Ba tôi “dạy” vợ

Hóa ra ba tôi “dạy” vợ bằng chính việc làm và sự thông minh sáng tạo, ông chẳng bao giờ màng tới chuyện “tranh công” với vợ.

Ba tôi giải thích rằng, sở dĩ trong dân gian có câu “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về’’, bởi đó là một nhiệm vụ nặng nề mà người đàn ông phải làm!
Từ xa xưa, người đàn ông vẫn được coi là trụ cột gia đình, sự coi trọng đó xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất. Là trụ cột tuy vinh quang nhưng cũng đầy cam go. Cho nên người đàn ông cả đời vất vả “tu nhân tích đức” để xứng danh là “trụ cột”. Tuy không nói ra nhưng tôi ngấm ngầm cho ba là người quá cầu kỳ, cứng nhắc và có gì đó rất lý thuyết. Tôi nào thấy ba vất vả trong việc “dạy” má tôi. Tôi hỏi ba: “Ba dạy má thế nào, con thấy má có gì đâu mà phải dạy. Ai cũng khen má”. Ba cười sung sướng, rồi im lặng nhìn tôi rất lâu. Tôi nín thở đợi chờ câu trả lời của ba. “Má con được như ngày hôm nay là do kết quả dạy dỗ của ba đấy!”. Tôi như người chạm phải điện. Trời ơi, sao ba lại tự cao tự đại và coi thường má tới vậy? Má kém cỏi đến thế hay sao? Má tôi mất rồi, nếu còn sống nghe được câu này của ba thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hình như đoán được suy nghĩ ấy, ba nhắc đến má bằng những lời trìu mến: “Má con thì giỏi nhiều thứ, chỉ có điều má con không giỏi gọn gàng ngăn nắp. Thí dụ, khi kết thúc một bữa nấu ăn, nhìn vào bếp của má như một bãi chiến trường. Ba góp ý, liền bị má nổi đóa bằng những câu rất khó nghe và bảo thủ”. Chỉ vì chuyện luộm thuộm của má mà ba má suýt bỏ nhau. Ba tôi từng là người lính, nên cái máu “kỷ luật sắt” vẫn còn ngự trị trong ông. Biết điểm yếu của má, ba tôi đã vận dụng “trường kỳ kháng chiến…”. Khi má làm việc gì, nếu rảnh là ba cùng tham gia, sắp đặt các vật dụng, xong cái nào là để luôn vào chỗ quy định. Ba phải mất mấy năm trời “kèm cặp” mới thay đổi được thói quen “làm đâu bỏ đấy” của má.
Khi má tôi góp ý đúng cho ba cái gì là ba vui vẻ tiếp thu, công khai cảm ơn má trước các con của mình. Ba không hề tỏ ra giấu dốt, đó cũng là một yêu cầu cao ở các thành viên trong gia đình. Hóa ra ba tôi “dạy” vợ bằng chính việc làm và sự thông minh sáng tạo, ông chẳng bao giờ màng tới chuyện “tranh công” với vợ.

Lãng mạn thời hôn nhân

Có lẽ, lãng mạn còn là lúc chồng được nhìn ngắm người phụ nữ mình yêu làm đẹp.

Sinh nhật vợ, chồng vẫn không có biểu hiện gì khác lạ. Tối, chồng bảo vợ ngồi lên xe, chở đến một shop quần áo. Sau một lúc ngắm nghía, chồng nháy mắt với vợ rồi chỉ vào chiếc váy hoa điệu đà mà vợ đã ao ước bấy lâu. Quà sinh nhật của chồng bao nhiêu năm vẫn vậy: không bất ngờ, không cầu kỳ, không lời có cánh nào được “đính kèm”. Vậy mà, trong mắt vợ, chồng luôn là người lãng mạn.

