
Hán Cao Tổ Lưu Bang là hoàng đế khai quốc của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông ở ngôi vua trong 8 năm (từ năm 202 trước Công nguyên đến năm 195 trước Công nguyên). Nếu tính cả thời gian đầu (từ năm 206 trước Công nguyên, lúc ông mới xưng Vương) thì thời gian ở ngôi tổng cộng là 12 năm.

Khác với nhiều hoàng đế được truyền ngôi, Lưu Bang có xuất thân từ giai cấp nông dân và dùng trí tuệ, tài thao lược của mình để gây dựng thế lực, từng bước leo lên đỉnh cao quyền lực.

Sau khi lên ngôi báu, Hán Cao Tổ có hậu cung gồm vô số phi tần, mỹ nữ. Trong số này, một mỹ nhân từng được xem như "vô hình" là Bạc Cơ (chưa rõ năm sinh - mất năm 155 trước Công nguyên) "đổi vận" sau khi được sủng ái một đêm và sinh được hoàng tử - người sau này trở thành Hán Văn Đế Lưu Hằng.

Bạc Cơ hay còn gọi Bạc phu nhân từng là phi tử của Ngụy vương Báo. Nàng từng được một thầy tướng số xem quẻ phán rằng sau này sẽ sinh ra "thiên tử". Về sau, Ngụy vương Báo bị Lưu Bang tiêu diệt trong cuộc chiến tranh giành quyền lực. Các mỹ nhân từng đi theo Ngụy vương Báo được Lưu Bang nạp làm thiếp.

Dù xinh đẹp quyến rũ nhưng Bạc Cơ không được ân sủng. Điều này trái ngược với 2 người thiếp khác của Ngụy vương Báo là Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi khi cả hai được Lưu Bang sủng hạnh. Ba mỹ nhân này từng thân thiết, hứa hẹn với nhau rằng ai được sủng hạnh thì sẽ không quên giúp đỡ những người còn lại.

Thế nhưng, Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi không giữ lời hứa năm xưa, mặc kệ Bạc Cơ trở thành người "vô hình" trong hậu cung của Hán Cao Tổ. Vào năm 203 trước Công nguyên, Hán Cao Tổ đến Cao Linh đài và dẫn theo Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi.

Hoàng đế Lưu Bang vô tình nghe được cuộc trò chuyện, giễu cợt về Bạc Cơ của Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi. Sau đó, ông hoàng này tìm hiểu rõ mọi việc và cảm thấy hối hận vì đã lạnh nhạt với Bạc Cơ. Vậy nên, ông đã cho gọi Bạc Cơ tới thị tẩm.

Nhờ đêm thị tẩm đó, Bạc Cơ mang thai và sau đó sinh được hoàng tử Lưu Hằng - con trai thứ 4 của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Lên 6 tuổi, Lưu Hằng được vua cha lập làm Đại vương, đóng đô ở Tấn Dương. Năm 195 trước Công nguyên, Hán Cao Tổ băng hà và Thái tử Doanh - con của Lã hậu lên ngôi hoàng đế.

Để tránh bị Lã hậu làm hại giống như nhiều phi tần và hoàng tử khác, Bạc Cơ xin đi tới nước Đại với con trai và được chấp nhận. Sau khi Lã Thái hậu qua đời vào năm 180 trước Công nguyên, quan viên trong triều lật đổ sự chuyên quyền, độc đoán của gia tộc họ Lã và quyết định đưa Lưu Hằng lên ngôi vua sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng.

Sau khi Lưu Hằng lên ngôi vua, Bạc Cơ được tôn làm Hoàng Thái hậu. Điều này khiến nhiều người nhớ lại lời tiên tri năm xưa về mỹ nhân này đã ứng nghiệm. Bạc Thái hậu được con cháu phụng dưỡng, hiếu thuận và qua đời năm 155 trước Công nguyên. Bà hoàng này được an táng trong Bạc lăng và về sau được hợp táng cùng Hán Cao Tổ ở trong Trường lăng. (*Ảnh trong bài mang tính minh họa).
Mời độc giả xem video: Mối tình kỳ lạ của Hoàng đế Trung Quốc với cung nữ hơn 17 tuổi.