Kéo lê tình yêu

(Kiến Thức) - Em và anh ấy yêu nhau từ thời phổ thông, sau đó anh ấy vào miền Nam học, còn em học ở miền Bắc. Suốt những năm tháng xa nhau, tình yêu chúng em chủ yếu duy trì qua điện thoại, tin nhắn. Em mong từng ngày anh ấy tốt nghiệp trở về để chúng em được gần nhau. Nhưng rồi, khi ngày ấy đến, trong em lại là sự thất vọng, đau khổ. Anh ấy đã thay đổi, không còn là người đàn ông mà em biết và yêu bao năm qua. 

Em và anh ấy yêu nhau từ thời phổ thông, sau đó anh ấy vào miền Nam học, còn em học ở miền Bắc. Suốt những năm tháng xa nhau, tình yêu chúng em chủ yếu duy trì qua điện thoại, tin nhắn. Em mong từng ngày anh ấy tốt nghiệp trở về để chúng em được gần nhau. Nhưng rồi, khi ngày ấy đến, trong em lại là sự thất vọng, đau khổ. Anh ấy đã thay đổi, không còn là người đàn ông mà em biết và yêu bao năm qua. 
Anh ấy hãnh tiến, tham vọng, thực dụng, sẵn sàng dùng mọi mưu mô để đạt được mục đích trong cuộc sống. Em góp ý thì anh ấy chê em không thức thời, lạc hậu, nhiều lần chúng em cãi nhau vì chuyện này. Gia đình hai bên giục giã đám cưới, anh cũng muốn chúng em kết hôn, nhưng tình cảm trong em với anh cứ mỗi ngày lại nhạt dần, thậm chí là ghê sợ. Em muốn chia tay, tuy nhiên, lại tiếc từng ấy thời gian đã yêu nhau, đặc biệt anh ấy vẫn rất yêu em. Em không biết nên quyết định thế nào - Bùi Hương Giang (Thái Nguyên).
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Hương Giang thân, hai em yêu nhau từ thời phổ thông, lứa tuổi vẫn còn nhiều mơ mộng, trong sáng. Sau đó, mỗi người một phương, sự lớn lên về tuổi cộng với hoàn cảnh môi trường sống khác nhau đã tạo nên những sự biến chuyển, thay đổi về tính cách. Em không nhận ra điều này ở người bạn trai có lẽ là bởi qua tin nhắn, điện thoại, chủ yếu chỉ bày tỏ những lời yêu đương, nhớ nhung. 
Theo những gì em kể, mâu thuẫn của hai em không chỉ dừng lại ở việc xung đột về quan điểm sống, mà nó còn là nỗi thất vọng về nhân cách, bằng chứng là em có cảm giác ghê sợ người yêu. Nếu tiến tới hôn nhân với một người như vậy, em nghĩ mình có hạnh phúc được không? 
Em tiếc vì đã mất quá nhiều thời gian cho mối tình này, nhưng từng ấy năm so với hạnh phúc một đời sẽ không là gì cả. Nên nếu giữa hai người không thể dung hòa được, thì em nên sớm quyết định, chọn cho mình một nửa phù hợp hơn, đừng cố kéo lê một tình yêu đã nhạt như thế em ạ.

Chỉ vì tiền, không yêu cũng cố giữ

Muốn níu giữ hôn nhân không vì yêu mà chỉ vì tài sản, con cái, sĩ diện... thì chỉ gây ra sự bất hạnh cho cả hai.

Gá nghĩa vợ chồng được 10 năm, một ngày nọ, ông Bình - ngụ ở quận Tân Bình, TP HCM - biết tin bà Hương, vợ ông, đã nộp đơn đơn phương xin ly hôn tại TAND quận. Vừa bất ngờ, tức giận vừa không cam tâm để bà đến với nhân tình, ông xuống nước năn nỉ vợ rút đơn ly dị.

