Hạnh phúc tùy tâm…

Đó là kết luận mà tôi rút ra được, ngay sáng nay, khi tôi đọc được bức thư một cô vợ trẻ gửi chồng...

Bức thư được hàng trăm lượt like và đến hơn 60 người chia sẻ - một con số không phải là nhỏ với một người phụ nữ chưa bao giờ nổi tiếng!
Bức thư rất đơn giản, cảm ơn người đàn ông ở bên cô ấy suốt 5 năm qua, vì tất cả những việc anh ấy làm. Mà những việc anh ấy làm thì hết sức bình thường (cũng y như tôi và các ông chồng của nhiều người khác!). Chồng của cô vợ ấy không phải là mỗi năm đưa mẹ con cô ấy đi chơi bao nhiêu chuyến hay mua cho cô ấy bao nhiêu món quà. Cô cảm ơn người đàn ông ấy vì những khoảnh khắc anh ấy chơi với con mỗi buổi sáng ngủ dậy, vì những bữa tối muộn anh ấy trở về nhà và ăn những món ăn đơn giản mà cô ấy nấu với sự hào hứng và lòng biết ơn (vì đã cho anh ăn), cô cảm ơn vì anh ấy, dù làm việc rất vất vả để kiếm tiền nuôi gia đình (chưa giàu) nhưng luôn vui và cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất thế gian, vì có hai mẹ con cô ấy ở bên… Đại loại cô cảm ơn anh vì đó là anh ấy, một người đàn ông bình thường như nhiều người đàn ông khác!
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Có thể nhiều phụ nữ, khi đọc đến đây, sẽ bảo rằng, mình cũng chỉ cần một người đàn ông bình thường thế thôi! Như cô bạn gái của tôi chẳng hạn, cũng vừa chiều qua thôi, đã khóc nức khi hỏi ý kiến tôi – một người đàn ông, về chồng bạn! Chồng bạn vừa từ chối không đi du lịch cùng bạn và cơ quan bạn mùa hè này vì anh ấy đang rất bận. Chồng bạn là giám đốc của một công ty có 100 công nhân và thời buổi khó khăn này, với anh ấy, mục tiêu là làm sao công ty vẫn đứng vững và không ai phải nghỉ việc. Bạn phàn nàn rằng, anh về nhà lại cắm mặt vào máy tính, hoặc cùng lắm chơi với con chút rồi lăn ra ngủ, chẳng mấy khi chuyện trò chia sẻ với vợ. Hằng ngày, anh ấy chỉ giúp được bạn mỗi một việc đưa con đi học buổi sáng là hết. Tôi hỏi thế chuyến đi Đà Lạt hồi đầu năm của gia đình cậu thì sao? Bạn bảo: Thì cũng từ đầu năm rồi, giờ đã là mùa hè…

Hôm qua, khi nghe bạn kể chuyện, tôi thật sự không biết nói như thế nào, kể ra thì những đòi hỏi của bạn cũng không phải không có lý, bạn ao ước một người đàn ông bình thường, về nhà đúng giờ, ăn cơm với vợ con, đi du lịch cùng gia đình và để vợ được hãnh diện khoe chồng với đồng nghiệp… Thế nhưng, sáng nay, khi đọc bức thư gửi chồng của cô vợ kia, tôi lại nhận ra rằng, trên đời này, chẳng có mẫu người đàn ông giống nhau, cũng giống như những người phụ nữ, họ nghĩ khác nhau về hạnh phúc. Có người thì vui vẻ với những thứ rất bình thường, chấp nhận sự chưa hoàn hảo (trong một giới hạn nào đó) và thấy lấp lánh, có người thì, như cô bạn tôi, thấy mọi thứ chồng làm đều là chưa đủ và luôn so bì… Và vì thế, hạnh phúc là tùy tâm mỗi người.
Nhưng chắc là đàn ông thích những phụ nữ, như cô vợ viết thư kia, nhìn thấy những lấp lánh trong những thứ không thực sự hoàn hảo của hạnh phúc.

Thử thách của khoan dung

Nhưng trong tình yêu không thể đòi hỏi phải luôn sòng phẳng với nhau vậy. Có lẽ tôi sẽ thử một lần khoan dung mà đón cô ấy quay về.

Chúng tôi đã ly hôn hơn một năm nay. Một quyết đinh nhanh gọn sau hơn mười hai năm chung sống. Đôi lúc nhớ lại tôi cũng không ngờ chuyện ly hôn của mình lại dễ dàng như thế. Chẳng lằng nhằng, co kéo như tôi đã tưởng. Thậm chí cũng không có màn đổ lỗi cho nhau vì vợ tôi nhận hết. Cô ấy đã ngoại tình.

