Tuyệt vọng là người lấp chỗ trống

(Kiến Thức) - Em yêu anh ấy khi anh đã có bạn gái. Là người đến sau, em chỉ dám câm lặng gặm nhấm nỗi đau khổ cùng tình yêu đơn phương của mình.

Em yêu anh ấy khi anh đã có bạn gái. Là người đến sau, em chỉ dám câm lặng gặm nhấm nỗi đau khổ cùng tình yêu đơn phương của mình. Cơ hội đến với em khi anh bị người yêu phản bội, suy sụp, anh nhanh chóng ngã vào vòng tay sẻ chia, an ủi của em. Ngay cả trong mơ em cũng không bao giờ ngờ được có ngày anh ấy lại thuộc về em như vậy. 
Nhưng niềm vui của em vừa lóe lên đã vội tàn, sau hai tháng yêu nhau, anh ấy nói lời chia tay, cầu xin em tha thứ, rằng em chỉ là người lấp chỗ trống trong tim anh, người anh ấy thực lòng yêu chỉ có một và đã ra đi rồi. Em níu kéo thì anh cư xử rất tàn nhẫn với em. Em biết anh làm như vậy là vì để em ghét bỏ, rời xa anh, nên em hận, nhưng lại yêu anh hơn. Giờ em vô cùng tuyệt vọng, có cách nào để trái tim anh ấy thuộc về em không? - Hoàng Giai Ngọc (Hà Nam).
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Giai Ngọc thân, em đến với anh ấy đúng vào thời điểm anh ấy cô đơn, yếu lòng... vô tình em đã biến mình thành nạn nhân cho sự thay thế, lấp chỗ trống trong lòng anh ấy, còn anh ấy bỗng dưng lại thành kẻ "tội đồ". Rất may anh ấy đã sớm nhận ra điều này, đồng thời là người đàn ông tử tế, nên đã thú nhận, mong em tha thứ để chấm dứt chứ không hề lợi dụng em. Anh ấy nói em đừng ép anh ấy, vì anh ấy rất tôn trọng em, theo Tri Giao em đừng cố níu kéo nữa. 
Vì như em thấy, em càng lấn tới, anh ấy càng giãn ra, lại còn tàn nhẫn, nghiệt ngã với em, dù mục đích của anh ấy là gì, thì người hứng chịu tổn thương cũng là em. Và sẽ rất bất lợi trên bước đường nếu em chinh phục anh ấy sau này. 
Vết thương nào cũng có thời gian để lành, em hãy cho anh ấy thời gian hồi phục. Cứ giữ mối quan tâm, bè bạn chân tình, cho đến lúc trái tim kia thôi rỉ máu, nó sẽ tự đập những nhịp mới thôi. Còn nếu khi ấy nó vẫn không đập vì em, thì nên buông tay em ạ. Ai đó ví, níu kéo một tình yêu không dành cho mình cũng như ôm cây xương rồng, càng cố ôm sẽ càng đau đớn, em xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp hơn. 

Quy ước yêu thương của vợ

Một khi quy ước khiến cả hai ngột ngạt mà chẳng mang lại lợi ích chung, thì nên từ bỏ, không nên cố chấp mà theo đến cùng.

“Đi làm đã mệt mỏi với nội quy, về nhà lại gặp quy ước của vợ, có nhất thiết phải làm khổ nhau vậy không?” - Quang ném túi xách xuống ghế, bực dọc.

Số là, Quang và vợ đã giao kèo, trong một tuần, anh chỉ được đi nhậu vào thứ Tư và thứ Sáu. Nhưng hôm nay, Quang có tiệc chia tay đồng nghiệp, đã xin vợ thay vì thứ Tư, chuyển sang nhậu thứ Ba, nhưng vợ anh cương quyết: “Không được, anh đặt ra quy ước, anh phải tôn trọng quy ước đó. Anh không tôn trọng quyết định của bản thân, còn ai có thể tôn trọng anh?”. Chuyện của vợ chồng Quang không phải là cá biệt. Việc vợ chồng đặt ra quy ước để ràng buộc trách nhiệm với gia đình một cách rõ ràng hơn đang khá phổ biến…

"Mua dây buộc mình?"

