“Dìm” vợ

Câu nói của anh như gáo nước lạnh dội vào mọi người, trong đó chị là người cảm nhận rõ nhất lạnh lẽo và độc địa ẩn chứa trong đó.

Chị - một người đàn bà không có vẻ đẹp rạng ngời, vóc dáng nhỏ bé nhưng tấm bằng tiến sĩ ở nước ngoài cùng tài ứng xử, nói năng đầy sức thuyết phục, luôn khiến những người đối diện, nhất là đàn ông ngưỡng mộ. Vậy mà, chồng chị lại không như vậy. Anh luôn cố tìm mọi cách để “dìm hàng” chị…
Ra Tết, bạn bè cũ tụ tập ngoài quán để “hàn huyên”. Như thường lệ, chị nổi lên như một “ngôi sao sáng” với vai trò dẫn dắt câu chuyện, hướng mọi người vào những đề tài gai góc nhưng đầy thú vị. Anh lặng lẽ ngồi bên cạnh, vẻ mặt vô cảm giữa lúc mọi người đang hào hứng tranh luận về đề tài “làm ăn thế nào trong năm mới”. Chờ mọi người lắng xuống, anh buông một câu: “Bà có giỏi giang thì làm sao “chắp cánh” cho con bé nhà mình bay sang Mỹ để du học ấy, chứ đừng có ngồi đây mà nói phét!”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Câu nói của anh như gáo nước lạnh dội vào mọi người, trong đó có lẽ chị là người cảm nhận rõ nhất sự lạnh lẽo và độc địa ẩn chứa trong đó. Bởi cô con gái duy nhất của anh chị dường như không được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất của mẹ, mà lại có phần… giống bố: Ù lì, thiếu năng động nhưng lại hay đố kỵ. Kết quả học tập của nó chỉ luôn ở mức “học sinh tiên tiến”, mặc dù cô giáo đã cố gắng vớt vát để cứu vãn thành tích học tập của cả lớp.
Chị khéo léo chuyển đề tài, nhưng anh vẫn tỏ vẻ khó chịu. Lát sau, anh lẳng lặng bỏ ra một bàn khác ngồi một mình, mặc cho bạn bè xì xào, nhìn ngó. Thái độ của anh cũng khiến chị… mất hứng, và cuộc hàn huyên của đám bạn cũng “rã đám” sau đó ít lâu.
Về nhà, chị cố gắng giữ im lặng. Vì quá hiểu tính khí của chồng nên chị tìm cách tránh một cuộc cãi vã vô bổ. Về phần anh, sau vài câu châm chọc mang tính “gây sự” nhưng thấy “đối thủ” không có phản ứng, cũng lẳng lặng tìm một góc riêng để ôm lấy chiếc iPad chơi game đến khuya.
Ngày hôm sau, hết giờ làm việc chị mời một số đồng nghiệp về nhà chơi. Anh không ngồi cùng, chỉ thỉnh thoảng đi qua đi lại, nhưng vẫn cảm thấy khó chịu khi nghe mấy đồng nghiệp nam hết lời ngợi khen vợ mình, nào là đảm đang, nào là khéo thu xếp gia đình… Cho đến khi nghe một người nào đó “tung hô” vợ mình là “nữ tướng” thì anh… hết chịu nổi. Anh cố ghìm mình, nhưng trong đầu thì bao ý nghĩ quay cuồng: Phải chăng, họ bảo vợ mình là “nữ tướng” thì ám chỉ mình là… lính hầu? Họ nói thế liệu có phải chê mình là vô tích sự, chẳng làm được gì?...
Chờ mọi người ra về, anh gọi chị lại với giọng bực dọc: “Từ nay, tôi không muốn cô lôi mấy người đó về nhà nữa đâu. Chỉ toàn ăn nói lăng nhăng, chẳng coi ai ra gì!”. Chị tính “rút êm”, nhưng anh kiên quyết bắt chị phải giải thích về hai chữ “nữ tướng”, kèm theo hàng loạt “bình luận” do anh tự nghĩ ra. Chị cười: “Họ bảo em là “nữ tướng”, thì anh cũng là “nam tướng”, có ai làm gì hạ thấp giá trị của anh đâu”. Nhưng anh vẫn không chịu. Chẳng gì thì anh cũng là người đàn ông duy nhất của gia đình, nói theo các cụ ngày xưa thì chính anh mới là “trụ cột”, làm gì có chuyện “nữ tướng” với “nam tướng” ở đây! Chị gật đầu tỏ ý dàn hòa: “Thì thế cũng được!”.
Tình cờ, vài ngày sau gặp hai đồng nghiệp của vợ ngoài quán cà phê. Họ vờ không nhìn thấy anh, ngồi rì rầm nói chuyện với nhau, anh nghe loáng thoáng trong câu chuyện những lời nhận xét về vợ mình. Riêng câu “Tuy không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn” thì anh nghe rất rõ. Phải chăng, họ ví vợ anh là… chai bia Sài Gòn lùn – loại bia mà anh mê nhất?
Câu nói đụng chạm đến “triết lý rượu bia” ấy khiến anh giật mình. Phải chăng trong cuộc sống, anh chưa bao giờ biết “ngước nhìn” khi luôn để lòng đố kỵ, tính gia trưởng lấn át cả lý trí và tình cảm?...

