Vụ vé số trúng giải đặc biệt bị rách: Cần hành xử nhân văn!

Câu chuyện về tờ vé số trúng giải đặc biệt, nhưng bị từ chối trả thưởng chỉ vì rách một góc nhỏ đang đặt ra câu hỏi lớn: Liệu các quy định có cứng nhắc đến mức đánh mất lòng tin của người chơi?

Vụ việc xảy ra tại Thừa Thiên - Huế, khi bà Nguyễn Thị Ng., một phụ nữ 52 tuổi đến từ Quảng Nam, sở hữu tờ vé số trúng giải đặc biệt, nhưng không được Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thừa Thiên - Huế trả thưởng vì tờ vé bị dính nước mưa, rách một phần góc.
Điều đáng nói, tờ vé này đã được cơ quan giám định xác nhận là thật, không tẩy xóa, không gian lận. Tuy nhiên, Công ty Xổ số Kiến thiết Thừa Thiên - Huế vẫn từ chối trả thưởng với lý do vé không còn nguyên vẹn.
Vu ve so trung giai dac biet bi rach: Can hanh xu nhan van!
Tờ vé số trúng giải đặc biệt bị từ chối trả thưởng. 
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm cho rằng, việc yêu cầu vé số lĩnh thưởng phải còn nguyên hình, nguyên khổ là cần thiết để phòng chống gian lận và sử dụng vé giả. Tuy nhiên, những trường hợp đặc biệt như của bà Ng. cần được xem xét kỹ lưỡng và linh hoạt hơn.
"Tờ vé này đã đáp ứng đủ các yếu tố cốt lõi: số trúng thưởng và thông tin quan trọng vẫn rõ ràng, cơ quan giám định đã xác nhận tính xác thực. Phần rách nhỏ do nguyên nhân khách quan không thể trở thành lý do từ chối quyền lợi chính đáng của người chơi", luật sư Mai Thảo nhấn mạnh.
Thực tế, Thông tư 75/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định rằng, nếu vé bị rách rời do nguyên nhân khách quan nhưng vẫn đảm bảo xác thực và không ảnh hưởng đến yếu tố xác định trúng thưởng, công ty xổ số phải tổ chức thẩm tra và có thể quyết định trả thưởng. Như vậy, quy định này không mang tính chất tuyệt đối mà để ngỏ khả năng xử lý linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.
Theo luật sư Mai Thảo, ngành xổ số không chỉ là một hoạt động kinh doanh mà còn mang trong mình nhiệm vụ xây dựng niềm tin của hàng triệu người chơi. Mỗi tấm vé số là một niềm hy vọng. Việc từ chối trả thưởng một cách cứng nhắc không chỉ ảnh hưởng đến người chơi cụ thể mà còn gây tổn hại đến hình ảnh của chính công ty xổ số và rộng hơn là toàn ngành.
"Người dân sẽ tự hỏi: nếu tờ vé số thật, trúng giải đặc biệt mà vẫn bị từ chối trả thưởng, thì còn gì để đảm bảo quyền lợi của họ?" luật sư Mai Thảo đặt vấn đề.
Bà Thảo cũng cho rằng, cách công ty xử lý vụ việc này không chỉ là quyết định pháp lý mà còn là bài kiểm tra về trách nhiệm xã hội và sự nhân văn. "Nếu người chơi cảm thấy mình không được bảo vệ, họ sẽ không còn tin tưởng vào công ty, vào ngành xổ số. Điều này sẽ làm xói mòn uy tín và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bền vững", bà Thảo cảnh báo.
