5 ngành học là "vua của mọi ngành" luôn khát nhân lực, mức lương hơn 100 triệu/tháng, ra trường không lo thất nghiệp 

Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, thị trường lao động ngày càng khắt khe và chọn lọc hơn. Tuy nhiên, vẫn có những ngành học được mệnh danh là “vua của mọi ngành”, luôn khan hiếm nhân lực, có mức thu nhập hấp dẫn và mở ra cánh cửa việc làm rộng mở.

Ngành Thiết kế vi mạch

Thiết kế vi mạch là lĩnh vực chuyên sâu trong việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các chip điện tử – thành phần cốt lõi vận hành hầu hết thiết bị công nghệ hiện nay như điện thoại thông minh, máy tính, ô tô điện hay hệ thống tự động hóa trong công nghiệp.

Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á, ngành bán dẫn tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ước tính hơn 6% mỗi năm trong giai đoạn 2022–2027. Từ nay đến năm 2030, nhu cầu nhân lực cho toàn chuỗi sản xuất chip – từ thiết kế, chế tạo, lắp ráp đến kiểm thử – có thể lên tới 1 triệu người.

Báo cáo từ Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM cho thấy, mức lương trong ngành này tăng nhanh theo số năm kinh nghiệm. Cụ thể, kỹ sư mới ra trường có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Sau 1–3 năm làm việc, mức lương tăng lên từ 15–30 triệu đồng/tháng. Với người có 6 năm kinh nghiệm, thu nhập có thể dao động từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, kỹ sư trên 10 năm kinh nghiệm có thể đạt mức thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm – một con số đáng mơ ước trong khối ngành kỹ thuật – công nghệ.

Hiện nay, một số cơ sở đào tạo ngành Thiết kế vi mạch uy tín tại Việt Nam có thể kể đến như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Công nghệ thông tin – ĐHQG TP.HCM. Trong kỳ tuyển sinh 2024, điểm chuẩn ngành này thuộc nhóm cao, dao động từ 23 đến 27 điểm. Dự kiến, trong mùa tuyển sinh 2025, đây tiếp tục sẽ là một trong những ngành học được thí sinh ưu tiên lựa chọn nhờ triển vọng nghề nghiệp và thu nhập hấp dẫn.

GenAI (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh)

Xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ trải qua 3 giai đoạn chính trong các năm tiếp theo với giai đoạn đầu tiên kéo dài đến năm 2026. Đây là dự báo của hãng nghiên cứu Gartner và việc áp dụng GenAI (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) trong các doanh nghiệp sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới. Đến năm 2027, hơn 50% mô hình GenAI mà các doanh nghiệp sử dụng sẽ được tùy chỉnh cho từng ngành hoặc chức năng kinh doanh cụ thể, tăng từ khoảng 1% vào năm 2023.

Sinh viên theo đuổi ngành học sẽ được xây dựng kiến thức nền tảng và nâng cao về GenAI như học máy, học sâu, các mô hình nền tảng, học máy đa thể thức, đạo đức AI, MLOps, chatbot, LLM agent và các ứng dụng liên quan để tạo sinh hình ảnh, văn bản, âm thanh, code cho đa dạng các lĩnh vực như kỹ thuật phần mềm, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, marketing, y tế và sức khoẻ… Sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm được đánh giá cực kỳ hấp dẫn với mức lương vượt trội trong lĩnh vực CNTT.  

Theo đó, các bạn trẻ có thể công tác tại các bộ phận chuyên thiết kế và triển khai các mô hình GenAI phục vụ cho các ngành công nghiệp; các công ty phần mềm nơi cần sử dụng GenAI để tăng năng suất lập trình và quản lý chất lượng phần mềm; tổ chức công nghệ, các công ty khởi nghiệp công nghệ cao; các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước hay các ngân hàng hàng đầu... đều đang xây dựng tiềm lực liên quan đến lĩnh vực GenAI. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng có thể tự mình khởi nghiệp, phát triển các ứng dụng GenAI và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho nhiều lĩnh vực của đời sống.

Ngành Khoa học máy tính

Trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển, Khoa học máy tính đang trở thành ngành học mũi nhọn, giữ vai trò trung tâm trong việc tạo ra các sản phẩm công nghệ hiện đại. Ngành này tập trung nghiên cứu về lý thuyết thông tin, tính toán và các ứng dụng trong hệ thống máy tính. Sinh viên theo học được đào tạo bài bản về thuật toán, lập trình và kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách tối ưu.

Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Úc hay Phần Lan đã đầu tư mạnh vào đào tạo ngành Khoa học máy tính. Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm qua, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này đã tăng gấp 4 lần và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính có thể đảm nhiệm nhiều vai trò: từ lập trình viên, kỹ sư phần mềm, chuyên viên kiểm thử, quản trị mạng đến các vị trí quản lý dự án, điều hành hệ thống công nghệ thông tin tại doanh nghiệp, tổ chức, trường học...

Theo thống kê, khoảng 98% sinh viên ngành này có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Mức thu nhập phổ biến ở nhóm mới ra trường dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Với những chuyên gia giàu kinh nghiệm, mức lương có thể lên tới 162.000 USD/năm (tương đương khoảng 3,7 tỷ đồng), tức hơn 13.000 USD (hơn 300 triệu đồng) mỗi tháng – một con số đáng mơ ước trong lĩnh vực công nghệ hiện nay.

Robot và Trí tuệ nhân tạo ​​

Ứng dụng và phát triển công nghệ robot kết hợp trí tuệ nhân tạo trở thành xu hướng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Robot không chỉ được ứng dụng trong các nhà máy sản xuất mà còn ở nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, dịch vụ…

Chính vì vậy, tất yếu kéo theo những nhu cầu về nguồn nhân lực làm việc chuyên nghiệp liên quan đến công nghệ robot. Ngành kỹ thuật robot xuất hiện vài năm gần đây và thu hút nhiều sinh viên nhờ sự thú vị cũng như cơ hội công việc hấp dẫn.

Sinh viên theo học ngành kỹ thuật robot tại các trường đại học, sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí như: Kỹ sư thiết kế, kỹ thuật, quản lý các dự án nghiên cứu tại các tổ chức, cơ sở nghiên cứu, khu công nghiệp trong lĩnh vực: Điều khiển và Tự động hóa, Robot, Công nghệ thông tin; Chuyên viên tư vấn, phân tích, và kinh doanh tại các bộ và sở, ban, ngành liên quan; các tổ chức và công ty tư vấn; Nghiên cứu viên và giảng viên tại các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học…

Tùy vào vị trí việc làm, địa điểm làm việc mà mức lương cho kỹ sư trong lĩnh vực robot có thể dao động từ 15 - 40 triệu đồng. Thu nhập có thể lên tới cả trăm triệu đồng tuỳ vào thâm niên làm việc, kinh nghiệm.

Ngành Kỹ thuật phần mềm

Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering) là ngành học chuyên sâu về thiết kế, phát triển, kiểm thử và bảo trì các ứng dụng phần mềm. Sinh viên theo học ngành này được trang bị kiến thức về phân tích yêu cầu hệ thống, quản lý dự án, triển khai sản phẩm và ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những phần mềm có tính ứng dụng cao và chất lượng ổn định.

Theo báo cáo của VietnamWorks, trong vòng 10 năm qua, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin đã tăng gấp 4 lần. Đáng chú ý, nhóm ngành Kỹ thuật phần mềm chiếm hơn 50% tổng số nhu cầu, giữ vai trò chủ đạo trong thị trường lao động ngành công nghệ.

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm, sinh viên có thể làm việc ở nhiều vị trí như: chuyên viên phân tích, thiết kế và phát triển phần mềm; kỹ sư phần mềm; chuyên viên quản trị, bảo trì hệ thống phần mềm trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức giáo dục… Ngoài ra, kỹ sư phần mềm còn có thể đảm nhận công việc tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cho các công ty trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị chuyên gia công phần mềm.

Hiện tại, mức thu nhập trung bình của một kỹ sư phần mềm dao động từ 13,4 – 16,1 triệu đồng/tháng, tùy theo năng lực và kinh nghiệm. Đối với những người am hiểu thêm về các công nghệ mới như blockchain, AI hoặc dữ liệu lớn (big data), mức thu nhập có thể tăng gấp nhiều lần nhờ vào năng lực chuyên môn cao và khả năng thích ứng với xu thế công nghệ.

Bạn có thể quan tâm