Hôn nhân may rủi

Tôi hạnh phúc với hiện tại, với người đàn ông mình đã liều lĩnh chọn, chấp nhận may rủi, vì quá cách biệt tuổi tác.

Sau lần thứ hai chia tài sản, ông chồng lười biếng và mê gái của tôi mới chịu gật đầu bỏ vợ. Tôi gần như trắng tay để đổi lại tự do cho mình.

Bị lừa dối quá nhiều, tôi nghĩ mình chẳng còn đủ can đảm để tin yêu ai được nữa. Hoặc, nếu lại tiếp tục yêu thì liệu người đàn ông đó có đủ bao dung để chấp nhận cảnh một mẹ một con như tôi? Nghĩ thế nên tôi chỉ sống yên phận, không dám mơ tưởng gì đến một bờ vai để nương tựa những lúc khó khăn.

Đời tôi có lẽ đã không thay đổi nếu như cô bé giúp việc không quá tham lam. Thường ngày, cô nàng hay vờ vịt giấu diếm một ít tiền của khách nhưng vì không quá nhiều nên tôi im lặng bỏ qua. Một hôm, cô ta đột ngột biến mất, cùng lúc là một khách quen gắt gỏng điện hỏi, sao đã đưa trước hơn chục triệu mà chưa thấy giao thịt tới? Tôi chới với vì biết mình bị mất tiền, nhưng lại không thể bỏ sạp thịt chạy đi giao hàng để khỏi mất thêm cả khách.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong lúc cấp bách, chị sạp cá bên cạnh đã tìm giúp tôi một người đang cần việc. “Anh” xuất hiện trong bộ quần áo cũ xỉn đen, nhưng bù lại, “anh” có nụ cười rất tươi, giọng nói ấm áp và thái độ làm việc rất nhiệt tình. Sau lần “cứu nguy” đó, “anh” vui vẻ gật đầu làm chân giao thịt cho tôi. Mọi chuyện đều ổn, duy chỉ một điều là anh dứt khoát xưng tên, không chịu gọi tôi bằng chị: “Nếu tui không nói tuổi thì Ngân cũng đâu biết tui nhỏ hơn. Nhìn Ngân trẻ măng à, xưng tên cho dễ nói chuyện!”.

Ban đầu, anh làm hết việc rồi về, chủ tớ rạch ròi. Lâu dần thành thân, anh ở lại trễ hơn, ban đầu chỉ là nói những câu chuyện không đầu không cuối kéo dài bất tận, sau là lấy lý do phụ tôi dọn hàng. Rồi không biết từ lúc nào anh trở thành tài xế đưa đón tôi sớm tối. Đã quen với sự có mặt của anh, mỗi khi không có anh bên cạnh, tôi lại thấy trống vắng, nhớ anh. Nhớ tiếng nói trầm ấm của anh. Nhớ ánh mắt nồng nàn mà có lẽ anh chỉ dành riêng cho tôi.

