Đàn ông kiếm tiền, đàn bà xây tổ ấm?

Nếu chồng vẫn giữ quan điểm: Đàn ông kiếm tiền, đàn bà xây tổ ấm, giao phó hoàn toàn việc nhà cho vợ sẽ dẫn tới mâu thuẫn nảy sinh.

Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, phụ nữ ngày càng tham gia nhiều vào các công việc xã hội. Vai trò của họ không chỉ gói gọn trong góc nhà, cái bếp mà còn đảm đương nhiều vị trí quan trọng ở cơ quan, cộng đồng. Nhiều chị em đã cùng chồng gánh vác, lo kinh tế gia đình. Nếu người chồng vẫn giữ quan điểm: Đàn ông kiếm tiền, đàn bà xây tổ ấm và giao phó hoàn toàn việc nhà cho vợ sẽ dẫn tới nhiều mâu thuẫn nảy sinh.
Hãy thử suy ngẫm về một người phụ nữ, nhưng ở trong hai hoàn cảnh khác nhau: Hồi mới lấy chồng, chị An không đi làm ở ngoài, công việc chính của chị là nội trợ. Chị cảm thấy hài lòng với công việc chăm sóc chồng con. Trong bữa ăn, chỉ cần chồng chị bảo: “Em ơi, bát nước mắm này hơi mặn”, là chị vui vẻ đi pha chế lại, thêm chút đường, ít chanh, thêm chút nước lọc, tới khi nào chồng chị cảm thấy vừa miệng mới thôi.
Thế nhưng, sau khi con cái hết tuổi “nheo nhóc”, chị An tìm được một công việc ưng ý ở ngoài, chị cũng kiếm được tiền và bận rộn với công việc cơ quan, thì vẫn bát nước mắm ấy, nhưng nếu chồng chê: “Em ơi, bát nước mắm này mặn quá”, chị An sẽ không cảm thấy vui vẻ, có thể chị vẫn để đó, và nói: “Nước mắm thì phải mặn chứ”, hoặc miễn cưỡng đi pha lại trong thái độ cáu kỉnh, khó chịu: “Lắm chuyện, đòi hỏi vô lí”, hoặc “anh tự đi mà pha lại”… Thế là, từ chuyện bát nước mắm cỏn con, chị An có thể xung đột với chồng.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
“Đàn ông, có một thói quen, ăn xong là nghiễm nhiên phủi quần đứng dậy, cái động tác mà đàn bà chỉ dám làm khi ra tiệm còn đàn ông thì “tự nhiên như ruồi Hà Nội”, ở tiệm hay ở nhà cũng chẳng có khác gì nhau? Từ khi nào Việt Nam đã có thêm dân tộc thiểu số thứ 55 có tên gọi là dân tộc ăn xong phủi quần đứng dậy? Và phụ nữ, ăn xong tần ngần ngồi lại với việc nhà như những người giúp việc cần mẫn”, nhà văn Trang Hạ lên tiếng.
Ý kiến của Trang Hạ được rất nhiều chị em đồng tình ủng hộ. Chị Thu Vân, một trung úy công an chia sẻ: "Ra ngoài, ai cũng bảo vợ chồng tôi đẹp đôi, hạnh phúc. Rằng tôi lấy được chồng nhiều tuổi hơn (8 tuổi) chắc được chồng yêu thương, chiều chuộng lắm đấy. Nhưng ai biết rằng, mình phải hầu anh ấy chả khác gì ôsin".