Quang và Yến lấy nhau được bảy năm, có một con gái năm tuổi. Yến đã “mời” Quang ngồi vào “bàn đàm phán gia đình” và thẳng thắn: “Em và anh đều làm công chức, công việc tương đương nhau, nhưng sau giờ làm, anh đi nhậu, còn em tối mắt tối mũi với bếp núc, chăm con”. Với cách đặt vấn đề nghiêm túc và hợp lý ấy, Quang đành phải thỏa thuận, một tuần chỉ nhậu vào thứ Tư và thứ Sáu, những ngày còn lại thì về ăn cơm cùng vợ con, chở vợ con đi bơi hoặc đi công viên. Nhưng, muốn nhậu có hứng thì phải có đúng bạn và đúng dịp. Trong nhóm bạn, chỉ mỗi Quang là phải nhậu theo “lịch” cố định, nên anh thường xuyên ấm ức khi "kế hoạch nhậu" của mình không trùng với các chiến hữu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Quang gần như bị bạn nhậu bỏ rơi, nên dù anh vẫn về nhà đều nhưng “mỗi lần nhìn mặt vợ là thấy ghét”! Đã thế, anh còn bị vợ nhận xét: “Chỉ vì không được bữa nhậu như ý mà mặt sưng mày sỉa. Một giao ước nhỏ với vợ mà làm không xong, chẳng hiểu ở cơ quan, làm sao anh tuân thủ các nguyên tắc khác để làm việc. Thảo nào cứ lẹt đẹt cái chân chuyên viên quèn”. Quang chạm tự ái, lớn tiếng đòi chia tay để khỏi phiền phức với mấy cái quy ước vớ vẩn. Yến không vừa: “Anh tự đặt ra quy ước rồi nói nó vớ vẩn, chẳng khác nào tự nhận là mình vớ vẩn”.

Từ lúc mới cưới, Tiến và Hằng đã thỏa thuận, phải thực hiện số lần thăm bên ngoại và bên nội như nhau. Thỏa thuận này tưởng chừng hợp lý, bởi vợ chồng Tiến ở Q.Bình Thạnh, cha mẹ Tiến ở Q.Gò Vấp, cha mẹ Hằng ở Q.Phú Nhuận, quãng đường đi thăm tương đương nhau.

Nhưng, sau khi sinh con, Hằng quyến luyến về ngoại nhiều hơn. Có hôm, Tiến thả hai mẹ con bên ngoại, rồi chạy sang bên nội uống rượu, trong khi ở nhà ngoại hôm đó cũng có tiệc. Trong bữa ăn, cha hỏi con gái: “Thằng Tiến buồn gì nhà mình mà không ở lại ăn chung?”. Hằng nửa phân bua với cha, nửa cố nuốt cục nghẹn vào lòng. Chiều, Tiến ghé đón vợ con, Hằng cự. Tiến nói lý do: “Dạo gần đây em hay về bên ngoại. Thôi thì em không thăm bên nội được, anh phải tranh thủ đi một mình. Mình đã giao kèo là thăm hai gia đình với số lần bằng nhau mà?”. Hằng chống chế là do có con nhỏ nên về ngoại chơi, được bà ngoại đỡ đần, chứ sang bên nội, vừa chật chội, vừa phải lo ôm con.

Tiến giận, nói vợ coi thường nhà chồng nóng, chê mẹ chồng vô tâm. Đã vậy, bỏ quy ước luôn cho khỏe. Hằng không chịu, bảo việc đi thăm hai bên nội ngoại mỗi cuối tuần là cần thiết. Hằng nói: “Thỏa thuận là vậy, nhưng anh phải xem xét thực tế mà thông cảm cho em, không thể áp dụng cứng nhắc”. Nhưng, Tiến vẫn khăng khăng, thà không lập quy ước, đã lập mà thực hiện nửa vời, chỉ rước thêm bực.

Tự nguyện là chính

Thực tế, số người đặt ra quy ước thì nhiều, nhưng thực hiện được lại chẳng bao nhiêu. Con người vốn có xu hướng muốn vượt ra ngoài khuôn khổ, trong khi “người giám sát” lại không đủ quyền lực và chế tài, nên lại càng khó. Đơn cử, có đôi vợ chồng giao ước không về nhà quá 11h đêm mỗi ngày. Người chồng vẫn biết là đến giờ phải về, nhưng phần ham vui, phần chủ quan nghĩ, có thất hứa với vợ một bữa cũng không sao, cùng lắm vợ cằn nhằn vài câu rồi đâu lại vào đó. Khi “bên kia” vi phạm, người vợ dù rất tức nhưng không có cách gì để trừng phạt.

