
"Đó là lần đầu tiên tôi tận mắt chiêm ngưỡng ngai vàng trong điện Thái Hòa, không ngờ cũng là lần cuối thấy bảo vật này còn nguyên vẹn", Lô Tiến Biểu (28 tuổi, ngụ Hà Nội), một trong những du khách tham quan Đại Nội Huế ngày 24/5, bày tỏ tiếc nuối.
Một tiếng trước khi ngai vàng triều Nguyễn bị kẻ xấu đập gãy, Biểu chụp ảnh, quay clip bên trong điện Thái Hòa, di chuyển theo hướng dẫn của bảo vệ.
Anh miêu tả ngai vàng đặt gần lối đi, cách dãy hàng rào cao khoảng 1 m. Nam du khách ấn tượng vẻ uy nghi của biểu tượng quyền lực của một triều đại.
Đến khoảng 12h, Biểu chứng kiến cơ quan chức năng chạy xe thẳng vào điện Thái Hòa. Anh chưa rõ chuyện gì xảy ra, cho đến khi đọc tin tức mới biết có người xâm phạm ngai vàng.
"Tôi thật sự bất ngờ và cảm thấy buồn khi hiện vật bị hư hại", Biểu nói.

Xâm phạm
Ngai vàng đặt tại điện Thái Hòa được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015. Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt, từng chứng kiến lễ đăng quang của các vua triều Nguyễn.
Ngai được làm bằng gỗ, gồm hai phần: thân và bệ đỡ, phía trên có bửu tán. Bảo vật dài 87 cm, rộng 72 cm, cao 101 cm, nặng khoảng 60 kg. Đây là hiện vật nguyên gốc, được đặt ở vị trí trung tâm trong điện.
Trong buổi tham quan trưa 24/5, Hồ Văn Phương Tâm (42 tuổi) trèo qua hàng rào gỗ, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn dưới bửu tán.
Đối tượng tỏ thái độ hung hãn, ngồi xếp 2 chân lên ngai vàng, la hét, chửi rủa và làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái. Lợi dụng lúc Tâm đi xa khỏi khu vực trưng bày các hiện vật, nhóm bảo vệ đã xông vào khống chế.
"Đây là sự việc đáng tiếc, gây hậu quả nghiêm trọng và cần được nhìn nhận nghiêm túc để rút bài học sâu sắc", ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế nói với Tri Thức – Znews sau buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ngày 26/5.

Thành phố yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng lại toàn bộ phương án bảo vệ, đặc biệt đối với các hiện vật cấp quốc gia.
"Bảo vật quốc gia, di sản là tài sản vô giá của đất nước. Huế may mắn được lưu giữ những di tích rất đặc biệt nên càng phải nghiêm ngặt hơn", ông Bình nói.
Đánh giá về sự việc tại Đại Nội Huế, trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhận định "đây là tổn thất rất lớn". Ông cho rằng hành vi của người gây ra sự việc sẽ bị xử lý theo luật, nhưng điều đáng lo hơn là công tác bảo vệ hiện vật.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, nhận định đây không chỉ là sự cố đáng tiếc mà còn phản ánh năng lực quản lý di sản còn nhiều bất cập.
"Quản lý di sản không chỉ là gìn giữ về mặt vật chất, mà còn bao gồm cả công tác bảo vệ, tức là cách thức ứng xử với những bảo vật quốc gia như thế nào cho đúng mực", ông Lương nói.

Theo ông Dương Trung Quốc, khi một hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia, việc bảo vệ phải tương xứng với giá trị của nó. Điều này không chỉ bao gồm việc bảo vệ về mặt vật chất như cấu trúc hay môi trường trưng bày, mà còn là duy trì sự nghiêm trang của không gian di tích.
"Luật đã quy định rõ bảo vật quốc gia phải có chế độ bảo vệ đặc biệt. Nhiều nơi trên thế giới áp dụng các biện pháp rất chặt chẽ như sử dụng thiết bị an ninh, kiểm soát nhiệt độ, thậm chí có cơ chế khóa kép để không ai có thể tự ý tiếp cận", ông nói.
Lỗ hổng
Là một trong những người có mặt tại điện Thái Hòa trước thời điểm xảy ra sự việc, du khách Lô Tiến Biểu nhận xét sự hiện diện của lực lượng bảo vệ tại khu vực trưng bày "khá mờ nhạt".

PGS.TS Phạm Trung Lương đánh giá sự việc lần này đã "bộc lộ sự lỏng lẻo trong tổ chức và thực thi nhiệm vụ bảo vệ di sản".
"Với bất kỳ bảo vật nào, chúng ta đều phải có sẵn các kịch bản rủi ro, thậm chí là tình huống xấu nhất, để luôn có phương án ứng phó chủ động. Không thể để mọi việc xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm!", ông nói.
Chuyên gia nhấn mạnh nhận thức sớm về rủi ro là "yếu tố sống còn" thể hiện vai trò quản lý trong công tác bảo tồn di sản. Không thể chờ đến khi xảy ra tổn thất rồi mới đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm.
Theo ông Dương Trung Quốc, ngai vàng được đặt trong không gian mở, không có lồng kính hay người giám sát thường trực. Việc không kịp thời phát hiện hành vi phá hoại cho thấy rõ sự thiếu hụt nhân sự trông coi - một lỗ hổng lớn trong công tác bảo tồn.
"Không thể chỉ trông chờ vào thiết bị như camera, quan trọng là có người trực để ứng phó kịp thời", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia lưu ý di tích như Đại Nội Huế có quy mô rộng, nguồn lực không dồi dào, nhưng đối với bảo vật quốc gia, cần có cơ chế riêng, đặc biệt về nhân sự túc trực và ngân sách bảo vệ.

