Đức Long Gia Lai lãi kỷ lục vẫn "khất nợ" trái phiếu suốt 8 năm

Đức Long Gia Lai lại tiếp tục chậm thanh toán lô trái phiếu đã quá hạn nhiều năm, bất chấp việc vừa báo lãi cao nhất lịch sử trong năm 2024.

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) vừa công bố thông tin bất thường liên quan đến việc chậm thanh toán trái phiếu, làm dấy lên nghi ngại về năng lực tài chính thực chất của doanh nghiệp này, bất chấp kết quả kinh doanh báo lãi.

Cụ thể, DLG có một lô trái phiếu phát hành ngày 30/12/2017, kỳ hạn 5 năm, đã đáo hạn từ ngày 30/12/2022. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2025, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn tất thanh toán.

Theo kế hoạch, DLG phải trả 36,89 tỷ đồng gốc vào ngày 27/6/2025, nhưng chỉ thanh toán được 23,2 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, công ty trả thêm 10 tỷ đồng, còn lại 3,6 tỷ đồng vẫn chưa tất toán. Tổng giá trị gốc phát hành ban đầu của lô trái phiếu này là 134 tỷ đồng.

DLG cho biết đang tiếp tục thương thảo với trái chủ về phần còn lại do chưa thu xếp được nguồn tiền. Như vậy, quá trình thanh toán đã kéo dài gần 8 năm kể từ ngày phát hành.

Không chỉ lô 2017, DLG còn đang “treo” khoản trái phiếu phát hành từ năm 2014, đã đáo hạn vào năm 2019. Tới nay, lô này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng chậm chi trả, trả nhỏ giọt diễn ra suốt nhiều năm qua, thường được doanh nghiệp viện dẫn lý do “khó khăn trong sản xuất kinh doanh”.

duc-long.jpg
Ảnh minh họa

Trái với tình hình trả nợ ì ạch, kết quả kinh doanh năm 2024 của DLG lại ghi nhận bước ngoặt khi báo lãi sau thuế 244 tỷ đồng – cao nhất kể từ khi thành lập. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận này không đến từ hoạt động cốt lõi mà nhờ vào việc thoái vốn khỏi các công ty con.

Sang quý 1/2025, DLG tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế 49,3 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy dòng tiền dường như vẫn đang vận hành. Dù vậy, mức lãi này chưa đủ bù đắp cho khoản lỗ lũy kế rất lớn tích lũy từ trước, đặc biệt là khoản lỗ hơn 1.197 tỷ đồng năm 2022.

Tính đến ngày 31/3/2025, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DLG vẫn âm 2.428 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của công ty co lại còn 792,3 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả lên tới 3.522 tỷ đồng – cao gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu.

Trong cơ cấu nợ, vay và nợ thuê tài chính chiếm hơn 2.200 tỷ đồng, chủ yếu từ các tổ chức tín dụng. Dư nợ trái phiếu đến hạn vào cuối quý 1/2025 vẫn còn 397 tỷ đồng – là gánh nặng lớn khi doanh nghiệp chưa có dòng tiền ổn định từ hoạt động cốt lõi.

Mặc khác, hiện cổ phiếu DLG vẫn nằm trong diện cảnh báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ – một dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp chưa phục hồi thực chất dù có báo lãi ngắn hạn.

Trong bối cảnh lỗ lũy kế chưa xử lý xong, tỷ lệ đòn bẩy tài chính quá cao (4,4 lần vốn chủ) và trái phiếu đến hạn vẫn chưa được thanh toán, nhà đầu tư tiếp tục đặt dấu hỏi về khả năng xoay xở dòng tiền cũng như chiến lược phục hồi dài hạn của doanh nghiệp.

Dabaco báo lãi 6 tháng vượt kế hoạch cả năm

Dabaco lãi hơn 1.017 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2025, vượt kế hoạch năm và gấp 4,6 lần cùng kỳ. Riêng quý 2, ước lãi 509 tỷ - mức lãi cao nhất tính theo quý.

Công ty Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 tại cuộc họp HĐQT ngày 1/7.

Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 12.537 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 1.017 tỷ đồng, vượt nhẹ kế hoạch năm (1.007 tỷ đồng) và gấp 4,6 lần so với nửa đầu năm 2024.

Hodeco đã thoái toàn bộ 47,27% vốn tại chủ dự án Khu du lịch Đại Dương

Hodeco đã hoàn tất thoái toàn bộ 47,27% vốn tại đơn vị sở hữu dự án Khu du lịch Đại Dương (Antares), dự kiến thu về 1.100 – 1.200 tỷ đồng trong năm 2025-2026.

CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HoSE: HDC) vừa công bố hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ 47,27% vốn tại CTCP Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu – đơn vị sở hữu dự án Khu du lịch Đại Dương (Antares) quy mô 19,5 ha tại TP Vũng Tàu (cũ). Đây là bước đi cuối cùng trong lộ trình thoái vốn khỏi dự án được Hodeco triển khai từ năm 2022.

Cụ thể, ngày 1/7, Hodeco thông qua việc chuyển nhượng hơn 24,1 triệu cổ phần (tương đương 37,37%) cho CTCP Tư vấn Đầu tư và Thương mại Tân Cương hoặc bên liên quan. Đồng thời, gần 6,4 triệu cổ phần còn lại (9,9%) cũng được chuyển nhượng cho một đối tác khác, khép lại thương vụ thoái vốn toàn diện.