![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Bà xếp quần áo, tư trang của mình từng thứ một trên chiếc áo mưa rồi bảo ông:
- Em tưởng lấy ông sẽ học được nhiều điều. Nhưng em nhầm. Tám năm nay em không học được ở ông điều gì. Tình nghĩa của em với ông đã hết. Khi đến nhà ông thế nào thì bây giờ cũng vậy. Ông cho em xin mấy cái túi ni lông để em đựng đồ.
Ông lặng lẽ làm theo yêu cầu của bà như cái máy. Bà xếp đồ đạc vào túi, chào ông lần cuối rồi ra chiếc taxi đỗ ngoài đường có cô con gái đang chờ.
Ông bà đều cùng cảnh cô đơn tuổi hoàng hôn nên rổ rá cạp lại để dựa nhau lúc tuổi già. Ông là lãnh đạo một nông trường. Bà là công nhân dưới quyền ông. Hơn chục năm trước, vợ ông qua đời vì căn bệnh ung thư gan, để lại cho ông ba con (cả trai và gái) đang học đại học và THPT. Mấy năm ông gồng mình nuôi con ăn học. Bù lại, các con ông đều trở thành giảng viên đại học, có gia đình đề huề ở nội thành. Mình ông sống đơn độc trong căn nhà ngói ba gian ở một phường của quận Dương Kinh (Hải Phòng).
![]() |
Ảnh minh họa. |
Bà cũng góa chồng khi còn khá trẻ, nhưng ở vậy nuôi cô con gái và cậu con trai phương trưởng. Con gái dạy THPT. Con trai trong ngành y. Một mình bà ở quê chăn nuôi. Sau buổi gặp gỡ ấy, ông thường qua lại thăm bà. Rồi con cái, họ hàng hai bên vun vén, ông làm mấy mâm cơm đón bà. Dù tuổi ngoài ngũ tuần, nhưng bà vẫn đẹp mặn mà. Hàng xóm nơi ông sinh sống đều khen bà đẹp người đẹp nết. Bà nói năng nhẹ nhàng, cư xử đúng mực và yêu thương con chồng như con đẻ. Từ ngày có bà chăm, ông khỏe khoắn trông thấy.
Nhưng bà buồn về cách cư xử chặt chẽ của ông. Lương hưu hơn hai triệu đồng một tháng, bà bỏ ra chi tiêu hết. Hai miệng ăn, bằng ấy tiền, làm sao đủ, ông coi như không biết. Hàng tháng lĩnh lương hưu về, ông giấu biệt. Bà phải cắn răng trồng rau, chăn nuôi, giật đầu cá, vá đầu tôm để có tiền thêm thắt cho cuộc sống của hai người. Thỉnh thoảng có cúng giỗ ở quê, bà phải xin tiền con gái.
Thương mẹ, con bà khuyên nên chia tay, nhưng bà không nỡ nên cắn răng chịu đựng. Hàng tuần, các con cháu ông về, bà lặng lẽ sang hàng xóm vay tiền, làm những bữa cơm tinh tươm. Nhìn ông bà vui vẻ, hạnh phúc, con cháu ông rất mừng. Bà cư xử biết điều như vậy, lẽ ra ông phải tỉnh ngộ, nhưng cái sự ki bo của ông thành mạn tính ngày càng nặng. Mỗi khi bà về quê, ông lại tra hỏi chi mất bao nhiêu? Biếu xén những ai? Khi bà ở quê ra, thể nào ông cũng sinh sự chửi bới suốt đêm, xưng hô mày, tao vì chi tiêu tốn kém. Bà vẫn nhẫn nhịn, một điều ông, hai điều em.
Thời bão giá, hai ông bà sinh hoạt, thuốc men khi trái gió trở trời (ông bị bệnh tiểu đường và huyết áp cao, thuốc nhiều hơn cơm), chỉ trông vào tiền lương của bà thì chỉ được ngày bữa cháo, bữa cơm. Thế là bà phải nhận chân rửa bát cho một hàng ăn gần nhà từ 5 giờ đến 10 giờ sáng được 1,5 triệu/tháng. Hàng xóm ai cũng khen bà giỏi chịu đựng.
Có lần lĩnh lương về, mấy hôm sau không tìm thấy nên ông đổ riệt cho bà, bắt bà phải trả đủ số tiền mất và đuổi bà đi. Bà thanh minh thế nào ông cũng không tin, còn bị ông đánh đập sưng cả mặt mày. Ông gọi con cái hai bên về họp gia đình. Bà thề danh dự và nói sẽ chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Con cháu ông lục tìm khắp nhà không thấy. Đang bế tắc thì đứa cháu nội ông lấy chiếc gối mây ông đang dùng bế làm em bé, gói ni lông rơi ra. Ông chộp vội lấy nói đó là tiền của mình.