MC Quỳnh Hương được nhiều người thán phục vì nhiều năm qua, chị đã giữ được quy ước “dù bận thế nào, hai vợ chồng cũng về nhà để cùng ăn cơm trưa”. Chồng Quỳnh Hương là người thành đạt, rất bận rộn, chị cũng không dễ sắp xếp thời gian vào buổi trưa. Thế nhưng, họ vẫn làm được điều họ muốn. Chị nói, điều quan trọng là hai vợ chồng phải làm sao để cảm thấy được ăn trưa cùng nhau là niềm vui, chứ không phải chuyện miễn cưỡng. Thực hiện được một thời gian, đâm “ghiền”, trưa phải ăn ở ngoài là khó chịu.

Biên tập viên Đông Quân (gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình với chương trình Chào buổi sáng trên HTV) thì có “cái hẹn trường kỳ” với vợ là ăn sáng, uống cà phê và chỉ nói chuyện về gia đình vào mỗi thứ Ba, thứ Năm hàng tuần ở một quán quen sau lưng Nhà văn hóa Thanh Niên (TP.HCM). Anh chia sẻ, ban đầu, đưa ra quy ước thì thấy nhẹ nhàng, nhưng khi thực hiện mới thấy khó. Mỗi ngày, ai cũng có áp lực và kế hoạch công việc khác nhau. Nhưng cả hai xác định, vợ chồng có quá ít thời gian dành cho nhau, nên hai bữa cà phê sáng trong tuần là khoảng thời gian cơ bản nhất để gắn bó, xây dựng gia đình.

Như vậy, có thể thấy, hai người lập ra quy ước đồng thời cũng là người tự giám sát việc thực hiện quy ước ấy, nếu cứ lấy lý lẽ ra để “nói chuyện” với nhau là khó khả thi. Những trường hợp như MC Quỳnh Hương, biên tập viên Đông Quân, họ đều thực hiện thành công bởi họ đặt ra quy ước phù hợp với điều kiện thực tế và người trong cuộc thực hiện trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Nếu lập ra giao ước để rồi khi bất đồng lại dùng chính giao ước đó để bắt lỗi nhau, vô tình sẽ biến thành chuyện miễn cưỡng, gò ép.

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM, chuyên viên tư vấn tâm lý) kể: “Tôi và chồng cùng thỏa thuận, dù thế nào, cả hai phải ở nhà với con vào ngày Chủ nhật. Chồng tôi vốn ít la cà bên ngoài, nên thực hiện điều này dễ dàng. Trong khi đó, tôi thường xuyên đi dạy, tham gia nói chuyện chuyên đề nên Chủ nhật lại là ngày “đắt sô” nhất. Ban đầu, tôi ở nhà nhưng cứ bứt rứt, bồn chồn. Chồng tôi chỉ nhẹ nhàng: “Em hãy nói cho anh biết, mục tiêu sống cao nhất của em là gì? Có phải vì gia đình không? Nếu không, em có thể phá bỏ quy ước, vắng nhà ngày Chủ nhật”. Tôi tâm phục khẩu phục. Bây giờ, sau hai năm, tôi đã thấy quen, không còn muốn rời gia đình vào ngày Chủ nhật nữa. Quy ước chỉ là hình thức để tạo cơ sở cho hai vợ chồng thực hiện nghĩa vụ yêu thương. Thứ cao hơn là lòng chân thành, thật tâm muốn hy sinh vì nhau. Chỉ khi có được thứ cao hơn ấy, quy ước mới tồn tại bền vững”.

Thạc sĩ Thúy chia sẻ thêm: “Quy ước hôn nhân là hình thức nhắc nhở vợ và chồng thực hiện nghĩa vụ với nhau theo cách mà họ đã thống nhất chọn lựa. Trước tiên, những điều kiện cả hai chọn phải phù hợp với khả năng và đặc thù công việc của mỗi người. Khi đặt ra những điều kiện ấy, cả hai cần lưu ý đến yếu tố “có thể cùng nhau thực hiện một cách thoải mái và tự nguyện”. Nếu quy ước chưa phù hợp với điều kiện mới, có thể cùng nhau điều chỉnh lại cho phù hợp hơn. Một khi quy ước khiến cả hai ngột ngạt mà chẳng mang lại lợi ích chung, thậm chí khiến cả hai có cảm giác như “mua dây buộc mình”, thì nên từ bỏ, không nên cố chấp mà theo đến cùng”.