Đời sống vợ chồng nào lại không có ít nhiều sóng gió. Gia đình tôi cũng chẳng ngoại lệ. Nhưng ngoài những giận hờn vặt vãnh thì tôi chẳng thấy có gì to tát để vợ tôi phải kiếm niềm vui từ kẻ khác. Bởi khi về làm vợ tôi, cô ấy hầu như chẳng đụng tay vào việc gì. Chuyện kiếm tiền đã có tôi gánh vác. Chuyện bếp núc cũng đã có người giúp việc. Cô ấy chỉ có mỗi nhiệm vụ chăm con, thậm chí đến chiều là nhàn hạ ôm máy tính lướt facebook vì đã có tôi tắm và cho con ăn.

Khi con đến tuổi đi học, cô ấy lại còn thoải mái hơn trước. Sáng tập gym, trưa cà phê cùng bạn bè, tối shopping cùng chồng con. Cô ấy có một cuộc sống nhiều người phụ nữ mơ ước. Vậy mà đùng một cái, khi con trai mới vừa chín tuổi, cô ấy lạnh lùng quẳng tờ đơn vào mặt tôi và nói rằng mình không xứng đáng. Quá choáng váng vì bất ngờ, tức giận và đau đớn, tôi lập tức chở cô ấy ra tòa đồng thuận ly hôn. Tôi làm như thế cũng chỉ để cho thỏa cái tôi của đàn ông. Không phải là cô bỏ tôi mà là tôi không cần cô. Để rồi xem, không có tôi cô sẽ sống với gã nhân tình như thế nào. Vì quá sỹ diện, tôi quên mất rằng mình rất yêu vợ mình. Vì yêu nên tôi mới ghen tức và muốn hả hê.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Bỏ mặc con trai ngày đêm thương nhớ mẹ, cô ấy tung tăng với người tình mới, điển trai và trẻ trung. Bẵng đi bốn tháng không liên lạc, không tin tức, cô ấy xuất hiện trước mặt tôi với vẻ nhàu nhĩ và mệt mỏi. Nói là đến thăm con nhưng cô ấy chỉ hỏi thăm qua loa rồi quay quả bỏ về. Sau lần đó, cô ấy thường ghé khi không có tôi ở nhà. Nhưng nghe dì giúp việc nói lại, có lần cô ấy hỏi thăm tôi đã có người yêu mới chưa. Nghe dì nói chưa, cô ấy đã mỉm cười rất hạnh phúc.

Sau vài lần gặp gỡ trong quán cà phê như những người bạn cũ, cô ấy đã tâm sự với tôi về cuộc sống hiện tại. Gã bạn trai đã hiện nguyên hình là kẻ lười biếng và mê cờ bạc. Ngoài việc moi tiền của cô ấy ra thì gã chẳng làm gì. Số tiền tôi chia cho cô ấy đã bị gã trộm sạch. Hiện giờ, để sinh sống qua ngày, cô ấy đã phải bươn chải buôn bán ngoài chợ. Tôi nghe mà tức anh ách, định khuyên cô ấy bỏ quách gã nhân tình đó đi. Nhưng mặc khác tôi cảm thấy ít nhiều hả hê nên không muốn can thiệp.

Cho đến ngày hôm qua, trong cuộc điện thoại hỏi thăm như mọi lần, cô ấy bỗng khóc nức nở nói rằng mình đã chia tay với gã nhân tình. Cô ấy khổ sở vì tương lai mờ mịt phía trước. Tuyệt nhiên, cô ấy không nhắc về tôi hay ngỏ lời muốn quay lại. Có lẽ cô ấy đang chờ tôi mở lời…

Thành thật mà nói, sự phản bội của cô ấy như mũi dao nhọn phá hủy cảm xúc của tôi. Dù rất muốn quay lại nhưng tôi không biết mình sẽ sống tiếp thế nào với người vợ chỉ quen nhận mà không muốn cho đi. Ngẫm lại những ngày sống chung với nhau, ngoài đứa con cô ấy đã sinh cho tôi thì tôi chẳng nhận được gì khác từ cô ấy. Ngay cả một lời cảm ơn. Nhưng trong tình yêu không thể đòi hỏi phải luôn sòng phẳng với nhau vậy. Có lẽ tôi sẽ thử một lần khoan dung mà đón cô ấy quay về.

Chông chênh xế chiều

Chị đã lên kế hoạch cho cuộc “di dời” từ gần chục năm trước – khi con gái đầu ra Hà Nội học đại học.

Thời gian gần về hưu, chị thường thủ thỉ với anh rằng, sau này, chị muốn cùng anh chuyển ra Hà Nội sống gần con. Lúc ấy, anh cứ nghĩ chị đùa, bởi đứa con trai út vẫn đang làm việc tại quê và ở cùng anh chị.

