
Vào đầu tháng 4/2025, công ty đóng tàu lớn nhất thế giới Hanwha Ocean ở Hàn Quốc, đã có lời đề nghị với Hải quân Ba Lan về việc cung cấp 3 tàu ngầm diesel-điện cùng một gói bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu toàn diện, đồng thời bao gồm cả việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng đóng tàu của Ba Lan và đào tạo thủy thủ đoàn. Ảnh Bulgarian Military

Theo đại diện của Hanwha, chiếc tàu ngầm đầu tiên có thể được bàn giao trong vòng 6 năm kể từ khi hợp đồng được ký kết và cả 3 chiếc sẽ đi vào hoạt động trong vòng 8 năm rưỡi. Điều này báo hiệu ý định của Ba Lan trong việc hiện đại hóa đội tàu ngầm cũ của mình và củng cố vị thế chiến lược trong khu vực. Ảnh Wikipedia

KSS-III Batch 2, còn được gọi là lớp Dosan Ahn Changho, đại diện cho đỉnh cao của công nghệ tàu ngầm Hàn Quốc. Tàu ngầm này là nền tảng cho nỗ lực hiện đại hóa của Hải quân Hàn Quốc. KSS-III dài 89,3 mét và rộng 9,6 mét, lớn hơn nhiều tàu ngầm hoạt động ở Biển Baltic nhưng đủ linh hoạt để hoạt động trong vùng nước nông của khu vực. Ảnh Reuter

Ngoài ra, hệ thống đẩy của KSS-III khá nổi bật, kết hợp động cơ diesel-điện với hệ thống đẩy không cần không khí (AIP) chạy bằng pin nhiên liệu. Điều này cho phép tàu ngầm ở dưới nước trong hơn ba tuần mà không cần nổi lên, một lợi thế quan trọng ở vùng Biển Baltic, nơi các phương tiện tác chiến chống ngầm luôn hiện diện, chẳng hạn như máy bay tuần tra của Nga. Ảnh Reddit

KSS-III được trang bị hàng loạt vũ khí tiên tiến, gồm sáu ống phóng ngư lôi 533mm, có khả năng phóng ngư lôi hạng nặng như K761 Tiger Shark của Hàn Quốc hoặc các loại tương đương của phương Tây, cũng như tên lửa chống hạm như Harpoon do Mỹ sản xuất hoặc Haeseong của Hàn Quốc. Ảnh Defense Express

Hơn thế nữa, tàu ngầm KSS-III Batch 2 còn có 10 ống phóng thẳng đứng, một đặc điểm hiếm thấy ở tàu ngầm phi hạt nhân. Những vũ khí này cho phép tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển từ khoảng cách hàng trăm dặm, mang lại cho Ba Lan tầm với chiến lược chưa từng có trong lịch sử hải quân của nước này.

Tàu ngầm KSS-III hứa hẹn sẽ đem lại cho Ba Lan những lợi thế về chiến lược. Những hệ thống hiện đại như AIP và pin lithium-ion cho phép tàu tuần tra bí mật trong thời gian dài, giúp tàu ngầm Ba Lan theo dõi hoạt động của Hải quân Nga ở vùng Baltic mà không bị phát hiện.

Bên cạnh đó, tính linh hoạt của KSS-III cũng có thể hỗ trợ cho nhiều nhiệm vụ, bao gồm tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến chống tàu mặt nước, thu thập thông tin tình báo và rải mìn, giúp giải quyết nhu cầu về một nền tảng đa năng của Hải quân Ba Lan.

Baltic là một vùng biển tương đối nông, đòi hỏi tàu ngầm phải hoạt động bí mật và giảm thiểu khả năng bị phát hiện. KSS-III có lớp phủ cách âm, giá đỡ đàn hồi và hệ thống đẩy tiếng ồn thấp giúp cho con tàu khó bị theo dõi, ngay cả khi so sánh với các biến thể lớp Kilo mới hơn của Nga như Dự án 636.3 Varshavyanka.

Về phía Hàn Quốc, đề xuất của Hanwha Ocean mở rộng ra ngoài phạm vi tàu ngầm, giải quyết cả nhu cầu hoạt động của nên công nghiệp Ba Lan. Hanwha cũng cam kết thành lập một trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu tại Ba Lan, được hỗ trợ bởi việc chuyển giao công nghệ cho các công ty địa phương.

Ngoài ra, trung tâm này cũng sẽ đảm bảo giao phụ tùng thay thế kịp thời, quản lý tình trạng lỗi thời của thiết bị và cho phép Ba Lan bảo dưỡng tàu ngầm của mình một cách độc lập, giảm sự phụ thuộc vào hỗ trợ của nước ngoài.

Đề nghị của Hanwha Ocean cũng là một bước đi táo bạo trong bối cảnh quốc phòng toàn cầu đang thay đổi. Và KSS-III Batch 2 không chỉ là một chiếc tàu ngầm, nó còn là biểu tượng cho sự phát triển công nghệ của Hàn Quốc và quyết tâm khẳng định vị thế là cường quốc NATO của Ba Lan.