Chủ tịch Sacombank nói về xử lý cổ phiếu Trầm Bê, lợi nhuận không thua ACB và Techcombank

(Vietnamdaily) - Chủ tịch Dương Công Minh cho biết, ngân hàng phấn đấu năm 2023 giải quyết dứt điểm đấu giá cổ phiếu STB của nhóm ông Trầm Bê để hoàn thành tái cơ cấu và chia cổ tức cho cổ đông.

Sáng 25/4, tại ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB), nhiều cổ đông thắc mắc về việc đã nhiều năm liền không được nhận cổ tức từ ngân hàng trong khi nhà băng này vẫn làm ăn có lãi.
Chủ tịch Dương Công Minh cho biết, Sacombank đã cơ bản hoàn thành xử lý nợ xấu, chỉ còn cổ phiếu sở hữu của nhóm ông Trầm Bê. Sacombank đã trình NHNN cho phép bán đấu giá số cổ phiếu này. Phấn đấu quý 4/2023 sẽ đấu giá số cổ phiếu của nhóm ông Trầm Bê, giải quyết dứt điểm, từ đó hoàn thành tái cơ cấu và chia cổ tức cho cổ đông.
"Bản thân tôi là cổ đông lớn tôi cũng muốn được chia cổ tức, tâm trạng của tôi cũng giống các cổ đông thôi. Chúng tôi vào đây cam kết chi cổ tức nhưng với điều kiện là phải tái cơ cấu thành công. 2023 là thời điểm cuối cùng để tái cơ cấu", ông Dương Công Minh trần tình.
Ông cho biết thêm, Sacombank đã trình phương án chia cổ tức bằng tăng vốn điều lệ và chờ NHNN phê duyệt. Năm 2024 chắc chắc sẽ trả cổ tức cho cổ đông cũng như để tăng năng lực hoạt động của ngân hàng. 
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ thêm, Sacombank hiện có lợi nhuận chưa phân phối hơn 12.000 tỷ, khi NHNN cho phép sẽ trả cổ tức cho cổ đông chứ không giữ lại.
Liên quan đến việc đấu giá đất KCN Phong Phú, cổ đông thắc mắc giá khởi điểm đang thấp dần theo từng lần và hiện là 8.000 tỷ có quá thấp hay không? 
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ, ban đầu, Sacombank bán đấu giá tài sản KCN Phong Phú nhưng UBNDTP có công văn ngưng đấu giá tài sản, do đó ngân hàng chuyển sang đấu giá khoản nợ. Mỗi lần đấu giá ngân hàng giảm 5% và bán toàn bộ nghĩa vụ, nhưng quan điểm là không để mất vốn, không để mất khoản dự thu mà ngân hàng Phương Nam đã hạch toán. Khi nào về đúng mức vốn và lãi dự thu thì sẽ dừng lại, không bán lỗ. 
Hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm giá đấu lần cuối và hi vọng năm 2023 sẽ xử lý được khoản nợ này.
Về tình hình nợ xấu, cổ đông thắc mắc cuối năm 2022, nợ nhóm 2 của Sacombank tăng cao từ 1.400 tỷ lên 5.400 tỷ, Ban lãnh đạo đánh giá gì về nhóm nợ này, liệu có bị nhảy nhóm nợ hay không?
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm phân tích, nợ nhóm 2 đang giảm 1.255 tỷ tại thời điểm cuối quý 1/2023, xuống mức 4.226 tỷ đồng. Trong năm 2022 và đầu năm 2023, các lĩnh vực cho vay sản xuất kinh doanh khó khăn, con số nợ này từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngắn hạn dòng tiền chưa thu hồi kịp. Bản chất của những khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo và cao hơn thực chất cho vay.
Chu tich Sacombank noi ve xu ly co phieu Tram Be, loi nhuan khong thua ACB va Techcombank
 