Theo điều tra khá đặc biệt về thời gian làm việc nhà của phụ nữ, thực hiện trong hai năm 2007-2008 tại tỉnh Hà Tây cũ do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện: Mỗi phụ nữ phải dành tới 5-6 giờ mỗi ngày cho công việc nội trợ. Ở những gia đình có con nhỏ, cha mẹ già, thời gian làm việc nhà còn kéo dài hơn. Trong khi đó, nam giới chỉ dành có 1 giờ/ngày cho công việc chung này. Thậm chí có ông chỉ dành nửa giờ/ngày chia sẻ việc nhà với vợ.
Công việc nội trợ dù không nặng nhọc nhưng chiếm quá nhiều thời gian, khiến cho chị em không có thời gian nghỉ ngơi. Phụ nữ vốn được coi là “chân yếu, tay mềm”, nhưng phải làm việc nhiều hơn nam giới là điều bất cập. Để xóa bỏ được sự bất cập này thì điều đầu tiên là cần xóa bỏ quan niệm “nam giới là trụ cột kiếm tiền” hay “việc nội trợ, việc chăm sóc người ốm, người già con trẻ là thiên chức của phụ nữ”…
Theo các chuyên gia về gia đình, mẫu hình lý tưởng cần hướng tới của nam giới rất khác hình mẫu trước kia. Nếu không muốn ế vợ (mà nguy cơ này rất cao trong bối cảnh tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay nghiêng về nam giới), đàn ông Việt Nam phải mau thay đổi. Hình ảnh đẹp của một người đàn ông là biết chia sẻ công việc gia đình cùng vợ con, thay vì bắt chân chữ ngũ ngồi xem ti vi hoặc la cà quán bia.
Lâu lâu mới được về quê ăn Tết, ai cũng khen chồng chị Nhiên đảm đang, vợ nhờ gì làm đấy. Thậm chí ông anh trai còn “nhắc nhở” chị Nhiên:
- Mày đanh đá vừa thôi, tao thấy thằng Hùng là hiền đấy. Chứ như tao á, đừng hòng xuống bếp phụ vợ rửa bát nhá.
- Anh ơi, giúp vợ mình chứ có giúp người ngoài đâu mà phải lăn tăn ạ? – Hùng lên tiếng.
Trong khi Nhiên nhìn chồng đầy tình tứ thì vợ anh trai được thể nói xen vào. “Chú Hùng nói đúng đấy. Anh ấy lúc nào cũng nói yêu vợ, thương vợ vất vả nhưng chỉ được lời nói thôi. Yêu thương nghĩa là phải cùng nhau chia sẻ việc nhà, cùng nhau đi chợ, cùng nấu ăn, rửa bát, cùng chăm sóc nhà cửa, con cái. Làm thì cùng làm, nghỉ thì cùng nghỉ ngơi, đấy mới là yêu thương thật sự đấy”.
Cuộc tranh luận sôi nổi, và gần như không có hồi kết, nhưng kết quả tác động thì rõ rệt. Hôm sau, anh trai Nhiên đã chịu xuống bếp, hỏi vợ xem có cần anh “úp bát” hộ không? Tất nhiên, chị dâu không dại gì để mất cơ hội này. Chị thầm nhủ, sẽ tích cực “học hỏi” kinh nghiệm từ cô em chồng để kéo chồng vào việc nhà.

