Hói đầu, rụng tóc ở nam giới trẻ, dấu hiệu cảnh báo từ hormone, stress?

Rụng tóc, hói đầu ở nam giới trẻ không chỉ đơn thuần là một vấn đề thẩm mỹ mà còn là tín hiệu đáng lưu tâm về sức khỏe nội tiết và tinh thần.

Từng được xem là “vấn đề tuổi tác”, hiện tượng hói đầu và rụng tóc đang ngày càng trở nên phổ biến ở nam giới trẻ tuổi, thậm chí chỉ mới ngoài 20. Nhiều người xem nhẹ tình trạng này và chỉ chú ý đến yếu tố thẩm mỹ, nhưng thực chất, rụng tóc sớm có thể là tín hiệu cảnh báo những rối loạn trong cơ thể, đặc biệt liên quan đến hormone và căng thẳng kéo dài.

Ảnh minh họa/ Nguồn Internet

Ảnh minh họa/ Nguồn Internet

Khi tóc nói thay nội tiết tố

Ở nam giới, nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc là do sự nhạy cảm di truyền với hormone dihydrotestosterone (DHT) – một dẫn xuất mạnh hơn của testosterone. DHT gắn vào các nang tóc, khiến chúng thu nhỏ dần, tóc mọc mảnh hơn, ngắn hơn và cuối cùng không mọc lại nữa. Đây là nguyên nhân chính gây ra rụng tóc kiểu hói nam (androgenetic alopecia), thường bắt đầu ở vùng trán hoặc đỉnh đầu.

Tuy nhiên, không phải ai có DHT cao cũng bị hói đầu, điều này còn phụ thuộc vào độ nhạy cảm của nang tóc với DHT, yếu tố có tính di truyền. Đáng lo ngại là tình trạng này đang xuất hiện ở độ tuổi ngày càng sớm, phản ánh sự thay đổi nội tiết và lối sống hiện đại.

Stress, “kẻ thù giấu mặt” của mái tóc

Căng thẳng tinh thần mãn tính không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn làm rối loạn chu kỳ mọc tóc. Khi cơ thể chịu áp lực kéo dài, nó giải phóng hormone cortisol, làm suy yếu hoạt động của nang tóc và thúc đẩy tóc rơi vào giai đoạn nghỉ sớm hơn bình thường gọi là rụng tóc telogen. Hệ quả là tóc rụng nhiều, mỏng dần và khó phục hồi.

Không chỉ vậy, stress còn gián tiếp ảnh hưởng đến thói quen ăn uống, giấc ngủ, lối sống, những yếu tố vốn có vai trò duy trì sự khỏe mạnh của tóc. Ngủ muộn, hút thuốc, thiếu dinh dưỡng… đều là các yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng rụng tóc ở nam giới trẻ.

Dấu hiệu nhận biết và khi nào nên lo lắng?

Nếu bạn thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường, đặc biệt khi gội đầu hoặc chải tóc.

Tóc mỏng thấy rõ ở trán, đỉnh đầu hoặc hai bên thái dương; Đường chân tóc lùi dần lên trên; Có người thân trong gia đình (cha, ông) bị hói sớm...thì rất có thể bạn đang trải qua giai đoạn đầu của hói đầu do hormone hoặc stress. Việc chần chừ không điều trị có thể khiến tóc mất vĩnh viễn, do nang tóc đã teo nhỏ hoặc chết hoàn toàn.

Hói đầu có ngăn chặn được không?

Một số biện pháp thường được áp dụng gồm:

Thăm khám chuyên khoa da liễu để xác định nguyên nhân rụng tóc (do hormone, stress hay bệnh lý nền).

Thuốc điều trị DHT, như minoxidil hoặc finasteride, có thể giúp giảm rụng tóc và kích thích mọc tóc ở một số trường hợp.

Quản lý stress, thiền, thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc.

Chế độ ăn giàu protein, sắt, kẽm, biotin – các dưỡng chất thiết yếu cho tóc.

Tránh dùng dầu gội có chất tẩy mạnh hoặc gội đầu quá nhiều.