Ngày 7/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực họp phiên thứ 28 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm – Trưởng Ban Chỉ đạo.

Không để trường hợp suy thoái, tham nhũng, lãng phí lọt vào cấp ủy khóa mới
Thông tin kết quả phiên họp, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, mặc dù phải triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, song công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không “chững lại”, “chùng xuống”, mà ngược lại, tiếp tục được triển khai quyết liệt, bài bản, với nhiều cách làm mới, mang lại hiệu quả rõ rệt. Những kết quả đó góp phần tăng cường, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Theo Ban Chỉ đạo, từ ngày 1/7, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động của bộ máy mới đặt ra rất nhiều nhiệm vụ tiếp tục phải giải quyết, trong đó công tác tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới với những nhiệm vụ cụ thể, cấp bách phải làm ngay.
“Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phải tập trung triển khai thực hiện 4 yêu cầu và 6 nhiệm vụ”, ông Đặng Văn Dũng cho biết.
Theo đó, 4 yêu cầu cụ thể gồm: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng. “Kiên quyết không để những trường hợp suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lọt vào cấp ủy khóa mới”, ông Đặng Văn Dũng cho biết chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tăng cường đồng bộ với quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp – làm quyết liệt ngay từ đầu, ngay từ khi bắt đầu vận hành, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương hai cấp thực sự liêm chính, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, chuyển trọng tâm sang phòng ngừa, chủ động nhận diện, dự báo, cảnh báo vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; kiên quyết không để tái diễn các sai phạm cũ; có vụ việc thì phải xác minh làm rõ. Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu tiếp theo của là cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phát huy vai trò và tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và sự giám sát của nhân dân để phòng ngừa tham nhũng ngay từ cơ sở. Đặc biệt phát huy tính tự giác, tự nguyện, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
“Bất kể ai có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cản trở đổi mới, cản trở sự phát triển của đất nước trong lúc này, không chỉ có tội mà còn có lỗi rất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân”, ông Đặng Văn Dũng thông tin.
Kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực ở cấp xã
Về 6 nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm 2025, theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện thể chế, khắc phục những sơ hở, bất cập, chồng chéo trong các quy định, Tổng Bí thư chỉ đạo khẩn trương hoàn thành rà soát đầy đủ, làm rõ nguyên nhân và có phương án xử lý dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí trong năm 2025, không để lãng phí kéo dài, không hợp pháp hóa các sai phạm.
Nhiệm vụ tiếp theo là cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Phấn đấu không để kéo dài những vụ, việc cũ sang nhiệm kỳ mới, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Cùng với đó, cơ quan chức năng tập trung xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, liên quan đến Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, dự án sân bay Nha Trang. Rà soát, lập danh mục các nội dung kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đến nay chưa hoàn thành, chưa được thực hiện, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp thực hiện và xác định rõ thời gian hoàn thành, không để “chìm xuống”, nhất là sau khi vận hành tổ chức bộ máy mới.
Đặc biệt, theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Tổng Bí thư chỉ đạo, tiếp tục rà soát, thẩm tra, thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, nhân sự Đại hội XIV của Đảng và nhân sự giới thiệu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Nhiệm vụ tiếp theo là tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ và tình trạng nhũng nhiều, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Ban Chỉ đạo nhận định, sau hợp nhất, sáp nhập các tỉnh, các xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi quyền lực ở địa phương, đặc biệt là ở cấp xã, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; khắc phục triệt để tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ.
“Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và các tài sản công sau sắp xếp tỉnh, xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, có phương án xử lý đối với các trụ sở công dôi dư, đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh để lãng phí”, ông Đặng Văn Dũng đồng thời thông tin về chỉ đạo của Tổng Bí thư yêu cầu các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở trong tình hình mới.
Đối với các địa phương mới hợp nhất, sáp nhập phải nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.