Mưu sâu, kế hiểm “khóa trái” chồng

Sau ngày cưới, chị ngày càng ghê gớm trong việc “khóa trái” chồng và chồng chị thì ngày càng nhu nhược, sợ vợ một phép.

Chị tuyên bố, đã vào tay chị, đố chồng dám giở trò; đi đâu, làm gì, chị nắm được hết. Từ ngày mới quen, anh đã “gợn sóng linh ta linh tinh” với những cô gái khác. Chị khóc lên khóc xuống, gia đình cũng bàn ra để chị khỏi rước cái họa người chồng trăng hoa. Thế nhưng, chị vẫn tin mình quá hiểu chồng để kiểm soát được mọi thứ.
Sau ngày cưới, chị ngày càng ghê gớm trong việc “khóa trái” chồng, chồng chị thì ngày càng nhu nhược, sợ vợ một phép.
Việc chị làm và làm rất thường xuyên là ngửi mùi áo của chồng. Bữa nào áo có mùi thơm lạ, anh phải trần ai giải trình. Một lý do được đưa ra, chị không tin, bắt anh thề thốt. Anh thề độc, chị tiếp tục nuôi nghi ngờ và khẳng định: “Thề thì thề chứ tôi không tin đâu, tôi biết anh đang mèo mỡ gì đó, đừng hòng qua mặt tôi”. Chị tưởng làm vậy sẽ khiến chồng sợ mà từ bỏ thói trăng hoa.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thế nhưng, trạng thái “như người mất hồn” khi ở nhà với vợ con của anh khiến chị càng nghi ngờ, dù đã lâu không tóm được chứng cứ gì. Áo anh vẫn mùi mồ hôi quen thuộc; đi đâu, đi với ai, anh đều báo cáo đầy đủ; tin nhắn, nhật ký cuộc gọi trong điện thoại anh không có gì khả nghi… Nhưng, rồi chị cũng nhận ra việc tránh mùi thơm lạ trên áo, xóa tin nhắn và xóa nhật ký cuộc gọi là quá đơn giản. Chị âm thầm tiến thêm một bước: ghi lại số công-tơ-mét trên xe chồng. Vậy là tóm được rồi nhé. 
Chị tỏ ra giận dữ trong lần đầu tiên phát hiện “chứng cớ không thể chối cãi”: “Hôm nay anh đi đâu mà những 35 cây số? Từ nhà đến cơ quan chỉ có sáu cây, hai lượt là 12 cây. Anh đi với con nào?”. Anh giải đáp gọn lỏn: “À, anh đồng nghiệp mượn xe, ai biết người ta đi đâu mà khai với em”. “Anh coi chừng đó, tôi không dễ bị lừa đâu”. Vậy là sau này, chị không còn thấy xe của chồng vượt quá "tiêu chuẩn" quy định. Nhưng chị vẫn thòng một câu: “Anh đừng tưởng cứ vứt xe máy ở cơ quan, đi taxi bậy bạ ở đâu đó mà tôi không biết nhá”. Kiểu nói bâng quơ ấy khiến anh như muốn nổi điên, nhưng vì vợ dữ quá, anh phải nhịn.
Câu tự thán “con này không dễ bị lừa đâu nhé” như cổ vũ mạnh mẽ để chị tiến những bước táo bạo hơn. Chị âm thầm cài phần mềm định vị vào điện thoại của chồng. Anh đi “lung tung” ở đâu, chị đều biết. Nhưng, khi chị tra hỏi, anh có hàng vạn lý do để thỏa mãn nghi ngờ của vợ: “Sếp nhờ anh chạy đi Q.5 mua ít hóa chất cho việc riêng của ông ấy”, “anh đi dự đám ma của một người bạn cũ ở Thanh Đa”. Kiểu “hỏi xoáy đáp xoay” như vậy, người thông minh như anh, chỉ cần suy nghĩ hai giây là có câu trả lời. Huống hồ, trên đường đi làm, bao giờ anh cũng dự liệu trước vợ sẽ hỏi gì, mình sẽ trả lời ra sao.
