Giúp được vợ là vui rồi!

Anh hàng xóm mỉa: “Đàn ông mà cũng phải đi chợ à?”. Anh Bình xởi lởi: “Giờ là thời nào rồi bạn ơi. Giúp được vợ là vui rồi!”.

Dù người “xây nhà” là ai thì chị em phụ nữ cũng không thể bỏ quên nhiệm vụ vun đắp hạnh phúc gia đình, chăm lo cho tổ ấm
Thấy anh Bình (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) ngày ngày cơm nước, chợ búa, đưa đón con đi học, một số người khích bác, nói vào nói ra nhưng anh Bình phớt lờ tất cả. Anh bạn hàng xóm buổi sáng gặp anh đi chợ về, mỉa mai: “Đàn ông mà cũng phải đi chợ à?”. Anh Bình xởi lởi: “Giờ là thời nào rồi bạn ơi. Giúp được vợ là vui rồi!”.
Hoán đổi thiên chức
Hai năm trước, trở về sau chuyến xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Bình cũng xin đi làm ở một vài công ty nhưng lương thấp chẳng thấm tháp vào đâu. Trong khi đó, chị Khanh, vợ anh, làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương khá nhưng công việc rất bận rộn. Hai con anh - đứa 3 tuổi, đứa 8 tháng - còn quá nhỏ, gửi nhà trẻ thì bệnh liên miên. Cảm nhận được sự vất vả của vợ khi vừa phải cáng đáng việc công ty, vừa phải chăm sóc 2 con nhỏ, anh bàn bạc với vợ và đưa ra quyết định: Anh sẽ tạm thời nghỉ làm, đi học thêm tiếng Hàn để sau này nâng cao cơ hội nghề nghiệp, đồng thời chăm sóc 2 con đến khi bé út đủ tuổi đi học mầm non.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Từ đó, vì có thời gian chú tâm vào công việc, lương của chị Khanh tăng lên nhiều, chất lượng cuộc sống gia đình tốt hơn. Con cái được anh Bình chăm sóc chu đáo, khỏe mạnh. “Là phụ nữ nên tôi hiểu công việc nội trợ phải quay cuồng với rất nhiều việc không tên nên tôi luôn biết ơn và tôn trọng khi anh đã chấp nhận gạt bỏ sự tự ái của đàn ông để chu toàn công việc gia đình” - chị Khanh tâm sự.
Chị Uyên (quận Gò Vấp, TP HCM) tự nhận mình là người năng động, có khiếu kinh doanh nhưng không có khiếu làm nội trợ và chăm sóc con cái. Nhưng đổi lại, anh Chương, chồng chị, lại rất giỏi khoản tề gia nội trợ và chăm con rất khéo.
Chị kể sau đám cưới, anh Chương nghỉ việc ở công ty, mở trang trại chăn nuôi heo, gà để cải thiện thu nhập. Khi 2 đứa con lần lượt ra đời, vì ở nhà chăn nuôi nên anh kiêm luôn nhiệm vụ trông con, nội trợ cho vợ yên tâm đi làm. Sau đó, trong khi công việc kinh doanh của chị suôn sẻ thì sự nghiệp chăn nuôi của anh thất bại. Anh Chương chưa kịp chuyển hướng làm ăn thì chị lại sinh tiếp đứa thứ 3 nên anh phải tiếp tục thực hiện “thiên chức” của mình. Chuyện hoán đổi vai trò của anh chị diễn ra tự nhiên không hề có sự phân công trước và chị cảm thấy đó là điều may mắn vì nhờ có anh chu toàn việc nhà, chị mới có thể dốc toàn lực cho công việc và tạo dựng được nguồn kinh tế ổn định như hiện nay.
Tuy nhiên, sự mặc cảm của anh khi nghe người ngoài nói ra nói vào cũng khiến gia đình chị trải qua nhiều phen sóng gió. “Cũng may trước nay tôi luôn tôn trọng chồng, cho anh toàn quyền chủ động chi tiêu kinh tế, đồng thời luôn hỏi ý kiến anh khi làm mọi việc nên mọi chuyện đều chóng qua” - chị Uyên chia sẻ.
Trụ cột không chỉ bằng thu nhập
Theo bà Lý Thùy Uyên, chuyên viên tư vấn tâm lý Tổng đài 1088, vai trò trụ cột không chỉ thể hiện ở thu nhập mà còn ở nhiều yếu tố khác. Khi hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với vợ, nam giới vẫn có thể tạo cho người phụ nữ của mình cảm giác bình yên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc dù anh ta không phải là người kiếm được nhiều tiền. Song để làm được điều này, trước hết, người đàn ông phải có bản lĩnh để vượt qua tự ái cá nhân, hiểu và thông cảm với công việc của vợ đồng thời cũng luôn cố gắng phấn đấu để tự khẳng định mình.
Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là cách ứng xử khéo léo, tinh tế của người vợ để người chồng luôn có cảm giác mình vẫn là chỗ dựa, là người quan trọng với gia đình. “Một người vợ nhạy cảm là người luôn hiểu rằng dù chấp nhận với việc “tề gia nội trợ” nhưng trong sâu thẳm lòng mình, nam giới vẫn cảm thấy thiếu tự tin. Vì thế hơn bất kỳ ai, người vợ phải luôn tạo điều kiện để chồng mình có cơ hội được khẳng định trong công việc, trước đám đông và đặc biệt là ngay chính trong gia đình nhỏ của mình” - bà Uyên đúc kết.
“Xây nhà” nhưng không quên nhiệm vụ
Từ kinh nghiệm bản thân, chị Hương Giang (đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM) tâm sự: “Phụ nữ, dù có giỏi giang, đảm nhận chức vụ cao đến đâu, kiếm tiền nhiều thế nào thì về nhà cũng chỉ là vợ, là mẹ. Nếu dựa vào những thứ đó để chỉ đạo hay coi thường chồng thì đổ vỡ là điều khó tránh. Đàn ông đôi khi rất sĩ diện nên người vợ phải biết cách dung hòa để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc”.

