Nàng dâu từ núi rừng

Giờ đây, với dì, cô gái “dân tộc” ấy đúng là một cô con dâu khó kiếm.

Dì tôi có hai con, một trai một gái. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, con trai của dì xung phong lên một huyện miền núi công tác. Biết tin con trai có con với một cô “dân tộc” đã từng một đời chồng, dì stress nặng, đau ốm triền miên. Cô gái ấy xinh đẹp, hát hay, là một phát thanh viên có giọng đọc hút hồn của đài truyền thanh địa phương, nên còn được mọi người ví von là “họa mi của núi rừng”.
Không nhận dâu, dì chối từ luôn đứa cháu nội có cặp mắt “dại dại” như mẹ nó. Cặp mắt… thượng du ấy đã ám ảnh dì suốt một thời gian dài. Cô con dâu mà dì không chấp nhận cũng dằn vặt, đau khổ, xem mình là kẻ tội đồ. Không ít lần cô tự trách mình sao lại yêu một người chưa từng có vợ, lại là con trai duy nhất trong một gia đình nề nếp. Cô biết, mẹ chồng bị sốc, thậm chí căm thù cô đã “hủy hoại” những kỳ vọng của bà vào con trai. Nhiều đêm vợ chồng cô không ngủ, trăn trở làm thế nào để thuyết phục mẹ. Rồi hai vợ chồng quyết định đầu tư làm kinh tế, chuẩn bị cho kế hoạch “tiến về đồng bằng”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Họ thuê người phụ việc, đầu tư mở một quán cơm ngay trung tâm thị trấn. Nhờ cung cách phục vụ và chế biến thức ăn ngon, quán trở thành sự lựa chọn của nhiều thực khách khó tính. Dù vậy, cô luôn động viên chồng đừng bận tâm đến hàng quán, mà năng về thăm mẹ, thuyết phục mẹ. Mỗi chuyến về xuôi, cô tìm mua mật ong rừng, măng rừng, thịt heo rừng, thịt nai, hoặc những đặc sản của rừng để chồng mang về biếu mẹ. Kinh tế khá dần lên, vợ chồng cô nhận phần lo cho em gái học đại học. Dù đang ăn nên làm ra, cô vẫn bàn với chồng chuyển công tác về xuôi, còn cô quyết định nghỉ việc (một quyết định khó khăn với cô) để chăm mẹ, tiếp tục kinh doanh. “Họa mi” đã làm tất cả để mong mẹ chồng chấp nhận cô, nhưng dì tôi vẫn cương quyết không sống cùng với con nhỏ “thượng du” ấy.
Về đồng bằng, vợ chồng phải thuê nhà ở riêng, nhưng vẫn không thôi quan tâm đến mẹ, dù không ít lần bị hắt hủi, la mắng. Thật ra, chẳng người mẹ nào muốn con cái mình đau khổ, nhất là khi các con luôn tỏ ra hiếu thảo, hết lòng vì mẹ. Dì tôi có lần nói về cô con dâu: “Xét cho cùng, nó cũng không có lỗi; tuy khác biệt văn hóa, lối sống, nhưng biết hòa nhập, biết học hỏi, biết sống”. Rồi dần dần dì tôi bắt đầu nhận cháu, nhận dâu. Có cô về, nhà cửa tinh tươm, những món ăn lạ miệng của cô đã thuyết phục được mẹ chồng. Cô làm tất cả không phải “mua chuộc” mà xuất phát từ tấm lòng của một cô gái Cơ tu chân thành, bộc trực. Dì tôi có lần còn tỏ ra ân hận vì những định kiến của mình. Giờ đây, với dì, cô gái “dân tộc” ấy đúng là một cô con dâu khó kiếm.

Nàng dâu - đồng minh đặc biệt của bố chồng

Chung sống với mẹ chồng khó tính, tôi vẫn được xem là cô dâu thảo hiền và “bí quyết” của tôi chỉ có thế: "đồng minh đặc biệt" - bố chồng!

15 năm chung sống cùng bà mẹ chồng khó tính, tôi vẫn được xem là cô dâu thảo hiền và “bí quyết” của tôi chỉ có thế: "đồng minh đặc biệt" - bố chồng!

Làm dâu khi tuổi còn trẻ, lúc ở nhà mẹ đẻ, tôi là con út nên được anh chị nhường nhịn, gánh đỡ cho mọi việc. Vậy nên những ngày đầu làm vợ, làm dâu của tôi thật khó khăn bên bà mẹ chồng khó tính. Đã vậy, bà còn quán triệt: "Bố mẹ chỉ có mình vợ chồng con nên không có chuyện sống riêng".

