Anh chàng yêu “chỉ muốn thêm”

Anh bảo, anh yêu cháu thật lòng, không muốn chia tay, nhưng tự nhận là mình tham lam, không muốn bỏ người nào.

Kính gửi cô Hạnh Dung! 
Cháu 23 tuổi, từng trải qua một cuộc tình. Sau khi chia tay bạn trai, cháu tình cờ biết anh qua mạng, dần phát sinh tình cảm. Sau mấy tuần hẹn hò và nhiều lần truy hỏi, anh mới thú thật với cháu là đã có con rơi với một cô gái ở Long Thành, trong thời gian anh sống ở đó. Thằng bé hiện đã hơn hai tuổi. Anh vẫn liên lạc với cô ấy, hàng tháng gửi tiền về nuôi con. Anh kể, anh từng trốn tránh trách nhiệm với cô ấy, sau anh muốn quay lại thì cô ấy không chấp nhận, yêu cầu nếu cưới nhau, cô ấy sẽ không về nhà anh sống, trong khi anh lại là con một. Hai người cứ dùng dằng mãi đến giờ. Thỉnh thoảng, ngoài tiền trợ cấp hàng tháng, cô ấy còn yêu cầu anh đưa thêm tiền, dù anh cũng chẳng dư dả gì, có lúc phải mượn bạn bè. Yêu anh, dẫu có đau lòng nhưng cháu đành chấp nhận sự thật đó. Cháu đã đề nghị anh cho gặp cô ấy, ba mặt một lời cho rõ chuyện nhưng anh không đồng ý, viện lý do là sợ cô ấy giận, sẽ không cho anh gặp con nữa. Anh còn nói, nếu cô ấy không chịu cưới, anh sẽ không lấy ai, vì anh đã gây nên lỗi lầm, làm cho cô ấy đau khổ nên phải trả nợ cho cô ấy... Anh bảo, anh yêu cháu thật lòng, không muốn chia tay, nhưng tự nhận là mình tham lam, không muốn bỏ người nào. Cháu gần như bế tắc, không biết phải làm thế nào trong hoàn cảnh này, mong cô giúp cháu.
Thu Hương (TP.HCM)
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cháu Hương mến,
Hạnh Dung xin được nói thẳng: cháu đã chọn lầm người. Anh ta thật sự là một người tham lam, đúng như anh ta tự nhận, chỉ muốn thêm, không muốn bớt. Đã có con rơi với một cô gái khác, anh ta lại còn theo tán tỉnh, nói yêu thương cháu “thật lòng” thì làm sao có thể tin vào cái “thật lòng” ấy? Nếu “thật lòng” sao anh ta chẳng muốn buông ai ra? Nếu là người sống có trách nhiệm, anh ta đã không dùng dằng mãi với cô gái kia như thế. Không cưới được thì phải dứt khoát chia tay để mỗi người còn làm lại cuộc đời, sau khi đã xác định rõ trách nhiệm với con, chứ không phải cứ quan hệ dở dở ương ương như hiện tại: anh ta dùng tiền trợ cấp, còn cô ấy thì dùng con để trói chân nhau. Trong mối quan hệ đó, liệu còn có thêm điều khuất tất nào khác mà có thể cháu chưa rõ?
Thật ra, cháu chỉ là nạn nhân bị anh ta lôi kéo vào cái mớ bùng nhùng đó. Nếu người trong cuộc không tự gỡ ra thì cháu dù có cố gắng đến mấy cũng chẳng thể giải quyết được gì. Yêu thương thật lòng là phải cùng tính chuyện lâu dài, cùng mong muốn xây dựng hạnh phúc bên nhau, chứ không phải nói theo kiểu vô trách nhiệm như anh ta là yêu cháu nhưng sẽ không lấy ai, sẽ tiếp tục “trả nợ” cho cô ấy. Yêu một đàng, “ôm” một nẻo, trong lòng anh ta mối quan hệ với cháu nên được gọi chính xác là gì? Có khác gì một cuộc chơi tạm bợ qua đường trong lúc đang thiếu thốn tình cảm? Ta hãy thử đặt vài câu hỏi: Cháu có muốn chia sẻ người đàn ông của mình với một cô gái khác? Có chấp nhận được cảnh làm người tình không bao giờ cưới? Hạnh phúc của cháu ở đâu nếu mãi là người tình... thứ nhì? Tương lai của mối quan hệ đó rồi sẽ ra sao? Đã vậy, anh ta còn gì để lo cho cháu, khi lo cho cô ấy cũng không nổi, phải phát sinh nợ nần. Cháu có muốn “chung tay” với anh ta lo cho mẹ con cô ấy không? Trả lời những câu hỏi đó chỉ có thể dẫn đến một kết luận: cháu hãy quên anh chàng “chỉ muốn thêm” đó đi.

