Kết quả là, VIAGS và Petrolimex Aviation đã phải chấp nhận kết quả trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách chỉ ở mức thấp, chưa tới 3%.
Trong hoạt động đấu thầu mua sắm công, sự cạnh tranh giữa các nhà thầu là yếu tố cốt lõi để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều gói thầu cung cấp thiết bị chuyên dụng ngành hàng không lại cho thấy một bức tranh trái ngược.

Gói thầu 22,6 tỷ tại VIAGS và tỷ lệ tiết kiệm 0,47%
Điển hình là Gói thầu số 1: Mua 04 xe thang hành khách của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) do ông Nguyễn Xuân Phúc làm Tổng Giám đốc. Gói thầu có giá 22.633.600.000 VNĐ , nhưng chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần Cung cấp Thiết bị và Dịch vụ bảo dưỡng Hàng không (AVPM) nộp hồ sơ dự thầu. Ngày 31/03/2025, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số KQ2400615409_2503261104 phê duyệt AVPM trúng thầu với giá 22.527.072.000 đồng. Sau đấu thầu, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách chỉ đạt 0,47%. Đáng chú ý, Báo cáo đánh giá E-HSDT cho thấy hồ sơ của AVPM đã phải làm rõ nhiều lần về năng lực, nhân sự và kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu.
Kịch bản lặp lại tại Petrolimex Aviation
Tương tự, tại Gói thầu “Chuyển đổi, lắp đặt bình lọc ngưng tách trên xe tra nạp” của Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex do ông Nguyễn Văn Học làm Tổng Giám đốc, AVPM cũng là nhà thầu duy nhất tham gia.
Gói thầu có giá 9.832.226.580 đồng. Ngày 21/01/2025, ông Nguyễn Văn Học đã ký Quyết định số 040/PA-QD-TGD phê duyệt AVPM trúng thầu với giá 9.553.500.000 đồng. Tỷ lệ tiết kiệm tại gói thầu này khá hơn, nhưng cũng chỉ ở mức 2,83%.
Dấu hỏi về tính cạnh tranh trong đấu thầu
Việc các gói thầu giá trị lớn, đấu thầu rộng rãi nhưng chỉ có một nhà thầu tham gia đặt ra câu hỏi về tính cạnh tranh. Liệu thông tin mời thầu đã thực sự được phổ biến rộng rãi, hay các tiêu chí đưa ra có đang làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác, hay các nhà thầu khác chưa đáp ứng về năng lực ?