
Tấn Vũ Đế (236 - 290), tên thật là Tư Mã Viêm, là vị vua đầu tiên của nhà Tây Tấn. Ông hoàng này trị vì từ năm 266 - 290. Trong thời gian đầu, Tấn Vũ Đế chăm lo triều chính giúp kinh tế, chính trị, xã hội... phát triển.

Thế nhưng, trong giai đoạn sau, Tấn Vũ Đế sa vào ham mê sắc dục, ăn chơi trác táng. Không chỉ tuyển chọn mỹ nhân ở khắp nơi trong nước vào cung để hoan lạc, vị hoàng đế này còn ra lệnh "cấm dân chúng kết hôn".

Theo đó, Tấn Vũ Đế cấm dân chúng tiến hành hôn lễ để mọi cô gái có nhan sắc đều được đưa vào hậu cung của mình. Gia đình nào giấu con gái hoặc làm trái lệnh sẽ bị trừng phạt.

Trong bối cảnh đó, một số gia đình giàu có, quyền lực đã nghĩ ra ý tưởng cho con gái ăn mặc xấu xí, rách rưới, thậm chí giả bệnh để không bị đưa vào cung.

Ngay cả những mỹ nữ đã có hôn ước nhưng chưa tổ chức lễ cưới cũng bị đưa vào cung làm phi tần của Tấn Vũ Đế. Do không dám làm trái lệnh vua vì có thể khiến cả gia tộc bị trừng phạt nên nhiều gia đình quan lại, quý tộc... ngậm ngùi đưa con gái tiến cung.

Sau khi nước Ngô quy hàng Tấn Vũ Đế, tất cả mỹ nhân của vua Ngô đều được đưa tới cung của hoàng đế Tây Tấn. Theo đó, hậu cung của ông hoàng này lên tới hơn 10.000 người. Do số lượng mỹ nhân quá lớn nên Tấn Vũ Đế phải hạ lệnh xây thêm cung điện để ăn chơi hưởng lạc suốt ngày bên mĩ nhân.

Trong số những cách chọn phi tần thị tẩm, Tấn Vũ Đế nghĩ ra một cách "độc lạ" đó là ngồi trên cỗ xe do dê kéo đi khắp cung. Nếu xe dừng lại ở đâu trong cung điện thì sẽ thị tẩm phi tần đó.

Do vậy, nhiều phi tần tìm đủ mọi cách để xe dê dừng lại ở cung của mình. Trong số này, Phan Thục Phi biết được những con dê rất thích ăn trúc nên cho người trồng trước cung và rắc nước muối trước cửa. Nhờ đó, cỗ xe của nhà vua nhiều lần dừng lại cung của phi tần này giúp bà trở thành sủng phi.

Về sau, các phi tần cũng học theo Phan Thục Phi nhưng không hiệu quả bằng. Nguyên do là bởi lúc đó Phan thục Phi đã có quyền lực và địa vị lớn trong cung.

Sau nhiều năm chìm đắm trong nữ sắc, ăn chơi trác táng, sức khỏe của Tấn Vũ Đế sa sút. Vào năm 290, Tư Mã Viêm qua đời sau thời gian dài lâm bệnh nặng, hưởng thọ 55 tuổi. Ảnh trong bài mang tính minh họa.
Mời độc giả xem video: Mối tình kỳ lạ của Hoàng đế Trung Quốc với cung nữ hơn 17 tuổi.