Bốn cái ti vi

Bốn cái ti vi cùng mở một giờ trong một ngôi nhà, nỗi chia cắt đã sâu hơn nhiều so với người ta nghĩ.

Chị và chồng con đang sống chung dưới một mái nhà. Thỉnh thoảng những đám tiệc của họ hàng, vẫn thấy hai vợ chồng cùng nhau đi dự. Chị ca ngợi chồng, anh quan tâm chăm sóc vợ. Thế nhưng, về đến nhà là mỗi người một phòng riêng.
Những tưởng chuyện thỏa thuận ly thân là chuyện của riêng vợ chồng, nhưng dần dần cả nhà đều biết. Cơm nước đã có người giúp việc, chị không phải tất bật bếp núc, nhưng giờ ăn cơm chung cũng bị “vi phạm” thường xuyên. Có lúc anh về đúng giờ nhưng ngồi ăn một mình, chị về trước, đã ăn xong lên phòng đóng cửa. Cái ti vi chung của cả nhà ở phòng khách, khi anh cầm lấy cái remote là chị đứng dậy rời phòng. Tuần trước, anh mua cùng lúc ba cái ti vi, thợ đến nhà đục tường gắn dây ầm ĩ. Vậy là bây giờ bốn phòng bốn người có bốn cái ti vi, cha mẹ con cái mỗi người theo một chương trình riêng. Anh đùa một câu đắng nghét: “Mai mốt ly hôn nhớ ba cái ti vi này là của anh mua nha!”.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chuyện cái ti vi là nhỏ, chuyện mấy cái nhà của chị mới thật khó khăn. Vợ chồng ly thân vì chồng bồ bịch liên miên, chị thề không bao giờ nhúng tay vào đời “thằng chả” lần nữa, nhưng vì con cái, chị đồng ý không ly hôn, chỉ ly thân. Sống chung dưới một mái nhà, nhưng một người làm một người phá. Chị chứng kiến “thằng chả” bán chiếc xe SH, rồi một ngày bộ salon gỗ quý trong nhà cũng lên đường. Giấy tờ nhà chị gửi ngân hàng, nhưng đồ đạc vật dụng trong nhà dần dần bay biến. Rồi chủ nợ đến vây nhà đòi chém; em út xanh đỏ õng ẹo tới nhà kiếm anh Hai xin tiền… Chị cắn răng chịu đựng. Trời cho chị làm ra tiền, chị cất riêng, mua nhà mua đất, nhờ em út họ hàng đứng tên. Gần mười mấy năm, mấy lần bỏ tiền chuộc nợ, đến khi con cái ra riêng, chị quyết định nộp đơn ly hôn thì mới choáng váng: tài sản chung thì phải chia, tài sản riêng thì có nguy cơ bị người ta giựt mất. Chị viết cho Hạnh Dung một lá thư dài đẫm nước mắt: biết vậy ngày xưa chặt một nhát cho đứt, đỡ mười mấy năm trời còng lưng làm cho “thằng chả” hưởng không…
Điều đáng sợ là ly thân đang dần trở thành một hình thức hôn nhân phổ biến. Giận dỗi, gây gổ: ly thân. Không còn tình cảm nhưng sợ con cái dị nghị, sợ ảnh hưởng vị trí xã hội, sợ đổ bể công việc làm ăn: ly thân. Phát hiện ngoại tình: ly thân. Và đôi khi, chỉ là mệt mỏi không hào hứng với đời sống vợ chồng, cũng ly thân… Người ta chỉ nghĩ đến việc miễn là vẫn còn chung một mái nhà, vẫn còn có trách nhiệm với con cái, họ hàng, vẫn đóng vai gia đình tròn vẹn trước mắt thiên hạ. Người ta quên đi những hệ lụy âm thầm sẽ đến, sẽ diễn tiến, sẽ biến cuộc sống chung thành một cuộc tồn tại vật vờ, lãng xẹt, trong đó hai cá thể của hôn nhân quen dần với những hờ hững, lạnh nhạt và dần trở nên vô cảm với nhau.
Hạnh Dung ấn tượng sâu sắc với một lá thư, trong đó người phụ nữ hỏi mình có nên chọn giải pháp “ly thân mãi mãi”, vì chị không muốn mang tiếng bị chồng bỏ, nhưng cũng không còn yêu thương gì chồng. Chẳng biết đến giờ người phụ nữ ấy có còn nghĩ “mãi mãi” chính là cả cuộc đời mình hay không.
Bốn cái ti vi cùng mở một giờ trong một ngôi nhà, nỗi chia cắt đã sâu hơn nhiều so với người ta nghĩ. Chỉ vì cảm giác còn chung một lối vào nhà, nên người ta không cảm thấy lo lắng lắm khi thời gian trôi qua. Không lo lắng nên mặc kệ, không ai nỗ lực để hàn gắn lại mọi chuyện, để mở lòng ra với nhau, để chăm sóc và được chăm sóc, để yêu thương và được yêu thương. Cứ thế, những chương trình khác nhau nối tiếp giết hết thời gian của họ, mà không ai buồn tìm kiếm một mối quan tâm chung, để có thể mở một cái ti vi cho cả bốn người cùng chia sẻ một chương trình…
Những cuộc ly biệt xưa nay đều có lúc kết thúc, hoặc là trùng phùng, hội ngộ, hoặc mất hẳn đời nhau. Xin đừng để mình trong tâm thế đợi mãi một cuộc chia ly, để rồi người đứng cứ đứng, người đi không đi mà cả đôi đều bạc tóc. Mọi thứ đều cần có “deadline”. Cuộc đời là hữu hạn, xin đừng lãng phí mình và lãng phí cả đời nhau…