Luật sư Mai Thảo cho rằng, thay vì dựa vào quy định một cách máy móc, công ty xổ số cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn. Bà đề xuất, tăng cường minh bạch: Công ty cần công khai rõ ràng tiêu chí xử lý các trường hợp vé số bị rách hoặc hư hỏng, giúp người chơi hiểu rõ quyền lợi của mình. Đưa ra quy trình rõ rang, đảm bảo mỗi trường hợp đặc biệt đều được thẩm tra và xử lý trên cơ sở thực tế, tránh gây ra những tranh cãi không đáng có. Đặc biệt phải đặt trọng tâm vào người chơi. Bởi khi các yếu tố xác thực đã được đảm bảo, việc trả thưởng cần được ưu tiên nhằm duy trì lòng tin của khách hàng.
Linh hoạt trả thưởng, đây không chỉ là hành động đúng luật mà còn là cách khẳng định giá trị nhân văn của xổ số kiến thiết. Ngược lại, một quyết định cứng nhắc có thể trở thành tiền lệ tiêu cực, làm mất đi niềm tin vốn là nền tảng của ngành xổ số.
"Xổ số kiến thiết không chỉ là bán vé để xây dựng công trình công cộng, mà còn là xây dựng lòng tin trong từng tờ vé. Vì vậy, hãy trả thưởng khi người chơi đã tuân thủ quy định và tấm vé đáp ứng đủ yếu tố cần thiết. Đừng để những quy định cứng nhắc phá vỡ điều đó", luật sư Mai Thảo kết luận.
Vu ve so trung giai dac biet bi rach: Can hanh xu nhan van!-Hinh-2
Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm 
Trước đó, ngày 14/10, bà N.T.Ng. (trú tỉnh Quảng Nam) mua hai tờ vé số của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hai vé số có dãy số dự thưởng là 386552 (F) và 486552 (F), trị giá 10.000 đồng/vé.
Do sơ suất khi đi đường gặp trời mưa, bà Ng để hai tờ vé số trên dính lại với nhau và bị ướt. Sau khi cẩn thận tách rời 2 tờ vé số trên ra và sấy khô, bà Ng đem vé đến công ty để nhận thưởng.
Tiếp nhận hai tờ vé trên, phía Công ty TNHH MTV Xổ số Thừa Thiên - Huế cho rằng tờ vé số trúng giải đặc biệt 2 tỷ đồng bị rách một phần góc, mất một phần vào dãy số trúng thưởng nên từ chối việc trả tiền. Hai bên đưa tờ vé số đến công an để nhờ giám định tình trạng của tờ vé số nhằm có căn cứ xem xét, giải quyết khiến nại.
Đến ngày 14/11, Công ty xổ số Thừa Thiên Huế có văn bản trả lời gửi bà N. về việc từ chối trả thưởng tờ vé số trúng giải đặc biệt 2 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thừa Thiên - Huế nói gì?
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thừa Thiên - Huế khẳng định, việc công ty từ chối trả thưởng vé số trúng giải đặc biệt của khách hàng N.T.Ng (trú tỉnh Quảng Nam) đúng với các quy định của pháp luật. Hiện công ty cũng nắm được thông tin việc bà N.T.Ng gửi đơn kiện công ty ra toà để yêu cầu trả thưởng, trong trường hợp này thì tuân theo phán quyết của toà.
Tòa nhận đơn song chưa thụ lý
Ngày 28/11, TAND TP Huế cho biết, đã tiếp nhận đơn khởi kiện của bà N.T.Ng (trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) về việc yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Thừa Thiên Huế trao thưởng giải đặc biệt trị giá 2 tỷ đồng.
"Tòa đã nhận đơn song chưa thụ lý, đang trong quá trình nghiên cứu hồ sơ. Một số thông tin thiếu, tòa đang hướng dẫn bà Hoa bổ sung", đại diện TAND TP Huế thông tin với báo chí.

Nhặt được tiền rơi đi mua vé số, trúng ngay 1 triệu đô la

Jerry Hicks - một thợ mộc ở Bắc Carolina (Mỹ) - đã đến một cửa hàng tiện lợi hồi đầu tuần trước và vô tình nhặt được tờ 20 đô la Mỹ trong bãi đậu xe.

