Kể cả trong khu vực người Việt vẫn đứng gần thấp nhất
Những năm gần đây Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất khu vực và thế giới. Những quốc gia từng có chiều cao tương đương hoặc thậm chí thấp hơn Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay đều thuộc top các nước có chiều cao trung bình cao ở châu Á.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, hiện chiều cao của nam giới Việt Nam hiện đạt 168,1 cm và nữ 156,2 cm. So với 10 năm trước, nam thanh niên tăng 3,7 cm, còn nữ tăng 2,6 cm.
So với các nước Đông Nam Á, chiều cao của người Việt xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trước đây 10 năm, người Việt đứng gần thấp nhất trong khu vực, chỉ nhỉnh hơn người Indonesia và Philippines.

Theo Bảng thống kê chiều cao trung bình của các quốc gia trên thế giới dựa trên nghiên cứu của NCD Risk Factor Collaboration, chiều cao người Việt đang đứng thứ 153 trên tổng số 201 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Hiện, chiều cao trung bình của nam giới trên toàn cầu khoảng 171 cm, như vậy nam giới Việt Nam còn thiếu khoảng 3 cm so với trung bình trên thế giới.
"Chiều cao của người Việt Nam có nhiều thay đổi trong những năm vừa qua, tuy nhiên mức tăng còn chậm và vẫn thuộc top thấp của thế giới", PGS.TS Sơn cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù vẫn còn thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc – những quốc gia từng có chiều cao trung bình tương đương hoặc thấp hơn Việt Nam trong quá khứ, việc phát triển chiều cao của người Việt đang được cải thiện.
Hiện nay, trung bình 1 năm của nam giới Việt Nam tăng trưởng là 3,7 cm mỗi 10 năm và của nữ giới là 2,6 cm mỗi 10 năm. Nếu xu hướng này tiếp tục, dự đoán đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam xấp xỉ 1m72 và của nữ giới gần chạm mốc 1m59.
So sánh tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam hiện tại với 10 năm trước, kết hợp với ý thức ngày càng cao về tầm quan trọng của chiều cao, người Việt năm 2030 có thể đạt chiều cao tốt hơn so với dự đoán, với nam giới có thể đạt 1m72 và nữ giới có thể đạt 1m61.

Hà Nội đặt mục tiêu nâng thể chất, trí tuệ và tầm vóc người dân thủ đô
Nói về chiều cao của người dân Hà Nội, TS.BS Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, công tác dân số và phát triển trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng dân số, một trong những mục tiêu then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của thủ đô.
Triển khai Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”, Sở Y tế được giao 9 chỉ tiêu, trong đó có 4 chỉ tiêu liên quan đến dân số.
Đáng chú ý, 3 trong số 4 chỉ tiêu này tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong cải thiện thể chất, trí tuệ và tầm vóc người dân thủ đô.
Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất phải đạt 85%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất đạt 90%; Tuổi thọ trung bình toàn dân đạt 76,5 tuổi; Mức sinh thay thế bình quân đạt 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Thời gian qua, Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hà Nội đã tích cực triển khai các chương trình, đề án nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Năm 2024, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đã đạt 84%, dự kiến sẽ cán mốc 85% vào năm 2025. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 5 bệnh bẩm sinh đạt 89% trong năm 2024 tăng thêm 3 mặt bệnh so với giai đoạn trước và được kỳ vọng sẽ đạt 90% vào cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân được đẩy mạnh, với tỷ lệ tham gia năm 2024 đạt 65%, dự kiến đạt 85% vào năm 2025.
Một trong những kết quả nổi bật là cải thiện chiều cao trung bình của thanh niên Hà Nội. Theo thống kê, đến năm 2024, chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 tuổi ở Hà Nội đạt 167,5 cm và nữ đạt 156,5 cm. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam đạt 169 cm và nữ đạt 158 cm.
Song song với đó, các chỉ số khác liên quan đến sức khỏe trẻ em cũng được kiểm soát tốt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân ở mức 6,6%; Thể thấp còi ở mức 9,8%; Tỷ lệ béo phì được khống chế ở mức 1,1%, góp phần giữ vững chỉ tiêu của kế hoạch đề ra. Tuổi thọ bình quân của người dân thủ đô năm 2024 đạt 76,3 tuổi và được dự báo sẽ tăng lên 76,5 tuổi vào năm 2025.
“Yếu tố đầu tiên quyết định chiều cao của trẻ là di truyền, chiếm khoảng 23% nhưng dinh dưỡng lại đóng góp đến 32% trong quá trình phát triển của trẻ.
Để thu hẹp khoảng cách chiều cao người Việt với các nước, ngoài yếu tố gene, cha mẹ cần quan tâm đến dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ cho trẻ”, PGS.TS Trương Hồng Sơn cho biết.