Bẫy hạnh phúc

Cô biết “cái bẫy” mà Pi tưởng là hạnh phúc, nhưng lại không nhận ra cái bẫy hạnh phúc của chính mình…

Chuyện “bí mật” của Linh không giấu được Duy lâu. Buổi trưa Duy về ăn cơm, nhặt được mấy sợi lông chó trên ghế salon, thế là gầm lên: “Em để con chó vào nhà phải không? Anh đã nói gì hả?”. Linh xanh mặt không dám lên phòng khách, Duy xuống tận bếp, nghiến răng “Em chỉ trông nhà mà làm cũng không xong. Chó thì ở chuồng, sao lại cho nó leo lên ghế của anh ngồi? Thật là quá thể!”.

Duy càng nói, Linh càng ngơ ngác. Chỉ có cái lông chó mà Duy giận dữ đến thế sao? Duy có ở nhà đâu để biết Linh buồn chán thế nào, chỉ có chú chó là nguồn vui. Đến khi Duy buông một câu như chấm hết cho cơn bực bội ích kỷ của mình “Chiều nay anh đem con chó cho người ta” thì Linh chịu hết nổi, òa lên khóc.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chú chó con một hôm đi lạc vào nhà: nhỏ bé, gầy còm, bộ lông bết lại, vẻ lấm lét, sợ sệt. Đầu tiên là bé Na, con gái Linh, trông thấy. Linh không định cưu mang một thú nuôi nào trong nhà, chỉ định cho nó chút thức ăn, tắm cho nó thật sạch để dễ gây thiện cảm với người chủ nào đó. Cô đã làm mọi thứ thật điềm tĩnh để kìm lại cơn phấn khích của con gái. Bé Na thích chú chó con đến nỗi đã đặt ngay cho nó tên Pi, rồi hăng hái giành nhiệm vụ tắm cho Pi, nói chuyện huyên thuyên với Pi trong nhà tắm.

Được tắm, được ăn, Pi trông xinh xắn, đáng yêu lên hẳn, Linh nhìn cũng thấy ưng mắt. Cô ngầm đồng tình với ánh mắt năn nỉ của con, giữ Pi lại, cũng là để cô có bầu bạn những khi chồng đi làm, con đi học. Ở một mình trong ngôi nhà giữa khu dân cư mới này, cô thấy như mình đang sống biệt lập. Duy, chồng Linh, trưởng phòng tổ chức sự kiện của một công ty truyền thông, vắng nhà như cơm bữa. Bé Na, học sinh trường tiểu học quốc tế, ở bán trú tại trường, về nhà thì cặm cụi làm bài, học thêm. Linh - người vợ nhận tiền sinh hoạt hằng tháng từ chồng, dùng tiền ấy chăm lo cho con, đôi lúc cảm thấy mình như một “trạm trung chuyển” để chồng con tạt về một chút rồi lại đi, thấy đời mình… cơm nguội thật! Nhưng, Linh lại lo vì biết tính chồng: không bao giờ đụng tay vào một con mèo, làm sao biết xúc động trước đôi mắt ướt của chú chó con này.

Quá trưa, Duy đi làm về, phát hiện ngay ra Pi. Linh hấp tấp giải thích. Bé Na kéo áo bố năn nỉ. Duy lừ mắt liếc Pi đang đứng nép trong góc tường. Rõ là Duy không ấn tượng gì với chú chó đã được tắm sạch sẽ. Nhưng, Duy thương con gái. Bé Na rơm rớm nước mắt từ trưa đến chiều thì Duy chịu hết nổi, đồng ý cho con gái giữ Pi lại, nhưng với điều kiện: con chó không được ở trong nhà, mà phải nhốt trong chuồng ở sau vườn. Linh thở phào, vội giục con gái làm theo lời bố.