Nhiều người ngần ngại hôn nhân vì mường tượng ra thời kỳ kinh khủng của hậu hôn nhân. Chồng luôn nhấn giọng: “Chẳng có lãng mạn cho vợ đằng sau tiếng con khóc, nợ đòi đâu!”. Đúng là không hoa hồng, không lời có cánh, không cà phê, xinê… Thời gian càng trôi, sự lãng mạn càng bị những gót chân bươn chải bỏ quên một cách vô tình. Nhưng bù lại, vẫn có những điều lãng mạn khác mà thời yêu nhau chưa bao giờ có được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Như chuyện hôm sinh nhật. Cái váy đó vợ đã ngắm nghía mấy tháng trời nhưng không dám mua vì quá đắt. Tiền học cho thằng cu lớn, tiền sữa cho thằng cu nhỏ, tiền ăn, tiền điện… rồi bao nhiêu thứ phải chi trả cứ bủa vây, ngăn không cho vợ phung phí. Thẻ lương của chồng, vợ giữ. Những khoản chi tiêu bên ngoài chồng tự xoay xở với tiền thưởng hàng quý của công ty. Eo hẹp là thế mà chồng vẫn dành dụm để mua váy tặng vợ (lại biết đúng cửa hàng và cái váy vợ “nhắm”), đó chẳng phải là lãng mạn sao?

Điểm lại, sau mấy năm làm vợ chồng, những cái nắm tay của chúng mình thưa thớt hẳn. Những buổi hẹn hò, cà phê bị vợ đưa vào danh sách những “trò tiêu khiển” xa xỉ. Những tin nhắn nhớ thương lùi vào… thời xa vắng. Biết bao nhiêu thứ “có” bị biến thành “không” từ ngày mình trở thành vợ chồng. Nói vậy mà không phải vậy, vợ chồng vẫn có những giây phút lãng mạn tuyệt vời mà ngày xưa chưa bao giờ được hưởng. Như cái hồi biết vợ có thai, chồng nhảy lên sung sướng, ôm vợ xoay mấy vòng rồi hốt hoảng dừng lại vì sợ đứa con trong bụng… chóng mặt. Đêm nào chồng cũng nằm áp tai lên bụng vợ, thầm thì nói chuyện với con. Chồng còn xung phong làm việc nhà, thỉnh thoảng đi chợ và làm “đạo diễn” nhà bếp cho vợ được nghỉ ngơi. Hay đơn giản hơn, dù bận rộn đến mấy thì mỗi sáng chồng đều dắt xe ra khỏi cổng giúp vợ. Chồng bảo, làm thế để vợ có động lực thắt cà vạt mỗi sáng cho chồng.

Khi vợ bị cảm, chồng không cuống cuồng hỏi han như thời đang yêu nữa mà thay vào đó, chồng nhìn vợ một cách nghiêm khắc rồi “phán”: “Sao em chủ quan với sức khỏe của mình thế? Mưa mặc mưa, nắng mặc nắng, người chứ có phải sắt đá gì mà không đổ bệnh”. Rồi cứ để cho vợ khóc sụt sùi vì tủi thân, chồng xách xe ra khỏi nhà, trở về với mấy vỉ thuốc cảm trên tay. Có hôm, chồng một mình hì hụi xây lại góc nhỏ trước thềm nhà. Thấy chồng mồ hôi nhễ nhại, vợ chạy ra toan bưng gạch, dọn rác phụ thì bị la té tát. Vợ thoáng buồn, chẳng lẽ chia sẻ công việc với chồng là sai? Chồng không an ủi, không thừa nhận mình quá đáng mà chỉ buông một câu: “Việc này cứ để anh lo, lỡ anh ốm còn có người lo cho anh chứ. Không phải việc gì em giúp anh cũng thấy vui đâu”. Lãng mạn thời vợ chồng đúng là có khác.

Là vợ chồng, biết hết tật xấu của nhau rồi nên “cuốn cẩm nang” mang tên “tốt khoe, xấu che” gần như bị vứt vào sọt rác. Thế là, bao nhiêu cái xấu được phô ra một cách tự nhiên, đôi khi thái quá. Ấy vậy mà những tật xấu ấy lắm lúc mang lại tiếng cười rộn rã trong căn nhà nhỏ và được vợ thay cho cái tên mỹ miều là “lãng mạn kiểu… chồng”.

Không còn như thời son trẻ, vợ dễ dãi hơn với nhu cầu làm đẹp của bản thân. Có gì mặc đó, ra ngoài cũng khoác vội mấy thứ quần áo đơn giản cho thoải mái. Đôi lúc chồng nhăn mặt góp ý. Vốn biết tiếp thu, vợ lấy lại phong độ cái thời “điểm phấn thoa son”, dù dáng dấp đã không còn như thuở hoàng kim. Hôm vợ chồng rủ nhau đi ăn cưới đứa em họ, vợ xúng xính trong chiếc váy maxi màu kem mềm mại. Mới bước xuống nửa cầu thang đã thấy cả chồng lẫn con nhìn lên vẻ… phấn khởi. Không cần những lời khen ngợi ngọt như đường phèn thuở đang yêu, chỉ cần cái nhìn ấy thôi là đủ cho vợ ngất ngây hạnh phúc. Có lẽ, lãng mạn còn là lúc chồng được nhìn ngắm người phụ nữ mình yêu làm đẹp.