Khi anh sắm ô tô, chị đã nhờ người mua loại máy ghi âm nhỏ xíu, gắn vào túi hương trong xe, để nghe lén câu chuyện của chồng với “ai đó”. Đặc biệt, những chuyến anh lái xe đi công tác tỉnh, chị nghe lại nội dung rất kỹ. Rồi một ngày, chị đã có được chứng cứ mình muốn. Câu chuyện đứt đoạn trên xe với những lời thoại ngọt ngào, có lúc còn bỡn cợt, tục tĩu khiến chị như lịm đi trong sự uất ức, giận dữ.
Chị công bố bằng chứng, những tưởng chồng sẽ hoảng hốt van xin tha tội. Nhưng không, anh lạnh lùng, khinh khỉnh - cái vẻ đáng ghét mà chị chưa thấy bao giờ. Anh lật bài: “Đến nước này thì tôi cũng nói thẳng là mình chia tay nhau đi, sống với cô, tôi ngột ngạt quá. Cơm nước cho chồng con cô không lo, mà dành hết thời gian cho việc ghen tuông. Sống với cô, tôi như bị cầm tù, chẳng được gì, chỉ thấy khổ sở”. Chị giận run người: “À, anh có con khác rồi phải không? Lần này thì hết chối nha, lần này...”. “Thì cứ cho là vậy đi, chối làm gì cho mệt xác”. Anh bỏ đi.
Hòa giải một lần không thành, thỏa thuận chia tài sản không xong, anh chị đợi đến ngày ra tòa. Chị ngao ngán tâm sự với cô bạn thân: “Số tui khổ, lấy phải ông chồng trắc tính, trắc nết. Mình đã có chứng cứ rành rành về tội ngoại tình, mà hắn cứ coi như bình thường. Giờ mới biết, hắn nuôi bồ nhí từ bao giờ, có một đứa con riêng nữa chứ. Gớm mặt thật, mình kiểm soát đến cỡ đó mà hắn còn làm được chuyện động trời”. 
Cô bạn thở dài: “Chị rỗi hơi. Thằng con em nè, nó mới là học sinh cấp II, nhưng trốn học đi chơi như cơm bữa, em còn không kiểm soát được, nói chi người già đời, lanh lẹ. Mà chị thấy đó, cứ tìm mọi cách để bắt quả tang, bắt được rồi để làm gì? Phải chi từ đầu, chị lo chăm sóc, ngọt nhạt, yêu thương chồng, thì ổng không đến nỗi như vậy”. Chị giận bạn luôn, nói bạn là thứ dở hơi, đi bênh kẻ tệ hại.
Đêm nay, chờ trời sáng để đến tòa, chị đã nghĩ lại mọi chuyện. Cưới nhau tám năm là suốt tám năm chị hồi hộp, căng thẳng, giận dữ, chửi mắng chồng. Bản thân chị cũng đuối, nói chi đến sức chịu đựng của chồng. Chị biết anh là người trăng hoa, thì một là không cưới, hai là “lạt mềm buộc chặt” để giữ chồng. Vậy mà chị cứ lăm le “tìm ra bằng chứng cho chồng biết tay”. Ngay như bây giờ, chị còn ngây thơ nghĩ, có bằng chứng chồng ngoại tình thì tòa sẽ trừng phạt cho chồng sáng mắt ra. Chị đâu biết, khi tòa xử, việc ngoại tình chỉ là yếu tố thúc đẩy hai người sớm ly hôn mà thôi, chẳng có sự trừng phạt nào ở đây cả.
Thật mỉa mai, trong đêm dài mất ngủ, chị còn nhận được tin nhắn dài thậm thượt từ bạn: “Em biết chị đang giận em, nhưng em chỉ muốn phân tích cho chị thấy rõ việc nên làm và không nên làm. Khó thay đổi tâm tính đàn ông lắm. Mình muốn hạnh phúc thì phải thay đổi bản thân để phù hợp hơn thôi. Nếu người ta chế tạo được bộ khóa để khóa “cái ấy” của đàn ông, chắc sẽ có những bà vợ rất vui mừng. Nhưng họ đâu biết, bọn thợ khóa còn vui mừng hơn vì có thêm việc làm”.