Có thể yêu thêm lần nữa, có thể mở rộng tâm hồn mình để đón nhận một người khác? Tôi nghĩ mà vừa mừng, vừa lo. Thật ra tôi lo nhiều hơn vì những đau đớn, tổn thương của cuộc hôn nhân trước vẫn chưa thôi ám ảnh tôi. Phần nữa, tôi tự dằn vặt vì khoảng cách tuổi tác giữa tôi và anh quá lớn. Mười ba năm cách biệt chắc chắn sẽ có những suy nghĩ rất khác khi cả hai bước vào đời sống vợ chồng.

Bao trăn trở khiến tôi trở nên bực bội, cáu gắt. Vô tình anh trở thành tấm thớt cho tôi “chặt chém”. Tôi liên tục kiếm chuyện, la mắng anh chậm chạp, còn vu oan anh đưa thiếu tiền. Thay vì phản ứng lại, anh chỉ ôn tồn nói tiền thiếu cứ trừ vào lương hằng tháng của anh, ngoài ra anh chẳng tranh cãi gì thêm, chỉ im lặng chịu đựng. Một buổi chiều, tôi có việc về gấp, nhờ anh ở lại trông sạp. Tôi đi hơn ba tiếng mới sực nhớ tiền bạc bỏ hết trong ngăn tủ chưa khóa lại. Cuống cuồng quay về chợ, tôi thấy sạp trống trơn. Một cảm giác gai người chạy dọc xương sống. Vậy là tôi lại bị lừa lần nữa!

Về đến nhà, con gái tôi chạy ra kể: “Chú Chín mới vừa dọn hàng về. Chú đưa cho con cọc tiền, kêu bỏ vô tủ khóa lại thật kỹ, mẹ về thì đưa lại.” Tôi lật đật kêu con gái đưa tiền, ngồi đếm. Không thiếu một xu. Anh còn cẩn thận gói riêng tiền mới vừa bán thịt lúc nãy. Đem chuyện này kể lại với mẹ, tôi khóc òa như một đứa con gái mới lớn. Dù nhiều tuổi đời nhưng trong chuyện này sao tôi thấy mình quá non nớt. Mẹ tôi nghe xong chỉ im lặng, rồi kết luận: “Chồng trước của con ban đầu cứ tưởng đứa tử tế hóa ra lại là thằng tệ bạc. Con người thật khó đánh giá hay nói trước qua vẻ bề ngoài. Con cứ làm theo những gì mình cho là đúng. Người ta nói gì mặc kệ. Mẹ ủng hộ con”.

Sau đó, tôi đã đến nhà gặp anh, xin lỗi về những hành động kỳ quặc gần đây của mình. Anh không trách câu nào, chỉ cười hiền và nắm chặt tay tôi. Năm tháng sau, một đám cưới đủ lễ được tổ chức. Cuộc hôn nhân thứ hai của tôi đến giờ đã được mười năm, chúng tôi đã có thêm cô công chúa. Quan trọng nhất là anh vẫn như thuở ban đầu tôi yêu, không chút thay đổi. Tôi hạnh phúc với hiện tại, với người đàn ông mình đã liều lĩnh chọn, chấp nhận may rủi, vì quá cách biệt tuổi tác.

Khi chồng gặp khó

Em vô tình khoe với anh em vừa được lên lương, lên chức. Cứ tưởng anh sẽ vui, sẽ hồ hởi, phấn khởi như em…

Thế mà anh chẳng có một lời hỏi han, chẳng hề tỏ vẻ vui mừng như lòng em vẫn nghĩ. Khi thấy anh lặng lẽ bỏ vào phòng, em còn giận anh, nghĩ rằng anh là người ích kỷ, ganh tỵ với vợ, không muốn vợ hơn mình…

