Mẹ chồng và hóa đơn tiền điện

Sau hôm đi họp về, nhà anh Hùng có sự thay đổi. Buổi tối thay vì ai về phòng nấy thì tất cả tập trung chơi với bà nội.

Cứ mỗi lần cô thu tiền điện đến đưa hoá đơn là chị Minh lại kêu ca không ngớt... Có lần chị còn mượn cả tập hoá đơn của mấy nhà hàng xóm để so sánh rồi tiếp tục kêu trời về hoá đơn nhà mình sao nhiều thế. Rồi chị gọi thợ điện đến xem lại công tơ, soi lại đường điện nhà mình có bị ai câu trộm không. Chị tính đi tính lại, nhà có 5 người (2 đứa con, 2 vợ chồng với bà mẹ chồng) thì 4 người đã ra khỏi nhà từ 7 giờ sáng, gần 6 giờ tối mới trở về. Bà cụ ở nhà cơm không phải nấu (bữa trưa chị đặt cơm hộp mang đến), nước không phải đun, trời nắng nóng chỉ dùng cái quạt, thỉnh thoảng mở ti vi xem. Tối về cả nhà chị tập trung ở một phòng. Vậy mà tiền điện cứ gấp hai, ba lần nhà khác.
Đến một ngày, quên tài liệu ở nhà, chị Minh quay về lấy. Mở cửa bước vào nhà, chị thấy mẹ chồng nằm ngủ gà gật trên ghế sô pha ở phòng khách nhưng cả nhà thì điện sáng trưng, ti vi thi nhau nói ở bếp, phòng khách, trong phòng ngủ của bà. Chị ngán ngẩm, thế này thì làm sao mà không tốn điện. Hôm ấy, về chị quán triệt với bà cụ, ngồi ở phòng nào thì bật ở phòng đấy chứ không bật hết lên cùng một lúc như thế sẽ rất lãng phí. Bà cụ ậm ừ ra vẻ hiểu nhưng mấy lần chị Minh đột xuất về kiểm tra thì mấy cái ti vi vẫn "cãi nhau", điện sáng như ban ngày. Xót của, chị tiếng bấc tiếng chì với mẹ chồng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Dạo này, anh Hùng đi làm về cứ thấy mẹ mình ngồi phe phẩy quạt nan ở cổng. Ban đầu anh cứ nghĩ, bà cụ ra ngồi hóng gió nói chuyện với hàng xóm nên cũng chẳng để ý. Cho tới hôm đi họp tổ dân phố nghe bác tổ trưởng tâm sự, anh mới giật mình.

- Hôm trước đến nhà anh, thấy mấy cái ti vi cứ bật không ai xem, tôi hỏi thì bà cụ bảo ở nhà cả ngày chẳng được nghe ai nói một câu nên cứ bật ti vi lên để nghe tiếng người. Bà than, thương con cháu nên mới đồng ý bán nhà ra thành phố, nhưng ra đây sống gần con cháu mà mấy khi được sum vầy với chúng. Bà muốn về quê sống lắm nhưng chẳng có nhà để về nữa...
Mấy năm nay đưa mẹ ra thành phố sống cùng, anh Hùng cứ ngỡ đã làm trọn chữ hiếu với bà lúc tuổi già. Cha mất sớm, mẹ anh ở vậy mấy chục năm trời nuôi con ăn học. Về già, thương mẹ thui thủi một mình ở quê, anh thuyết phục bà lên sống cùng con cháu. Lấn cấn mãi, cuối cùng bà cũng đồng ý bán nhà cửa, vườn tược theo con ra phố. Anh trang hoàng cho mẹ một phòng riêng ở tầng một thật đẹp, bà con ở quê mỗi lần ra chơi đều tấm tắc khen bà có số hưởng phúc của con. Bà cụ vui được thời gian đầu nhưng sau đó thì sống trầm lắng hẳn. Con cháu sáng ra khỏi nhà sớm, chiều về muộn.
Xong bữa cơm tối, ai về phòng nấy cho đến sáng hôm sau lại lần lượt kéo nhau đi. Thỉnh thoảng bà muốn sang hàng xóm chơi nhưng nhà nào cũng kín cổng cao tường. Bạn già thành phố cũng khác bạn già ở quê, lúc nào cũng khách sáo, giữ kẽ. Do đó, bà cứ quanh quẩn trong nhà làm bạn với cái ti vi. Dần dần bà mắc chứng "nghiện ti vi", không xem nhưng vẫn thích mở để có tiếng người. Bà nhớ cái nắng chói chang ở quê nên bật đèn sáng trắng cả nhà. Có mỗi cái thú vui ấy thì con dâu lại than tốn tiền điện. Mấy hôm nay chịu không nổi cái sự tĩnh mịch trong nhà, bà ra ngõ ngồi ngắm thiên hạ qua lại bất chấp trời nắng nóng.
Sau hôm đi họp về, nhà anh Hùng có sự thay đổi. Buổi tối thay vì ai về phòng nấy thì tất cả tập trung ở phòng khách ngồi chơi với bà nội. Một vài tháng, hàng xóm lại thấy anh Hùng về quê đón lúc thì bà thím, lúc ông chú già ra chơi dăm bữa nửa tháng. Điều đặc biệt là thỉnh thoảng hoá đơn tiền điện nhà chị Minh cao nhưng tuyệt nhiên không thấy chị kêu than nữa.

