Honiz tiền thân là Công ty Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Hố Nai, thành lập ngày 23/7/2001, là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR). Ngày 23/2/2005, Honiz chuyển đổi thành CTCP Khu công nghiệp Hố Nai với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng.
Sau nhiều lần tăng vốn, năm 2023, vốn điều lệ của Honiz đã được tăng gấp đôi lên 300 tỷ đồng. Và bóng dáng GVR không còn hiện hữu tại Honiz từ năm 2020 thay vào đó là loạt cổ đông cá nhân.
Honiz đưa cổ phiếu HIZ lên sàn UPCoM vào tháng 7/2018, nhưng chỉ sau hơn 3 năm doanh nghiệp này đã phải rời sàn chứng khoán vào tháng 12/2021 do hủy tư cách công ty đại chúng.
Hoạt động kinh doanh của Honiz chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Theo đó, Khu công nghiệp Hố Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998 với tổng diện tích gần 500 ha. Trong đó, giai đoạn 1 là hơn 225 ha tại xã Hố Nai 3 và xã Bắc Sơn (Trảng Bom, Đồng Nai) có tổng mức đầu tư hơn 194 tỷ đồng, thời hạn thuê đất đến năm 2048, đã cho thuê phần lớn diện tích đất.
Còn giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hố Nai được cho phép đầu tư từ tháng 5/2006 với hơn 270 ha, thời hạn thuê đất đến năm 2065. Dự án có mức đầu tư ban đầu là 934 tỷ đồng và vừa được tăng thêm 871 tỷ đồng hồi đầu năm 2024 lên 1.805 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giai đoạn 2 Dự án này này vẫn đang gặp rào cản về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó hồi tháng 4/2024 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã phải tổ chức buổi đối thoại giữa chính quyền, chủ đầu tư và các hộ dân trong khu vực Dự án Khu công nghiệp Hố Nai để tạo sự đồng thuận, gỡ vướng mặt bằng phục vụ việc đầu tư.
Honiz từng cho biết, công tác bồi thường đất và các thủ tục có liên quan về đất là khó khăn lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp cũng như công tác thu hút nhà đầu tư.
Với dự án này, Khu công nghiệp Hố Nai cho biết, Công ty được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm tiếp theo kể từ năm đầu tiên dự án có thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới và thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp.
Mặc dù được hưởng ưu đãi, song việc chậm trễ hoàn thiện Dự án trong khi vốn vừa được rót thêm khiến áp lực sử dụng vốn cũng như gánh nặng đòn bẩy tài chính (gấp hơn 7 lần vốn chủ sở hữu) đã ảnh hưởng khiến kết quả kinh doanh của Honiz đi xuống trong năm 2023.
(Còn tiếp)…
Bài 2: Tình hình tài chính của Khu công nghiệp Hố Nai thế nào khi về tay các cá nhân?