Từ ngày có Pi, Linh thấy ngôi nhà như tươi tắn dễ thương hơn. Cô thả Pi chạy nhảy tự do trong vườn, để khi cô đi chợ về, chú chó có thể ra mừng. Dù lệnh chồng đã rõ: không được cho chó vào nhà, nhưng lần này Linh “thây kệ”, cho Pi ở trong bếp với mình cả ngày, Duy có ở nhà mấy đâu mà biết. Cứ thế, Linh cảm thấy như cô đang ở trong cuộc phiêu lưu của riêng mình với Pi, phía bên kia là Duy. Một trò chơi ngầm khiến cô trở nên linh hoạt hẳn lên, khiến cô thấy mình đang làm chủ mọi chuyện…

Linh chưa từng qua mặt chồng bao giờ. Từ ngày yêu rồi lấy Duy, cô đã tự từ bỏ nhiều thứ: bỏ học đại học khi biết mình lỡ có thai, vội vã cưới rồi sinh con, bỏ luôn ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch. Duy nói chờ đến khi con đủ lớn thì Linh học lại nghiệp vụ rồi đi làm, nhưng con gái đến gần ba tuổi vẫn còn ốm vặt mãi, mẹ chẳng dám rời một ngày; rồi bé Na bảy tuổi, Linh nghĩ mọi thứ tạm yên, nhưng không phải, chăm một đứa con đi học vẫn vất vả như ngày nào, cô lại thấy mình đã hơi già cho một bắt đầu mới, Duy còn muốn có thêm đứa con trai… Mẹ Linh nói, chẳng ai hạnh phúc như cô, lấy chồng sớm, yên ổn một đời, chẳng phải lo gì! Duy có công việc tốt, thăng tiến, sống mẫu mực, có nhà cửa đàng hoàng cho vợ con, bé Na dễ thương học giỏi, hai bố con quấn quýt, Linh cứ thế mà nghĩ mình đúng là hạnh phúc thật…

Nhưng, có hạnh phúc thật không? Duy nói xong đã bỏ lên phòng khách, còn Linh lặng lẽ nhìn Pi đang nem nép trong góc tường. Cô chợt nhận ra sao mà mình gắn bó với Pi đến thế! Cô cũng đang ở trong khu vườn nhỏ của Duy thôi mà. Khu vườn xanh tươi và đủ thức đủ món khiến Pi lầm tưởng là mình tự do chạy nhảy, nhưng thật ra, chỉ một bước chân vào trong nhà cũng bị cấm đoán. Cô biết “cái bẫy” mà Pi tưởng là hạnh phúc, nhưng lại không nhận ra cái bẫy hạnh phúc của chính mình…

Đàn ông “chán cơm, thèm phở” là do đâu?

“Phở” chưa chắc đã ngon hơn “cơm” nhưng do tính hám “của lạ” mà đàn ông dễ sinh ngoại tình.

Có muôn vàn lý do khiến đàn ông “chán cơm, thèm phở”. Vậy đâu là những lý do chủ yếu khiến các ông chồng không còn mặn mà với “cơm”

Đàn ông luôn cảm thấy những bà vợ lắm điều, trong khi đó, có biết bao cô gái trẻ trung xinh đẹp chẳng bao giờ làm họ phải phiền lòng hay mệt mỏi, ngược lại, còn dành cho các quý ông những lời mật ngọt như rót vào tai, chính vì thế, việc các ông chồng “cảm nắng” với một cô nàng nào đó là rất có thể .

Vợ cùng chung sống với chồng nên bao nhiêu những thói hư tật xấu của vợ chồng đều biết tất tần tật. Điều này sẽ làm cho các ông chồng cảm thấy vợ không còn nhiều sức hút như ngày mới yêu nữa. Còn các cô tình nhân trẻ đẹp, vì ít được gặp nên đàn ông sẽ thấy họ luôn có nhiều ưu điểm hơn vợ mình, hơn nữa, các cô gái này lại luôn sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu gì để các quý ông được thoả mãn nhu cầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Trước khi có con, tất cả yêu thương, sự chăm sóc vợ luôn dành cho chồng, chồng luôn là ưu tiên số 1. Nhưng sau khi có con, tình yêu đó, sự chăm sóc đó của vợ không dành trọn cho chồng nữa mà phải san sẻ ra cho các con. Cho nên, phụ nữ sẽ vất vả hơn, mệt mỏi nhiều hơn và ít thời gian dành cho chồng hơn. Do đó, việc chồng tìm đến với “phở” để lấp khoảng trống rất dễ xảy ra. Vì các cô tình nhân trẻ sẽ luôn chăm lo thật tốt cho người đàn ông của họ. Khi đó, đàn ông sẽ hiểu rằng họ thật quan trọng trong mắt của các cô tình nhân kia, còn với vợ thì họ bây giờ không quan trọng bằng những đứa con.