Theo CNN, Jerry Hicks đã dùng số tiền trên để mua vé số cào Extreme Cash, và may mắn trúng 1 triệu đô la.

"Họ không có loại vé số mà tôi muốn mua, nên tôi phải mua vé số cào Extreme Cash", Hicks nói.

Nỗi oan khó giải của người phụ nữ trúng số độc đắc ở Long An

Trúng số độc đắc, chị Lành chưa kịp vui đã hứng chịu nhiều nỗi oan trên trời rơi xuống. Người ta đồn chị có tình ý với người khách mua nợ vé số...

Nhiều năm trước, chuyện chị Phạm Thị Lành (SN 1982, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trả lại 10 tờ vé số trúng giải với số tiền thưởng trên 5 tỷ đồng cho người khách mua nợ khiến người dân địa phương kinh ngạc.

Chị bỗng chốc nổi tiếng là người phụ nữ nghèo nhưng giàu lòng tự trọng, sống ngay thẳng. Thế nhưng, họa phúc song hành. Sau những lời khen, chị bắt đầu nhận về vô số ánh nhìn ngờ vực từ người thân, bạn bè.

Người dân địa phương, bạn bè nghi ngờ chị có tình ý với anh Tuấn, người đã mua nợ 10 tờ vé số trúng giải nói trên. Họ lý giải rằng, chỉ khi 2 người yêu nhau mới có thể tin nhau và "chê tiền" như vậy.

Nghe những lời đàm tiếu, chị Lành cười trừ rồi đáp: “Tôi là người sống có tình, có nghĩa. Trước đây, anh Tuấn là khách quen của tôi, luôn mua vé số ủng hộ tôi. Nếu không phải là anh Tuấn mà là một người khác, tôi cũng sẽ làm như vậy”.

“Nếu chúng tôi thật sự có quan hệ tình cảm, việc gì tôi phải thông báo tin anh ấy trúng số với mọi người. Việc gì tôi phải trả lại vé số trúng giải cho anh ấy. Lúc đó tôi giữ luôn, chắc anh ấy cũng chẳng nói gì”, chị chia sẻ thêm.

Noi oan kho giai cua nguoi phu nu trung so doc dac o Long An

Chị Lành mua vé số ủng hộ một "đồng nghiệp" của mình.

Cuối cùng, những ngờ vực về mối tình giữa cô bán vé số và anh chạy ba gác cũng tan biến khi cả hai có cuộc sống riêng. Thậm chí cả hai không còn giữ tình bạn thân thiết như ngày trước khi trúng số.

Thế nhưng, những nỗi oan trên trời rơi xuống vẫn chưa dừng lại ở đó. Chị tiếp tục bị mang tiếng phụ bạc, bỏ chồng tìm hạnh phúc mới.

Nhắc đến chuyện buồn, chị Lành cười chua chát rồi nói, không trách được miệng đời. Bởi, không ai biết cuộc hôn nhân ấy đã nứt vỡ từ trước ngày chị trúng số rất lâu.

Không như nhiều người mường tượng, chồng cũ chị Lành rất đỗi hiền lành, thương vợ. Anh chưa bao giờ la mắng vợ dù chỉ một lần.

Thế nhưng, giữa 2 người vẫn nảy sinh những bất đồng không thể hàn gắn. Không thể chịu đựng thêm, chị dắt theo con, rời quê lên Bến Lức mưu sinh.

“Rời quê, tôi xin vào làm công nhân cho một công ty ở thị trấn Bến Lức. Nhưng lúc đó, con tôi mới 10 tháng tuổi nên đau ốm triền miên. Nhiều lần xin nghỉ việc để chăm con ốm, công việc không đảm bảo, tôi đành phải xin nghỉ hẳn để đi bán vé số mưu sinh”, chị kể.