Vị cay của hạnh phúc

Hãy coi cãi cọ là vị ớt trên bàn ăn cuộc sống. Chỉ có điều đừng để hơi cay bốc lên đến mờ cả đầu óc.

Sau khi lấy chồng, chị tôi thường về nhà và than thở với mẹ tôi về những bất đồng ý kiến với chồng. Là người ngoài cuộc, cả tôi và mẹ đều thấy rằng những gì chị ấm ức đều chẳng phải là chuyện to tát.

Vậy mà trong suy nghĩ của chị ấy, dường như gia đình chị sắp tan vỡ tới nơi và chị đã vô cùng sai lầm khi lấy anh ấy làm chồng. Những lúc như thế, mẹ tôi lại bình tĩnh khuyên chị: “Con ơi, ông bà ta thường nói: Chén trong sóng cũng phải khua. Vợ chồng chung sống mà không có bất đồng nào mới là lạ. Con cứ từ từ tìm hướng giải quyết”.

Tôi thường ngẫm nghĩ về lời mẹ nói và quan sát cuộc sống xung quanh. Quả đúng là như thế, tôi chưa hề thấy gia đình nào không có mâu thuẫn, bất đồng, cãi vã. Có những gia đình người chồng hiền khô, hay người vợ vô cùng nhẫn nhịn, thế nhưng họ cũng không thể tránh được những bất đồng, chỉ là ít hay nhiều. Thế nhưng không phải đôi nào cũng đưa nhau ra tòa. Vậy thì sự khác biệt của hôn nhân bền vững và hôn nhân không bền vững là ở chỗ nào?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thật ra, nếu thử làm “thống kê”, bạn sẽ thấy rằng những gia đình luôn cãi cọ ầm ỹ, đập vỡ chén bát không nhiều hơn những gia đình tìm cách tránh mọi xung đột, tránh nói những điều khó nghe với nhau. Sinh hoạt tình dục nhiều hay ít cũng không phải là bằng chứng của hạnh phúc. Sự say mê nhau trong thời gian đầu chung sống cũng không đảm bảo cho cuộc sống mãn nguyện lâu dài. Tính nết giống nhau thì vợ chồng sẽ hòa hợp hơn cũng chẳng phải. Thậm chí không phải mọi tình huống phản bội đều dẫn tới ly hôn.

Vậy thì nguyên nhân vì đâu khiến những cái chén trong chạn khi va chạm vào nhau cái thì tan vỡ, cái lại vẫn nguyên lành? Như lời mẹ tôi khuyên, giản dị chỉ có một điều: Xung đột chưa phải là điều kinh khủng nhất. Hãy tìm ra cách giải quyết xung đột đó, làm dịu các mâu thuẫn đang bùng nổ. Đừng để tình trạng hục hặc kéo dài cho đến khi mọi chuyện rối nùi, không lần ra đầu mối để gỡ ở đâu. Đầu tiên chỉ vì một chiếc ly không rửa sau khi uống trà xong mà phát triển thành: “Đó là cái tính cẩu thả của cả nhà anh” thì quả là không hay chút nào. Trong các gia đình hạnh phúc, những va chạm xung đột thường ngắn hơn. Vợ chồng luôn tìm hướng hòa giải.

Có hai vợ chồng chung sống cùng nhau. Chồng thì thích mua những món đồ máy móc hiện đại tối tân. Vợ thì thích mua đồ mỹ thuật sang trọng. Chồng khinh vợ sống hình thức. Vợ đay nghiến chồng đua đòi. Tiếp theo nhưng mâu thuẫn đó, họ có thể là sẽ cãi vã triền miên hoặc im lặng không thèm nói tới nhau, tiền anh anh mua gì anh thích, tiền tôi tôi mua gì tôi cần. Cách nào cũng đe dọa hạnh phúc gia đình. Sẽ tốt hơn nhiều nếu họ cùng ngồi lại và xem xét ngân sách gia đình. Nếu bạn biết nói ra một cách kịp thời trong cuộc cãi cọ: “Anh cũng có phần đúng….” ;“Em cũng có lỗi là…” thì có lẽ mọi xung đột không phải là không có lối thoát. Sự cãi cọ trong gia đình, đôi khi bạn hãy coi đó là vị ớt trên bàn ăn cuộc sống. Nó cần có và làm tăng thêm vị cho bữa ăn. Chỉ có điều đừng để hơi cay bốc lên đến mờ cả đầu óc.

Giúp được vợ là vui rồi!

Anh hàng xóm mỉa: “Đàn ông mà cũng phải đi chợ à?”. Anh Bình xởi lởi: “Giờ là thời nào rồi bạn ơi. Giúp được vợ là vui rồi!”.

Dù người “xây nhà” là ai thì chị em phụ nữ cũng không thể bỏ quên nhiệm vụ vun đắp hạnh phúc gia đình, chăm lo cho tổ ấm

Thấy anh Bình (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) ngày ngày cơm nước, chợ búa, đưa đón con đi học, một số người khích bác, nói vào nói ra nhưng anh Bình phớt lờ tất cả. Anh bạn hàng xóm buổi sáng gặp anh đi chợ về, mỉa mai: “Đàn ông mà cũng phải đi chợ à?”. Anh Bình xởi lởi: “Giờ là thời nào rồi bạn ơi. Giúp được vợ là vui rồi!”.