Ngoài ra, cổ đông cũng hỏi về tình hình trích lập dự phòng trái phiếu VAMC của Sacombank và liệu sau khi hoàn thành việc trích lập này lợi nhuận của STB có thể ngang với các ngân hàng có quy mô tương tự như ACB, Techcombank hay không?
Bà Diễm cho biết, để đủ điều kiện chia cổ tức bằng cổ phiếu, Sacombank sẽ trích lập hết dự phòng trái phiếu VAMC, năm nay trích thêm 8.000 tỷ là đủ 100% trái phiếu VAMC.
Riêng quý 1 trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC là 2.213 tỷ đồng. năm 2022 Sacombank đã trích gần 13.000 tỷ chi phí dự phòng. Do đó, nội lực tương lai Sacombank rất mạnh.
Ông Minh nói thêm, thời gian tới lợi nhuận Sacombank không thua bất cứ ngân hàng nào trong quy mô tương đương như ACB và Techcombank.
Trong bối cảnh nhiều vấn đề bắt bớ liên quan đến tham ô, cổ đông thắc mắc có sự thất thoát tài sản tại Sacombank hay không? Đại diện Sacombank khẳng định tính đến hiện nay, ngân hàng không phát sinh vụ việc tham ô liên quan mua sắm tài sản cố định. Ngoài ra, Sacombank đã lập hội đồng đấu thầu và hội đồng quản lý chi phí xem xét một cách độc lập. Năm 2022 đã có một cuộc kiểm toán nội bộ về đầu tư xây dựng cơ bản.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1/2023, bà Diễm cho biết, lãi trước thuế của Sacombank đạt 2.383 tỷ, tăng 50% so cùng kỳ và đạt 25% kế hoạch. Tăng trưởng tín dụng đến cuối quý 1 là trên 2%.
Đánh giá về Thông tư 02 của NHNN về tái cơ cấu nợ, bà Diễm cho biết ngày mai (26/4) HĐQT sẽ họp và trình quy chế cơ cấu nợ cho khách hàng có nguồn trả nợ trong tương lai, cơ cấu nợ có điều kiện chứ không phải cơ cấu nợ bất chấp.
Tại đại hội, cổ đông cho rằng Sacombank nên coi lại việc cho vay kèm bán hợp đồng bảo hiểm, bà Diễm cho rằng đó là xu thế, các ngân hàng thực hiện bảo hiểm liên kết để tăng lợi nhuận cho ngân hàng. 
Sacombank không có chủ trương áp đặt khách hàng khi vay vốn phải mua bảo hiểm. Sacombank tư vấn dựa trên quyền lợi và chi phí của khách hàng trong hợp đồng bảo hiểm đầu tư hay bảo hiểm nhân thọ. Không có trường hợp gửi tiết kiệm mà bị ép mua bảo hiểm.

ABBank: Tín dụng tăng trưởng âm 3,1%, nợ xấu vọt lên khủng 4%

(Vietnamdaily) - Tại thời điểm cuối quý 1/2023, tín dụng của ABBank tăng trưởng âm 3,1% đi kèm đó là chất lượng nợ xấu cũng đáng ngại khi vọt lên 4%.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần vỏn vẹn 790 tỷ đồng, giảm 4,5% so cùng kỳ.

Các nguồn thu ngoài lãi đa phần đều có sự tăng trưởng. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ gấp 2,1 lần lên 134 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng khá 25% lên 235 tỷ đồng. Đặc biệt, mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đã lật ngược thế cờ từ thua lỗ của cùng kỳ sang có lãi lần lượt là 2 tỷ và 91 tỷ đồng. Chỉ riêng hoạt động khác suy giảm mạnh 80% về vỏn vẹn 8 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án cơ cấu lại các NHTM yếu kém và SCB

(Vietnamdaily) - Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại các NHTM yếu kém và SCB, không để xảy ra rủi ro, thất thoát tài sản, trục lợi chính sách...

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 149/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Giám đốc VinaCapital: Đây là thời điểm tốt để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam

(Vietnamdaily) - Trong quý 2 và 3 sẽ có nhiều khoản tiền gửi ngân hàng đáo hạn và người gửi tiết kiệm sẽ phải lựa chọn tái tục tiền gửi với lãi suất thấp hơn hoặc dùng số tiền đó đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital vừa có báo cáo phân tích về "Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam".

Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay chậm lại một phần do nhu cầu đối với các sản phẩm Made in Vietnam của người tiêu dùng Mỹ giảm. Đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI ở Việt Nam có khả năng phục hồi trong nửa cuối năm và sẽ thúc đẩy kinh tế phục hồi vào cuối năm.

Sản xuất đóng góp gần 1/4 GDP của Việt Nam và sản lượng giảm nhẹ trong quý 1/2023 so với mức tăng trưởng 9% vào năm 2022 do hầu hết các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ và các nước phát triển khác.

Điều đáng chú ý là tỷ lệ thương mại quốc tế trên GDP của Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử hiện đại, vì vậy nhu cầu sụt giảm ở phần còn lại của thế giới gây áp lực khá lớn lên nền kinh tến Việt Nam.

Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ trong quý 1, do xuất khẩu sang Mỹ giảm 20%. Trong khi đó, hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ Mỹ và các doanh nghiệp tiêu dùng khác như Nike và Lululemon hiện đang giảm, vì vậy VinaCapital kỳ vọng đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI sẽ bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm nay.

Cuối cùng, tiêu dùng nội địa ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và người tiêu dùng vẫn duy trì niềm tin vững chắc bất chấp tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh. Một phần trong đó là do số người có việc làm tăng hơn 2% so với cùng kỳ trong quý 1, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số của cả nước và ước tính thu nhập tăng hơn 7% so cùng kỳ, vượt xa con số lạm phát chỉ hơn 3%.

Ngoài ra, lượng khách du lịch nước ngoài đã tăng vọt lên hơn 60% so mức trước Covid trong quý 1, mặc dù trên thực tế khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa ồ ạt quay trở lại Việt Nam, đó là một lý do khác khiến VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.

Loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng

Về các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, tuần qua Bộ Tài chính đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm thuế GTGT của Việt Nam từ 10% xuống 8% trong nửa cuối năm 2023, tương đương với việc kích thích khoảng 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế 450 tỷ USD của Việt Nam.

Chính phủ cũng sẽ cho phép các cá nhân và tổ chức trì hoãn từ 3-6 tháng trong việc thanh toán các loại thuế khác nhau. Tháng trước, NHNN đã cắt giảm lãi suất chính sách từ 50 -100 điểm cơ bản. Bên cạnh những bước cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cũng đã lùi một số quy định mới được đưa ra vào cuối năm 2022 nhằm áp đặt các điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành giải quyết nhiều nút thắt hành chính hiện đang cản trở việc phát triển bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng. Cắt giảm thuế và cắt giảm lãi suất chính sách là những hành động cụ thể nhất mà Chính phủ đã làm để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng những biện pháp hành chính này có thể có tác động lớn hơn nhiều đến tăng trưởng kinh tế.

Giam doc VinaCapital: Day la thoi diem tot de dau tu vao chung khoan Viet Nam-Hinh-2
 

Phát triển bất động sản (chiếm 10% GDP của Việt Nam) về cơ bản đã bị đình trệ, phần lớn là do những khó khăn mà các công ty bất động sản đang gặp phải khi xin phê duyệt để tiến hành dự án.

Một số vấn đề cấp vi mô mà Chính phủ đang định hướng giải quyết bao gồm: Các vướng mắc trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang sử dụng cho các dự án bất động sản nhà ở, sự chậm trễ trong việc thẩm định giá trị đất đai để xác định tiền sử dụng đất/ tiền chuuyển đổi phải nộp cho Chính phủ.

Chính phủ cũng đưa ra gói cho vay trợ cấp trị giá 5,1 tỷ USD để hỗ trợ phát triển hơn 1 triệu nhà ở xã hội mới và thanh lập tổ nhóm công tác mới để xem xét và loại bỏ những trở ngại mà các nhà phát triển bất động sản gặp phải khi tiến hành dự án.

Với mục tiêu tăng giải ngân cho đầu tư công khoảng 40% vào năm 2023 (lên 30 tỷ USD), Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trong năm nay. Dẫu vậy, chi tiêu cho đầu tư công chỉ tăng chưa đến 20% so với cùng kỳ trong quý 1.