Trong gia đình không phải lúc nào mọi chuyện cũng “xuôi chèo mát mái”, “chồng bát còn có lúc xô”, huống chi là vợ chồng, nếu có xảy ra mâu thuẫn cũng là chuyện thường tình. Tuy nhiên, không ít bà vợ khi gia đình gặp mâu thuẫn hay chồng làm sai thì luôn to tiếng, cằn nhằn, nói đi nói lại. Trong khi ấy, bản tính của đàn ông rất ghét phụ nữ nói dai và càu nhàu chồng, vì tính sĩ diện, tính tự ái của đàn ông luôn rất cao. Bị vợ chê bai, các ông chồng không còn cách nào khác là đi tìm “phở” để tâm sự, giãi bày nỗi lòng. Những cô gái có tên là “phở” ấy sẽ luôn vỗ về, an ủi một cách nhẹ nhàng và tình cảm không giống như vợ luôn làm họ đau đầu.

Thông thường sau khi có 1, 2 đứa con, vợ sẽ không mấy màng đến chuyện “giường chiếu” với chồng, bỏ bê “chuyện ấy” và làm như một nghĩa vụ. Điều ấy không tránh khỏi việc khiến các ông chồng không còn hứng thú khi làm “chuyện đó” với vợ. Hầu như, đàn ông luôn có nhu cầu sinh lý cao hơn phụ nữ. Còn “bồ nhí” thì luôn quan tâm làm thế nào để các quý ông luôn nhớ tới họ. Cho nên, nếu không khéo trong việc “chiều chồng”, bạn rất dễ là nguyên nhân làm cho chồng “chán phở thèm cơm”.

Vợ là “cơm”, mà “cơm” ngày nào cũng ăn nên sinh ra chán, còn “phở” thì lạ miệng. “Phở” chưa chắc đã ngon hơn “cơm” nhưng do tính hám “của lạ” mà đàn ông dễ sinh ngoại tình.

Việc ảnh hưởng từ bạn bè xung quanh cũng có thể được xem là nguyên nhân “ấu trĩ” nhất trong danh sách lý do đàn ông “chàn phở thèm cơm”, song thực tế chuyện đó có xảy ra. Trong khi các ông chồng nằm dài ở nhà và bị các bà vợ quản lý, thì những anh chàng vẫn độc thân được tự do bay lượn, đàn đúm ăn uống, hát karaoke… không bị bất cứ ai quản lý. Và khi ấy, các ông chồng sẽ xảy ra xung đột về tâm lý, đấu tranh gay gắt trong nội tâm.

Đàn ông nếu có khoảng thời gian dài ở 1 mình, đôi khi rất dễ xảy ra sự ích kỷ vì không giữ được sự thuỷ chung với người vợ. Thời gian hai người xa nhau bởi lý do thay đổi công việc hay có những thay đổi trong cuộc sống sẽ làm người đàn ông cảm thấy trống vắng và tìm “phở” để giải toả.

Cảm xúc nhất thời, ngộ nhận trong chuyện tình cảm đôi lúc cũng khiến đàn ông mắc phải sai lầm. Khi họ gặp phải một cô nàng quan tâm họ, họ sẽ cảm thấy trái tim mình được sưởi ấm lên nhiều. Và dù đã có gia đình đề huề, họ vẫn có những tình cảm ngoài luồng với tình nhân. Nhưng sau đó một thời gian, có thể họ sẽ nhận ra rằng đó chỉ là cảm giác thoáng qua, bồng bột mà trong lúc yếu lòng nào đó làm họ bị “sa ngã”. Hoặc cũng có thể là do người đàn ông có tính “trăng hoa”, có lối sống quá phóng khoáng, tự do và muốn phản bội tình yêu nên cảm giác đã thúc giục anh ta bỏ bạn để đến với một cô bồ mới.