Chồng chứ đâu phải người dưng

Trước sự bí ẩn của vợ, chồng rất khó chịu. Chồng biết, ôm việc một mình vợ cũng không vui. 

Chồng vừa đi làm về, thấy vợ đang nghe điện thoại. Nhìn cách trò chuyện của vợ, chồng biết mẹ vợ đang gọi. Đang nghe ngon trớn, bỗng vẻ mặt vợ đăm chiêu, nói: “Mẹ tắt máy đi, lát con gọi lại”. Vợ cầm máy đi lên lầu.

Suốt bữa cơm, vợ bần thần lo lắng. Chồng biết nhà vợ đã xảy ra chuyện nên quan tâm “có chuyện gì vậy em?”. Vợ đáp cụt ngủn “không có gì”. Biết tính vợ, chồng không hỏi thêm nhưng lòng lấn cấn không vui. Trước giờ vợ luôn mặc cảm vì nhà vợ ở quê, nghèo khó, trong khi nhà chồng khá giả, các em chồng ngoan ngoãn, học hành đàng hoàng. Vợ cho rằng “tốt khoe xấu che”, nên khi gia đình gặp chuyện, vợ tự lo lấy một mình, không muốn để chồng biết. Chồng chưa từng tỏ ý xem thường gốc gác, gia cảnh nhà vợ, vậy mà không hiểu sao, vợ vẫn không muốn chồng chia sẻ chuyện nhà.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhớ năm ngoái, vợ đột ngột nói về đám giỗ bà dì rồi hối hả thu dọn về quê. Sau đó chồng mới hay cô em vợ mới học lớp 10, yêu một anh chàng cùng lớp, bị ba mẹ cấm đoán nên rủ nhau trốn đi mất biệt. Cả nhà vợ đổ đi tìm khắp nơi. Chuyện lớn vậy mà vợ nỡ giấu chồng, chỉ vì sợ chồng cười chê.

Mới đầu tháng trước, cậu em vợ nhậu xỉn gây tai nạn, phải bồi thường cho nạn nhân số tiền lớn. Vợ âm thầm rút sổ tiết kiệm, vay thêm bạn bè để giúp ba má giải quyết hậu quả. Tình cờ chồng biết được, vợ chỉ nói “chuyện nhà em, để em tự lo”… Mỗi lần tâm sự chuyện nhà, vợ toàn khoe thành tích: ba má mới mua thêm hai công ruộng, thằng em đã xin được việc làm, lúa mùa này được giá… Chồng hỏi, em gái dạo này đã chú tâm lo học chưa? Mấy tháng trước nghe mẹ bị giật hụi, đã đòi được chưa? Vợ chợt nổi quạu, bảo chồng tò mò chi chuyện vặt vãnh…

Mỗi lần mẹ vợ lên chơi, hay mang chuyện nhà ra kể. Tính mẹ phóng khoáng, ăn to nói lớn. Vì vậy chồng luôn nghe vợ suỵt khẽ: “Mẹ đừng lớn tiếng quá, chồng con nghe được, cười nhà mình”. Mẹ vợ chỉ thầm thì được một lúc, lại rổn rảng to tiếng. Vợ lại suỵt suỵt. Bình thường, chồng hay tìm cách lảng đi để mẹ và vợ tự do trò chuyện. Bữa đó chồng muốn trêu vợ, cố tình nhâm nhi ly cà phê thật lâu để ngồi lại. Dù nghe lõm bõm nhưng chồng cũng đoán ra câu chuyện: ba vợ năm xưa lập “phòng nhì”, có con rơi. Giờ người phụ nữ ấy quay về đòi chia mấy công ruộng cho con. Mẹ vợ đang vừa rầu vừa bực. Chồng thấy đồng cảm với mẹ vợ nên đến bên cạnh, định chia sẻ. Vợ xua tay, đuổi chồng lên lầu. Mẹ vợ bực mình: “Chồng bây chứ đâu phải người dưng, phải để nó biết, sao lại sợ nó cười”.

