Nàng dâu - đồng minh đặc biệt của bố chồng

Chung sống với mẹ chồng khó tính, tôi vẫn được xem là cô dâu thảo hiền và “bí quyết” của tôi chỉ có thế: "đồng minh đặc biệt" - bố chồng!

15 năm chung sống cùng bà mẹ chồng khó tính, tôi vẫn được xem là cô dâu thảo hiền và “bí quyết” của tôi chỉ có thế: "đồng minh đặc biệt" - bố chồng!
Làm dâu khi tuổi còn trẻ, lúc ở nhà mẹ đẻ, tôi là con út nên được anh chị nhường nhịn, gánh đỡ cho mọi việc. Vậy nên những ngày đầu làm vợ, làm dâu của tôi thật khó khăn bên bà mẹ chồng khó tính. Đã vậy, bà còn quán triệt: "Bố mẹ chỉ có mình vợ chồng con nên không có chuyện sống riêng".
Chồng tôi là con một, lại thuộc diện con hiếm muộn nên anh ấy như một vị vua con trong nhà. Mọi việc liên quan đến anh, mẹ chồng tôi quan tâm từng ly từng tí. Mẹ nói nhiều với tôi về sở thích ăn uống của anh, chỉ đạo tôi thay đổi món thế nào, mùa đông mùa hè cần thay đổi ra sao. Ban đầu, tôi xem đó là việc đương nhiên, vì với người vợ, chăm sóc chồng cũng là một hạnh phúc. Nhưng sau đó tôi thấy không ổn và muốn anh cũng có sự quan tâm chia sẻ lại với mọi người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ví như lúc nào cả nhà cũng phải ăn theo sở thích của anh thì thỉnh thoảng anh phải thay đổi theo thực đơn của mọi người. Ăn xong, thay vì chễm chệ ngồi xem ti vi với bố, anh cùng phụ tôi dọn dẹp. Quần áo giặt xong mang xuống, anh giúp treo vào tủ khi tôi bận... Tuy nhiên việc ấy lại không được mẹ chồng ủng hộ, quan hệ mẹ chồng nàng dâu xấu đi khiến cuộc sống của tôi vô cùng ngột ngạt.
Một ngày Chủ nhật, chỉ có tôi và bố chồng ở nhà. Trong bữa cơm, ông bảo: "Mẹ con là người có tính bảo thủ khó sửa, bố con mình phải tìm cách sống chung với nó. Con đừng nặng nề quá, cuộc sống sẽ càng khó khăn, nếu cần bố giúp gì con cứ nói". Thật lạ, chỉ câu nói ngắn ngủi ấy của ông nhưng tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Lâu nay cứ mải lo sợ, đối phó mẹ chồng, tôi quên mất bên cạnh mình vẫn có bố chồng rất quyền uy đối với vợ con.
Sau lần ấy, tôi bắt đầu để ý đến cách sống, ứng xử của bố mẹ chồng. Bố chồng tôi là người điềm tĩnh dù trong gia đình ông không có nhiều ý kiến nhưng vẫn giữ vai trò trụ cột, tiếng nói của ông rất có trọng lượng. Mẹ chồng tôi thường ngày xét nét con dâu, chỉ đạo con trai theo ý mình nhưng mọi công to việc lớn bà vẫn phải chờ tiếng nói của ông. Tôi cũng để ý, mỗi lần mẹ chồng con dâu mâu thuẫn, chồng tôi bênh vợ nhưng chẳng bao giờ dám to tiếng với mẹ. Nhưng cũng cao trào ấy, bố chồng chỉ lên tiếng "bà thôi đi" thì lập tức bà dịu ngay.
Lần nào bà bảo thủ, cao giọng chỉ trích lại chồng, ông tuyên bố: "Bà cứ khiến cả nhà mất vui, tôi cho chúng nó sống riêng đấy. Lúc đó thì bà mất hẳn con trai". Nghe vậy, mẹ chồng tôi lập tức chuyện lớn hoá nhỏ ngay vì hiểu tính ông "đã nói là làm".
Từ đó, tôi âm thầm kéo bố chồng làm đồng minh để hoá giải mâu thuẫn với mẹ chồng, thậm chí bố chồng còn giúp tôi "cải tạo" chồng rất hiệu quả. Trước đây mỗi lần anh có lỗi với vợ, mẹ chồng tôi bênh anh chằm chặp và chỉ trích tôi.Việc đó đã khiến cho chồng tôi đã sai lại càng sai, quan hệ vợ chồng lắm lúc căng như dây đàn. Giờ, tôi chuyển chiến thuật tìm đến bố chồng nhỏ nhẹ tâm sự và nhờ ông khuyên giải, góp ý. Quả nhiên, chồng tôi có thể bất chấp ý kiến của vợ, cãi lại ý của mẹ nhưng lại không thể phớt lờ lời giáo huấn của bố.
15 năm chung sống cùng bà mẹ chồng khó tính, tôi vẫn được xem là cô dâu thảo hiền và “bí quyết” của tôi chỉ có thế: "đồng minh đặc biệt" - bố chồng!

