![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Bạn tổ chức đãi cưới dưới quê. Bọn mình vài đứa chơi thân ham vui về tận quê bạn từ ngày hôm trước để phụ, nhưng nhất là để cùng tham dự không khí của đêm trước khi cô dâu xuất giá. Chao, vui thì thiệt là vui, có điều cả đám vui với nhau là chính, còn cô dâu bận rộn thoắt ẩn thoắt hiện, nàng đang ngổn ngang rộn ràng trước dặn dò của chú, dì, ngoại, nội…
![]() |
Ảnh minh họa. |
- Con V. làm cô dâu đẹp bá cháy, bây!
- Cả tá người chỉ có một nhiệm vụ là làm sao cho nó đẹp nhất đêm nay mà, ha ha!
- Giờ đám cưới cũng dễ quá hén! Ngày mai ra nhà hàng còn thấy dễ nữa. Cô dâu chú rể chỉ cần làm sao cho thiệt đẹp, đứng cười thiệt tươi đón khách là được rồi, còn lại dịch vụ tiệc cưới lo từ A đến Z.
- Sướng hen! Vậy cũng đỡ. Chứ như ba mẹ tui cưới nhau ngày xưa cơ cực luôn. Đêm trước này nè, mẹ tui thức đến tận sáng để phụ làm đám tiệc đó.
- Ông nói cứ như hồi đó ông sinh rồi vậy! Đó là ngày trước. Giờ có tiền thuê dịch vụ cho khỏe. Chứ con V. cũng như tụi mình, đi làm cả ngày, thời gian, sức lực đâu mà dốc cho đám cưới như bố mẹ.
- Ê, mà tui thấy nghen, hình như ngày xưa cưới nhau cực quá, người ta cũng biết quý hơn, biết chùn lại khi nghĩ nhỡ đến lúc bỏ nhau. Tiếc công tiếc của chứ bộ! Làm gì có chuyện trai gái giao lưu dễ dãi như bây giờ, bố mẹ tui gặp nhau đã khó, nói chi đến lúc hai bên nội ngoại đồng ý cho cưới, cũng mấy phen trầy trật. Thế thì cưới được nhau rồi, sao bỏ nhau cho được.
- Ý ông là, giờ cưới nhau dễ bỏ nhau hả?
- Không hẳn. Nhưng rõ ràng là, cái gì dễ quá thì không quý. Cái đám cưới bây giờ lung linh bề mặt thôi, bà thấy không? Nghĩa là một đám cưới đẹp, lưu lại bằng phim hay ảnh đẹp, người ta chỉ cần nhìn vào đó. Vẻ đẹp đó vừa máy móc, vừa đua đòi, vì ai cũng phải làm sao cho ảnh cưới của mình đẹp nhất. Các dịch vụ ảnh cưới làm ăn ngày càng phất.
- Hiểu rồi, hiểu rồi. Ý ông là giờ đám cưới đã trở thành một dịch vụ, một hình ảnh lung linh bề mặt của xã hội hiện đại chứ gì. Cao siêu quá! Tui chỉ biết giờ cưới dễ hơn, đỡ mệt cho cô dâu chú rể, cho cả hai nhà, vậy là tốt rồi!
- Ầy, chưa chắc dễ hơn đâu nghen! Giờ mà không tiền, tui đố bà cưới ai! Một khi cưới thành dịch vụ, thì bà chỉ là khách hàng thôi. Muốn không tốn tiền chỉ còn cách tự về ở với nhau, nhưng đứa nào chịu không có một ngày đãi cưới cho bằng bạn bằng bè, không có một bộ ảnh cưới cho lộng lẫy để khoe trên Facebook hả?
- Ờ, dễ mà cũng khó quá hen!
- Cuối cùng là chuyện này. Quan trọng là bà cưới cho ai, cho bà hay cho bố mẹ, dòng họ, cho thiên hạ? Nếu chỉ cưới cho bà, có cần mời tất cả bạn bè của dòng họ mà bà chả biết là ai không? Nữa, nếu chỉ cưới cho bà chứ không vướng bận thiên hạ, bà cũng chẳng cần tổ chức đám cưới luôn.
Chu cha! Cuộc “trà dư tửu hậu” của bọn mình đã đi đến tận chỗ cực đoan. Mới nhớ ra hôm nay là đám cưới V. Tám chuyện thời trước thời nay, thì cũng chỉ vì đám cưới là một sự kiện quá đặc biệt trong đời người. Dù là đám cưới thời nào, dễ hay khó, cuối cùng người ta vẫn mong mỏi hạnh phúc bền lâu cho cô dâu chú rể. Dễ hay khó đâu chỉ là việc tổ chức “cho ra” một đám cưới, mà hơn cả, là quan niệm tình yêu - hôn nhân vững vàng hay lỏng lẻo.
Bảy giờ tối, anh rồ ga lao lên dốc, loạng choạng vào nhà. “Mẹ đâu?”. “Dạ… mẹ chưa về”, con bé lớn ấp úng khi nhìn thấy gương mặt đỏ bừng của anh.
