Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 năm 2025 với lợi nhuận sau thuế đạt 22,3 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, chính thức vượt đỉnh cũ 22,2 tỷ đồng thiết lập vào quý 4 năm 2014.
Trong kỳ, doanh thu thuần đạt 43,5 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp được duy trì ở mức cao 63%, tương ứng với lợi nhuận gộp 27,3 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng nhẹ 10,6% lên 16,1 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 4,2 tỷ đồng, tăng 6,5%. Do đặc thù mô hình vận hành bến xe, công ty không phát sinh chi phí bán hàng và không có chi phí tài chính, nhờ không sử dụng vốn vay.
Hoạt động tài chính tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ đáng kể khi doanh thu tài chính đạt 3,2 tỷ đồng, tăng gần 19%, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. Sau khi trừ chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế đạt 22,3 tỷ đồng – mức cao nhất từ khi công ty thành lập.
Chỉ số lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong quý đạt 8.922 đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Đây là một trong những mức EPS theo quý cao nhất trên thị trường hiện nay, trong khi vốn điều lệ của WCS chỉ là 25 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm: Hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận, EPS tăng gần 27%
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của WCS đạt 84,7 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 41,6 tỷ đồng, tăng 14,5%.
Năm 2025, WCS đặt mục tiêu phục vụ hơn 488.000 lượt xe xuất bến, tương ứng 10,6 triệu lượt hành khách. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 177 tỷ đồng và 77 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành khoảng 49% kế hoạch doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận.
EPS 6 tháng đầu năm đạt 17.313 đồng/cổ phiếu, tăng gần 27% so với cùng kỳ.

Tiền mặt chiếm hơn 87% tổng tài sản, không vay nợ tài chính
Tại ngày 30 tháng 6 năm 2025, tổng tài sản của Bến xe Miền Tây đạt 348 tỷ đồng, tăng 13,2% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm khoảng 91%, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với tổng giá trị lên tới 274,6 tỷ đồng. Tổng lượng tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 301,8 tỷ đồng, chiếm hơn 87% tổng tài sản.
Công ty không có khoản vay hay nợ thuê tài chính, cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Tuy nhiên, tổng nợ phải trả tại cuối kỳ tăng gấp đôi lên 89,4 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do ghi nhận 50 tỷ đồng cổ tức phải thanh toán cho cổ đông. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 200%, tương đương 20.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 259 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 115 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức 34,5%, cho thấy cơ cấu tài chính an toàn và ổn định.
Doanh nghiệp quy mô nhỏ, cổ phiếu cô đặc, thị giá cao
WCS hiện là đơn vị quản lý và khai thác Bến xe Miền Tây tại TP.HCM – một trong những bến xe lớn nhất khu vực phía Nam. Doanh nghiệp được cổ phần hóa từ năm 2006 và chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ năm 2020.
Với vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng, công ty duy trì mô hình kinh doanh ít biến động, hiệu quả tích lũy cao và không sử dụng đòn bẩy tài chính. Trên thị trường chứng khoán, WCS có số lượng cổ phiếu lưu hành thấp và cơ cấu sở hữu cô đặc, khi 85% cổ phần nằm trong tay ba cổ đông lớn.
Tính đến cuối tháng 6, cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) sở hữu 51% vốn. Các cổ đông lớn khác gồm America LLC (24%) và CTCP Đầu tư Thái Bình (10%).
Trong bối cảnh đó, vốn hóa thị trường của WCS đã vượt 1.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 40 lần vốn điều lệ. Thị giá cổ phiếu hiện quanh mức 414.000 đồng, thuộc nhóm cao nhất trên sàn HNX.