Mỗi lần như thế, anh đều cười rồi trêu chị: “Người ta nghỉ hưu chỉ mong về quê cho an lành, em lại muốn ra thành phố chi cho ngột ngạt”. Nhưng chị nghiêm giọng bảo: “Em tính toán hết rồi, bàn bạc để anh chuẩn bị thôi”…

Thật ra, chị đã lên kế hoạch cho cuộc “di dời” này từ gần chục năm trước – khi con gái đầu ra Hà Nội học đại học. Chị vốn là người miền Bắc, gặp và lấy anh nên về làm dâu miền Trung. Bao nhiêu năm qua, trong tâm tưởng chị luôn khao khát một ngày sẽ được trở về sống ở quê hương. Nhưng khi con còn nhỏ, điều kiện công việc không cho phép chị đành vẫn ở quê chồng. Giờ đến tuổi nghỉ hưu, chị tìm cách hiện thực hóa ước mơ bấy lâu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Biết rằng, nói ngay từ đầu với chồng, chắc chắn anh không đồng ý nên chị dùng kế “mưa dầm thấm đất”. Khi con gái học năm hai, chị thế chấp sổ đỏ, vay mượn họ hàng, quyết mua nhà Hà Nội cho con. Chị đạt được nguyện vọng vì anh không thể phản đối, bởi nhìn con ở trọ vất vả và nghe chị to nhỏ: “Sau này, có nhà ở thủ đô sẽ thuận lợi nhiều bề cho công việc”, anh thấy cũng hợp lý. Bước tiếp theo, chị cho con trai út ra ở cùng chị gái để thi đại học nhưng vì sức học có hạn, nó không đậu đại học nên xin học nghề rồi về làm việc ở quê.

Cô con gái ra trường, đi làm vài năm rồi lấy chồng, trả nhà lại cho ba mẹ, chị đã thành công khi gây dựng được cơ ngơi ở thành phố mà chồng không mảy may nghi ngờ. Lấy cớ, nhà để không cũng phí, chị vận dụng mọi mối quan hệ chuyển việc cho con trai ra Hà Nội. Chẳng biết bằng cách nào mà khi chị có quyết định về hưu thì con cũng được nhận vào làm…

Từ ngày đó, chị nói nhiều với anh chuyện chuyển nhà, rằng khi nào anh về hưu, hai người sẽ bán nhà để ra Hà Nội. Anh phản đối kịch liệt bởi anh không thể nào rời bỏ quê hương để đến một nơi xa lạ. Anh sinh ra ở đất này thì sẽ chết ở đây. Huống chi, anh là con trai cả, chuyện thờ tự mồ mả ông bà đều do anh gánh vác, giờ anh đi thì giải quyết thế nào. Nhìn thái độ gay gắt của anh, chị im lặng không nói gì. Nhưng những chuyến đi thăm con của chị đều đặn và kéo dài hơn. Căn nhà rộng thênh thang vắng lặng, mình anh lủi thủi đi về. Nhiều hôm, anh ở lại luôn cơ quan, không muốn về nhà vì sợ buồn, sợ phải ăn ngủ một mình. Chị vẫn thế, thỉnh thoảng đảo về nhà rồi ra Hà Nội ở với con cháu. Anh có mở miệng than vãn thì bị chặn ngay: “Tại anh không nghe em, em đã quyết vậy rồi”….

Mọi người đều khuyên anh nên ở lại quê, nhà cửa rộng rãi, mát mẻ lại có họ hàng, bà con, thảnh thơi hưởng tuổi già. Họ còn dẫn chứng trường hợp nhiều người theo con ra thành phố, tự biến mình thành “gà công nghiệp” lúc nào không hay. Lúc trước, nghe vậy, anh cứng cỏi lắm, quyết tâm không đi nhưng giờ chị để anh một mình, anh lại phân vân, nhất là gần đây, anh bị tăng huyết áp ngất xỉu trong vườn, may mà hàng xóm phát hiện ra và đưa đi viện…

Anh chưa bao giờ nghĩ, đời mình khi xế chiều lại chông chênh đến thế….!

Mẹ chồng và hóa đơn tiền điện

Sau hôm đi họp về, nhà anh Hùng có sự thay đổi. Buổi tối thay vì ai về phòng nấy thì tất cả tập trung chơi với bà nội.

