Câu chuyện thiếu 0,5 điểm vào một trường chuyên tại Hà Nội khiến một em bé dừng lại mãi mãi ở tuổi 15 đang xôn xao trên mạng xã hội, đã khiến nhiều người đau xót.
Kỳ thi vào lớp 10 ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội năm nào cũng căng thẳng, được đánh giá là còn áp lực hơn kỳ thi vào đại học khi số suất vào trường công lập ít hơn nhiều so với nhu cầu. Đặc biệt là các kỳ thi chuyên. Kỳ vọng càng nhiều, áp lực càng tăng, và nỗi buồn khi không đạt được nguyện vọng càng lớn.

Thời điểm công bố điểm thi, là lúc nhiều cô bé, cậu bé phải đối diện với thất bại. Có bạn kiên cường vượt qua, nhưng cũng có bạn đau khổ, sợ hãi, không chỉ vì nỗi buồn của chính mình, mà còn sợ sự thất vọng của mẹ cha, sợ bị mắng chửi vì đã không đạt được như kỳ vọng.
"Con sợ mẹ mắng" – Tiếng nấc nghẹn giữa đêm và nỗi ám ảnh mang tên Facebook
Một tài khoản mạng xã hội chia sẻ, đêm 5/7 (thời điểm Hà Nội vừa công bố điểm thi vào lớp 10), chị đi bán hàng về, chị bắt gặp một học sinh đứng khóc một mình. Linh cảm có điều gì đó không ổn, chị quyết định đi theo em học sinh ấy. Khoảng 12h30, em vừa đi vừa khóc, sau đó dừng lại ngồi một góc trong công viên Mỗ Lao (Hà Nội).
Chị đến gần hỏi thăm thì em học sinh òa khóc nức nở. Vừa nức nở vừa nói: “Cô ơi con sợ lắm vì các bác khoe điểm các bạn trên facebook, con sợ mẹ con mắng”. Thì ra, em không đỗ vào trường công lập. Việc chứng kiến bạn bè được cha mẹ khoe điểm thi lên mạng xã hội khiến em cảm thấy áp lực, lo sợ bị so sánh, bị trách mắng khi về nhà.
Sau một hồi vừa khuyên nhủ, vừa nghiêm khắc cảnh báo về những nguy hiểm đang rình rập ở công viên vào ban đêm, em học sinh đã đồng ý để chị đưa về. Khi về đến nơi, bố mẹ em đang tất tả đi tìm. Ở nhà chỉ có bà nội và em trai.
Sáng hôm sau, mẹ của em đã gọi điện cảm ơn, nghẹn ngào nói: “Cô ơi, cô cứu con chị một mạng”. Lúc ấy, chị chỉ nghĩ đơn giản rằng mình cần đưa đứa trẻ về an toàn, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Nhưng sau khi nghe lời cảm ơn đó, chị mới thực sự thấm thía sự việc.
Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra
“Các cô bé, cậu bé tuổi 15 ơi, người lớn chúng tôi nợ các em 0,5 điểm làm người lớn! Bởi những sốt ruột lo lắng của người làm cha, làm mẹ. Bởi những cảm xúc bị mạng xã hội “dắt mũi”. Bởi cả chính những kỳ vọng của chúng tôi về các em. Các em đã vất vả lắm rồi! Nếu kỳ thi này các em đã thất bại, đúng, từ chính xác là THẤT BẠI chứ không phải THÀNH CÔNG BỊ TRÌ HOÃN gì sất. Chẳng sao hết”, nhà văn Hoàng Anh Tú gửi lời nhắn nhủ.
Anh Chánh Văn mong các em hãy nhớ, điểm số và thất bại hôm nay không định nghĩa con người của các em. Giá trị con người của các em nằm ở sự tử tế, lòng dũng cảm, sự nỗ lực không ngừng và ở tất cả những năng lực khác của các em có.
Cánh cửa này khép sẽ có cánh cửa khác mở ra. Nguyện vọng 1, 2 hay thậm chí không đỗ trường nào cũng không phải mọi cánh cửa đều đã khép đâu. Luôn có những cánh cửa khác, thậm chí có thể dẫn các em đi xa hơn, cao hơn, thành công hơn cả cánh cửa đã từ chối các em. Chừng nào các em còn lòng can đảm, kiên cường và không ngừng cố gắng.
“Cứ buồn thôi! Cứ yếu đuối cũng được! Khóc đi! Anh tin rằng cha mẹ các em không vì thế mà bớt yêu thương các em đâu. Và đừng quên chia sẻ nỗi buồn của các em đến cha mẹ, người thân, bạn bè hoặc bất kỳ ai các em tin tưởng. Các em không cô độc”, anh Chánh Văn gửi tới các em lời động viên.

Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP Hải Phòng cũng nhắn nhủ tới các em, rằng các bài thi chỉ đánh giá một phần kiến thức và năng lực tại một thời điểm nhất định, không thể phản ánh toàn bộ khả năng của một con người. Vì vậy, dù đỗ hay chưa đỗ, các em cũng đừng quá vui mừng hay quá nặng nề.
Việc đỗ vào trường chuyên, trường công lập, học trường ngoài công lập hay lựa chọn học nghề... không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công của các em sau này. Thành công còn cần rất nhiều yếu tố và còn rất nhiều thời gian để các em tự khẳng định giá trị riêng của mình.
“Hãy tin rằng mỗi con đường đều có những cơ hội và thách thức riêng, quan trọng là các em sẽ nỗ lực như thế nào trên con đường đó”, thầy Quý chia sẻ.
Khoe điểm con trên mạng: Niềm tự hào hay sự thiếu thấu cảm?
Sau sự việc em bé dừng lại tuổi 15 vì thiếu 0.5 điểm, đã dấy lên làn sóng kêu gọi các cha mẹ ngừng chia sẻ điểm con mình để tránh gây áp lực cho các cha mẹ có con trượt vào 10.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, việc các phụ huynh khoe điểm con mình trên mạng xã hội không sai, vì có cha mẹ nào không tự hào về thành tích của con mình. “Nhưng là có hơi thiếu sự thấu cảm khi không nghĩ đến cảm xúc của những người mẹ, người cha khác”, anh Tú bày tỏ quan điểm.

Bởi vì, trong số 104,000 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay thì chỉ có 79,740 chỗ đỗ. Đó là tính tổng cả Hà Nội, gần 120 trường công lập. Còn các trường trong nguyện vọng 1, 2 thì tỷ lệ trượt rất lớn. Cùng với số học sinh đó là những gia đình…
Nhà văn cho rằng, cha mẹ hãy cứ mừng vui khi con mình đỗ vào 10 ngôi trường con thích, nhưng hãy hướng niềm vui đó tới chính xác người xứng đáng nhận lời chúc mừng. Con không lên mạng để đọc lời chúc mừng của cha mẹ, con muốn được tận hưởng trực tiếp lời chúc mừng đó.
Chia sẻ lên mạng để khẳng định sự hãnh diện của mình với con là tốt. Nhưng đi cùng với những hãnh diện ấy, là sự ghi nhận thêm những giá trị khác của con chứ đừng chỉ là điểm số, thành tích hay mặt mũi của cha mẹ. Những đứa trẻ 15 tuổi cần được cha mẹ cho chúng biết, chúng được yêu thương vì chính bản thân chúng chứ không phải chỉ vì chúng đã học giỏi, đã đỗ đạt, điểm cao. Và đừng quên, kết quả hôm nay vốn là cả một quá trình rèn luyện. Đừng chỉ khoe điểm hay khen con vì điểm số nữa.
“Hành trình làm người luôn phải trải qua rất nhiều kỳ thi, vậy thì hãy luôn ở bên con ngay cả khi con thất bại chứ đừng chỉ đứng bên con khi con thành công. Hãy yêu thương con vì chính bản thân chúng”, nhà văn nhắn gửi.
Thầy giáo Minh Quý cũng cho rằng, các bậc cha mẹ hãy giữ sự bình thản trước kết quả của con mình. Chúng ta không nên quá phô trương điểm số trên mạng xã hội. “Đây cũng là một cách giáo dục con sự khiêm tốn và lòng nhân ái, bởi lẽ niềm vui của con mình có thể vô tình chạm vào nỗi buồn của những bạn khác”, thầy Quý chia sẻ.
Thầy Nguyễn Minh Quý cho hay, mỗi kỳ thi không chỉ đơn thuần là những con số trên bảng điểm, mà còn là một dấu mốc quan trọng để các em nhìn nhận lại chính mình. Nếu kết quả chưa thực sự như ý, đừng vội nản lòng. Hãy xem đây là một động lực mạnh mẽ để các em nỗ lực hơn nữa trong những kỳ thi tiếp theo. Ngược lại, việc đỗ đạt ở kỳ thi này cũng chỉ là một khởi đầu. Đây là lúc để các em tiếp tục nhìn nhận, đánh giá bản thân và không ngừng rèn luyện để vươn tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai