Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức phạt tiền vi phạm giao thông tối đa lên 150 - 200 triệu đồng thay vì 75 triệu đồng như dự thảo luật đề xuất.

Chiều 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

202505161631203008z814302-17473885646321368764238.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) nêu thực trạng hiện nay vẫn xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm giao thông mức độ nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm dù biết quy định cấm, đơn cử như lái xe đi ngược chiều trên đường cao tốc.

Nữ đại biểu cho rằng, mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa đủ răn đe, mức tối đa theo luật hiện hành còn thấp, dẫn đến tình trạng nhờn luật trong một bộ phận người tham gia giao thông.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, thay vì 75 triệu đồng như dự thảo luật, cần tăng lên 150 - 200 triệu đồng, mới đảm bảo sức răn đe.

Song song với tăng mức phạt, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức của người tham gia giao thông để hạn chế, phòng ngừa vi phạm.

Trong khi đó, ĐBQH Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) lại cho rằng, tại thời điểm hiện nay, nâng mức phạt cao để tạo sự răn đe là hợp lý. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện, khi ý thức tuân thủ quy định pháp luật của người dân được nâng cao, cần điều chỉnh sao cho phù hợp với mức thu nhập, tài sản của người dân.

"Trên thị trường hiện nay có chiếc ô tô chỉ hơn 200 triệu đồng mà mức phạt lên đến 150 triệu đồng thì quá cao, trong khi có trường hợp cố tình vi phạm nhưng cũng có trường hợp do vô ý mà vi phạm", nữ đại biểu nêu quan điểm.

Doanh nghiệp dính án... tài sản không có lỗi

Bên cạnh việc bảo đảm giá trị tài sản, phải đảm bảo được quyền của tài sản đó bởi trong các vụ án, tài sản không có lỗi.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, ngày 16/5, bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ông rất quan tâm về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh.

z6607680612738efcffbf852f189ad6f7282b36f36226b-174738358414965490910.jpg
ĐBQH Phan Đức Hiếu.