Hạnh phúc chênh vênh

Tròn một năm xa chồng, xa quê, chị Lành đen đúa, gầy rộc. Nhiều đêm, sau khi bán vé số về, chị ngồi nhìn mình trong gương rồi khóc một mình.

Một năm sau, không hiểu bằng cách nào, chồng cũ của chị Lành tìm đến được phòng trọ mẹ con chị đang ở. Anh van nài chị trở về, cho anh ấy thêm cơ hội. Thương con còn quá nhỏ, cần có đủ cha đủ mẹ, chị chấp nhận nối lại tình xưa.

Thế rồi chị bất ngờ trúng số độc đắc. Không còn cảnh phải chạy ăn từng bữa, chị mơ về mái ấm hạnh phúc với chồng con. Nhưng niềm vui ấy chẳng được bao lâu.

“Có tiền, tôi cố gắng vun vén hạnh phúc gia đình nhưng tính tình chồng tôi vẫn vậy. Những bất đồng giữa chúng tôi vẫn kéo dài. Quá mệt mỏi, tôi quyết định ly hôn. Thế là người ta nói tôi có tiền nên phụ rẫy chồng, tìm người khác”, chị kể.

Những ngày ấy, chị đi bán vé số giữa những ánh mắt nghi kị, cười chê của người đời. Nhưng chị mặc kệ. Chị không buồn giải thích bởi “mình sống cho mình, miễn mình không làm điều sai là được”.

Noi oan kho giai cua nguoi phu nu trung so doc dac o Long An-Hinh-2

Đến bây giờ, hạnh phúc của chị Lành vẫn chênh vênh và lắm nỗi lo.

Rồi cũng như nỗi oan có tình ý với người khách mua vé số nợ, chuyện chị ruồng rẫy chồng cũ, tìm hạnh phúc mới dần phai nhạt. Suốt nhiều năm sau khi ly hôn, không ai thấy “Lành vé số” lấy đại gia, "cặp trai trẻ" hoặc lao vào những cuộc tình không biết ngày mai…

Mãi cho đến sau này, chị mới tìm được hạnh phúc mới với người chồng hiện tại. Chị gặp anh trong một lần đến quán quen để mời khách mua vé số.

Tại đây, chị gặp một người đàn ông lạ mặt, dáng người đĩnh đạc, lịch sự. Chị không dám mời khách lạ mua vé số. Tuy nhiên, người này đã chủ động làm quen và nói: “Tôi nghe tiếng cô Lành bấy lâu mà nay mới được gặp”.

Chị Lành chỉ nghĩ khách lạ bắt chuyện làm quen cho vui. Nhưng người này tiếp tục khiến chị bất ngờ khi mua vé số ủng hộ rồi xin số điện thoại làm quen.

Anh nói anh cảm phục và mến mộ tấm lòng thẳng ngay, không tham lam của chị. Sau đó, chị được anh theo đuổi, được ngỏ lời yêu.

Nhưng vết thương lòng còn đó, chị Lành nhiều lần từ chối. Cuối cùng, sau nhiều thời gian trò chuyện, thấy hai tâm hồn đồng điệu, chị mới gật đầu đồng ý.

Vậy mà đến tận bây giờ, hạnh phúc chớm nở ấy của chị vẫn chênh vênh và lắm nỗi lo toan. Dẫu được anh yêu thương, chiều chuộng hết mực, chị vẫn không được gia đình người này chấp thuận.

Chị tâm sự: “Chúng tôi đến với nhau đã lâu và có con chung nhưng mẹ anh ấy vẫn chưa chấp nhận tôi. Dẫu vậy, bà rất thương cháu nội. Tôi không buồn, không giận bà và vẫn cố gắng chờ đợi một ngày bà chấp nhận người con dâu như tôi”.

“Mấy hôm nay, bà ốm, chồng tôi phải về chăm sóc. Tôi rất mong được bà chấp nhận như một người con dâu để có thể cùng anh chăm sóc bà cho tròn đạo hiếu”, chị nói thêm.