PGS.TS Phạm Trung Lương dẫn chứng tại nhiều quốc gia, khi đưa các bảo vật ra trưng bày tại nơi công cộng, điều đầu tiên họ tính đến là nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt trong những tình huống không thể can thiệp kịp thời.
Để hạn chế rủi ro, các nước thường không trưng bày hiện vật gốc, mà sử dụng bản sao hoặc tiêu bản, nhất là với những hiện vật được xếp hạng bảo vật quốc gia.
Bên cạnh đó, yếu tố kỹ thuật cũng đóng vai trò then chốt. Hệ thống camera, cảm biến laser, thậm chí là cơ chế tự động bao bọc hiện vật khi có dấu hiệu xâm nhập đều đã được áp dụng ở nhiều bảo tàng, di tích trên thế giới.
Trong chuyến du lịch Paris (Pháp) cách đây vài năm, Thúy Hiền (30 tuổi, ngụ Nghệ An) từng tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh Mona Lisa được đặt tại bảo tàng Louvre. Dù lượng khách bao quanh "nàng" Mona Lisa chật cứng, các biện pháp bảo vệ luôn được thắt chặt.
"Du khách không được tiếp cận gần bức tranh do có hàng rào chăng dây giới hạn khoảng cách. Bức tranh được đặt sau lớp kính chống đạn và dòng người luôn được yêu cầu di chuyển liên tục, không dừng lại quá lâu", Hiền kể.
Bảo vệ
Để tránh sự việc tương tự, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết sẽ xây dựng phương án đảm bảo an ninh chặt chẽ hơn tại khu di sản, đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia.
Các giải pháp bao gồm tăng cường thiết bị an ninh, bổ sung công cụ hỗ trợ, huấn luyện nhân viên bảo vệ, nâng cao khả năng phát hiện và xử lý các tình huống bất thường.
Trung tâm cũng thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án bảo quản và trình cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa.
Đồng thời, đơn vị có phương án tăng cường nhân sự và phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày trong toàn bộ quần thể di tích.

PGS.TS Phạm Trung Lương nhận định trên hành trình bảo vệ di sản, kỹ thuật công nghệ chỉ là một phần. Theo ông, nhân tố con người, tức đội ngũ trực tiếp được phân công giám sát, bảo vệ, mới là "tuyến phòng thủ đầu tiên".
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế nhấn mạnh đội ngũ bảo vệ cần được tập huấn nâng cao nghiệp vụ, tuyên truyền tại các điểm di tích nhằm nâng cao nhận thức của người dân, du khách về trách nhiệm chung trong gìn giữ di sản.
Theo ông Dương Trung Quốc, sự việc lần này tại Đại Nội Huế không chỉ là hồi chuông cảnh báo tại Huế, mà còn là bài học đối với tất cả địa phương đang lưu giữ bảo vật quốc gia.
Ông chỉ ra tình trạng nhiều bảo tàng, cơ sở bảo quản bảo vật nhưng thiếu hỗ trợ tài chính khiến điều kiện bảo vệ còn hạn chế.
Theo chuyên gia, các đơn vị cần xác lập nguyên tắc bảo vật quốc gia phải đi kèm với nguồn lực bảo vệ tương xứng, không thể chỉ dừng ở việc công nhận rồi để mặc cơ sở trưng bày tự lo liệu. Các cơ sở phải có phân công rõ ràng, đầu tư riêng một bộ phận hoặc ít nhất một nhân sự chuyên trách trông nom hiện vật.
"Tôi cho rằng, đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ các bảo vật quốc gia đã được công nhận, xem có trường hợp nào còn sơ hở, thiếu điều kiện bảo vệ, để bổ sung, hoàn thiện quy trình", ông Dương Trung Quốc đề xuất.
Sau cùng, ông nhấn mạnh yếu tố nền tảng là giáo dục ý thức của người dân - những người có thể góp phần vào việc giám sát và bảo vệ di sản. Khi có sự cố, nếu cộng đồng xung quanh có ý thức và phản ứng kịp thời, thiệt hại có thể được giảm nhẹ.
Đối với những nơi cho phép khách tham quan tiếp cận gần hiện vật, chỉ cách một dây chắn hoặc rào chắn đơn giản, cần có đánh giá lại khoảng cách an toàn và phương án phòng ngừa hiệu quả hơn.
"Không thể chủ quan!”, ông Dương Trung Quốc khẳng định, nói thêm việc ngai vàng bị xâm phạm là lời nhắc nhở rõ ràng việc bảo vệ di sản, nhất là bảo vật quốc gia, không thể chỉ bằng niềm tin hay danh nghĩa, mà phải được cụ thể hóa bằng quy định, người chịu trách nhiệm và nguồn lực đầu tư.
Chính quyền TP Huế cho hay di sản không chỉ là tài sản của Nhà nước mà còn là của mỗi người dân. Mỗi hành vi thiếu ý thức đều có thể gây hậu quả không thể khắc phục.
"Chúng tôi rất mong cộng đồng, người dân hãy cùng chung tay bảo vệ các di sản văn hóa mà Huế đang may mắn lưu giữ", Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế nói.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.