![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Thời gian gần về hưu, chị thường thủ thỉ với anh rằng, sau này, chị muốn cùng anh chuyển ra Hà Nội sống gần con. Lúc ấy, anh cứ nghĩ chị đùa, bởi đứa con trai út vẫn đang làm việc tại quê và ở cùng anh chị.
Mỗi lần như thế, anh đều cười rồi trêu chị: “Người ta nghỉ hưu chỉ mong về quê cho an lành, em lại muốn ra thành phố chi cho ngột ngạt”. Nhưng chị nghiêm giọng bảo: “Em tính toán hết rồi, bàn bạc để anh chuẩn bị thôi”…
Thật ra, chị đã lên kế hoạch cho cuộc “di dời” này từ gần chục năm trước – khi con gái đầu ra Hà Nội học đại học. Chị vốn là người miền Bắc, gặp và lấy anh nên về làm dâu miền Trung. Bao nhiêu năm qua, trong tâm tưởng chị luôn khao khát một ngày sẽ được trở về sống ở quê hương. Nhưng khi con còn nhỏ, điều kiện công việc không cho phép chị đành vẫn ở quê chồng. Giờ đến tuổi nghỉ hưu, chị tìm cách hiện thực hóa ước mơ bấy lâu.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Cô con gái ra trường, đi làm vài năm rồi lấy chồng, trả nhà lại cho ba mẹ, chị đã thành công khi gây dựng được cơ ngơi ở thành phố mà chồng không mảy may nghi ngờ. Lấy cớ, nhà để không cũng phí, chị vận dụng mọi mối quan hệ chuyển việc cho con trai ra Hà Nội. Chẳng biết bằng cách nào mà khi chị có quyết định về hưu thì con cũng được nhận vào làm…
Từ ngày đó, chị nói nhiều với anh chuyện chuyển nhà, rằng khi nào anh về hưu, hai người sẽ bán nhà để ra Hà Nội. Anh phản đối kịch liệt bởi anh không thể nào rời bỏ quê hương để đến một nơi xa lạ. Anh sinh ra ở đất này thì sẽ chết ở đây. Huống chi, anh là con trai cả, chuyện thờ tự mồ mả ông bà đều do anh gánh vác, giờ anh đi thì giải quyết thế nào. Nhìn thái độ gay gắt của anh, chị im lặng không nói gì. Nhưng những chuyến đi thăm con của chị đều đặn và kéo dài hơn. Căn nhà rộng thênh thang vắng lặng, mình anh lủi thủi đi về. Nhiều hôm, anh ở lại luôn cơ quan, không muốn về nhà vì sợ buồn, sợ phải ăn ngủ một mình. Chị vẫn thế, thỉnh thoảng đảo về nhà rồi ra Hà Nội ở với con cháu. Anh có mở miệng than vãn thì bị chặn ngay: “Tại anh không nghe em, em đã quyết vậy rồi”….
Mọi người đều khuyên anh nên ở lại quê, nhà cửa rộng rãi, mát mẻ lại có họ hàng, bà con, thảnh thơi hưởng tuổi già. Họ còn dẫn chứng trường hợp nhiều người theo con ra thành phố, tự biến mình thành “gà công nghiệp” lúc nào không hay. Lúc trước, nghe vậy, anh cứng cỏi lắm, quyết tâm không đi nhưng giờ chị để anh một mình, anh lại phân vân, nhất là gần đây, anh bị tăng huyết áp ngất xỉu trong vườn, may mà hàng xóm phát hiện ra và đưa đi viện…
Anh chưa bao giờ nghĩ, đời mình khi xế chiều lại chông chênh đến thế….!
Hoài muốn sinh con ở nhà ngoại, nghĩ đến công mang nặng đẻ đau, Thịnh đã miễn cưỡng đồng ý để vợ vui lòng, chỉ mong đứa con ra đời khỏe mạnh. Khi cu Mít tròn 2 tháng, đưa về nội ấm chỗ ít lâu, Hoài lại nằng nặc đòi chồng mang con xuống ngoại. Này nhé: “Nhà bố mẹ em rộng rãi, thoáng mát chứ không ồn ào, ẩm thấp như ở đây, đồ ăn thức uống lại rẻ, sạch sẽ, thằng bé ngấp nghé ăn bột, ăn cháo cũng yên tâm. Em xin nghỉ thêm mấy tháng, ở nhà không làm gì cũng buồn chân tay, sang bên ấy còn có các chị gần nhà bố mẹ thỉnh thoảng sang nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm nuôi con. Cũng là tạo điều kiện để anh đỡ chăm sóc vợ con, tập trung vào chuyên môn, ông bà nội rảnh rang đi chơi thăm thú đây đó”, Hoài đưa ra hàng loạt lý do để đưa thằng Mít về nhà ngoại. “Em xem thế nào hợp tình hợp lý thì làm. Mà em thấy đấy, ông bà nội coi cháu là nguồn vui, có bao giờ ông bà kêu ca bận rộn, mỏi mệt đâu. Nhà cửa thì dần dần cải tạo, vả lại, ông bà đã nhường cho vợ chồng mình căn phòng đẹp nhất rồi, em đừng nói nhiều về điều này kẻo ông bà lại buồn”, Thịnh nhắc vợ mà lòng buồn thiu.