Chạnh lòng vì vợ ích kỷ

Vì lối ứng xử của chị mà gia đình mất dần những mối quan hệ. Thương con nhưng đầu anh đã thoáng qua hình ảnh của tờ đơn ly hôn.

Anh vẫn thầm mong không bao giờ phải đem vợ mình ra so sánh với bất cứ người phụ nữ nào. Cũng như anh không muốn chị ví von, giá như anh được như người này, người nọ. Nhưng không ít lần anh chạnh lòng.

Chị người thành phố, anh dân tỉnh lẻ. Người ta vẫn thường bảo “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Nhưng chị thì luôn nói rằng đó là phong tục cổ hủ. Hai vợ chồng lập nghiệp ở thành phố. Rất ít khi có dịp về quê. Những ngày đầu đưa vợ về ra mắt, anh đã dặn trước, mình về quê thì phải đi chào họ hàng cho phải phép. Nhưng mới về đến nhà là chị than ngồi tàu xe mệt. Miễn cưỡng qua chào họ hàng thì chị nói chuyện với giọng điệu “ở trên phố thì…”, làm anh cảm thấy ngại. Anh nghĩ, vợ chồng lấy nhau mấy khi về quê, thôi dần dần chị thay đổi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mỗi khi có bạn anh đến chơi, chị đều cư xử rất vô duyên. Anh mời bạn ở lại ăn cơm, chị hậm hực đi nấu. Món ăn mặn nhạt thất thường. Anh góp ý thì chị gay gắt: “Bạn anh sao tôi phải hầu”.

Chị sinh con, anh chia sẻ với vợ nhiều việc. Cứ hết giờ làm việc là anh mau chóng về nhà. Chị thấy anh quấn quýt con thì phó mặc. Đêm con khóc, mình anh thức dỗ dành. Anh nhẹ nhàng bảo vợ, sáng anh còn phải dậy sớm đi làm nên tối con khóc vợ dỗ con giúp anh. Chị vùng vằng: “Cả ngày tôi phải bế con rồi, có tí buổi đêm mà anh không chăm được à? Anh sống vô trách nhiệm thế!”.

Thỉnh thoảng chị giận anh điều gì là bỏ về bên ngoại. Anh thường năn nỉ chị, chị được nước làm tới. Chị kể anh đủ thứ tội trước mặt bố mẹ. Bố mẹ chị thương con, xót cháu cũng xúm vào trách anh. Anh khuyên chị có gì về nhà hai vợ chồng đóng cửa bảo nhau. Chị cự lại, bảo phải nói cho tất cả mọi người biết, cho anh chừa, anh biết tay...

Ai cho gì, biếu gì chị đều vui vẻ nhận. Nhưng đến khi họ ốm đau, bệnh tật chị ít khi quan tâm. Anh có đem biếu lại họ thì chị gạt phắt đi. Chị bảo đèn nhà ai nấy rạng, hơi đâu bao đồng.

Vì lối ứng xử của chị mà gia đình anh mất dần những mối quan hệ. Thương con nhưng trong đầu anh đã thoáng qua hình ảnh của tờ đơn ly hôn.

Đàn ông liêu xiêu

Bà chủ quán cà phê rồi cũng nhận ra. Bà thẳng thừng độp một câu: “Cậu có vợ con chưa?”. Anh không khỏi giật mình. Và đỏ mặt.