Bụt nhà không thiêng

Giờ chiếc váy ấy khoác lên người cô bạn, chồng lại thấy đẹp như hoa hậu. Có lẽ với chồng, vợ mặc gì cũng vậy thôi.

Tới giờ cơm, vợ gọi năm lần bảy lượt, chồng mới chịu buông tờ báo xuống. Ngồi vào bàn, chồng uể oải lấy đũa khều khều, xới xới đĩa thức ăn, than: “Ăn uống gì mà chán thế, chẳng có món gì ngon”.

Vợ cố nén bực, hỏi chồng: “Vậy đây chẳng phải là món cà ri dê kiểu Ấn anh khen nức nở bữa ăn tiệc nhà chị Hồng sao? Em học công thức của chị ấy, đã nấu thử ở nhà mẹ rồi, ai cũng khen ngon, bữa nay mới nấu cho anh ăn”. Chồng cười giả lả “vậy sao?”. Chồng gắp miếng thịt, múc muỗng nước xúp, chép chép lắng nghe mùi vị, rồi… im lặng, cắm cúi ăn. Nhìn thái độ của chồng, vợ no ngang.

Vợ vất vả len lỏi giữa các sạp thịt oi nồng, cố lựa cho được miếng thịt ngon. Rồi còn phải mua rau củ, gia vị. Về nhà, vợ mướt mồ hôi cả buổi mới xong món ăn. Tưởng tượng bữa cơm trưa nay chồng sẽ ngạc nhiên lắm và chắc chắn là sẽ khen vợ hết lời. Vấp phải thái độ hờ hững của chồng, hào hứng của vợ tắt ngóm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Mấy tháng trước vợ học bạn bè thêu tranh. Ngày nào đi làm về vợ cũng tất bật lo cơm nước, dọn dẹp cho nhanh để tranh thủ thêu cho xong. Thấy vợ tối nào cũng cặm cụi tới khuya lắc khuya lơ, chồng tới bên lật ra xem rồi chu mỏ “em mà cũng bày đặt thêu với thùa”. Vợ vừa thêu vừa ấm ức. Vợ nghĩ đến lúc thêu xong, mang tới tiệm phun kim tuyến, đóng cái khung hoành tráng mang về treo lên, chồng sẽ kinh ngạc trước sự khéo tay của vợ. Ai dè khi tác phẩm hoàn thành, chồng chỉ liếc qua rồi cười cười, không bình phẩm gì, khiến vợ cụt hứng. Bữa cùng chồng tới nhà bạn chơi, thấy bạn treo bức tranh thêu, chồng ngắm nghía rồi khen: “Ông mua bức tranh này ở đâu vậy? Nhìn sắc sảo, tinh tế, sang trọng quá chừng. Chắc đắt tiền lắm hả?”. Vợ chưng hửng nhìn chồng, trong khi anh bạn hồ hởi khoe: “Của bà xã tôi tự thêu”. Chồng liếc nhanh sang vợ rồi cười cầu hòa. Vợ tức cành hông.

Bữa hai vợ chồng đi dự đám cưới, tình cờ gặp cô bạn học cũ. Chồng tay bắt mặt mừng, miệng tía lia: “Hơn chục năm mà trông em vẫn trẻ đẹp như xưa, chồng em thiệt có phước”. Lúc cô bạn sang bàn khác, chồng cứ ngoái trông theo rồi khều vợ: “Em xem cô ấy ăn mặc tinh tế ghê chưa? Chiếc váy thật nền nã, vừa hợp tuổi vừa hợp mốt”. Vợ tái mặt, muốn… nhéo chồng một cái cho hả giận. Cũng kiểu váy ấy, tuần rồi vợ mới mặc đi dự tiệc cùng chồng. Chồng chỉ nhìn qua, chẳng thấy khen chê. Giờ chiếc váy ấy khoác lên người cô bạn, chồng lại thấy đẹp như hoa hậu. Có lẽ với chồng, vợ mặc gì cũng vậy thôi.

Giọt nước tràn ly, bao ấm ức dồn nén bấy lâu được dịp tuôn tràn. Vợ trách chồng vô tâm, món nào thiên hạ nấu cũng thấy ngon, thiên hạ mặc gì cũng thấy đẹp. Với vợ nhà thì chẳng khen nổi một câu. Chồng cười hề hề tỉnh rụi: “Bụt nhà không thiêng. Nhìn vợ mòn mắt rồi nên cái gì cũng cũ, cũng chán phèo. Món ăn vợ nấu đương nhiên thấy… bình thường. Đàn ông ai cũng vậy mà”. Vợ thở dài ngao ngán. Chẳng lẽ cái số đàn bà là phải vậy, chỉ để thiên hạ ngắm, thiên hạ khen?

Bốn cái ti vi

Bốn cái ti vi cùng mở một giờ trong một ngôi nhà, nỗi chia cắt đã sâu hơn nhiều so với người ta nghĩ.

Chị và chồng con đang sống chung dưới một mái nhà. Thỉnh thoảng những đám tiệc của họ hàng, vẫn thấy hai vợ chồng cùng nhau đi dự. Chị ca ngợi chồng, anh quan tâm chăm sóc vợ. Thế nhưng, về đến nhà là mỗi người một phòng riêng.

Những tưởng chuyện thỏa thuận ly thân là chuyện của riêng vợ chồng, nhưng dần dần cả nhà đều biết. Cơm nước đã có người giúp việc, chị không phải tất bật bếp núc, nhưng giờ ăn cơm chung cũng bị “vi phạm” thường xuyên. Có lúc anh về đúng giờ nhưng ngồi ăn một mình, chị về trước, đã ăn xong lên phòng đóng cửa. Cái ti vi chung của cả nhà ở phòng khách, khi anh cầm lấy cái remote là chị đứng dậy rời phòng. Tuần trước, anh mua cùng lúc ba cái ti vi, thợ đến nhà đục tường gắn dây ầm ĩ. Vậy là bây giờ bốn phòng bốn người có bốn cái ti vi, cha mẹ con cái mỗi người theo một chương trình riêng. Anh đùa một câu đắng nghét: “Mai mốt ly hôn nhớ ba cái ti vi này là của anh mua nha!”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chuyện cái ti vi là nhỏ, chuyện mấy cái nhà của chị mới thật khó khăn. Vợ chồng ly thân vì chồng bồ bịch liên miên, chị thề không bao giờ nhúng tay vào đời “thằng chả” lần nữa, nhưng vì con cái, chị đồng ý không ly hôn, chỉ ly thân. Sống chung dưới một mái nhà, nhưng một người làm một người phá. Chị chứng kiến “thằng chả” bán chiếc xe SH, rồi một ngày bộ salon gỗ quý trong nhà cũng lên đường. Giấy tờ nhà chị gửi ngân hàng, nhưng đồ đạc vật dụng trong nhà dần dần bay biến. Rồi chủ nợ đến vây nhà đòi chém; em út xanh đỏ õng ẹo tới nhà kiếm anh Hai xin tiền… Chị cắn răng chịu đựng. Trời cho chị làm ra tiền, chị cất riêng, mua nhà mua đất, nhờ em út họ hàng đứng tên. Gần mười mấy năm, mấy lần bỏ tiền chuộc nợ, đến khi con cái ra riêng, chị quyết định nộp đơn ly hôn thì mới choáng váng: tài sản chung thì phải chia, tài sản riêng thì có nguy cơ bị người ta giựt mất. Chị viết cho Hạnh Dung một lá thư dài đẫm nước mắt: biết vậy ngày xưa chặt một nhát cho đứt, đỡ mười mấy năm trời còng lưng làm cho “thằng chả” hưởng không…

Điều đáng sợ là ly thân đang dần trở thành một hình thức hôn nhân phổ biến. Giận dỗi, gây gổ: ly thân. Không còn tình cảm nhưng sợ con cái dị nghị, sợ ảnh hưởng vị trí xã hội, sợ đổ bể công việc làm ăn: ly thân. Phát hiện ngoại tình: ly thân. Và đôi khi, chỉ là mệt mỏi không hào hứng với đời sống vợ chồng, cũng ly thân… Người ta chỉ nghĩ đến việc miễn là vẫn còn chung một mái nhà, vẫn còn có trách nhiệm với con cái, họ hàng, vẫn đóng vai gia đình tròn vẹn trước mắt thiên hạ. Người ta quên đi những hệ lụy âm thầm sẽ đến, sẽ diễn tiến, sẽ biến cuộc sống chung thành một cuộc tồn tại vật vờ, lãng xẹt, trong đó hai cá thể của hôn nhân quen dần với những hờ hững, lạnh nhạt và dần trở nên vô cảm với nhau.

Hạnh Dung ấn tượng sâu sắc với một lá thư, trong đó người phụ nữ hỏi mình có nên chọn giải pháp “ly thân mãi mãi”, vì chị không muốn mang tiếng bị chồng bỏ, nhưng cũng không còn yêu thương gì chồng. Chẳng biết đến giờ người phụ nữ ấy có còn nghĩ “mãi mãi” chính là cả cuộc đời mình hay không.

Bốn cái ti vi cùng mở một giờ trong một ngôi nhà, nỗi chia cắt đã sâu hơn nhiều so với người ta nghĩ. Chỉ vì cảm giác còn chung một lối vào nhà, nên người ta không cảm thấy lo lắng lắm khi thời gian trôi qua. Không lo lắng nên mặc kệ, không ai nỗ lực để hàn gắn lại mọi chuyện, để mở lòng ra với nhau, để chăm sóc và được chăm sóc, để yêu thương và được yêu thương. Cứ thế, những chương trình khác nhau nối tiếp giết hết thời gian của họ, mà không ai buồn tìm kiếm một mối quan tâm chung, để có thể mở một cái ti vi cho cả bốn người cùng chia sẻ một chương trình…

Những cuộc ly biệt xưa nay đều có lúc kết thúc, hoặc là trùng phùng, hội ngộ, hoặc mất hẳn đời nhau. Xin đừng để mình trong tâm thế đợi mãi một cuộc chia ly, để rồi người đứng cứ đứng, người đi không đi mà cả đôi đều bạc tóc. Mọi thứ đều cần có “deadline”. Cuộc đời là hữu hạn, xin đừng lãng phí mình và lãng phí cả đời nhau…