Đàn ông nông nổi giếng khơi...

“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Quê anh chị đều ở miền Bắc nhưng gia đình chị đã chuyển vào Sài Gòn sống nhiều năm. Chị và anh quen nhau khá lâu mới tiến đến hôn nhân, hiểu nhau đến từng cái nheo mày.

Anh làm thầu xây dựng, thường vắng nhà cả tuần, chỉ ngày nghỉ mới về thăm chị được một đêm rồi lại đi. Sức khỏe chị không tốt, thỉnh thoảng lại bị một cơn rối loạn tiền đình hành hạ. Thời tiết nóng nực, lại thêm áp lực công việc của nghề biên kịch khiến nhiều hôm chị ngất xỉu nằm sõng soài dưới nền nhà, may mà hàng xóm phát hiện. Tình hình càng tệ hơn khi chị mang bầu, những ngày tháng thai nghén không ăn ngủ được càng làm chị ốm yếu. Lo cho sức khỏe của vợ, anh gửi chị về nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Khoảng thời gian đó gia đình chị lại xảy ra bao nhiêu chuyện không vui. Chị chỉ mong đến cuối tuần anh về để than thở cho vơi bớt nỗi lòng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ba má chị buôn bán cũng thuận lợi, tiền nong không thiếu nhưng luôn phiền muộn. Em trai chị lớn mà không khôn, lấy vợ sinh con rồi vẫn rượu chè cờ bạc. Lại thêm cô em dâu quen cách ăn nói chỏn lỏn, cư xử không khéo léo. Vì thế, cứ dăm bữa nửa tháng nhà lại ầm ĩ, không vì chuyện tiền thua cờ bạc của cậu út cũng là chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chị đứng giữa thu dọn bãi chiến trường sau mỗi cuộc cãi vã cũng đủ mệt nhoài. Cuối tuần anh về, cùng ngồi ăn bữa cơm với bố mẹ vợ trong bầu không khí nặng nề. Chị luôn miệng trách móc các em không biết cách ăn ở, sướng không biết hưởng còn hỗn láo. Anh ra hiệu cho vợ im lặng, quay sang động viên mẹ. Anh bảo: “Các em còn nhỏ lại không được học hành đến nơi đến chốn nên khó tránh nông nổi, bồng bột. Mẹ cứ từ từ bảo ban các em làm ăn, con tin là mọi chuyện sẽ khác”.

Về phòng riêng, anh nhẹ nhàng bảo chị: “Mẹ đã khổ tâm rồi, em nói mấy lời đó chỉ càng làm cho mẹ đau lòng chứ có thay đổi được gì đâu. Em mình đã vậy thì mình cũng phải nghĩ khác đi”. Chị lặng lẽ cúi đầu khi nhớ tới hình ảnh mẹ nhiều lần khóc nghẹn trong mâm cơm. Những lời cay nghiệt chị đay nghiến các em như xát muối vào lòng mẹ. Chị thầm cảm ơn những bữa cơm có anh, bởi ít ra mẹ còn cười được trước những câu chuyện hài hước anh vui vẻ kể.

Chị mang bầu những tháng cuối cũng là lúc anh nhận công trình ở gần nhà nên sang ngoại đón chị về, nhưng công việc bận quá, anh cũng không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc chị. Sáng nào anh cũng đi rất sớm, trở về nhà lúc tối muộn. Bao công việc lặt vặt trong nhà vẫn một mình chị quán xuyến. Có đêm nằm cạnh chồng, chị than thở đủ điều, anh không nói gì, chỉ giục vợ đi ngủ sớm cho đỡ mệt. Chị tấm tức trong lòng, tự trách bản thân đã đâm đầu vào chỗ khổ. Ngay từ khi yêu anh, gia đình và bạn bè ai cũng khuyên chị đừng lấy chồng làm xây dựng cực trăm đường, nhưng chị bỏ ngoài tai. Đã vất vả thì chớ, lại còn không có lấy một lời động viên an ủi. Thời kỳ chị bầu bí, cực nhọc mà anh còn vậy thì trông đợi gì ở những năm tháng về sau?

Ý nghĩ đó giày vò tâm can chị suốt đêm, trằn trọc mãi gần sáng mệt quá chị mới thiếp đi. Tỉnh dậy, chị nhìn quanh thấy nhà cửa gọn gàng tinh tươm, quần áo đã giặt phơi, mở tủ lạnh thấy đồ ăn tươi ngon đã sẵn, cơm bữa sáng cũng chín rồi. Chị rơm rớm nước mắt, ân hận vì đã trách nhầm anh.