“Cái mặt con nhỏ đó đúng là khùng khùng...”

Mỗi lần nhớ tới câu nói của anh: “Cái mặt con nhỏ đó đúng là khùng khùng...” thì tôi lại sôi gan...

“Cái mặt con nhỏ đó đúng là khùng khùng, nhưng mà nó có tiền... hơ... hơ...”- Thắng nói và cười ha hả. Tôi điếng hồn cứ tưởng mình nghe nhầm. Nhưng không, đúng là anh đang nói về tôi vì ngay sau đó, một người bạn của anh đã lên tiếng: “Tường Loan thương mày thật lòng chớ gặp người khác, họ bỏ mày lâu rồi. Cái đồ chẳng được tích sự gì ngoài cái mồm mép...”. Tôi quyết định ra về chứ không vào gặp anh nữa...

Cô em gái của Thắng gọi anh không được nên mới gọi cho tôi. Cô bé báo tin cha của anh bị đột quỵ, vừa chở vào bệnh viện. Tôi tức tốc chạy vô bệnh viện, lo thủ tục và gởi gắm bác sĩ quen, xong xuôi mọi thứ tôi mới gọi cho Thắng. Thế nhưng điện thoại của anh lại ngoài vùng phủ sóng. Định vị tất cả những nơi anh có thể đến, cuối cùng tôi cũng tìm được anh ở một quán nhậu. Cô nhân viên phục vụ đưa tôi đến trước cửa phòng VIP rồi bảo: “Mấy ảnh nhậu từ 4 giờ chiều tới giờ...”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lúc đó đã là 8 giờ tối. Vậy là Thắng và các chiến hữu đã chiến đấu trong căn phòng ấy suốt 4 tiếng đồng hồ. Có lẽ mọi người đều say nên giọng ai cũng oang oang. Họ tranh nhau nói, tranh nhau cười mà không hề biết tôi đã mở cửa và đứng chết lặng ở đó.

Tôi lớn hơn Thắng 4 tuổi. Khi biết anh cách nay 3 năm, tôi đã 34 tuổi, còn anh 30. Có lẽ khi ấy, sự chênh lệch tuổi tác giữa tôi và anh không nhiều nên sau vài lần gặp gỡ, anh đã ngỏ lời yêu tôi. Thật sự là tôi có đắn đo, nhưng sau đó, tôi nghĩ thôi thì cũng là duyên phận. Tôi đã quá lứa lỡ thì trong mắt nhiều người đàn ông, nay có người yêu thương, nếu không nhận lời mà cứ kén chọn thì có lẽ sẽ không còn cơ hội nào tốt hơn nữa...

Khi biết tôi yêu Thắng, nhiều người nói ra nói vào. Cũng có ý kiến nói rằng anh chú ý đến tiền của nhà tôi chớ không phải thật lòng yêu tôi, nhưng tôi nghĩ rằng mình đã đủ chín chắn, đủ khôn ngoan để nhận ra đâu là thật, giả...

Tôi yêu anh, biết gia đình anh khó khăn, tôi đã lo cho họ từ cái máy giặt, cái nồi cơm điện, thậm chí chén dĩa trong nhà anh tôi cũng sắm sửa. Biết ba anh tuổi cao sức yếu đi đứng khó khăn, tôi đã xây luôn nhà vệ sinh trong phòng ngủ để ông tiện sinh hoạt; em gái anh không có việc làm, tôi nhận vô công ty của mình; bà con dòng họ anh ngoài quê vào, cần gì, tôi lo đến nơi đến chốn...

Còn riêng anh thì khỏi phải nói. Tất cả những thứ có trên người anh từ giày dép, quần áo, kể cả đồ lót của anh cũng một tay tôi sắm sửa. Nước hoa anh xài, dầu gội đầu của anh cũng do tôi gởi bạn bè mua ở nước ngoài về... Thật lòng mà nói, tôi chăm lo cho gia đình anh còn nhiều hơn chăm lo cho ba mẹ, anh em mình bởi tôi nghĩ, thuyền theo lái, gái theo chồng, sau này lấy nhau, tôi về sống với gia đình anh thì họ là ruột thịt của tôi...