Tài sản không đổi được hạnh phúc

Để chứng tỏ “tấm chân tình”, ông Bình đã soạn thảo bản “hợp đồng hôn nhân”. Trong bản hợp đồng, hai bên cam kết: Nếu bà Hương đồng ý rút đơn xin ly hôn thì sau này ông sẽ chia cho bà 60% tài sản, là giá trị 2 căn nhà mà ông đứng tên. Bà Hương đồng ý.

Thế nhưng, chưa đến 1 năm sau, ông bà lại dắt nhau ra tòa xin ly hôn. Tại phiên sơ thẩm, TAND quận Tân Bình quyết định cho ông bà ly hôn. Khi phân chia tài sản, vì 2 căn nhà có trước hôn nhân nên tòa phán bà Hương chỉ được nhận một nửa phần tài sản mà 2 ông bà đã tạo dựng được trong thời gian chung sống, gồm: xe máy, nồi cơm điện, máy lạnh và một số đồ dùng lặt vặt khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bà Hương làm đơn kháng cáo yêu cầu ông Bình phải thực hiện lời hứa chia 60% giá trị 2 căn nhà cho bà. Trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, ông Bình cho rằng bà Hương là người phá vỡ giao ước, không thực hiện đúng thỏa thuận trong bản hợp đồng là tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc cùng ông. Bà Hương đáp lại: “Hạnh phúc phải do 2 người vun đắp, một mình tôi làm sao làm được. Ông ấy suốt ngày khủng bố tinh thần tôi, chửi tôi ra rả”. “Nhân tình của bà ấy cứ đúng 12 giờ đêm lại nhắn tin chọc tức tôi khiến tôi không thể nào ngủ được, tôi không nổi nóng với bà ấy mới lạ” - ông Bình phản pháo. Vị chủ tọa phiên tòa đề nghị: “Hoàn cảnh bà Hương rất khó khăn, không có tài sản, chỗ ở. Dù ông bà đã ly hôn nhưng đã có 10 năm chung sống, không còn tình cũng còn nghĩa với nhau. Ông có thể hỗ trợ cho bà Hương một khoản tiền?”. Ông Bình đáp gọn hơ: “Tôi không có tiền”.

Không yêu cũng giữ

Với lý do không còn tình cảm với nhau và đã ly thân hơn 2 năm, anh Sơn, nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM, nộp đơn xin ly hôn. Xét thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng không nghiêm trọng đến mức phải ly hôn, tòa sơ thẩm tuyên bác đơn của anh Sơn. Anh kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Lam, vợ anh, tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình. Chị trình bày: Cách đây 2 năm, tình cảm vợ chồng vẫn tốt đẹp nhưng do anh Sơn bị stress trong công việc nên đề nghị được sống riêng để ổn định lại tinh thần. Thương chồng, chị đồng ý và tạo mọi điều kiện để anh sớm hồi phục chứ không phải ly thân. Còn anh Sơn khẳng định: “Vợ tôi không chịu ly hôn chẳng phải vì còn yêu tôi mà vì sợ phải chia đôi tài sản mà cô ấy cho rằng một tay mình tạo dựng nên. Suốt 6 năm chung sống, cô ấy luôn cho mình tài giỏi, kiếm được nhiều tiền nên coi thường tôi. Đã vậy, 2 năm tôi sống riêng, cô ấy cũng chẳng thèm ngó ngàng tới. Thậm chí, khi đưa con đến gặp tôi, cô ấy cũng muốn tránh mặt, thấy tôi ra là cô ấy đi ngay”.

Khi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nhận định: “Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chưa đến mức phải ly hôn. Anh hãy vì con mà suy nghĩ lại”. Anh Sơn bật khóc: “Tòa không hiểu, với tòa là không nghiêm trọng nhưng với tôi là nghiêm trọng. Tôi là giáo viên nên dù tức giận đến mấy cũng không bao giờ động tay động chân với vợ. Nếu tòa xét khi có bạo lực gia đình mới nghiêm trọng thì có lẽ tôi chẳng bao giờ được ly hôn”.