Tối đó, thấy anh lẳng lặng ngồi bên cửa sổ hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác em mới giật mình. Công ty anh đang gặp khó khăn, mấy tháng rồi nhân viên bị chậm lương. Anh cũng cùng chung cảnh ngộ. Mấy tháng nay, tiền cà phê, thuốc lá, ăn sáng… anh vẫn phải xin em. Dẫu đã rào trước đón sau với anh rằng tiền của em là tiền của anh, của vợ công chồng mà em vẫn không lường hết những diễn biến tâm lý trong anh. Hôm trước, bé Na bảo: “Ba muốn mua mấy cái chậu kiểng nhưng không có tiền”. Em nghe rồi quên mất. Có hôm anh nói bâng quơ: “Mấy đứa trong phòng rủ đi Long Hải chơi cuối tuần này mà anh lười quá”, em nghe rồi cũng tưởng anh lười thật.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rất nhiều chuyện như vậy em đã bỏ qua. Em cứ nghĩ trong lúc anh gặp khó khăn thì em sẽ cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để bù lại cho anh. Cứ nghĩ như vậy thì đã xứng đáng là một người vợ, người mẹ tốt. Em đâu biết rằng những điều đó chỉ khiến anh khổ tâm hơn. “Em thật sự không hiểu thấu lòng anh” - hôm qua em đã tình cờ đọc được điều này trong nhật ký của anh. Vẫn tự hào là người hiểu anh đến từng chân tơ kẽ tóc, vậy mà có những góc khuất trong tâm hồn anh em chưa thể nào thấy hết được. Đàn ông sĩ diện và tự ái rất cao, dẫu cho họ đang thất bại thì cũng vẫn không muốn vợ hơn mình.

Tự nhủ lòng, từ nay sẽ khéo léo, tế nhị hơn dù đó là với người bạn đời đầu ấp, tay gối hơn chục năm qua của mình.

Chuyện lạ, mai mối cho tình cũ

Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. 

“Thằng đó cái gì cũng được, chỉ tội rượu chè bê tha quá, lấy nó về sau này con sẽ khổ”. Khi nghe em thuật lại lời nói của cha, anh rất tự ái.

Lúc đó anh nghĩ, đó chẳng qua chỉ là một sự từ chối khéo chứ cái chuyện rượu chè thì thằng đàn ông nào chẳng mắc phải? Hơn nữa, anh chỉ xỉn có 2 lần khi đến nhà em chứ có nhiều lắm đâu mà bảo bê tha?

Nhớ hồi đó khi anh nói chia tay, em đã khóc rất nhiều. Em bảo rằng anh không thương em, cha nói vậy chớ đâu có cấm cản hai đứa tiếp tục yêu thương, tìm hiểu. Nếu thật lòng với em, anh có thể sửa đổi, thậm chí chỉ cần anh không xỉn khi đến nhà em, còn những lúc khác thì sao cũng được. Thế nhưng, anh không nghe vì lòng anh đã quyết.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Xa em, anh mới thấy cuộc sống của mình thật vô nghĩa. Chẳng còn ai mong ngóng, nhắn tin, gọi điện, chúc anh ngủ ngon... Chẳng còn ai tươi cười xuất hiện đúng lúc anh đang đói khát, mệt lả vì công việc đến nỗi không dứt ra được để kiếm cái gì bỏ bụng. Không có em, cuộc sống với anh như ngừng lại. Và anh lại chìm trong rượu khi biết tin em đã lấy một người khác.

Cho đến ngày có một cô gái khác đột ngột xuất hiện trước anh. Người đó đã mang lại cho anh sinh khí mới, đã vực anh dậy từ vũng lầy bê tha rượu chè, đã thật lòng yêu anh và cảm hóa con người anh. Người ấy đã mang hạnh phúc đến cho anh như em đã từng.

Tưởng như vậy thì cuộc sống cũng đã có hậu lắm rồi. Vậy mà giờ đây, anh tình cờ biết được một điều diệu kỳ khác của tình yêu, tình người. Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. Cảm ơn em, người đã “mai mối” cho nhân duyên, hạnh phúc của anh bây giờ. Thế mới biết có những tình yêu vẫn sống mãi ngay cả khi người ta không còn đi chung một con đường. Một lần nữa, cảm ơn em...