Nghề thầu xây dựng thời buổi này cũng bấp bênh. Bao nhiêu vốn liếng trong nhà đều mang ra xoay xở. Vất vả mãi chỉ mong xong công trình để được chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán. May ra thì kiếm được chút ít coi như tiền công mấy tháng trời, nhưng nhiều khi lỗ vốn, công sức bỏ ra chẳng nhận lại được gì. Chị ở nhà không thấu hiểu được những khó khăn ấy, cuối công trình vẫn thấy anh mang tiền về đưa vợ. Chị ngồi nhẩm tính, gói ghém tiền nong dành dụm, thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ đến những khoản cần chi tiêu cho ngày sinh sắp đến.

Một hôm, bạn làm ăn của anh đến chơi nhà, vô tình kể chuyện gói thầu bị lỗ nặng do công nhân gặp tai nạn, máy móc hay hỏng hóc, vật tư thất thoát. Chị ngồi nghe, nghĩ đến món tiền anh đưa tự nhiên thấy nhói lòng. Đêm về chị hỏi chồng, anh cười bảo: “Ừ thì… có lỗ thật, nhưng mà sau đó anh tranh thủ làm thêm với các anh em khác. Số tiền đó chồng em được trả công đàng hoàng chứ không phải tiền vay mượn, em cứ yên tâm mà chi dùng”. Chị nghẹn ngào trách anh gặp khó khăn mà không nói, sao cứ phải chịu đựng và gánh vác một mình? Sao còn để chị đổ lên đầu anh bao nhiêu lời than vãn? Anh ôm chị vào lòng: “Vì anh không muốn vợ con anh lo lắng. Em cũng vất vả nhiều rồi. Anh hiểu mà. Đừng khóc!”. Nhưng chị vẫn không thôi thổn thức trên vai anh, phần vì thương chồng, phần vì chị thấy mình thật may mắn khi có anh trong đời. Các cụ nói không sai:“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Công, dung, ngôn, hạnh đã lỗi thời?

Thời nào thì các ông cũng thích phụ nữ dịu dàng, ngọt ngào công dung ngôn hạnh, Không tin cứ hỏi thì biết!

Xuân về, tết đến, rồi qua Tết, nhiều ông chồng mới có cơ hội nhìn lại hình ảnh người phụ nữ của nhà mình. Có ông nhìn thẳng, nhìn nghiêng, nhưng cũng có ông nhìn lén, xem vợ mình “công dung ngôn hạnh”, có được chữ nào không?

Ra chợ mới thấy rằng, đối tượng đi chợ sớm, toàn là mấy bà nội, bà ngoại, chịu khó mua mớ rau tươi, con cá còn sống…để nấu cho con cháu. Còn mấy bà trẻ mới lấy chồng thì chiều tối xuất hiện đầy trong siêu thị, mua thức ăn nhanh, đồ hộp, rau khỏi lặt, cá thịt khỏi rửa…Còn các cô trẻ độc thân thì nườm nượp trong các shop thời trang, các Plaza…nhất là vào mùa “seo”. Các anh muốn lập gia đình, chắc phải biết các địa chỉ mua sắm để đến chọn vợ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mấy ngày Tết, ông Trương Hán Giang, đưa vợ con đến một resort ở miền Trung tận hưởng không khí trong lành. Sáng vợ chồng, con cái tắm biển, ăn sáng, chiều tắm biển ăn tối. Vợ chồng tha hồ ngắm trời, ngắm biển, ngắm con và ngắm nhau…Trong nỗi sung sướng đó, ông chợt nhớ đến má ông, người đã mất mấy năm rồi. Bà hay ngồi ở cửa sau nhà, lúc gọt khoai, lúc rửa rau, làm con cá, con tôm…ông bỗng nhận ra mình lớn lên từ trong cái bếp của mẹ, từ những món ăn dân dã, và từ những lời mẹ dặn dò….Má ông cùng chồng một nắng hai sương trên đồng ruộng, tỉ mỉ nuôi con, lại là người xinh xắn dịu dàng, ngọt ngào đối xử trong mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu…đúng là một điển hình của công, dung, ngôn, hạnh.