Anh buồn nhiều vì điều khác kia. Nào Thịnh có phải là chàng rể xấu xa, khó chấp nhận gì cho cam, vậy mà lấy nhau hơn 2 năm nay, vẫn như lúc mới yêu, Hoài cứ một “bố mẹ em”, hai “bố mẹ anh”. Có lần, Thịnh nhắc: “Em nên gọi chung là bố mẹ thôi”, Hoài còn cãi “Thế thì lẫn lộn, bình quân hết cả à”. Thế là rõ, Hoài không thích “bình quân” khái niệm chung về các bậc sinh thành, kể cả khi hai người đã ở chung một nhà.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Biết chồng không ưng thuận nhưng rồi chỉ một tuần sau khi anh đi công tác, ông nội gọi điện cho con trai, mách: “Con vừa đi thì cái Hoài bảo ở nhà buồn, xin phép đưa thằng cu Mít sang ngoại chơi. Vài ngày không thấy tăm tích gì, bố mẹ sốt ruột gọi điện sang thì vợ con bảo thằng bé đang bị sốt, tạm thời tĩnh dưỡng ở nhà ngoại vài ngày nữa. Rồi vài ngày lại trôi qua, mẹ con nhớ cháu quá, bố phải sang xem tình hình thế nào. Khố thân cháu tôi, nhìn thấy ông bà nội mếu máo đòi bế, làm mẹ con cũng đến rơi nước mắt. Thế mà con mẹ nó vẫn cứ lần lữa: “Hôm nào nhà con về thì chúng con lại đưa cháu về bên nhà. Thằng bé đang sụt sùi lắm, cứ phải dứt hẳn cơ ông bà ạ”. Ông cụ bỏ lửng câu chuyện, khẽ nén tiếng thở dài.
Thịnh đoán qua điện thoại, có ép Hoài đưa con về nhà ông bà nội cũng không ăn thua, cho nên anh làm việc tốc hành hơn, mong hoàn thành sớm để về nhà xem tình hình thế nào. Thế mà khi Thịnh về, đã thấy cu Mít đang ngồi tên tấm chiếu dưới gốc cây khế với ông bà nội, thích thú điều gì mà đã biết cười thành tiếng khanh khách. Trẻ con mỗi ngày mỗi khác, điều làm Thịnh ngạc nhiên là Hoài cũng đang đứng bên cạnh, vỗ tay phụ họa cho con. Kể từ ngày về làm vợ, làm dâu, lần đầu tiên Thịnh nhìn thấy nét mặt thư giãn một cách tuyệt đối của Hoài, không phân biệt nhà bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng. Niềm vui bất ngờ làm Thịnh nguôi nỗi giận vợ, cũng quên phắt việc tìm hiểu căn kẽ nguyên cớ câu chuyện.
Cho đến hôm hai vợ chồng về nhà ngoại ăn giỗ, bố vợ trong lúc khề khà với con rể đã bộc tuệch: “Mẹ con cứ chiều con gái quá, làm cái Hoài nó cứ dại dột mãi. Chính cái hôm ông bà thông gia sang thăm cháu, mừng mừng tủi tủi ấy, tối cùng ngày bố đã phải triệu cái Hoài đến nói chuyện riêng. Con hiền thì nó còn giở võ cãi chày cãi cố chứ gặp bố thì “tắt đài” nhá. “Mày làm thế là dại con ạ. Ai đời bao gánh nặng, vất vả mày đổ cho bố mẹ cả, xem ông bà thông gia kìa, xấp xỉ tuổi bố mẹ mày mà trẻ đẹp gấp mấy lần. Đấy, cái việc vất vả nhất là chăm cháu, mày lại dành trọn cho bố mẹ, thế có phải là dại dột không hở con?”. Thế là vợ con mắc mưu của bố đấy”.
Đang cười nói ngất ngưởng, thoáng thấy bóng Hoài, bố vợ im bặt. Ông nhìn chàng rể, nháy nháy mắt cười mỉm, Thịnh cũng chỉ biết mỉm cười. Anh thật phục sát đất tấm lòng, suy nghĩ thấu đáo, mưu kế cao thủ của “ông già vợ”.