Lên Facebook “hạ bệ” mẹ chồng

Facebook nở rộ, không ít chị em bất hòa với mẹ chồng đã tận dụng “kênh” này chia sẻ những cảm xúc, chuyện xích mích và nói xấu mẹ chồng… 

Mẹ chồng phẫn nộ vì con dâu đổi “kênh”

Không hiếm chuyện mẹ chồng, nàng dâu xích mích nảy lửa, thậm chí, có những cuộc cãi vã một mất một còn. Nhưng nếu xưa chủ yếu là chuyện lời đi tiếng lại thì nay rất nhiều chị em phụ nữ không làm chủ được cảm xúc, đã tung lên facebook mọi bực dọc với mẹ chồng.

Chị Ngọc Lan – thành viên của một diễn đàn dành cho các bà mẹ thổ lộ: “Mình không muốn chồng khó xử nên đã không chấp nhặt với mẹ chồng trong sinh hoạt thường nhật. Nhưng bà khó tính quá. Mình chẳng còn cách nào khác, là đổi kênh, trút giận lên “phây”. Cũng có lần chồng mình vào đọc được, khuyên mình giữ chuyện trong nhà, nhưng mình thấy ngay cả nói trên đó mà cũng không được nữa thì bức bối lắm!”.

May cho chị Lan là mẹ chồng chị chẳng bao giờ sờ đến máy tính. Bà cũng không biết mạng, biết “phây” là cái gì. Khi thấy con dâu tự nhiên “bằng mặt” với mình, bà tự nghĩ con dâu đã thay đổi, ngoan hiền hơn. Bà đâu biết trên “phây”, cô con dâu đang làm “dậy sóng” bởi những câu chuyện nói xấu mình.

Nhưng chị Kim Nhung ở phố Phó Đức Chính (Hà Nội) thì không may mắn như vậy. Cũng như nhiều người, ngoài việc khoe con, chia sẻ chồng thích ăn gì, có chiều vợ không, chị cũng dành thời lượng rất lớn để nói xấu mẹ chồng. Nào là bà hôi, bà còn giữ thói quen nhai trầu, bà nấu cơm hôm thì nhão quá, hôm lại khô quá, rồi cứ chiều cháu để cháu sinh hư. Chưa hết, chị Nhung còn nói mẹ chồng ngáy rất to.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cho đến một hôm nọ, đứa cháu hướng dẫn bà vào “phây” để khỏi lạc hậu. Bà tò mò muốn biết cháu kết bạn thế nào, học hành ra sao nên chăm chú nghe cháu hướng dẫn. Rồi cháu lại dẫn bà vào thăm “phây” của con dâu. Thế rồi, bà đọc được những gì chị Nhung viết về bà. Mặt bà đỏ gay, giận dữ. Đầu tiên bà nói với con trai, rồi gọi cả con dâu vào mắng nhiếc. Chuyện bé đã bị xé thành chuyện to.