Cứ mỗi lần cô thu tiền điện đến đưa hoá đơn là chị Minh lại kêu ca không ngớt... Có lần chị còn mượn cả tập hoá đơn của mấy nhà hàng xóm để so sánh rồi tiếp tục kêu trời về hoá đơn nhà mình sao nhiều thế. Rồi chị gọi thợ điện đến xem lại công tơ, soi lại đường điện nhà mình có bị ai câu trộm không. Chị tính đi tính lại, nhà có 5 người (2 đứa con, 2 vợ chồng với bà mẹ chồng) thì 4 người đã ra khỏi nhà từ 7 giờ sáng, gần 6 giờ tối mới trở về. Bà cụ ở nhà cơm không phải nấu (bữa trưa chị đặt cơm hộp mang đến), nước không phải đun, trời nắng nóng chỉ dùng cái quạt, thỉnh thoảng mở ti vi xem. Tối về cả nhà chị tập trung ở một phòng. Vậy mà tiền điện cứ gấp hai, ba lần nhà khác.

Đến một ngày, quên tài liệu ở nhà, chị Minh quay về lấy. Mở cửa bước vào nhà, chị thấy mẹ chồng nằm ngủ gà gật trên ghế sô pha ở phòng khách nhưng cả nhà thì điện sáng trưng, ti vi thi nhau nói ở bếp, phòng khách, trong phòng ngủ của bà. Chị ngán ngẩm, thế này thì làm sao mà không tốn điện. Hôm ấy, về chị quán triệt với bà cụ, ngồi ở phòng nào thì bật ở phòng đấy chứ không bật hết lên cùng một lúc như thế sẽ rất lãng phí. Bà cụ ậm ừ ra vẻ hiểu nhưng mấy lần chị Minh đột xuất về kiểm tra thì mấy cái ti vi vẫn "cãi nhau", điện sáng như ban ngày. Xót của, chị tiếng bấc tiếng chì với mẹ chồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Dạo này, anh Hùng đi làm về cứ thấy mẹ mình ngồi phe phẩy quạt nan ở cổng. Ban đầu anh cứ nghĩ, bà cụ ra ngồi hóng gió nói chuyện với hàng xóm nên cũng chẳng để ý. Cho tới hôm đi họp tổ dân phố nghe bác tổ trưởng tâm sự, anh mới giật mình.

- Hôm trước đến nhà anh, thấy mấy cái ti vi cứ bật không ai xem, tôi hỏi thì bà cụ bảo ở nhà cả ngày chẳng được nghe ai nói một câu nên cứ bật ti vi lên để nghe tiếng người. Bà than, thương con cháu nên mới đồng ý bán nhà ra thành phố, nhưng ra đây sống gần con cháu mà mấy khi được sum vầy với chúng. Bà muốn về quê sống lắm nhưng chẳng có nhà để về nữa...

Mấy năm nay đưa mẹ ra thành phố sống cùng, anh Hùng cứ ngỡ đã làm trọn chữ hiếu với bà lúc tuổi già. Cha mất sớm, mẹ anh ở vậy mấy chục năm trời nuôi con ăn học. Về già, thương mẹ thui thủi một mình ở quê, anh thuyết phục bà lên sống cùng con cháu. Lấn cấn mãi, cuối cùng bà cũng đồng ý bán nhà cửa, vườn tược theo con ra phố. Anh trang hoàng cho mẹ một phòng riêng ở tầng một thật đẹp, bà con ở quê mỗi lần ra chơi đều tấm tắc khen bà có số hưởng phúc của con. Bà cụ vui được thời gian đầu nhưng sau đó thì sống trầm lắng hẳn. Con cháu sáng ra khỏi nhà sớm, chiều về muộn.

Xong bữa cơm tối, ai về phòng nấy cho đến sáng hôm sau lại lần lượt kéo nhau đi. Thỉnh thoảng bà muốn sang hàng xóm chơi nhưng nhà nào cũng kín cổng cao tường. Bạn già thành phố cũng khác bạn già ở quê, lúc nào cũng khách sáo, giữ kẽ. Do đó, bà cứ quanh quẩn trong nhà làm bạn với cái ti vi. Dần dần bà mắc chứng "nghiện ti vi", không xem nhưng vẫn thích mở để có tiếng người. Bà nhớ cái nắng chói chang ở quê nên bật đèn sáng trắng cả nhà. Có mỗi cái thú vui ấy thì con dâu lại than tốn tiền điện. Mấy hôm nay chịu không nổi cái sự tĩnh mịch trong nhà, bà ra ngõ ngồi ngắm thiên hạ qua lại bất chấp trời nắng nóng.

Sau hôm đi họp về, nhà anh Hùng có sự thay đổi. Buổi tối thay vì ai về phòng nấy thì tất cả tập trung ở phòng khách ngồi chơi với bà nội. Một vài tháng, hàng xóm lại thấy anh Hùng về quê đón lúc thì bà thím, lúc ông chú già ra chơi dăm bữa nửa tháng. Điều đặc biệt là thỉnh thoảng hoá đơn tiền điện nhà chị Minh cao nhưng tuyệt nhiên không thấy chị kêu than nữa.