![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Hồi mới cưới, tan sở là tôi hối hả về nhà, phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Hạnh phúc ngập tràn khi vợ chồng cùng kề vai trong bữa cơm đầm ấm, tay trong tay xem phim, dạo phố. Sau nhiều năm chung sống, đến nay vợ vẫn muốn ở bên chồng mọi lúc mọi nơi, như bóng với hình. Lúc tôi đi làm thì nàng “quản” từ xa. Trưa nào cũng gọi tới hỏi xem tôi ăn cơm chưa, đang buồn hay vui… Có khi nàng đột xuất tới tận nơi kiểm tra. Chiều về thì nàng “quản” luôn điện thoại lẫn máy tính với lý do để tôi toàn tâm toàn ý cho gia đình.
Bạn bè gọi rủ tôi đi lai rai. Lúc con còn nhỏ thì nàng viện cớ “con không khỏe, anh ở nhà phụ em”. Con đã lớn, nàng nói “anh phải dạy con học bài”, “lát nữa ảnh phải đưa con đi học thêm”. Giờ thì “anh bị cao huyết áp, đừng nhậu nữa”… Riết rồi bạn bè chẳng còn ai đủ kiên nhẫn rủ tôi nhậu nữa. Bực quá tôi làm dữ. Nàng liền bù lu bù loa bảo tôi lăm le ra ngoài tòm tem, xem trọng bạn bè hơn gia đình…
![]() |
Ảnh minh họa. |
Có lần tôi nghe vợ tư vấn cho cô bạn: “Tụi con gái bây giờ ghê gớm lắm, cướp chồng người ta dễ như trở bàn tay. Tụi mình phải giữ chồng rịt bên mình mới mong mấy ổng không có thời gian léng phéng”. Quan điểm của nàng không ngờ được nhiều người đồng tình, trong đó có cả má và chị tôi. Má bảo tôi có số sướng, được vợ yêu thương, quan tâm chăm sóc, còn đòi gì nữa. Chỉ có đám bạn bè cùng cảnh ngộ là đồng cảm với nhau, chán phèo cái gọi là sự quan tâm của vợ.
Tôi nhớ nhà thơ Đỗ Trung Quân có lần nói đại khái: phụ nữ giữ chồng như giữ nước trong tay, nâng niu gượng nhẹ thì còn, nắm chặt lại thì nước sẽ chen qua kẽ hở. Đàn ông ngoài việc quan tâm tới gia đình, còn nhiều mối quan tâm khác, không phải ngày nào cũng đối diện với vợ trong bốn bức tường mới gọi là đàn ông tốt, là có trách nhiệm với gia đình. Phụ nữ nên biết lúc nào giữ chồng ở nhà, lúc nào để chồng... thở.
Hôm nay tình cờ Trang gặp lại Thúy ở sân bay. Trang tiễn mẹ về quê, còn Thúy vừa đi “bụi” từ Ấn Độ trở về.
Trang say sưa ngắm Thúy sau chuyến đi xa bụi bặm. Thúy đen và ốm hơn nhiều. Bàn chân quen đi săng-đan nên lộ rõ những đường da trắng hơn nơi quai dép chạy qua, trong khi nắng đã đốt… đều những phần da còn lại. Nói Thúy xấu đi cũng được, nhưng lạ là Trang nhìn Thúy cứ thấy sự hấp dẫn toát ra từ phong thái tự tin, từ đôi mắt hoang dại… Thúy “bắn” tiếng Anh với những người bạn ngoại quốc đi cùng “siêu” đến độ Trang không sao nén được chút lòng ganh tỵ.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trang nhìn lại mình, một bà mẹ bước qua tuổi 30, nuôi con, chăm chồng đến mức không còn thời gian đọc hết một quyển sách, xem hết một bộ phim mình thích… Cuộc sống của Trang sao mà yên ổn đến chán! Ngày trước Trang nghĩ ra trường phải ráng cho thành đạt, phải được ở lại trường đại học làm việc. Thì Trang đã làm được rồi, mà đâu thấy vui lắm. Rồi Trang phấn đấu lên tổ trưởng chuyên môn, cũng được rồi, cũng không quá vui.
Giờ nhìn Thúy, Trang thấm thía cái nỗi “không vui” mơ hồ kia của mình. Hình như cuộc sống của Trang bình lặng, mà lòng Trang còn nhiều sôi nổi quá. Trang thèm được như Thúy, quảy ba lô lên vai rồi cứ mặc bước chân đưa mình phiêu du đến bất cứ đâu, và viết… Ôi, giấc mơ “xê dịch” của một người đàn bà chọn cuộc sống chôn chân!
Hai người bạn tranh thủ vào quán cà phê tâm sự. Trang nói: “Giờ mày có thể đi khắp nơi, còn tao ru rú trong bốn bức tường văn phòng. Cuộc đời thật lạ lùng!” Thúy cười: “Thì đó. Vậy nên giờ mày lên tổ trưởng chuyên môn, chồng giỏi con khôn, còn tao vẫn lang bạt, không nghề không ngỗng, không có gì trong tay ngoài kỷ niệm vài chuyến đi và vài quyển sách. Cuộc đời nào đáng mơ ước hơn?” Cả hai trầm ngâm.
Vấn đề là lựa chọn cuộc sống phù hợp nhất với bản thân. Và biết đủ để mà hạnh phúc. Những giấc mơ đâu đánh thuế, thôi thì chẳng cần ép mình phải từ bỏ nó.