Ông chợt liếc mắt sang bà vợ đang nằm dài theo dõi bộ phim hình sự Mỹ, thỉnh thoảng nhấn like trên FB. Thằng con 4 tuổi cũng đang say sưa với game, nên mẹ nó rất rảnh. Để có một chuyến đi nghỉ chất lượng cao, vợ ông “sợt” trên mạng từ mấy tháng, mới lấy được dịch vụ giảm giá. Như vậy bà cũng được coi là có chữ “công”, coi như là đảm đang, tiết kiệm kinh phí cho gia đình, dù bà làm biếng nấu ăn, tuyên bố ngày tết vào bếp thà chết còn hơn. Vợ ông còn đi làm thu nhập cũng khá, nên lại càng có “công”. Còn chữ “dung” thì khỏi nói, vợ ông sắm quần áo, giày dép mặc mang không hết, có khi mua về rồi chê liền, nước hoa cũng đầy bàn…nhờ nhiều công cụ hổ trợ nên ngoại hình của vợ trông cũng được.

Còn “ngôn” thì… mức độ “gầm gừ” của bà vợ ông với chồng con tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, độ ngọt ngào cứ giảm dần…Tới chữ “hạnh”, thì chắc chắn vợ ông có đạo đức rồi, nhưng bà hay dọa: “Ông mà có bồ, thì đừng có trách tui tàn ác nghen”. Nói tóm lại, bà vợ ông là người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ, mãnh liệt chứ không nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ như má ông. Đang mơ về nơi xa lắm, thì ông giật bắn mình bởi điện thoại reo. Đầu dây bên kia, giọng bà vợ đầy quyền lực: “Có đi ăn tối không, anh bị sao mà từ trưa đến giờ, nằm dài như con nai, trông chán như con gián thế…”. Ôi, đúng là “ngôn” có vấn đề…ông chồng lẩm bẩm…

Ngày đầu tiên về nhà cô bạn gái, ông Lâm Thái Sinh, bị ấn tượng mạnh bởi… bà mẹ của cô. Bữa cơm trưa hôm đó thật tươm tất, nóng sốt…từ tay bà mẹ đảm đang. Vào mâm cơm, bà không nói nhiều, lặng lẽ tiếp thức ăn, biết ý từng người, chăm sóc tỉ mỉ…Anh cảm động quá, quyết định phải cưới cô con gái, vì nghĩ thế nào cô cũng giống mẹ, nét văn hóa sống vì người khác chắc chắn sẽ truyền từ mẹ sang con. Đúng là cái bếp thường gắn với người phụ nữ.

Thế nhưng, từ lúc vợ ông sinh nở, bà mẹ vợ phải chuyển đến ở cùng vợ chồng ông. Bởi cô con gái từ việc gọt cái bưởi, bổ cái dưa hấu…đến luộc con gà, nấu nồi chè…đều không biết, chuyện tắm em bé, bé bị sốt…lại càng mù tịt. Bà má vợ lại tiếp tục “thầm lặng một tình yêu” lo cho cháu. “Công, dung, ngôn hạnh” của người đàn bà đã ngoài 60 khiến cho bà vẫn đẹp, một cái đẹp không có nếp nhăn.

Thế còn cô con gái, vợ của ông thì sao? Nếu có ai ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ truyền thống vun vén gia đình, hy sinh cho chồng con thì bị cô “ném đá” liền: Đừng có lấy lý lẽ cũ rích để giam hãm phụ nữ trong xó bếp. Cô cũng nói thẳng với chồng: “Má em thiệt thòi lắm, cả đời chẳng bước chân đi đâu cả, cứ từ Sài Gòn về quê, bảo đi nước ngoài không đi, sợ tốn tiền. May mà tư duy của em không giống má”.

Thì vợ ông đang hết sức nổ lực để tiến bộ theo chồng, còn phải chăm chút đến ngoại hình, đổi mới suy nghĩ để chồng khỏi dòm ngó đến “chân dài”. Thế nhưng, cô đâu biết, ngày đó, chồng yêu cô và cưới cô vì tưởng cô giống má cô. Ông có nên nói với vợ không nhỉ?

Mỗi thời mỗi khác, các cô vợ bây giờ cũng phải “hai-tec” mới không bị chồng chê, cũng còn phải cập nhật mọi thông tin để khỏi bị lạc hậu, viết được “status” trên FB thì càng tốt, nhưng thời nào thì các ông cũng thích phụ nữ dịu dàng, ngọt ngào công dung ngôn hạnh, Không tin cứ hỏi thì biết!

Hốt hoảng vì “bồ” đòi gặp vợ... xỉa xói

Nhỡ nói xấu vợ nhiều lần với cô bồ xinh đẹp, Cường hốt hoảng khi nàng tuyên bố đi "gặp mụ phù thủy ấy bắt mụ buông tha cho anh".

Khi bồ đòi gặp vợ "nói điều hơn lẽ thiệt'"