Anh rút điện thoại, bấm. Tiếng chị vang lên lẫn trong tiếng nhạc xập xình. Chị cố hét to để át bớt tiếng ồn nhưng anh chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Anh a lô mấy lần, rồi bực tức ném cái điện thoại vào góc nhà, vỡ tan tành. Chỉ kịp nghe con bé lớn á lên một tiếng, anh xông vào, hất tung chiếc bàn ăn, mâm cơm tung tóe, cái lồng bàn lăn long lóc. Con bé nhỏ chạy ra, ôm anh khóc nức nở. Nhưng nó không níu được chân anh. Anh kéo xềnh xệch nó lại tủ chén bát, định đập vỡ mọi thứ. Con bé lớn hét lên: “Ba!”. Anh nhìn gương mặt thất thần của con rồi như sực tỉnh, cúi xuống gỡ bàn tay nhỏ xíu đang ôm lấy chân mình, buồn bã bỏ vào phòng.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Lần tiếp theo, trong một bàn nhậu đông người, đang bàn chuyện đàn bà lăng nhăng, bạn nhậu làm như cao hứng cụng ly với anh một cái, “khen”: “Nhịn nhục như mày mới lấy được vợ có chức!”. Anh chột dạ. Nhân lúc đám bạn lè nhè say, anh tranh thủ tìm hiểu. Chuyện này người ta truyền tai nhau đã lâu, vì “khó nói” nên bạn bè anh “im lặng nhìn anh bị cắm sừng”. “Tình địch” của mình anh biết rất rõ, là sếp lâu năm của chị, hai người thân như anh em. Anh bán tín bán nghi, nóng lòng về nhà gặp vợ để hỏi cho ra lẽ. Đêm đó, vừa về tới nhà, thấy chị cơm nước sẵn sàng ngồi chờ chồng; vui vẻ, dịu dàng dù chồng đã say khướt, anh cười khẩy vào nỗi hoài nghi của mình. Chị đảm đang, vẹn toàn với chồng con thế, lấy đâu ra năng lượng mà… hư hỏng?
Từ ngày chị được thăng chức, “dư luận” càng thêm ồn ã. Anh nghe ra bao nhiêu mỉa mai trong những lời chúc mừng của đồng nghiệp. Thằng bạn thân nhất cuối cùng cũng chịu làm “bạn tốt”, khi thân mật quàng vai anh, nói khẽ: “Thiệt tình, vợ ông đàn bà con gái, lại không thân không thế, làm sao leo lên được cái chức đó nếu không nhờ gã kia”. Anh thật sự mất bình tĩnh khi anh bạn an ủi: “Mà nghĩ lại, nó leo cao thì chồng con nó được nhờ, mà chồng con nó là cha con ông chớ ai!”. Anh ta còn buông một câu: “Khổ nỗi, đã vậy thì khó mà còn thời gian cho chồng, kiểu gì cũng tới lúc ông dài cổ chờ vợ bên mâm cơm thôi”. Anh đứng phắt dậy, không nói không rằng, xách xe chạy thẳng về nhà. Y như rằng, chị không có nhà, còn anh thì lần đầu tiên trở thành người cha hung dữ trước mặt con gái.
Anh gác tay lên trán, lần giở lại từng ngày tháng năm đã qua, rồi nhận ra mọi biểu hiện của vợ sao mà trùng khớp với lời đồn. Chị đi sớm về muộn, mở miệng ra là một sếp, hai sếp. Chuyện chị khéo vun vén gia đình cũng dễ hiểu thôi, vì đã làm điều tội lỗi nên chị càng muốn bù đắp cho gia đình, đó cũng như một cách che mắt. Càng nghĩ, anh càng tuyệt vọng.
Ngoài kia, anh nghe hình như vợ đã về. Tiếng thút thít của con bé nhỏ mỗi lúc một to lên như đang kể tội cha với mẹ nó. Anh nhớ, sáng đi làm chị đã báo trước là tối nay trên cơ quan có tiệc tân niên. Mặc kệ, biết đâu đó chỉ là một cái cớ. Anh ngồi dậy, lại chỗ máy tính, vào google, gõ “cách làm thủ tục ly hôn”. Bên ngoài vọng vào tiếng mảnh vỡ thủy tinh va vào nhau rất khẽ, chị đang lặng lẽ dọn dẹp tàn tích sau cơn giận của chồng. Trên màn hình hiện lên rất nhiều đường dẫn, chỉ cần kích vào một trong số đó, anh sẽ rành rõ cách bước ra khỏi cuộc hôn nhân này.
Nghe tiếng bước chân vợ tiến gần về phía cửa phòng, anh rời bàn máy, thả lưng xuống giường. Chị đẩy cửa bước vào, tiến lại chiếc máy tính đang sáng màn hình, định toan tắt đi như thường lệ. Chị khựng lại mấy giây trước dòng từ khóa trên màn hình, rồi quay sang chồng, cười buồn: “Anh biết bấm dấu rồi sao?”. Anh len lén tủi hờn, nhớ những đêm vợ kiên nhẫn dạy chồng cách sử dụng máy tính. Đôi tay anh suốt ngày chỉ biết cầm vô lăng cứ cứng đờ, gõ phím như… gà mổ, chị vẫn khăng khăng “anh làm được”, rồi bắt anh phải học cả cách gõ dấu tiếng Việt.
Người phụ nữ chu đáo, khiêm nhường trước mặt anh và người đàn bà ngoại tình trong lời đồn đại mơ hồ của thiên hạ, đâu mới là vợ anh? Làm sao để minh định, khi hình ảnh thật anh nhìn thấy mỗi ngày cứ bị bôi xóa bởi những lời nói hư hư thực thực liên tục thổi vào tai anh, như câu chuyện Tăng Sâm giết người. Thiên hạ đã len chân vào, làm mưa làm gió với mái ấm của anh từ bao giờ, anh đã biến thành bà mẹ vứt bỏ khung cửi chạy theo lời đồn từ bao giờ thế này?