Hoán đổi thiên chức

Hai năm trước, trở về sau chuyến xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Bình cũng xin đi làm ở một vài công ty nhưng lương thấp chẳng thấm tháp vào đâu. Trong khi đó, chị Khanh, vợ anh, làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương khá nhưng công việc rất bận rộn. Hai con anh - đứa 3 tuổi, đứa 8 tháng - còn quá nhỏ, gửi nhà trẻ thì bệnh liên miên. Cảm nhận được sự vất vả của vợ khi vừa phải cáng đáng việc công ty, vừa phải chăm sóc 2 con nhỏ, anh bàn bạc với vợ và đưa ra quyết định: Anh sẽ tạm thời nghỉ làm, đi học thêm tiếng Hàn để sau này nâng cao cơ hội nghề nghiệp, đồng thời chăm sóc 2 con đến khi bé út đủ tuổi đi học mầm non.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Từ đó, vì có thời gian chú tâm vào công việc, lương của chị Khanh tăng lên nhiều, chất lượng cuộc sống gia đình tốt hơn. Con cái được anh Bình chăm sóc chu đáo, khỏe mạnh. “Là phụ nữ nên tôi hiểu công việc nội trợ phải quay cuồng với rất nhiều việc không tên nên tôi luôn biết ơn và tôn trọng khi anh đã chấp nhận gạt bỏ sự tự ái của đàn ông để chu toàn công việc gia đình” - chị Khanh tâm sự.

Chị Uyên (quận Gò Vấp, TP HCM) tự nhận mình là người năng động, có khiếu kinh doanh nhưng không có khiếu làm nội trợ và chăm sóc con cái. Nhưng đổi lại, anh Chương, chồng chị, lại rất giỏi khoản tề gia nội trợ và chăm con rất khéo.

Chị kể sau đám cưới, anh Chương nghỉ việc ở công ty, mở trang trại chăn nuôi heo, gà để cải thiện thu nhập. Khi 2 đứa con lần lượt ra đời, vì ở nhà chăn nuôi nên anh kiêm luôn nhiệm vụ trông con, nội trợ cho vợ yên tâm đi làm. Sau đó, trong khi công việc kinh doanh của chị suôn sẻ thì sự nghiệp chăn nuôi của anh thất bại. Anh Chương chưa kịp chuyển hướng làm ăn thì chị lại sinh tiếp đứa thứ 3 nên anh phải tiếp tục thực hiện “thiên chức” của mình. Chuyện hoán đổi vai trò của anh chị diễn ra tự nhiên không hề có sự phân công trước và chị cảm thấy đó là điều may mắn vì nhờ có anh chu toàn việc nhà, chị mới có thể dốc toàn lực cho công việc và tạo dựng được nguồn kinh tế ổn định như hiện nay.

Tuy nhiên, sự mặc cảm của anh khi nghe người ngoài nói ra nói vào cũng khiến gia đình chị trải qua nhiều phen sóng gió. “Cũng may trước nay tôi luôn tôn trọng chồng, cho anh toàn quyền chủ động chi tiêu kinh tế, đồng thời luôn hỏi ý kiến anh khi làm mọi việc nên mọi chuyện đều chóng qua” - chị Uyên chia sẻ.

Trụ cột không chỉ bằng thu nhập

Theo bà Lý Thùy Uyên, chuyên viên tư vấn tâm lý Tổng đài 1088, vai trò trụ cột không chỉ thể hiện ở thu nhập mà còn ở nhiều yếu tố khác. Khi hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với vợ, nam giới vẫn có thể tạo cho người phụ nữ của mình cảm giác bình yên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc dù anh ta không phải là người kiếm được nhiều tiền. Song để làm được điều này, trước hết, người đàn ông phải có bản lĩnh để vượt qua tự ái cá nhân, hiểu và thông cảm với công việc của vợ đồng thời cũng luôn cố gắng phấn đấu để tự khẳng định mình.

Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là cách ứng xử khéo léo, tinh tế của người vợ để người chồng luôn có cảm giác mình vẫn là chỗ dựa, là người quan trọng với gia đình. “Một người vợ nhạy cảm là người luôn hiểu rằng dù chấp nhận với việc “tề gia nội trợ” nhưng trong sâu thẳm lòng mình, nam giới vẫn cảm thấy thiếu tự tin. Vì thế hơn bất kỳ ai, người vợ phải luôn tạo điều kiện để chồng mình có cơ hội được khẳng định trong công việc, trước đám đông và đặc biệt là ngay chính trong gia đình nhỏ của mình” - bà Uyên đúc kết.

“Xây nhà” nhưng không quên nhiệm vụ

Từ kinh nghiệm bản thân, chị Hương Giang (đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM) tâm sự: “Phụ nữ, dù có giỏi giang, đảm nhận chức vụ cao đến đâu, kiếm tiền nhiều thế nào thì về nhà cũng chỉ là vợ, là mẹ. Nếu dựa vào những thứ đó để chỉ đạo hay coi thường chồng thì đổ vỡ là điều khó tránh. Đàn ông đôi khi rất sĩ diện nên người vợ phải biết cách dung hòa để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc”.

Đàn ông nông nổi giếng khơi...

“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Quê anh chị đều ở miền Bắc nhưng gia đình chị đã chuyển vào Sài Gòn sống nhiều năm. Chị và anh quen nhau khá lâu mới tiến đến hôn nhân, hiểu nhau đến từng cái nheo mày.

Anh làm thầu xây dựng, thường vắng nhà cả tuần, chỉ ngày nghỉ mới về thăm chị được một đêm rồi lại đi. Sức khỏe chị không tốt, thỉnh thoảng lại bị một cơn rối loạn tiền đình hành hạ. Thời tiết nóng nực, lại thêm áp lực công việc của nghề biên kịch khiến nhiều hôm chị ngất xỉu nằm sõng soài dưới nền nhà, may mà hàng xóm phát hiện. Tình hình càng tệ hơn khi chị mang bầu, những ngày tháng thai nghén không ăn ngủ được càng làm chị ốm yếu. Lo cho sức khỏe của vợ, anh gửi chị về nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Khoảng thời gian đó gia đình chị lại xảy ra bao nhiêu chuyện không vui. Chị chỉ mong đến cuối tuần anh về để than thở cho vơi bớt nỗi lòng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ba má chị buôn bán cũng thuận lợi, tiền nong không thiếu nhưng luôn phiền muộn. Em trai chị lớn mà không khôn, lấy vợ sinh con rồi vẫn rượu chè cờ bạc. Lại thêm cô em dâu quen cách ăn nói chỏn lỏn, cư xử không khéo léo. Vì thế, cứ dăm bữa nửa tháng nhà lại ầm ĩ, không vì chuyện tiền thua cờ bạc của cậu út cũng là chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chị đứng giữa thu dọn bãi chiến trường sau mỗi cuộc cãi vã cũng đủ mệt nhoài. Cuối tuần anh về, cùng ngồi ăn bữa cơm với bố mẹ vợ trong bầu không khí nặng nề. Chị luôn miệng trách móc các em không biết cách ăn ở, sướng không biết hưởng còn hỗn láo. Anh ra hiệu cho vợ im lặng, quay sang động viên mẹ. Anh bảo: “Các em còn nhỏ lại không được học hành đến nơi đến chốn nên khó tránh nông nổi, bồng bột. Mẹ cứ từ từ bảo ban các em làm ăn, con tin là mọi chuyện sẽ khác”.