Mẹ nói đúng. Chồng không phải người dưng, càng không cười chê nhà vợ. Đã là vợ chồng thì phải cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vui buồn có nhau. Chuyện nhà vợ cũng là chuyện của chồng. Chồng rất muốn cùng vợ chung tay gánh vác, góp công góp của. Còn hiện giờ, chồng như người ngoài. Chuyện xảy ra lâu lắc lâu lơ chồng mới biết. Vô hình trung, chồng trở thành người vô trách nhiệm với nhà vợ. Mà quan trọng là vợ chồng không thật lòng, cứ giữ kẽ với nhau. Trước sự bí ẩn của vợ, chồng rất khó chịu. Chồng biết, ôm việc một mình vợ cũng không vui. Vậy tại sao không chia sẻ với chồng, để vợ chồng cùng bàn bạc, tìm cách giải quyết?

Tôi đã yêu một cô gái nạ dòng...

Nghe tin anh yêu em, rất nhiều người đã ngạc nhiên, sửng sốt. Nhưng, với anh, chỉ có một lý do duy nhất: Vì đó là tình yêu.

Nghe tin anh yêu em, rất nhiều người đã ngạc nhiên, sửng sốt. Có người còn lắc đầu bảo: “Mày điên thật rồi. Trai tân sao lại yêu gái nạ dòng. Vì sao mày lại làm vậy?”. Nhưng, với anh, chỉ có một lý do duy nhất: Vì đó là tình yêu.

Trước khi đến với anh, em từng có một đời chồng. Nhưng, rồi người chồng ấy đã biết bao lần khiến em phải bật khóc vì đau khổ. Anh ta cặp bồ bên ngoài, rồi về hành hạ, đánh đập em. Cuối cùng, em đồng ý ly hôn để anh ta chuyển đến sống với người phụ nữ mới. Em chỉ có một điều kiện duy nhất là “được giữ con lại bên mình”. Hai mẹ con em dọn về ngoại. ở tuổi 22, em phải đeo “cái tiếng” là “gái bỏ chồng”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhưng, thật kỳ lạ. Dù từng khổ thế, em vẫn giữ được nét trong sáng, trẻ trung. Gương mặt em lúc nào cũng nở nụ cười. Em vẫn nhìn cuộc đời thật đẹp. Đó là lý do vì sao anh mến em ngay từ lần gặp đầu tiên. Chỉ có điều, anh càng “ráp vô” thì em lại lảng tránh. Là bởi em tự ti, em ngại “quá khứ” của mình. Em cũng lo sợ cảnh “bố dượng-con riêng”. Em khổ đã đành, nhưng, em không thể để con mình khổ thêm lần nữa. Em nói em làm bạn với anh thì được. Nhưng, anh đừng lấy em. Lấy em rồi thì anh khổ cả đời. Rồi còn gia đình anh nữa, hãy nghĩ cho họ trước.

Em nói thế là đã nghĩ cho “thân phận” của anh. Anh là con trai một. Anh tốt nghiệp đại học, đang làm cho một công ty lớn. Không lý gì mà không tìm được người con gái tốt hơn em. Em biết không, mọi người con gái trên đời có thể hơn em về mọi mặt. Nhưng, họ lại không có được trái tim anh như em.

Phải mất một năm đi lại, thuyết phục, em mới “xuôi xuôi”. Anh đã giúp em tin rằng, thất bại một lần trong hôn nhân không có tội. Em đừng chuốc hết trách nhiệm vào thân chỉ vì chót lấy phải người chồng vũ phu thiếu chung thủy. Em cũng không thể từ một cô gái đáng yêu trở thành người đàn bà đáng bị lên án khi... có con riêng. “Em hãy tin anh, anh sẽ làm cho em và con hạnh phúc”-anh đã nói vậy.

Không dễ để yêu một người con gái đã có con riêng. Nhưng, không phải là không làm được nếu mình thật lòng yêu cô ấy. Anh yêu em, nên anh tự nhủ mình cũng phải chấp nhận cả con của em nữa. Ban đầu, quan hệ của anh và con có phần gượng gạo. Anh chưa quen việc “bỗng dưng” được làm bố. Còn bé Nhím cũng luôn đề phòng anh. Nay, anh và Nhím đã là những người bạn thân thiết. Lắm lúc, khi anh và con ngồi bên nhau xem phim hoạt hình, em “lớ xớ” lại gần, là Nhím sẽ xuya tay “đuổi khéo”. “Mẹ đi ra chỗ khác. Đây là phim chỉ dành cho những người đàn ông chân chính” (ôi, cái giọng già như cụ non). Thể nào em cũng tị: “Trời ạ, hóa ra bây giờ, Nhím còn yêu anh hơn em”.

Tất nhiên, cuộc tình của chúng mình sẽ chưa thể có ngay kết thúc tốt đẹp. Anh sẽ còn phải thuyết phục gia đình dần dần. Nhưng, anh tin mình sẽ làm được.

Một lần nữa, anh vẫn muốn nói với em rằng: Tình yêu sẽ giữ anh ở lại bên hai mẹ con em.