Kết thúc phiên tòa với kết quả y án sơ thẩm, chị Lam nhanh chóng đi ra bãi giữ xe, chẳng thèm nhìn chồng. Còn anh Sơn ngồi phịch xuống ghế đá trong sân tòa, ngửa mặt lên trời thiểu não.

Hết yêu, hãy cư xử đẹp

“Đời sống hôn nhân không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Những khi sóng gió là lúc cả hai nên bình tĩnh suy xét lại tình cảm của mình, tránh đưa ra những quyết định sai lầm trong một phút nóng giận, bốc đồng. Khi tình yêu không còn, chúng ta cũng nên cư xử thật đẹp để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Muốn níu giữ hôn nhân không vì yêu mà chỉ vì tài sản, con cái, sĩ diện... thì chỉ gây ra sự bất hạnh cho cả hai” - bà Lê Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Những người bạn, chia sẻ.

“Dìm” vợ

Câu nói của anh như gáo nước lạnh dội vào mọi người, trong đó chị là người cảm nhận rõ nhất lạnh lẽo và độc địa ẩn chứa trong đó.

Chị - một người đàn bà không có vẻ đẹp rạng ngời, vóc dáng nhỏ bé nhưng tấm bằng tiến sĩ ở nước ngoài cùng tài ứng xử, nói năng đầy sức thuyết phục, luôn khiến những người đối diện, nhất là đàn ông ngưỡng mộ. Vậy mà, chồng chị lại không như vậy. Anh luôn cố tìm mọi cách để “dìm hàng” chị…

Ra Tết, bạn bè cũ tụ tập ngoài quán để “hàn huyên”. Như thường lệ, chị nổi lên như một “ngôi sao sáng” với vai trò dẫn dắt câu chuyện, hướng mọi người vào những đề tài gai góc nhưng đầy thú vị. Anh lặng lẽ ngồi bên cạnh, vẻ mặt vô cảm giữa lúc mọi người đang hào hứng tranh luận về đề tài “làm ăn thế nào trong năm mới”. Chờ mọi người lắng xuống, anh buông một câu: “Bà có giỏi giang thì làm sao “chắp cánh” cho con bé nhà mình bay sang Mỹ để du học ấy, chứ đừng có ngồi đây mà nói phét!”. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Câu nói của anh như gáo nước lạnh dội vào mọi người, trong đó có lẽ chị là người cảm nhận rõ nhất sự lạnh lẽo và độc địa ẩn chứa trong đó. Bởi cô con gái duy nhất của anh chị dường như không được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất của mẹ, mà lại có phần… giống bố: Ù lì, thiếu năng động nhưng lại hay đố kỵ. Kết quả học tập của nó chỉ luôn ở mức “học sinh tiên tiến”, mặc dù cô giáo đã cố gắng vớt vát để cứu vãn thành tích học tập của cả lớp.

Chị khéo léo chuyển đề tài, nhưng anh vẫn tỏ vẻ khó chịu. Lát sau, anh lẳng lặng bỏ ra một bàn khác ngồi một mình, mặc cho bạn bè xì xào, nhìn ngó. Thái độ của anh cũng khiến chị… mất hứng, và cuộc hàn huyên của đám bạn cũng “rã đám” sau đó ít lâu.

Về nhà, chị cố gắng giữ im lặng. Vì quá hiểu tính khí của chồng nên chị tìm cách tránh một cuộc cãi vã vô bổ. Về phần anh, sau vài câu châm chọc mang tính “gây sự” nhưng thấy “đối thủ” không có phản ứng, cũng lẳng lặng tìm một góc riêng để ôm lấy chiếc iPad chơi game đến khuya.

