người chuyên thu mua và bán đặc sản tại Lạng Sơn, màng tang hiện được bán trên thị trường dưới 3 dạng: quả tươi, quả khô và bột nghiền. Giá bán lẻ quả tươi khoảng 70.000 đồng/kg, trong khi bột màng tang có giá lên đến 250.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản phẩm này khá hiếm, không phải lúc nào cũng có, vì phụ thuộc vào mùa thu hoạch và lượng hái được từ rừng.
Không chỉ là gia vị trong ẩm thực, quả màng tang còn được đánh giá cao nhờ hàm lượng tinh dầu cao. Tinh dầu màng tang có mùi thơm dịu nhẹ, được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như dầu xoa bóp, nước tắm thảo dược, xông hơi, khử mùi phòng và xua đuổi côn trùng. Nhiều hộ dân tại các tỉnh miền núi như Sơn La, Kon Tum đã đầu tư thiết bị chưng cất để sản xuất tinh dầu từ quả màng tang. 3 tạ quả tươi có thể chưng cất ra khoảng 8kg tinh dầu nếu được xử lý đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi kỹ thuật cao và phải đảm bảo nhiệt độ ổn định, nếu không sẽ làm giảm chất lượng tinh dầu.

Một điều đáng lưu ý là cây màng tang có vòng đời tương đối ngắn, chỉ khoảng 4 năm là sẽ chết khô. Cây lại mọc lẻ tẻ, không tập trung nên việc khai thác trong tự nhiên ngày càng khó khăn. Vì vậy, nhiều địa phương đã chủ động ươm giống, trồng đại trà trên những vùng đồi trống, vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa tạo sinh kế cho người dân từ sản phẩm tinh dầu và quả khô.