Chồng tôi là con một, lại thuộc diện con hiếm muộn nên anh ấy như một vị vua con trong nhà. Mọi việc liên quan đến anh, mẹ chồng tôi quan tâm từng ly từng tí. Mẹ nói nhiều với tôi về sở thích ăn uống của anh, chỉ đạo tôi thay đổi món thế nào, mùa đông mùa hè cần thay đổi ra sao. Ban đầu, tôi xem đó là việc đương nhiên, vì với người vợ, chăm sóc chồng cũng là một hạnh phúc. Nhưng sau đó tôi thấy không ổn và muốn anh cũng có sự quan tâm chia sẻ lại với mọi người.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ví như lúc nào cả nhà cũng phải ăn theo sở thích của anh thì thỉnh thoảng anh phải thay đổi theo thực đơn của mọi người. Ăn xong, thay vì chễm chệ ngồi xem ti vi với bố, anh cùng phụ tôi dọn dẹp. Quần áo giặt xong mang xuống, anh giúp treo vào tủ khi tôi bận... Tuy nhiên việc ấy lại không được mẹ chồng ủng hộ, quan hệ mẹ chồng nàng dâu xấu đi khiến cuộc sống của tôi vô cùng ngột ngạt.

Một ngày Chủ nhật, chỉ có tôi và bố chồng ở nhà. Trong bữa cơm, ông bảo: "Mẹ con là người có tính bảo thủ khó sửa, bố con mình phải tìm cách sống chung với nó. Con đừng nặng nề quá, cuộc sống sẽ càng khó khăn, nếu cần bố giúp gì con cứ nói". Thật lạ, chỉ câu nói ngắn ngủi ấy của ông nhưng tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Lâu nay cứ mải lo sợ, đối phó mẹ chồng, tôi quên mất bên cạnh mình vẫn có bố chồng rất quyền uy đối với vợ con.

Sau lần ấy, tôi bắt đầu để ý đến cách sống, ứng xử của bố mẹ chồng. Bố chồng tôi là người điềm tĩnh dù trong gia đình ông không có nhiều ý kiến nhưng vẫn giữ vai trò trụ cột, tiếng nói của ông rất có trọng lượng. Mẹ chồng tôi thường ngày xét nét con dâu, chỉ đạo con trai theo ý mình nhưng mọi công to việc lớn bà vẫn phải chờ tiếng nói của ông. Tôi cũng để ý, mỗi lần mẹ chồng con dâu mâu thuẫn, chồng tôi bênh vợ nhưng chẳng bao giờ dám to tiếng với mẹ. Nhưng cũng cao trào ấy, bố chồng chỉ lên tiếng "bà thôi đi" thì lập tức bà dịu ngay.

Lần nào bà bảo thủ, cao giọng chỉ trích lại chồng, ông tuyên bố: "Bà cứ khiến cả nhà mất vui, tôi cho chúng nó sống riêng đấy. Lúc đó thì bà mất hẳn con trai". Nghe vậy, mẹ chồng tôi lập tức chuyện lớn hoá nhỏ ngay vì hiểu tính ông "đã nói là làm".

Từ đó, tôi âm thầm kéo bố chồng làm đồng minh để hoá giải mâu thuẫn với mẹ chồng, thậm chí bố chồng còn giúp tôi "cải tạo" chồng rất hiệu quả. Trước đây mỗi lần anh có lỗi với vợ, mẹ chồng tôi bênh anh chằm chặp và chỉ trích tôi.Việc đó đã khiến cho chồng tôi đã sai lại càng sai, quan hệ vợ chồng lắm lúc căng như dây đàn. Giờ, tôi chuyển chiến thuật tìm đến bố chồng nhỏ nhẹ tâm sự và nhờ ông khuyên giải, góp ý. Quả nhiên, chồng tôi có thể bất chấp ý kiến của vợ, cãi lại ý của mẹ nhưng lại không thể phớt lờ lời giáo huấn của bố.

15 năm chung sống cùng bà mẹ chồng khó tính, tôi vẫn được xem là cô dâu thảo hiền và “bí quyết” của tôi chỉ có thế: "đồng minh đặc biệt" - bố chồng!

Tình yêu hay là sự đọa đầy?

Tình yêu giống như ánh đèn trong đêm, nó hút người ta bằng ánh hào quang ma mị và kiêu hãnh. 

Chị nói với tôi rằng chị giống một con thiêu thân đã dùng hết sức bình sinh để lao vào cuộc hôn nhân hào nhoáng đó. Tình yêu giống như ánh đèn trong đêm, nó hút người ta bằng ánh hào quang ma mị và kiêu hãnh. Anh là một người đàn ông lý tưởng, vừa đẹp trai vừa thành đạt lại sinh ra trong một ra đình có thế lực.

