Mỗi dịp đầu hè, vải thiều lại trở thành loại trái cây “đắt hàng” nhất trên các sạp chợ, cửa hàng nông sản và mạng xã hội. Tuy nhiên, mùa vải khá ngắn, thường chỉ kéo dài khoảng 2–3 tuần và hiện đang bước vào giai đoạn cuối vụ. Trước nguy cơ “hết mùa là hết ăn”, nhiều người đã chia sẻ bí quyết bảo quản vải tươi lâu để có thể thưởng thức cả tháng mà không cần dùng đến chất bảo quản hay công nghệ phức tạp.

Hai cách bảo quản vải phổ biến, dễ làm tại nhà
Theo kinh nghiệm truyền miệng từ cộng đồng nội trợ, có hai phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp giữ vải tươi lâu ngày:
1. Cấp đông phần thịt vải đã bóc sẵn:
Vải sau khi mua về được chọn lọc kỹ, rửa sạch, để ráo, rồi bóc vỏ, bỏ hạt. Phần thịt vải được cho vào hộp đựng thực phẩm kín hoặc túi zip, để trong ngăn đá tủ lạnh. Với cách làm này, vải có thể giữ được hương vị tươi ngon từ 3–4 tuần. Khi ăn, chỉ cần rã đông nhẹ là có thể dùng được ngay, thích hợp làm món tráng miệng, pha trà trái cây hoặc ăn kèm sữa chua.
2. Bảo quản nguyên chùm trong ngăn mát:
Một số người chọn cách giữ nguyên chùm vải, không rửa, chỉ lau khô nhẹ rồi bọc vào giấy báo hoặc giấy hút ẩm, sau đó đặt vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp bảo quản được 7–10 ngày. Tuy nhiên, cần thường xuyên kiểm tra để loại bỏ quả hỏng nhằm tránh lây lan sang những quả còn lại.
Ngoài hai phương pháp trên, nhiều người còn tận dụng cuối vụ để làm siro vải hoặc vải sấy khô, vừa tiện lợi vừa bảo quản được lâu hơn.

Từ thói quen tích trữ đến “kỹ năng tiêu dùng thông minh”
Không còn mua theo cảm tính hay để hỏng phí phạm, ngày càng nhiều bà nội trợ chủ động lên kế hoạch tích trữ thực phẩm theo mùa. Với đặc điểm dễ hỏng, vải trở thành một “bài toán nhỏ” trong căn bếp mà nhiều người đã có lời giải hiệu quả.
Chị Phạm Thảo (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, “Tôi thường gom mua vải vào cuối mùa, khi giá đã hạ. Chọn loại tươi ngon nhất, tôi sơ chế sẵn để cấp đông, dùng dần cho cả tháng. Cách làm này không chỉ tiết kiệm mà còn giúp gia đình tôi luôn có hoa quả sạch ăn mỗi ngày”.
Xu hướng này đang lan rộng trong nhóm người tiêu dùng trẻ, đặc biệt là những gia đình bận rộn, ít có thời gian đi chợ hằng ngày. Việc chủ động bảo quản đúng cách giúp tận dụng tối đa nguồn thực phẩm theo mùa, tránh lãng phí và tạo thế chủ động trong sinh hoạt.
Theo chuyên gia an toàn thực phẩm, việc bảo quản vải cần đảm bảo vệ sinh: “Không nên để vải bóc sẵn quá lâu ở nhiệt độ thường vì dễ lên men, sinh vi khuẩn. Khi cấp đông, cần sử dụng hộp nhựa an toàn, không để lẫn thực phẩm sống và không rã đông rồi cấp đông lại”.
Vải là loại quả có hàm lượng đường cao, nếu bảo quản không đúng dễ bị nấm mốc hoặc biến đổi mùi vị. Việc rã đông cũng nên thực hiện tự nhiên, không nên dùng lò vi sóng hoặc nước nóng sẽ làm vải nhũn và mất mùi thơm.