Một trường hợp khác là mẹ chồng chạm mặt con dâu khi lên diễn đàn. Bà Ngô Thị Hoa (đường Đại Cồ Việt, Hà Nội) tá hỏa khi biết con dâu tham gia “Hội những người nói xấu mẹ chồng”. Trước đây bà và con dâu vẫn sống thuận hòa, không có lời ra tiếng vào. Cô con dâu cũng tỏ ra lễ độ, kính hiếu. Nhưng sau một vài tuần tập tành, bà đã có thể lướt facebook khá nhanh, đồng thời đã kết bạn được rất nhiều người.

Bà đã vào “phây” con dâu và đọc được những lời lẽ hết sức bất ngờ: “Mẹ chồng mình chỉ ham đồ rẻ, mua rau ôi, cá ươn, rồi lúc ngủ nghiến răng ken két. Mẹ chồng mình còn rất hay hỏi chồng mình làm thu nhập bao nhiêu, mình tiêu mỗi tháng hết bao nhiêu. Mình cứ phải nhịn bà ấy như nhịn cơm sống…”.

Lúc đó, bà mẹ chồng mới vỡ lẽ. Hóa ra cô con dâu giả dối, sống với bà bằng mặt không bằng lòng. Là người nóng tính, bà đã làm om xòm cả nhà. Con trai bà Hoa đòi bỏ vợ, vì không thể chịu được một người dám bêu xấu mẹ chồng như vậy.

Càng nói càng chứng tỏ sự thiếu hiểu biết

Mạng xã hội facebook ngày nay tiện lợi đến nỗi, chỉ cần một phút vừa chụp ảnh, vừa làm thao tác, người ta đã có thể đưa ảnh, những lời bình và nhận về chia sẻ của một cộng đồng lớn. Nhưng người tham gia facebook cũng cần phải học, phải biết tiết chế cảm xúc của mình. Đó là lời khuyên của không ít chuyên gia xã hội.

Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra: “Người lớn nên làm gương cho trẻ em. Bởi những gì mà người lớn nói trên facebook thì rất có thể các em học theo và làm tương tự. Như vậy, khi không muốn người khác làm gì với mình, thì cũng đừng làm như vậy đối với người khác trên mạng xã hội”.

Thế nhưng, không ít những cô dâu trẻ tuổi đã không nghĩ như vậy. Ngược lại họ thấy thanh thản, bớt căng thẳng, hả hê vì đã dùng facebook làm nơi kể xấu mẹ chồng, gia đình nhà chồng. Mỗi ngày một chuyện, facebook đang dần trở thành nơi “tụ họp” của những nàng dâu thích nói xấu mẹ chồng.

Nhưng những người con dâu lên mạng nói xấu mẹ chồng không hiểu rằng chính cách giải tỏa đó càng chứng minh họ thiếu hiểu biết, thiếu lễ độ trong cuộc sống và cách ứng xử. Người nào nghĩ rằng “phây” là một cứu cánh, một chỗ để giải tỏa bực bội là rất sai lầm. Bởi không phải người lớn tuổi nào cũng không thích vào mạng. Các cụ có thể nhập cuộc bất cứ lúc nào, và khi phát hiện con dâu nói xấu, thì hậu quả cho tổ ấm sẽ thật khôn lường.

Vợ là radar theo dõi chồng

Nhất cử nhất động của chồng trong gia đình đều nằm trong tầm ngắm của chị. Đi khỏi một chút, chị dặn dò con cái để mắt tới “nhà cửa”...