Thế mà bây giờ, những gì tôi suy nghĩ, tôi tưởng tượng, tôi vun đắp giống như một tòa nhà xây trên cát. Trong phút chốc, tất cả mọi thứ đã đổ sụp. Thì ra trong mắt anh tôi chỉ là một mụ quá lứa lỡ thì, trông mặt khùng khùng, chỉ được cái có nhiều tiền. Thảo nào mỗi khi tôi đề cập đến chuyện cưới xin, anh lại gạt đi với đủ thứ lý do, thậm chí có những lý do hết sức vô lý là vì anh đang ở trong độ tuổi “31 bước qua, 33 bước lại” nên phải kiêng cữ hôn sự. 38 tuổi, tôi vẫn khát khao từng ngày được mặc lên người chiếc áo cô dâu. Tôi vẫn hi vọng hết “năm xui, tháng hạn” thì anh sẽ đồng ý cưới tôi làm vợ.

Nếu không có chuyện ba anh bị bệnh, nếu không có buổi tối tôi tình cờ đứng trước cửa phòng và nghe anh tuyên bố hùng hồn với bạn bè về mình thì tôi vẫn còn mãi hi vọng, vẫn còn mãi nuôi dưỡng ý tưởng “bán rẻ còn hơn cho không, lấy chồng còn hơn ở giá” mà tôi vẫn hay nói đùa với bạn bè trong hội bị ế của mình.

Thế nhưng khi tôi nói rõ mọi chuyện với Thắng thì anh đã quỳ sụp xuống ôm lấy chân tôi: “Đó là rượu nói chớ không phải anh nói. Anh thề là nếu anh có nghĩ như vậy cho trời tru đất diệt anh đi”. Tôi bảo anh về đi, tôi cần có thời gian để suy nghĩ nhưng Thắng cứ quỳ mãi như thế cho đến khi ông anh tôi thấy chướng quá phải đuổi về: “Mày có phải là đàn ông không? Tao mà là con Loan, tao cũng không lấy mày”. Đến nước đó thì anh đành phải về nhưng trước khi đi còn quay lại đe tôi: “Nếu em bỏ anh thì anh sẽ giết em rồi tự sát”.

Câu nói này của Thắng khiến tôi lo sợ. Tôi không biết anh có dám làm hay không nhưng chắc chắn là không có tôi thì cuộc sống vương giả của anh sẽ chấm dứt. Có lẽ vì vậy mà anh cố sức níu kéo, hết van xin lại tìm mọi cách gây áp lực với tôi...

Thế nhưng cứ mỗi lần nhớ tới câu nói của anh: “Cái mặt con nhỏ đó đúng là khùng khùng...” thì tôi lại sôi gan...

Kết thúc tất yếu

Lớp vỏ lãng mạn của một mối tình cứu rỗi rơi xuống, Thu đối mặt với sự thật phũ phàng của một người chồng nghiện ngập, bê tha, bạc nhược…

Bạn học thời đại học đến chơi nhà sau gần mười năm ra trường. Cuộc trò chuyện đang vui chợt chùng xuống khi đột nhiên bạn hỏi: Bồ còn nhớ anh Văn, chồng nhỏ Thu không?

Làm sao lứa đàn em chúng tôi ngày ấy có thể quên được anh Văn. Ngày đó, trong khu nhà trọ của chúng tôi, anh Văn luôn là một đề tài thú vị. Anh cao to, đẹp trai, thông minh. Sự thông minh của anh được khẳng định bằng câu chuyện đồn thổi mà chúng tôi cũng chẳng kiểm chứng được, là anh đã ba lần bị đuổi học rồi ba lần vác lều chõng đi thi, lại đậu vào trường. Tuy nhiên, cái sự nổi tiếng của anh không phải là từ đó mà là từ việc chúng tôi chưa từng thấy một con ma men nào cỡ như anh. Ba lần bị đuổi học của anh nghe đâu cũng từ chuyện nhậu. Giờ nghe đến tên anh là tôi hình dung ngay một anh chàng thường xuyên đi đứng xiêu vẹo trên hành lang khu nhà trọ dài mấy chục mét, áo nhét nửa trong nửa ngoài, ánh mắt lờ đờ, vô hồn.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Bạn kể: Hôm rồi tao gặp anh Văn đang ngồi xin ăn ở cổng chợ… Tôi ngạc nhiên ngẩn cả người, hỏi dồn: “Sao lại như thế? Còn nhỏ Thu đâu?” Nhỏ Thu là bạn học cùng năm với tôi, gần như là hoa khôi của khóa học. Không chỉ xinh đẹp, Thu còn khiến khối người phải ngước nhìn vì bố là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thủy sản lớn ở miền Tây. Nhập học chưa được ba tháng, cả khóa sửng sốt khi nghe Thu phải lòng anh Văn. Đó có lẽ là kiểu mẫu của một tình yêu lãng mạn trong tiểu thuyết: tiểu thư phải lòng anh chàng nhà nghèo.