Giọt nước tràn ly, quá sức chịu đựng, bà quyết định chia tay ông. Con cái bà thương mẹ đứt ruột cũng muốn giải thoát cho mẹ nên đồng tình ngay. Hai ngày sau, con gái thuê xe đến đón bà. Giờ bà thảnh thơi cùng cháu con. Còn ông, một mình trong căn nhà, mới thấm thía. Giá ông đừng quá ki bo, giá ông trân trọng tình cảm khi xế chiều mà cư xử cho phải đạo...
Nhưng đã quá muộn!
Chẳng hiểu vì sao, chị Ngọc nhìn đâu cũng thấy… nguy hiểm. Từ cô đồng nghiệp của chồng đến mấy đứa nhân viên thực tập, cả chị hàng xóm đến… bà osin trong nhà. Tất tần tật chị đều phải canh chừng, cứ như thể, sểnh ra một cái, là chồng chị bị “thiên hạ” bắt mất ngay.
Anh Huy không phải dạng người thích ham vui đèo bồng, hay từng có “phốt” gì để chị nghi ngờ xét nét. Nên có khi, anh thẳng thừng bảo: “Em làm như chồng mình… báu lắm không bằng. Trên răng dưới… dép, lúc nào cũng tất bật kiếm tiền nuôi con, ai mà thèm rớ”. Nhưng chị Ngọc không thể vì thế mà nới lỏng giám sát.
Nhất cử nhất động của chồng trong gia đình đều nằm trong tầm ngắm của chị. Đi khỏi một chút, là chị dặn dò con cái để mắt tới “nhà cửa”. Tội hai đứa nhỏ ăn chưa no lo chưa tới, biết gì “thâm ý” của mẹ mà báo cáo. Chị còn nghĩ ra nhiều chiêu trò để thử độ “thòm thèm” của chồng với người giúp việc, may mà chưa đến mức phản tác dụng. Anh Huy có lần bực quá, quát lên: “Tôi chẳng đến mức ăn tạp thế đâu”, nhưng chị vẫn nghĩ: “Biết đâu đấy!”.
Ảnh minh họa.
Anh Huy có thói quen ra đầu hẻm nhâm nhi ly cà phê. Từ hồi chị hàng xóm độc thân bày dăm bộ bàn ghế kiếm thêm đồng ra đồng vào, anh nghiễm nhiên trở thành khách quen. Việc này không lọt khỏi đôi mắt đa nghi của chị. Không ít lần, chị bóng gió xa gần: “Mê ai mà cứ phải la cà ngoài đó vậy”. Đến lúc không chịu được, chị lật bài: “Lại ra thăm bồ già đấy à?”, khiến anh Huy buộc phải từ bỏ sở thích của mình vì không muốn gia đình xào xáo, lối xóm ầm ĩ.
Thời gian gần đây, chồng chị đang hợp tác làm ăn với một người phụ nữ khiến chị Ngọc cực kỳ khó chịu. Một ngày, chị bất ngờ xuất hiện ở công ty, nhằm để dằn mặt cô đối tác kia. Có “xông vào hang cọp” mới may ra bắt tại trận được cái gì đó, chị nghĩ vậy. Nào ngờ, cô bạn của chồng cũng chẳng phải tay vừa, xởi lởi bắt chuyện, và hé ra cho chị biết rằng, cô ấy cũng chẳng thiết tha gì hợp tác với chồng chị, vì anh Huy tiềm lực kinh tế yếu, khó cạnh tranh với các đối tác khác, năng lực tư chất cá nhân cũng có hạn. Cô ấy chẳng qua chưa chọn được đối tác khác vừa ý ngay lập tức, chứ cô cũng đang tìm kiếm người thay thế. “Thời buổi khó khăn mà, chắc chị cũng hiểu và thông cảm, phải không nào?”.
Chị Ngọc nghe xong choáng váng, nghĩ ngay đến việc nồi cơm của cả nhà bị ảnh hưởng, lại nhìn chồng mình khúm núm, răm rắp nghe lời cô ấy ngay cả trước mặt mình, chị mới bẽ bàng nhận ra, bấy lâu hình như chị hơi bị ảo tưởng mất rồi…