Chẳng hiểu vì sao, chị Ngọc nhìn đâu cũng thấy… nguy hiểm. Từ cô đồng nghiệp của chồng đến mấy đứa nhân viên thực tập, cả chị hàng xóm đến… bà osin trong nhà. Tất tần tật chị đều phải canh chừng, cứ như thể, sểnh ra một cái, là chồng chị bị “thiên hạ” bắt mất ngay.

Anh Huy không phải dạng người thích ham vui đèo bồng, hay từng có “phốt” gì để chị nghi ngờ xét nét. Nên có khi, anh thẳng thừng bảo: “Em làm như chồng mình… báu lắm không bằng. Trên răng dưới… dép, lúc nào cũng tất bật kiếm tiền nuôi con, ai mà thèm rớ”. Nhưng chị Ngọc không thể vì thế mà nới lỏng giám sát.

Nhất cử nhất động của chồng trong gia đình đều nằm trong tầm ngắm của chị. Đi khỏi một chút, là chị dặn dò con cái để mắt tới “nhà cửa”. Tội hai đứa nhỏ ăn chưa no lo chưa tới, biết gì “thâm ý” của mẹ mà báo cáo. Chị còn nghĩ ra nhiều chiêu trò để thử độ “thòm thèm” của chồng với người giúp việc, may mà chưa đến mức phản tác dụng. Anh Huy có lần bực quá, quát lên: “Tôi chẳng đến mức ăn tạp thế đâu”, nhưng chị vẫn nghĩ: “Biết đâu đấy!”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh không ít lần giảng giải với chị rằng, đàn ông ra ngoài làm ăn thì phải có các mối quan hệ xã giao thông thường. Chẳng lẽ lại muốn chồng mình suốt ngày thui thủi không ai dám lại gần thì mới vừa lòng? Mà nếu chồng đã muốn bồ bịch, không cô này thì cũng là cô khác, liệu chị đi theo canh giữ mọi người đàn bà xung quanh được chăng? Nhưng chị Ngọc vẫn ngày càng “nặng đô” kiểm soát hơn.

Anh Huy có thói quen ra đầu hẻm nhâm nhi ly cà phê. Từ hồi chị hàng xóm độc thân bày dăm bộ bàn ghế kiếm thêm đồng ra đồng vào, anh nghiễm nhiên trở thành khách quen. Việc này không lọt khỏi đôi mắt đa nghi của chị. Không ít lần, chị bóng gió xa gần: “Mê ai mà cứ phải la cà ngoài đó vậy”. Đến lúc không chịu được, chị lật bài: “Lại ra thăm bồ già đấy à?”, khiến anh Huy buộc phải từ bỏ sở thích của mình vì không muốn gia đình xào xáo, lối xóm ầm ĩ.

Thời gian gần đây, chồng chị đang hợp tác làm ăn với một người phụ nữ khiến chị Ngọc cực kỳ khó chịu. Một ngày, chị bất ngờ xuất hiện ở công ty, nhằm để dằn mặt cô đối tác kia. Có “xông vào hang cọp” mới may ra bắt tại trận được cái gì đó, chị nghĩ vậy. Nào ngờ, cô bạn của chồng cũng chẳng phải tay vừa, xởi lởi bắt chuyện, và hé ra cho chị biết rằng, cô ấy cũng chẳng thiết tha gì hợp tác với chồng chị, vì anh Huy tiềm lực kinh tế yếu, khó cạnh tranh với các đối tác khác, năng lực tư chất cá nhân cũng có hạn. Cô ấy chẳng qua chưa chọn được đối tác khác vừa ý ngay lập tức, chứ cô cũng đang tìm kiếm người thay thế. “Thời buổi khó khăn mà, chắc chị cũng hiểu và thông cảm, phải không nào?”.

Chị Ngọc nghe xong choáng váng, nghĩ ngay đến việc nồi cơm của cả nhà bị ảnh hưởng, lại nhìn chồng mình khúm núm, răm rắp nghe lời cô ấy ngay cả trước mặt mình, chị mới bẽ bàng nhận ra, bấy lâu hình như chị hơi bị ảo tưởng mất rồi…