HĐQT CTCP Đầu tư HVA (UPCoM: HVA) vừa thông qua phương án chào bán riêng lẻ 19 triệu cổ phiếu cho 5 nhà đầu tư, tăng vốn từ 136.5 lên 326.5 tỷ đồng.
Mức giá chào bán là 10.000 đồng/cp, cao hơn gấp đôi thị giá hiện tại (4,900 đồng/cp) của HVA.
Số lượng cổ phiếu này sẽ được 5 nhà đầu tư tham gia mua gồm ông Nguyễn Thành Đạt, Đinh Ngọc Dũng, Nguyễn Chí Công, Phùng Nhật Quế và bà Trần Thị Uyên.
|
Danh sách 5 cá nhân tham gia đợt phát hành riêng lẻ của HVA |
Nếu phát hành thành công, HVA dự kiến thu về 190 tỷ đồng và sẽ dùng cho việc mua lại CTCP Tập đoàn Cà phê Avina với giá 10,000 đồng/cp để nắm giữ 95% vốn.
Được biết, Cà phê Avina có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, thành lập ngày 29/6/2017, hoạt động trong lĩnh vực sản suất cà phê.
HVA có tham vọng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử như ngày 21/11 vừa qua, HVA đã ký hợp tác chiến lược với Công ty Big Invest Group (BIG) bằng việc nhận chuyển giao 12% cổ phần của BIG tương ứng với 600.000 cổ phiếu từ Thành viên HĐQT BIG Võ Phi Nhật Huy.
HVA cũng từng mua lại 100% vốn TrustCard vào năm 2018 bằng hình thức hoán đổi cổ phiếu. Tham vọng lúc đó của HVA thông qua việc mua lại TrustCard là để phát triển dịch vụ thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ blockchain, cho vay ngang hàng, huy động vốn, phát triển sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số... Tuy nhiên HVA đã thoái toàn bộ vốn tại TrustCard vào năm 2020, thay vào đó lại sẽ đầu tư thêm 10 tỷ đồng vào CTCP Citypass nhằm tăng sở hữu từ 45% (9 tỷ) lên 95% (19 tỷ).
Về tình hình kinh doanh, trong quý 3/2022, HVA thua lỗ hơn 378 triệu đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi. Theo HVA, do quý vừa qua công ty tiến hành hợp nhất kết quả kinh doanh của CTCP Đại phát Vina (thua lỗ 538 triệu đồng) nên dẫn đến hợp nhất thua lỗ. Lũy kế 9 tháng, HVA chỉ lãi hơn 700 triệu đồng.
Cổ phiếu HVA bị huỷ niêm yết trên sàn HNX ngày 9/3/2020 do kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2018 (năm 2018 và 2019 HVA chìm trong thua lỗ).