Ngày hôm sau, hết giờ làm việc chị mời một số đồng nghiệp về nhà chơi. Anh không ngồi cùng, chỉ thỉnh thoảng đi qua đi lại, nhưng vẫn cảm thấy khó chịu khi nghe mấy đồng nghiệp nam hết lời ngợi khen vợ mình, nào là đảm đang, nào là khéo thu xếp gia đình… Cho đến khi nghe một người nào đó “tung hô” vợ mình là “nữ tướng” thì anh… hết chịu nổi. Anh cố ghìm mình, nhưng trong đầu thì bao ý nghĩ quay cuồng: Phải chăng, họ bảo vợ mình là “nữ tướng” thì ám chỉ mình là… lính hầu? Họ nói thế liệu có phải chê mình là vô tích sự, chẳng làm được gì?...

Chờ mọi người ra về, anh gọi chị lại với giọng bực dọc: “Từ nay, tôi không muốn cô lôi mấy người đó về nhà nữa đâu. Chỉ toàn ăn nói lăng nhăng, chẳng coi ai ra gì!”. Chị tính “rút êm”, nhưng anh kiên quyết bắt chị phải giải thích về hai chữ “nữ tướng”, kèm theo hàng loạt “bình luận” do anh tự nghĩ ra. Chị cười: “Họ bảo em là “nữ tướng”, thì anh cũng là “nam tướng”, có ai làm gì hạ thấp giá trị của anh đâu”. Nhưng anh vẫn không chịu. Chẳng gì thì anh cũng là người đàn ông duy nhất của gia đình, nói theo các cụ ngày xưa thì chính anh mới là “trụ cột”, làm gì có chuyện “nữ tướng” với “nam tướng” ở đây! Chị gật đầu tỏ ý dàn hòa: “Thì thế cũng được!”.

Tình cờ, vài ngày sau gặp hai đồng nghiệp của vợ ngoài quán cà phê. Họ vờ không nhìn thấy anh, ngồi rì rầm nói chuyện với nhau, anh nghe loáng thoáng trong câu chuyện những lời nhận xét về vợ mình. Riêng câu “Tuy không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn” thì anh nghe rất rõ. Phải chăng, họ ví vợ anh là… chai bia Sài Gòn lùn – loại bia mà anh mê nhất?

Câu nói đụng chạm đến “triết lý rượu bia” ấy khiến anh giật mình. Phải chăng trong cuộc sống, anh chưa bao giờ biết “ngước nhìn” khi luôn để lòng đố kỵ, tính gia trưởng lấn át cả lý trí và tình cảm?...

Lấy phải chồng nghèo

Ai đó từng bảo, sự nghiệp lớn nhất của một người đàn bà là kiếm được một người đàn ông lo được cho mình. Vợ tôi nằm lòng câu đó.

Hôm ấy, trong bàn tiệc có đứa em gái của đồng nghiệp tôi, trẻ tuổi, xinh đẹp. Vợ tôi trầm trồ khen ngợi, tỏ ra vô cùng thân thiện, bảo: “Sau này nhớ gắng lấy chồng giàu nghen em, đừng đem nhan sắc bỏ vô nhà khốn khó, uổng phí lắm!”. Xung quanh mọi người đều cười coi như một câu đùa vui nhất thời. Vợ tôi cũng cười nửa miệng, nhất là khi nhìn thấy mặt tôi tái đi trong nỗi xấu hổ.

Chúng tôi cưới nhau khi còn khá trẻ, gia cảnh hai bên đều nghèo, chẳng thể giúp gì. Vợ tôi lúc ấy nói không sao, mình đều có học thức và nghề nghiệp đàng hoàng, đâu sợ đói, no ấm là vui rồi, cần gì phải sang trọng cảnh vẻ. Không lãng mạn tới mức “một túp lều tranh hai quả tim vàng”, nhưng tôi vững tin rằng, hạnh phúc sẽ ở bên hai vợ chồng.