Lần đầu tiên cô tới là để sửa cái quạt. Chỉ ngồi phía sau có người chở thì nội việc cầm cái quạt cồng kềnh trên đường đông đúc cũng dễ bị va quẹt, huống chi vừa cầm lái vừa cầm quạt. Cô ngừng xe trước quán của anh vừa lúc một chiếc xe khác trờ tới, cô phải vội xìa cái quạt qua chỗ khác, tay lái chao nghiêng… suýt nữa thì cả người, xe lẫn quạt đổ nhào.

Ông chồng đâu mà để vợ phải như vậy? Anh tự hỏi.

Lần sau cô đem tới cây đèn bàn cũ kỹ với nụ cười áy náy: “Cây đèn này mua cái mới cũng chẳng tốn bao nhiêu, nhưng nó là kỷ niệm nên thằng bé nhà tôi muốn giữ cho bằng được, anh thông cảm sửa giùm”.

Một người mẹ chiều ý muốn giữ lại vật kỷ niệm cho con, thật đáng cho anh nhớ. Quá khác với vợ của anh, cái đồng hồ đeo tay anh tặng kỷ niệm ngày cưới chỉ ngày hôm sau là đã bị thay sợi dây kiểu khác.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lần tiếp, cô đem tới cái bàn ủi. Cậu thợ ngạc nhiên, cái bếp từ là ca khó thì ông chủ phải tự tay làm, sửa cái bàn ủi là chuyện vặt sao ông chủ cũng phải ra tay?

Lần nữa, cô đem tới cái lò nướng, loại lò mua cách đây cả chục năm. Thoáng đỏ mặt, cô phân bua: “Còn xài được mà bỏ thì phí”. Thường thì gặp những món quá cũ này anh từ chối ngay, vì mua đồ thay thế rất khó, sửa xong cũng chóng bị hư hỏng lại, đã vậy còn khó tính tiền công. Nhưng với cái lò của cô, anh bỏ ra cả buổi ở chợ bán đồ cũ tìm mua những thứ cần thiết để thay thế. Người bán hàng quen nể mặt anh lục tung cả kho phế liệu để tìm, vừa lục vừa càu nhàu: “Bữa nay chơi đồ cổ à?”.

Cậu thợ bưng cái lò nướng đặt lên xe giùm cô, loay hoay nhích tới nhích lui cho nó được thăng bằng, anh thì dắt cái xe máy của mình ra đường. Đợi cô chạy một đoạn, anh chạy theo sau. Anh từng thắc mắc gã đàn ông nào lại để vợ một mình kiểu này, nhưng sau thì anh mơ hồ đoán ra... Mà sao con cô không bưng bê giúp mẹ? Hay do cô chiều con quá? Những bà mẹ một mình thường bù đắp cho con bằng cách cưng chiều quá mức.

Đúng như anh đoán, chỉ hai mẹ con cô với nhau thôi. Bà chủ quán cà phê vỉa hè miệng mồm nhanh nhảu, anh ra vẻ bâng quơ hỏi một câu là bà tuôn ra một tràng. Phòng trọ đó không thấy đàn ông, đứa con bị liệt phải ngồi xe lăn. Mẹ thương con ghê lắm, làm nghề bán hàng cho người ta mà chiều nào cũng xin về sớm một tiếng đồng hồ để đẩy xe cho con ra hoa viên ngắm cảnh và chơi với mấy con chim sâu. Đàn ông có người sao quá tệ, con mình sinh ra tật nguyền mà bỏ đi được? Mà cô vợ thì đẹp người, đẹp nết cỡ đó...

Đẹp người đẹp nết, giọng người kể lộ vẻ tiếc nuối một thì lòng anh tiếc nuối gấp vạn lần. Để rồi, khi quay về nhà, anh khó mà cười xòa khi vợ lại bày ra một mớ váy áo mới mua, phân bua là nhân đợt giảm giá. Anh khó chịu khi đi làm về thấy hình ảnh quen thuộc là nhà cửa lôi thôi, đứa con vừa đi mẫu giáo về ba lô còn đeo sau lưng mà vợ thì lo trang điểm cho một cuộc hẹn với bạn bè. Anh bực bội khi mâm cơm vẫn thường là những món kho, món xào nấu sẵn mua ở siêu thị…

Anh hay theo sau, đến hoa viên lặng lẽ nhìn cô đẩy cái xe lăn dạo quanh. Tóc cô cột cao, lộ cái cổ hằn những đường gân xanh. Cô gầy quá. Nhưng tay cô đẩy cái xe lăn thật vững. Anh thấy mình trào lên ước muốn được cầm lấy bàn tay rất gầy đó. Thằng bé trong xe thích thú được đi ra đường, nó cười tươi và chỉ trỏ lung tung. Anh thấy mình trào lên nỗi thương cảm muốn bồng bế, nhấc bổng nó lên.