Chị mê đắm anh vì nhiều lẽ dù tính cách hai người trái ngược nhau và trái tim anh ngay từ khi bắt đầu đã không còn thuộc về chị nữa. Trói buộc anh bằng một đứa con, chị mặc kệ những lời can ngăn, những hệ quả có thể lường trước được. Chị lao vào quầng sáng ấy dẫu nó khước từ chị để rồi tự thiêu rụi mình bằng những ngày sống cảnh vợ chồng ngột ngạt và nhạt nhẽo. Anh coi chị giống như chiếc bóng trong nhà, vô hình đến tội nghiệp. Chị vẫn bền bỉ với thứ tình yêu ấy mong một ngày nào đó anh ngoảnh lại nhìn mình. Nhưng chị mãi cũng vẫn chỉ nhìn thấy chiếc gáy của người đàn ông mình yêu. Tôi nhìn chị và nghĩ ngôi nhà ấy thực ra từ lâu đã biến thành ngôi mồ chôn cất cuộc hôn nhân gượng ép một cách mù quáng. Chị như bông hoa tự thắp lửa mong sưởi ấm khu vườn nhưng ngọn lửa ấy cuối cùng lại tự thiêu rụi từng cánh mỏng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh ngang nhiên yêu một người đàn bà khác. Mua nhà cửa và lui tới thường xuyên chốn ấy như thể đó mới là mái ấm. Sau những ngày dài chỉ biết ngồi đợi chờ mòn mỏi chị đã đứng dậy khuấy động ngôi nhà bằng vài quyển sách nấu ăn, những bình hoa dậy mùi hương sắc, những bộ váy gợi cảm, hay kiểu tóc đã được dày công chau chuốt… Nhưng mỗi lần anh trở về chỉ để gặp con, mua cho thằng bé vài món đồ chơi, kiểm tra qua loa chuyện học hành của nó. Anh còn không buồn nán lại ăn một bữa cơm thì làm gì có thời gian để thưởng hoa và nhìn chị đang mỗi ngày vì anh mà gắng đẹp. Dù không yêu chị và đã chán ngấy cuộc hôn nhân ấy nhưng anh chưa một lần nhắc đến chuyện ly hôn, để chị thấy tuổi xuân của mình giam cầm trong cuộc hôn nhân mà chị tự dấn thân. Nó giống như sự trả giá câm lặng nghiệt ngã dành cho chị.

Trong ngôi nhà đó mọi cố gắng vun đắp là không tưởng. Những ngày nắng chị mở toang tất cả những cánh cửa sổ ngồi ngoẹo cổ trông ra cổng chờ một tiếng dừng xe. Những ngày mưa gió xám xịt và u ám chị không dám rời khỏi giường vì sợ chút hơi ấm cuối cùng cũng bỏ mình mà đi. Những ngày đau ốm hai mẹ con chăm nhau, thìa cháo chưa chạm môi đã đắng ngắt tận tim can. Tôi tự hỏi chị định sống như thế đến bao giờ? Đó gọi là tình yêu hay là sự đọa đầy?

Bỗng một ngày tôi nhận được một cuộc gọi từ chị, cứ nghĩ chị nhắc tôi ghé thăm cho nhà cửa bớt buồn. Không nhờ khi đó chị đã rời thành phố mang theo cậu con trai trở về sống tại quê nhà. Tôi hỏi về sự giải phóng cho cuộc hôn nhân nặng nề ấy? Chị cười bảo “Vì còn có con. Vì không có quyền được chết giống một con thiêu thân nên chị đã chọn cách lầm lũi lê lết bò ra khỏi quầng sáng ấy. Bây giờ thì chị thấy thanh thản hơn nhiều”.

Tôi nghe trong giọng chị như có mưa, hẳn là chưa thể tươi vui khi vừa bước qua mùa giông gió. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi ngang ngôi nhà cũ to đẹp của chị, tường rào bao quanh im ỉm không phát ra một tiếng động nào. Tôi vẫn không khỏi xót xa khi nghĩ rằng chính nơi này đã từng giam hãm tuổi thanh xuân của người đàn bà từng lấy tình yêu làm lẽ sống. Ơn trời là những ngày tháng ấy đã qua…

Tuyệt vọng là người lấp chỗ trống

(Kiến Thức) - Em yêu anh ấy khi anh đã có bạn gái. Là người đến sau, em chỉ dám câm lặng gặm nhấm nỗi đau khổ cùng tình yêu đơn phương của mình.

Em yêu anh ấy khi anh đã có bạn gái. Là người đến sau, em chỉ dám câm lặng gặm nhấm nỗi đau khổ cùng tình yêu đơn phương của mình. Cơ hội đến với em khi anh bị người yêu phản bội, suy sụp, anh nhanh chóng ngã vào vòng tay sẻ chia, an ủi của em. Ngay cả trong mơ em cũng không bao giờ ngờ được có ngày anh ấy lại thuộc về em như vậy. 
Nhưng niềm vui của em vừa lóe lên đã vội tàn, sau hai tháng yêu nhau, anh ấy nói lời chia tay, cầu xin em tha thứ, rằng em chỉ là người lấp chỗ trống trong tim anh, người anh ấy thực lòng yêu chỉ có một và đã ra đi rồi. Em níu kéo thì anh cư xử rất tàn nhẫn với em. Em biết anh làm như vậy là vì để em ghét bỏ, rời xa anh, nên em hận, nhưng lại yêu anh hơn. Giờ em vô cùng tuyệt vọng, có cách nào để trái tim anh ấy thuộc về em không? - Hoàng Giai Ngọc (Hà Nam).