Thời đang yêu, nào là “nếu có tiền anh sẽ đưa em lên mặt trăng”, nào là “mình sẽ sống trong một ngôi nhà hạnh phúc và có một đàn con nhỏ thật dễ thương”, hay sướt mướt hơn “sau này lấy nhau, mỗi sáng đi làm mình sẽ hôn nhau để chào tạm biệt và không quên nói lời yêu thương”… Đến khi thành đôi, mình cũng giống như nhiều cặp vợ chồng khác phải đối mặt với những vấn đề lớn như nuôi con, có nhà thành phố… Thực tế cuộc sống khiến vợ chồng mình lao vào làm việc cật lực. Lãng mạn của ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là ánh mắt sung sướng nhìn nhau khi dành dụm đủ tiền mua cái tủ lạnh, cái máy giặt hay đơn giản chỉ là sắm được chiếc nôi cho con. Nhớ nhất là khoảnh khắc mình ôm chặt lấy nhau, nước mắt ràn rụa khi cầm trong tay sổ đỏ của một miếng đất nhỏ vùng ven.

Vợ gọi đó là lãng mạn của thời hôn nhân.

Kỷ niệm 40 năm ngày cưới

Khổ bà ghê, già rồi còn… mắc cỡ! Đã vậy, bà còn trách khéo tui hồi trẻ không biết… nịnh bà.

Kỷ niệm 40 năm ngày cưới, tui tính tụ họp con cháu, làm một bữa tiệc nho nhỏ cho bà vui. Bà không chịu, cứ cản tui: “Ông bày vẽ làm gì cho mất công. Với lại, hồi trẻ không làm, giờ làm tụi nhỏ nó cười chết”. Khổ bà ghê, già rồi còn… mắc cỡ! Đã vậy, bà còn trách khéo tui hồi trẻ không biết… nịnh bà. Mà đúng thiệt, hồi trẻ tui không biết nịnh bà, là lúc ấy tui trẻ người non dạ. Giờ già rồi, từng trải hơn, thấy được “giá trị” của bà, nên phải tranh thủ nịnh càng nhiều càng tốt.

Đám cháu cứ nhao nhao: “Trời! Ông cưng bà thấy sợ. Tình cảm còn hơn cả đám trẻ tụi con!”. Tụi nó chỉ thấy giờ tui săn sóc cho bà từng miếng ăn, từng giấc ngủ, từng khi đau bệnh… Tụi nó chỉ thấy tui “già mà sến”, mua tặng bà khi thì cái khăn, lúc thì bó hoa. Nhưng tụi nó đâu có biết, bao nhiêu đó thì đáng gì, bởi tui nợ bà nhiều lắm, nợ cả cuộc đời…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tui nợ bà thời thanh xuân thiếu nữ. Lúc ấy, tui là thằng công tử lông bông, chỉ được cái mẽ ngoài hào hoa cùng mớ gia tài của cha mẹ. Còn bà là con gái đầu của một gia đình nhà giáo nghèo, dễ thương, hiền dịu. Lúc gặp nhau, với “kinh nghiệm tình trường” phong phú, không khó để tui “cua” bà. Ban đầu tui chỉ tưởng bà sẽ là một cuộc vui qua đường như bao cô gái khác. Và cả thời yêu nhau, tui cứ làm khổ bà bởi vô số bóng hồng khác. Nhưng có ai ngờ, cái vẻ dịu dàng, hiền hậu của bà lại níu chân tui, tình cảm ngày càng sâu đậm, cả hai đều muốn tiến tới hôn nhân…

Tui nợ bà cái danh, cái phận, nợ bà một đám cưới với đầy đủ nghi lễ. Bởi lẽ, cái tiếng ăn chơi của tui đến tai cha bà, và ông cương quyết không gả bà cho tui. Tụi mình tìm đủ cách thuyết phục mà không được, trong khi ông lại tìm cách gả bà cho một mối khác, vậy là bà trốn nhà để theo tui. Ngày đám cưới, chỉ có ba mẹ chú rể mà không có ba mẹ cô dâu. Đêm tân hôn, bà tủi phận mà khóc hết nước mắt…