Cuối cùng, ngoài các biện pháp hành chính nêu trên, Chính phủ cũng đưa ra một số định hướng cho các ngân hàng nhằm tạo điều kiện trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ dành cho các nhà phát triển bất động sản cũng như cho những doanh nghiệp khác, mặc dù chi tiết của những đề xuất hoãn trả nợ này vẫn đang được xem xét thêm.

Kỳ vọng NHNN sẽ mua khoảng 25 tỷ USD dự trữ ngoại hối 

Về chính sách tiền tệ, lãi suất huy động ở Việt Nam đã tăng hơn 200 điểm cơ bản vào năm 2022, lên hơn 8% đối với kỳ hạn 12 tháng vào cuối 2022, mặc dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm đã tăng lên hơn 9,5% vào cuối 2022. Lãi suất huy động tăng cao là yếu tố gây thêm khó khăn cho thị trường bất động sản, cộng thêm các vấn đề hành chính trên đang cản trở sự phát triển của ngành này.

VinaCapital tin rằng mức trung bình của lãi suất huy động 12 tháng giảm 200 điểm cơ bản so với lãi suất của đầu năm nay (xuống khoảng 6%) để thúc đẩy thị trường bất động sản VN phục hồi và hỗ trợ các doanh nghiệp VN nói chung.

NHNN gần đây đã cắt giảm lãi suất chính sách 50-100 điểm cơ bản và đã gây áp lực giảm lên lãi suất huy động dài hạn, vốn đã giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với đầu năm. Nhưng để lãi suất tiền gửi giảm hơn nữa, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ cần phải cải thiện đáng kể.

Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam cao hơn tăng trưởng tiền gửi khoảng 3% hàng năm trong vài năm qua. Điều này đã đẩy tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của các ngân hàng lên mức quá cao, khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất tiết kiệm để tăng lượng tổng huy động. Chính phủ đang giải quyết tình trạng thiếu hụt thanh khoản bằng một số cách, trong đó cách quan trọng nhất là mua USD từ các ngân hàng thương mại để tăng dự trữ ngoại hối.

VinaCapital kỳ vọng NHNN sẽ mua khoảng 25 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm nay, điều này sẽ bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng một cách đáng kể có khả năng thúc đẩy tiền gửi trên toàn hệ thống tăng trưởng thêm 4% trong năm nay, giả thiết các điều kiện khác không đổi vì NHNN thường mua USD từ các ngân hàng thương mại trong nước với đồng VN được in mới.

Tóm lại, việc NHNN mua dự trữ ngoại hối, cùng với các biện pháp khác mà Chính phủ đang thực hiện để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng là những biện pháp nới lỏng tiền tệ quan trọng hơn so với chính sách cắt giảm lãi suất của NHNN vào tháng trước.

Cuối cùng, NHNN đã cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với mức lãi suất huy động tối đa áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng vào tháng trước. Lãi suất tiền gửi ngắn hạn ở Việt Nam đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022 và việc cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 3 sẽ gây thêm áp lực cho lãi suất huy động giảm.

Do đó, trong quý 2 và quý 3 sẽ có nhiều khoản tiền gửi ngân hàng đáo hạn và người gửi tiết kiệm sẽ phải lựa chọn tái tục tiền gửi với lãi suất thấp hơn hoặc dùng số tiền đó đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Đây là thời điểm tốt để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam 

Tóm lại, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ 8% năm 2022 xuống chỉ còn 3,3% trong quý 1 buộc Chính phủ phải đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gồm cắt giảm thuế, chính sách tiền tệ và các biện pháp hành chính nhằm giảm bớt những khó khăn hiện tại của thị trường bất động sản. 

VinaCapital tin rằng các nhà hoạch định chính sách có thể khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 mặc dù khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

Thị trường chứng khoán thường tăng điểm trước khi kinh tế phục hồi, vì vậy quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, cùng với việc chứng khoán Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức định giá gần như thấp nhất trong 10 năm, làm cho đây là thời điểm tốt để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam theo quan điểm của VinaCapital.