Thế nhưng, cuộc sống không ai nói trước được điều gì. Tôi đã rất cố gắng làm việc mà dường như may mắn vẫn ở đâu xa lắm. Càng cố gắng lại càng thấy không đủ. Ban ngày tôi đi làm ở cơ quan, tối tranh thủ về “chạy chợ” kiếm thêm, nhưng cảnh nhà vẫn cứ lay lắt tạm bợ. Vợ tôi chỉ có thể nín nhịn làm vui được thời gian ngắn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chúng tôi sinh con gái đầu lòng, đó cũng là lúc cuộc hôn nhân dần trở thành địa ngục. Con bé quặt quẹo khó nuôi, nay đau mai ốm, tiền thuốc thang sữa tã ngốn hết phần lớn thu nhập còm cõi. Vợ tôi thay đổi rất nhanh. Cô ấy luôn thở dài so sánh hoàn cảnh sống của mình với những cô bạn cùng trang lứa, oán mình không có số hưởng. Sao ai cũng có nhà cửa, xe cộ, điện thoại, túi xách đàng hoàng, mà mỗi tôi lại chẳng có gì? Vì đâu cơ chứ? Tôi có gì không bằng chúng bạn mà phải sống thế này? Coi, nhỏ Thảo lấy được chồng giàu, quà cưới là đôi bông tai hột xoàn “to như cái trứng cút”. Chị đồng nghiệp vừa xấu nết vừa xấu người, vậy mà “câu” được anh chàng hải quan, chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng. Nói đâu xa, con em họ bên dì có chồng lương tháng hơn ngàn đô, tha hồ sắm sửa chưng diện…

Đi khuất thì thôi, về đến nhà là buộc phải nghe “trường ca” của vợ.

Ai đó từng bảo, sự nghiệp lớn nhất của một người đàn bà là kiếm được một người đàn ông có thể lo cho mình. Vợ tôi nằm lòng câu đó. Cô ấy quay sang trách móc về khả năng kiếm tiền của tôi, rằng thu nhập như thế chỉ có chết đói, suốt đời không thể ngóc đầu lên nổi. Ăn còn chưa đủ nói chi đến dành dụm tích cóp. Vợ luôn miệng than về những vất vả khó khăn trong cuộc sống vì lấy phải người chồng không giỏi kiếm tiền như tôi. Đau nhất là cô ấy có lần xa gần rằng, hồi xưa chẳng hiểu sao mà vội vàng kết hôn đến vậy, giờ có hối cũng không kịp. Lúc ấy, tôi đã hết sức kiềm chế để không tung hê mọi thứ…

Tôi nghe riết cũng nhàm, không còn cảm giác tự ái, tức giận nữa. Chỉ có nỗi buồn tràn ngập trong lòng. Tôi biết lỗi do mình vô dụng, nhưng khả năng con người có hạn, hơn nữa, tôi cũng đã hết sức hạn chế chi dùng cho bản thân, lúc nào cũng canh cánh lo làm kiếm tiền mang về. Nghèo quả là cái tội, nhất là khi vợ không thông cảm, động viên mà cứ liên tục xỉa xói, than vãn, trách cứ. Tôi vô cùng mỏi mệt, tất nhiên không tránh khỏi có lúc bực mình. Vậy là cô ấy được thể lu loa lên rằng chồng đã bất tài không lo được cho vợ con, lại còn gây gổ kiếm chuyện.

Cuộc sống như cái vòng luẩn quẩn, bẳn chật khổ sở. Chẳng lẽ đàn bà bây giờ, sức chịu đựng và sự đòi hỏi chỉ quanh quẩn hai chữ vật chất tầm thường, còn mọi giá trị khác của hôn nhân chẳng đáng giá xu nào? Không tiền thì tình cũng khô héo ư? Giá như vợ tôi có thể đồng cam cộng khổ với chồng hơn, dùng sự yên ổn và ấm áp của gia đình để khích lệ chồng, biết đâu, cơ hội đã không vuột qua.