Tui nợ bà nỗi cơ cực của những năm tháng vợ chồng. Tui vốn là thằng lông bông không nghề ngỗng, lúc lấy nhau, ba mẹ cho một cửa tiệm làm ăn. Nhưng sẵn tính ham chơi, tui khoán hết cho bà. Vậy là bà vất vả vừa kinh doanh, vừa nội trợ, vừa chăm sóc con cái. Còn tui cứ miệt mài từ cuộc vui này sang cuộc vui khác…

Tui nợ bà cả những tủi nhục, những uất hận của một người vợ trót có chồng trăng hoa. Lúc đứa con thứ hai mới chào đời, tui có “phòng nhì”. Cô ta trẻ đẹp, khôn khéo với vô số thủ đoạn. Tui mê mẩn cô ta, về đòi ly hôn. Bà cương quyết không chịu, nói tui muốn đi thì cứ đi, chứ bà không bao giờ đồng ý. Tui lại đòi chia tài sản để có tiền cho cô ta. Khuyên tui mãi không được, bà phải gạt nước mắt bán đi cửa tiệm, chia đôi tiền. Không thể về nhà mẹ đẻ được, bà phải dắt díu con sang ở nhờ nhà chồng, chịu cái tiếng bị chồng bỏ mà không có đường về…

Tui nợ bà cả một trời vị tha. Tui đi theo nhân tình được hai năm thì cũng gãy gánh, tiền bạc đội nón ra đi hết. Vậy mà khi tui lủi thủi quay về, bà cũng dang tay đón nhận. Rồi bà lại tiếp tục những chuỗi ngày vất vả vừa kinh doanh, vừa nội trợ, trong khi lão chồng bất tài chẳng giúp được bao nhiêu.

Tui nợ bà những tháng ngày vui sướng của tuổi trung niên. Bởi lẽ sau này, khi tui đã hồi tâm chuyển ý, chuyên tâm làm ăn thì cũng đã muộn. Lúc tui tạo dựng được chút tiền bạc, chút của cải để bà có thể hưởng chút an nhàn thì là lúc tuổi bà đã xế chiều…

Tui nợ bà nhiều lắm, những món nợ chẳng bao giờ trả nổi. Gần 70 tuổi, trải qua bao thăng trầm dâu bể, tui đã sai lầm vô số chuyện. Nhưng có một điều tui chắc chắn mình đã làm đúng, đó là cưới bà. Tui đã tìm được cho mình một “tài sản” quý giá nhất đời.

Lấy vợ xấu

Có lẽ giờ tôi mới hiểu vợ xấu cũng chưa hẳn là vợ mình nếu mình không biết trân trọng và yêu thương.

Thời sinh viên, tôi yêu một cô sinh viên người thành phố rất xinh đẹp, nhưng rút cuộc tôi bị cô ta đá. "Rút kinh nghiệm” tôi quyết định chọn cô vợ ở quê với tiêu chuẩn nhan sắc có xấu một chút nhưng phải siêng năng, có học.

Thắm là một cô giáo mà tôi hướng tới, về nhan sắc thì Thắm thuộc loại “Thường thường bậc trung” với một chiều cao khiêm tốn, một mét năm hai, bù vào đó là sự chịu khó siêng năng. Tôi quen chớp nhoáng, và đi đến quyết định “Lấy vợ phải cưới liền tay”.

Ngày tôi cưới, bạn bè đều hết sức ngạc nhiên, vì tôi đẹp trai có bằng cấp, lại được làm việc ở một công ty liên doanh nước ngoài. Trong khi đó Thắm chỉ là một giáo viên cấp một, có thân hình đẫy đà, nếu so với tôi thì quả là một trời, một vực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Có không ít người bạn nói thẳng với tôi: “Cậu đẹp trai, hào hoa phong nhã, lại có bằng cấp, nghề nghiệp lương cao, tán em nào chẳng được, sao lại lấy cô vợ xấu hơn cậu đến vậy?”. Tôi tự hào nói: “Các cậu có nghe các cụ nhà ta ngày xưa nói: “Vợ đẹp là vợ của người ta” không? Thà mình lấy vợ xấu một chút nhưng là của mình”.