Bà chủ quán cà phê rồi cũng nhận ra. Bà thẳng thừng độp một câu: “Cậu có vợ con chưa?”. Anh không khỏi giật mình. Và đỏ mặt.

Anh sẽ là một gã quá tệ nữa trong mắt bà chủ quán nếu chiều nào cũng đến đây. Vợ anh không đẹp người đẹp nết nhưng đứa con nhỏ của anh thì đang mong ba đi làm về.

Vội vàng

Anh chị gặp nhau, rồi vội vàng cưới nhau chỉ sau vài tháng. Bây giờ thì cả hai bắt đầu chán nhau. Họ đã tính đến chuyện chia tay...

Họ đâu còn trẻ mà bảo nông nổi? Anh đã bước sang tuổi bốn mươi. Chị ở tuổi ba sáu. Anh là nhà thiết kế máy cơ khí của một công ty chế tạo thiết bị chuyên dùng. Chị là bác sĩ ở một bệnh viện lớn của thủ đô. Anh không thuộc loại xấu trai. Chị thuộc loại xinh gái. Nói tóm lại, là họ đủ sự từng trải và sự khôn ngoan, để tiến tới một cuộc sống gia đình.

Họ biết nhau trong trường hợp khá tình cờ. Mọi khi chị về nhà sớm. Nhưng hôm đó xe hỏng. Cái xe SH mới cứng bỗng dưng dở chứng. Không thể thuê một chiếc xe chở hàng mini chở về. Không có cửa hàng cửa hiệu quanh đây. Vậy là chị tính bài dắt bộ. Khi chạy, nó là một cỗ xe rất đáng yêu. Nhưng khi chết máy, thì đúng là thứ của nợ. Chị vừa dắt vừa thở.

Thế rồi gặp anh. Anh ta đang đi, bỗng giảm tốc độ, rồi dừng hẳn chờ chị dắt tới. “Chị để gọn vào đây. Tôi chỉ sửa loáng cái, là chạy ngon thôi mà”. Chị có vẻ lưỡng lự. Lòng tốt vô tư, hay có mưu đồ gì đây? Chị nghĩ vậy, nhưng đã quá mệt, đành làm theo lời anh ta.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh ta có vẻ rất thành thạo với chiếc xe. Lấy túi đồ nghề từ cốp xe, dường như anh ta đã đoán được xe hỏng ở chỗ nào. Quả thật, chỉ trong vòng mươi phút, chiếc xe đã nổ máy ngon lành.

“Anh ơi! Hết…hết bao nhiêu?”. “Hết gì cơ?”. “Là muốn hỏi anh, anh sửa…hết bao nhiêu?”. Anh ta vừa lau tay, vừa cười phá lên: “Tôi có phải thợ sửa xe đâu? Tôi giúp chị thôi mà. Có lẽ hôm qua trời mưa, xe chị đi, dính nước”. Chị bối rối: “Rất cảm ơn anh. À, tôi ở bệnh viện…Nếu có lúc nào cần khám, hoặc tư vấn, xin anh đến khoa tiêu hóa”.

Anh ta nhìn chị, cầm cái danh thiếp chị đưa và ngắm nghía. Rồi anh ta rút điện thoại, bấm bấm, gọi cho ai đó. Chị bỗng giật mình khi thấy điện thoại đổ chuông. Chị lấy máy ra. Anh ta cười: “Số của tôi đó. Nếu cần, thì chị lưu lại. Tôi là kỹ sư cơ khí, có cần gì…tôi rất hân hạnh được giúp chị. Chị tên? À, đây rồi. Hoàng Phương Lan. Tên hay quá. Tên tôi là Túc. Lê Huy Túc".

Vậy là họ quen nhau. Anh không đến khám ở phòng chị, nhưng đã hai lần mời chị đi uống cà phê. Và họ cũng nhanh chóng hiểu hoàn cảnh của nhau. Chị lỡ một lần kết hôn. Còn anh thì đã li dị vợ ba năm nay. Tóm lại, là họ có thể đến với nhau. Có thể thành một tổ ấm. Mà xem ra, lại rất ăn ý. Rất “môn đăng hộ đối”.

