Cẩn trọng với bệnh lây từ chó, mèo, chim cảnh

Nếu không được chăm sóc đúng cách, những vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim cảnh… có thể là nguồn lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm sang con người.

Chó, mèo, chim cảnh từ lâu đã trở thành bạn đồng hành thân thiết của con người. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng những loài vật này có thể tiềm ẩn nguy cơ lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm nếu không chăm sóc và phòng ngừa đúng cách. Việc nắm rõ thông tin và phòng ngừa đúng cách là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.

5.jpg
Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Bệnh dại

Đây là căn bệnh lây truyền từ chó, mèo phổ biến và nguy hiểm nhất. Virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương, tỷ lệ tử vong gần như 100% nếu phát bệnh. Người bị chó, mèo mang mầm bệnh cắn, cào hoặc liếm lên vết thương hở đều có nguy cơ nhiễm virus dại.

Phòng tránh: Tiêm vắc xin dại đầy đủ cho chó, mèo. Hạn chế để vật nuôi tiếp xúc động vật hoang dã. Người bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương ngay và đến cơ sở y tế tiêm phòng kịp thời.

Bệnh nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma

Mèo là vật chủ chính của Toxoplasma gondii. Con người có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với phân mèo nhiễm ký sinh trùng hoặc ăn thực phẩm nhiễm bẩn. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai.

Phòng tránh: Dọn dẹp khay vệ sinh cho mèo hằng ngày, đeo găng tay khi làm vườn, nấu chín thức ăn, rửa sạch tay sau khi tiếp xúc vật nuôi.

Bệnh giun sán

Chó mèo có thể mang trứng giun đũa, giun móc, sán dải. Trứng và ấu trùng tồn tại ở lông, phân, đất cát xung quanh nơi vật nuôi sinh hoạt. Con người có thể vô tình nuốt phải, dẫn đến nhiễm ký sinh trùng gây rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, thậm chí tổn thương cơ quan nội tạng.

Phòng tránh: Tẩy giun định kỳ cho chó mèo; vệ sinh sạch sẽ chuồng trại; rửa tay kỹ trước khi ăn.

Bệnh cúm gia cầm

Một số loài chim cảnh như vẹt, chim bồ câu có thể mang virus cúm gia cầm (H5N1). Người tiếp xúc với chim bệnh, lông, phân chim hoặc hít phải bụi mang mầm bệnh đều có nguy cơ nhiễm cúm, gây viêm phổi cấp tính nguy hiểm.

Phòng tránh: Giữ vệ sinh chuồng nuôi, không tiếp xúc chim lạ; khi chim có dấu hiệu bệnh phải cách ly, báo thú y kịp thời; không thả chim gần nơi nuôi gia cầm.

Bệnh nấm da (nấm hắc lào)

Chó, mèo dễ mắc các bệnh nấm ngoài da, lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp. Dấu hiệu là vùng da đỏ, ngứa, tróc vảy hình tròn. Trẻ em thường dễ bị lây hơn người lớn.

Phòng tránh: Tắm rửa thú cưng thường xuyên; cách ly vật nuôi bị nấm; khử trùng đồ dùng, chuồng trại; rửa tay sau khi vuốt ve, ôm ấp.

Một số bệnh khác

Ngoài ra, còn có bệnh sốt mò, bệnh sốt Q, bệnh do vi khuẩn Salmonella… từ phân, nước bọt động vật. Những bệnh này có thể gây rối loạn tiêu hóa, sốt, nhiễm trùng, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người già, người có sức đề kháng yếu.

Làm gì để nuôi thú cưng an toàn?

Tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc cho chó, mèo.

Khám sức khỏe định kỳ cho vật nuôi.

Tắm rửa, vệ sinh chuồng trại thường xuyên.

Hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp với phân, nước tiểu thú cưng.

Dạy trẻ rửa tay sạch sẽ sau khi chơi với chó, mèo, chim cảnh.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần đưa thú cưng đến bác sĩ thú y và đi khám ngay nếu bản thân có biểu hiện bất thường.

Yêu thương và chăm sóc thú cưng đúng cách không chỉ giúp chúng khỏe mạnh mà còn bảo vệ sức khỏe chính bạn và gia đình. Hãy trở thành người nuôi thú cưng có trách nhiệm để tình bạn giữa con người và vật nuôi luôn an toàn, hạnh phúc.

Gần 1 tháng tiếp nhận hơn 20 người bị chó cắn

Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại ở vật nuôi bùng phát, bệnh nhân nhập viện do bị chó cắn tăng cao so với các tháng trước đó.

Tăng cao gấp 4 lần

Từ đầu tháng 6/2025 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hơn 20 trường hợp bệnh nhân vào viện do chó cắn, tăng cao gấp 4 lần so với các tháng trước đó.

Bé 8 tuổi suy hô hấp, tổn thương não sau 5 tháng bị chó cắn

Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây đã tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi ở Vĩnh Phúc được chẩn đoán mắc viêm não do virus dại và suy hô hấp.

Được biết, trẻ bị chó nhà cắn vào chân khoảng 5 tháng trước, nhưng không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Trước khi vào viện 5 ngày, trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt, đau đầu, yếu tay chân, sau đó dần rơi vào tình trạng giảm ý thức và khó nuốt. Trẻ được đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị nhưng bệnh diễn biến nặng, nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được điều trị tích cực, làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Kết quả tìm thấy virus dại trong dịch não tuỷ. Sau 4 ngày điều trị tích cực, tình trạng của trẻ tiếp tục xấu đi với suy hô hấp và tổn thương não nặng, tiên lượng tử vong.

Uống thuốc nam chữa chó dại cắn, bé trai 13 tuổi nguy kịch

Bệnh dại ở thú nuôi trong gia đình như chó, mèo thường có nguy cơ tăng cao vào hè. Khi lên cơn dại nguy cơ tử vong 100%.

2 tháng sau chó cắn mới sốc nhiễm khuẩn – suy hô hấp

Ngày 13/5, khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận trường hợp bé trai 13 tuổi, ở Bình Gia – Lạng Sơn trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, sốt cao liên tục. Cháu được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn – suy hô hấp độ 3/Theo dõi bệnh dại. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, cho thở máy, truyền kháng sinh, sử dụng thuốc vận mạch… Tuy nhiên, tình trạng cháu bé rất nặng, không tiến triển, nguy cơ tử vong cao nên gia đình xin dừng điều trị.