Thực ra mà nói, tôi “chấm” Thắm ở tính nết dịu dàng, không ăn diện, khéo vun vén và nhất là nấu ăn ngon. Chính vì lẽ đó mà tôi rất yên tâm vì đã có vợ lo toan mọi việc ở nhà, nên một tuần tôi chỉ về nhà ngày thứ bảy, chủ nhật rồi lại đi ngay lên cơ quan. Tôi thoải mái la cà cùng bạn bè sau giờ làm việc như nhậu nhẹt, cặp bồ đi qua đêm...

Thắm không nói gì nàng cứ lặng lẽ đi dạy và chăm lo công việc nhà chồng. Nhưng khi đứa con gái đầu lòng ra đời, thì tính tình của Thắm thay đổi, nàng lên tiếng yêu cầu tôi phải có trách nhiệm với vợ con. Tôi nói với nàng rằng: “Cô làm dâu thì phải gánh vác giang sơn nhà chồng, nâng khăn sửa túi cho chồng, tại sao cô lại bảo tôi phải chăm lo cho mẹ con cô?”.

Nghe tôi nói vậy mẹ tôi lại hùa vào lớn tiếng bênh vực tôi, mắng mỏ Thắm thậm tệ. Trong lúc Thắm và mẹ tôi lời qua tiếng lại, mẹ tôi đã nói: “Con tao không lấy mày thì có mà ma nó lấy, không tin mày thử đi ra ngoài đường xem có ai ngó tới mày không?”. Thắm nhìn tôi, như để thẩm định lại lời nói của mẹ chồng có đúng vậy không.

Tôi ra vẻ đắc ý xác nhận: “Tôi cưới cô về để có người đẻ con và chăm sóc ba mẹ tôi thôi chứ nhan sắc thì cô còn thua xa những con bồ trước đây của tôi”. Sau khi nghe tôi nói xong Thắm vào phòng thu dọn đồ đạc, ra khỏi nhà mà không hề nói thêm một lời nào. Lúc đầu, ba mẹ tôi và tôi nghĩ Thắm chỉ dọa cả nhà vậy thôi nhưng không ngờ Thắm ra đi thật sự, mặc cho con kêu khóc.

Tôi nghĩ, thế nào nhớ con Thắm cũng sẽ quay về, vấn đề là thời gian thôi. Thắm đi được một ngày mà cả nhà tôi nháo nhào vì không có ai lo chuyện cơm nước, lau dọn nhà cửa... Bởi vì từ ngày Thắm về làm dâu, ngoài việc đi dạy ra thì mọi việc trong gia đình đều dồn lên đầu cô ấy. Mẹ tôi đã quen với cảnh nhàn hạ kể từ khi có dâu, nay phải đương đầu với công việc nội trợ thường ngày bà không thể nào chấp nhận được, nên mọi sinh hoạt trong gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn.

Ngay cả đến con gái tôi, cũng không có ai đưa đón, tối đến, nhớ mẹ khóc suốt đêm. Tôi điện thoại gặp Thắm: “Nếu cô không về tôi sẽ ly dị với cô”. Nghe xong cô ấy bình thản nói: “Ly thì ly, ngoài tôi ra chẳng ai dám đến mà hầu hạ gia đình anh cả”. Tôi tìm cách nói lời xin lỗi cô ấy nhưng đều vô ích, Thắm cương quyết đòi ly hôn.

Cả gia đình tôi và tôi lúc đầu cứ nghĩ: Tôi đẹp trai lấy vợ xấu lại ở nhà quê là có thể biến cô ta thành kẻ nô lệ như ô sin. Nhưng chúng tôi đã nhầm to. Với một phụ nữ như Thắm dù không nhan sắc mặn mà nhưng có học thức và có bản lãnh, thì Thắm chẳng bao giờ để ai lăng mạ và xem thường mình, kể cả chồng và gia đình chồng.

Giờ thì tôi mới thấm thía đạo nghĩa vợ chồng là không có đẳng cấp mà chỉ có tình yêu thương và sự thông cảm sẽ chia. Hiện nay ba mẹ tôi và tôi đang ân hận là làm thế nào để Thắm trở về với tôi, nếu không tôi sẽ mất một người vợ tốt. Ba mẹ tôi mất người con dâu tốt. Có lẽ giờ tôi mới hiểu vợ xấu cũng chưa hẳn là vợ mình nếu mình không biết trân trọng và yêu thương.