Thật tình chúng tôi cũng chẳng hiểu nổi Thu yêu anh vào lúc nào, vì gần như anh say xỉn 24/24. Từ lúc quen Thu, thỉnh thoảng mới thấy anh tỉnh táo một chút; nhưng hình như rượu đã ngấm vào máu nên nhìn anh lúc nào cũng lờ đờ, ngây ngây, dại dại. Có lẽ Thu nghĩ đó chính là cái vẻ phiêu lãng của một… nghệ sĩ chăng? Đang sống tại nhà một người quen của ba mẹ, Thu dọn tới ở hẳn trong khu nhà trọ cùng với anh Văn.

Chuyện tình của Thu và anh Văn ngày đó không ai là không biết. Ba má Thu đã lên tận trường, tận nhà trọ làm dữ, bắt con gái phải rời xa con ma men. Nhưng tình yêu vốn là thế, càng cấm đoán thì người ta càng yêu nhau, càng có cảm tưởng mình đang có một điều gì đó lớn lao lắm phải bảo vệ. Thu yêu anh Văn vì những ảo tưởng anh là người tài năng cũng có, vì bị cấm cản cũng có và cả vì những van xin, thề thốt sẽ thay đổi của anh khi tỉnh táo. Nó cảm thấy nó là người duy nhất làm chỗ dựa cho anh trên cuộc đời này. Đôi khi dù phát điên với những cơn say triền miên của anh, vì hết lần này đến lần khác anh vét sạch tiền trong túi nó đi nhậu, nhưng rồi nó vẫn cứ bị níu lại bên anh.

Rồi Thu có thai. Cái thai buộc gia đình nó miễn cưỡng nhìn nhận anh sau một đám cưới nhỏ. Đứa con ra đời giúp anh thay đổi hẳn. Anh ngừng uống rượu, chấm dứt cảnh sống vật vờ để chăm sóc vợ con. Dù được bố mẹ chấp nhận, nhưng Thu biết rất rõ là không nên đưa chồng con về nhà cha mẹ mình. Nó cũng chưa thật sự tin tưởng vào sự thay đổi của chồng. Ngày đó, thỉnh thoảng thấy cảnh anh Văn bế con, nựng con, chở Thu đi siêu thị, chúng tôi đã vội mừng…

Bốn năm đại học cũng là bốn năm chúng tôi chứng kiến cuộc sống nheo nhóc, khổ sở của Thu sau đó. Vợ chồng Thu xung đột quanh năm vì chuyện nhậu của anh. Chúng tôi chỉ có thể giúp Thu bằng cách những khi anh Văn say thì bế thằng bé về phòng, cho nó ăn, chơi với nó và ru nó ngủ. Bố mẹ Thu không còn muốn nhìn tới vợ chồng con gái nữa. Họ cung cấp tiền cho Thu thông qua… tôi. Tôi luôn được nhờ cậy giữ tiền họ gửi, giả vờ cho Thu mượn những khi nó bị chồng vét sạch không còn một đồng mua sữa cho con. Lớp vỏ lãng mạn của một mối tình cứu rỗi rơi xuống, Thu đối mặt với sự thật phũ phàng của một người chồng nghiện ngập, bê tha, bạc nhược…

Giờ Thu ở đâu, khi anh Văn đã đi đến cái kết cục được báo trước mà nhỏ bạn vừa kể? Nghe đồn cuối cùng Thu cũng bỏ được anh sau những cố gắng vô vọng giúp anh bỏ rượu. Bố mẹ nó thực hiện một cuộc giải thoát ngoạn mục cuối cùng cho con gái của họ: cho Thu đi du học nước ngoài. Thằng bé được ông bà nuôi. Anh Văn tất nhiên bị đẩy ra đường. Chẳng còn ai bấu víu, anh tuột xuống tận đáy cuộc sống. Chẳng thiên thần nào có thể cứu được anh, nếu chính anh không có nghị lực và can đảm để cứu lấy mình.