Về phòng riêng, anh nhẹ nhàng bảo chị: “Mẹ đã khổ tâm rồi, em nói mấy lời đó chỉ càng làm cho mẹ đau lòng chứ có thay đổi được gì đâu. Em mình đã vậy thì mình cũng phải nghĩ khác đi”. Chị lặng lẽ cúi đầu khi nhớ tới hình ảnh mẹ nhiều lần khóc nghẹn trong mâm cơm. Những lời cay nghiệt chị đay nghiến các em như xát muối vào lòng mẹ. Chị thầm cảm ơn những bữa cơm có anh, bởi ít ra mẹ còn cười được trước những câu chuyện hài hước anh vui vẻ kể.

Chị mang bầu những tháng cuối cũng là lúc anh nhận công trình ở gần nhà nên sang ngoại đón chị về, nhưng công việc bận quá, anh cũng không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc chị. Sáng nào anh cũng đi rất sớm, trở về nhà lúc tối muộn. Bao công việc lặt vặt trong nhà vẫn một mình chị quán xuyến. Có đêm nằm cạnh chồng, chị than thở đủ điều, anh không nói gì, chỉ giục vợ đi ngủ sớm cho đỡ mệt. Chị tấm tức trong lòng, tự trách bản thân đã đâm đầu vào chỗ khổ. Ngay từ khi yêu anh, gia đình và bạn bè ai cũng khuyên chị đừng lấy chồng làm xây dựng cực trăm đường, nhưng chị bỏ ngoài tai. Đã vất vả thì chớ, lại còn không có lấy một lời động viên an ủi. Thời kỳ chị bầu bí, cực nhọc mà anh còn vậy thì trông đợi gì ở những năm tháng về sau?

Ý nghĩ đó giày vò tâm can chị suốt đêm, trằn trọc mãi gần sáng mệt quá chị mới thiếp đi. Tỉnh dậy, chị nhìn quanh thấy nhà cửa gọn gàng tinh tươm, quần áo đã giặt phơi, mở tủ lạnh thấy đồ ăn tươi ngon đã sẵn, cơm bữa sáng cũng chín rồi. Chị rơm rớm nước mắt, ân hận vì đã trách nhầm anh.

Nghề thầu xây dựng thời buổi này cũng bấp bênh. Bao nhiêu vốn liếng trong nhà đều mang ra xoay xở. Vất vả mãi chỉ mong xong công trình để được chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán. May ra thì kiếm được chút ít coi như tiền công mấy tháng trời, nhưng nhiều khi lỗ vốn, công sức bỏ ra chẳng nhận lại được gì. Chị ở nhà không thấu hiểu được những khó khăn ấy, cuối công trình vẫn thấy anh mang tiền về đưa vợ. Chị ngồi nhẩm tính, gói ghém tiền nong dành dụm, thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ đến những khoản cần chi tiêu cho ngày sinh sắp đến.

Một hôm, bạn làm ăn của anh đến chơi nhà, vô tình kể chuyện gói thầu bị lỗ nặng do công nhân gặp tai nạn, máy móc hay hỏng hóc, vật tư thất thoát. Chị ngồi nghe, nghĩ đến món tiền anh đưa tự nhiên thấy nhói lòng. Đêm về chị hỏi chồng, anh cười bảo: “Ừ thì… có lỗ thật, nhưng mà sau đó anh tranh thủ làm thêm với các anh em khác. Số tiền đó chồng em được trả công đàng hoàng chứ không phải tiền vay mượn, em cứ yên tâm mà chi dùng”. Chị nghẹn ngào trách anh gặp khó khăn mà không nói, sao cứ phải chịu đựng và gánh vác một mình? Sao còn để chị đổ lên đầu anh bao nhiêu lời than vãn? Anh ôm chị vào lòng: “Vì anh không muốn vợ con anh lo lắng. Em cũng vất vả nhiều rồi. Anh hiểu mà. Đừng khóc!”. Nhưng chị vẫn không thôi thổn thức trên vai anh, phần vì thương chồng, phần vì chị thấy mình thật may mắn khi có anh trong đời. Các cụ nói không sai:“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…