Ít lâu sau (cái “ít lâu” này, chỉ tính bằng tháng) họ đi đến hôn nhân. Đám cưới thuê ở phòng cưới sang trọng. Cô dâu mặc váy trắng quết đất. Chú rể đóng bộ củ sẫm màu. Có dẫn chương trình. Có nổ sâm-panh. Nghĩa là đủ cả.

Không biệt thự. Nhưng căn phòng chung cư rộng tám mươi mét vuông, cũng đủ trở thành mênh mông với đôi vợ chồng. Họ cũng tổ chức một tuần trăng mật. Bố trí về hai quê thăm họ hàng. Tóm lại, đó là cặp đôi hoàn hảo, trên cả mức đẹp đôi thường tình. Một cặp vợ chồng hẳn sẽ hạnh phúc. Chí ít, thì con mắt bên ngoài nhìn vào, đều thấy như vậy.

Cũng theo nhận xét bên ngoài, đôi vợ chồng này có sinh ra một tá con (nếu Luật hôn nhân cho phép) thì họ cũng không có vấn đề gì về kinh tế. Phần lương “cứng” của hai vợ chồng đã hơn chục triệu. Phần lương “mềm” tức là làm thêm, thưởng quý, năm…bình quân cũng cỡ hơn chục triệu nữa. Vậy thu nhập của họ cỡ gần ba chục triệu mỗi tháng. Có ăn vàng cũng chả hết.

Ấy vậy mà mới sống được nửa năm, đã có vấn đề phát sinh. Mới đầu cũng nhỏ, khó chịu tí chút, dần dần trở thành nghiêm trọng.

Các cụ có nhận xét, lấy nhau mà không có con ngay, là dễ sinh chuyện. Còn nếu có con ngay, thậm chí cả “giống ngắn ngày” tức là vừa cưới xong đã có con, thì chả có vấn đề gì. Mọi chuyện sẽ bị xếp sang một bên, thậm chí xếp xó, khi cả hai vợ chồng phải chăm sóc đứa con. Thế nhưng không hiểu sao đã nửa năm trôi qua, mà cô vợ chưa thấy “tín hiệu” gì. Có ai hỏi, cô vợ chỉ thủng thẳng trả lời: “Cơm chưa ăn, gạo còn đó. Đi đâu mà vội”. Những người chậm hiểu, không rõ cô nàng trả lời thế, là có ý gì.

Vấn đề phát sinh có phải do chậm con, thì chưa rõ. Nhưng rõ ràng có sự trục trặc giữa hai vợ chồng.

Đầu tiên từ phía cô vợ. Cái bệnh nghề nghiệp đã khiến cô kỹ tính đến mức thái quá trong ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp. Thức ăn thừa buổi sáng, chiều đã cho vào sọt rác rồi. Từ rau, củ, quả…bất cứ thứ gì cũng sục ô-zôn, đến mức ăn rau sống mà cứ như ăn rau tái.

Quần áo của chồng thì thôi rồi! Chưa bẩn đã giặt. Có hôm sơ ý, cô còn cho cả giấy tờ, tiền, chìa khóa vào…máy giặt. Chồng phải thường xuyên tắm, gội đầu. Đánh răng cũng phải “chuẩn” chứ không được cọ cọ, cào cào mấy cái cho xong chuyện. Ông chồng dần dần bị cấm uống rượu, hút thuốc, bia, cà phê…

Thứ hai, là từ phía anh chồng. Khi lấy nhau rồi, cô vợ mới phát hiện ra anh chồng không chỉ làm việc ở cơ quan, mà còn lôi việc về nhà. Nào là máy móc, chai lọ, hóa chất…Cứ y như một phòng thí nghiệm. Đi làm thì chớ, cứ về đến nhà là lao vào phòng thí nghiệm tự tạo ấy cho đến tận đêm khuya.

Có hôm cô vợ hoảng hồn vì nghe thấy tiếng nổ trong phòng. Rồi khói trắng khói đen mù mịt. May chưa cháy nhà, chết người. Ấy vậy, nhưng chỉ dừng được vài hôm, rồi đâu lại vào đó. Nghe nói cô vợ cũ không thể chịu nổi, nên đã vội vã… bỏ của chạy lấy người.

Bây giờ thì cả hai bắt đầu chán nhau. Họ đã tính đến chuyện chia tay. Mà sự tính toán này nghiêm túc đấy. Chỉ có điều, vào thời điểm nào thôi. Cũng may họ chưa có con. Có người nhận xét rằng, nếu có con sớm, có khi chuyện đổ vỡ lại không xảy ra.