Vợ ích kỷ

Ba giận em đến đổ bệnh, chỉ vì một câu nói thiếu suy nghĩ em đã thốt ra trong lúc vợ chồng cãi nhau.

Em bảo “Về làm dâu nhà anh, em được gì? Nhà đông anh em mà ba mẹ lại không nghĩ đến chuyện lo đất đai, nhà cửa cho con khi chúng lập gia đình. Bây giờ cả chục người chen chúc trong căn nhà ổ chuột thế này, sống làm sao nổi…”. Anh thật sự rất buồn khi em không hề cảm thông cho gia đình chồng.
Mẹ mất đã hơn 10 năm, mình ba chật vật mưu sinh nuôi tám đứa con khôn lớn. Anh hai lấy vợ, sinh con, vợ chồng sống cùng ba và các em đã sáu năm. Họ đang dành dụm tiền ra riêng. Còn em, cô con dâu mới, về nhà anh chưa được hai năm mà ngày nào cũng than khổ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nhà chật hẹp nhưng ba vẫn ưu tiên dành hai phòng trên gác cho hai thằng con trai đã có gia đình, còn ba và các em thì ngủ trên nền gạch. Mùa mưa đến, thấy nền gạch ẩm ướt, anh sợ ba ngã bệnh nên bàn với anh hai hùn tiền mua cho ba chiếc giường nhỏ để ba ngủ cùng chú út, những đứa em còn lại vẫn ngủ trên sàn nhà. Chỉ có vậy mà em làm quá lên, bảo là anh không biết nghĩ cho em, chỉ lo cho gia đình mình... Anh đã khuyên em cố gắng đồng cam cộng khổ, khi nào có điều kiện, anh sẽ xin ra riêng. Nhưng, em lại đùng đùng đòi đi thuê nhà ngay lập tức.
Em thử nghĩ lại xem, như thế có phải là ích kỷ? Anh phân tích để em thấy được vì sao mình nên ở cùng ba thì em lớn tiếng đôi co, nói ra những lời khiến ba đau lòng mà sinh bệnh. Thay vì chăm sóc ba để tỏ lòng ân hận, em lại bỏ về nhà mẹ đẻ, để mặc vợ anh hai lo mọi chuyện. Anh tìm đến thì em không chịu gặp, còn ra tối hậu thư “Khi nào anh thuê được nhà rồi hẳn gặp em”. Cách xử sự của em khiến anh vô cùng thất vọng.
Sao em không chịu hiểu lòng anh? Anh chỉ có một người cha. Đời ba anh gian khổ nhiều rồi mà con cái chưa đền ơn được. Có con dâu như thêm con gái, lẽ nào em không thể cùng anh báo hiếu cha già? Ba đã bao nhiêu tuổi rồi, em không thể vì anh mà giúp ba vui sống quãng đời còn lại sao?
Hy vọng em đọc được những dòng này và suy nghĩ lại. Anh rất mong em vì yêu anh, yêu ba mà trở về nhà.

Ngoại tình cũng có cái hay, cái thú riêng của nó...

Cô ấy già, nhăn nheo, xấu, chù ụ, cô ấy quê mùa, không biết chưng diện... Tôi đâu ngờ, có ngày tôi cũng bị chê giống hệt như vậy.

Sửa xong căn nhà của Ngọc Châu, tôi sung sướng thở phào. Vậy là từ nay chúng tôi đã có một tổ ấm đúng nghĩa. Còn căn nhà kia, dù sao thì nó cũng là của riêng Mai Lan, vợ tôi. Cô ấy đã được ba mẹ vợ tôi cho trước khi lấy chồng. Mà bây giờ điều đó chẳng có nghĩa lý gì bởi tôi đã có tổ ấm mới, với người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất. Chỉ nghĩ đến điều đó, tôi đã thấy lòng lâng lâng.

Thế nhưng mọi chuyện diễn ra không đúng như tôi nghĩ. Được không bao lâu thì Ngọc Châu bảo: “Anh phải về bên kia chứ, nếu không bà ấy lại chẳng chia cho”. Tôi ôm nàng vào lòng: “Cái quý nhất trên đời thì anh đã có trong tay, cần gì của ngoài thân ấy?”.

Nhưng nàng xô tôi ra: “Anh nói vậy mà nghe được sao? Của vợ công chồng. Mười mấy năm qua, anh đã đóng góp công sức thì anh phải có phần chứ?”. Tôi xoa má nàng: “Lúc anh làm có nhiều tiền nhất thì đã dồn hết cho em, còn tính toán công sức gì nữa? Nhà đó của mẹ con nó, chúng muốn làm gì thì làm, anh không quan tâm”. Ngọc Châu giãy nãy: “Anh không quan tâm nhưng em quan tâm”. “Thôi, thôi, không nói chuyện đó nữa, để từ từ rồi anh tính…”- tôi lại ghì chặt lấy nàng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ngọc Châu là mối tình vụng trộm của tôi cách nay 2 năm. Cả hai chúng tôi đều bị “sét đánh”. Nàng là nhân viên mới, tôi là sếp. Công việc hàng ngày cứ đưa đẩy chúng tôi lại gần nhau. Cho đến một ngày, tôi phát hiện, tôi không thể sống nổi nếu hôm đó không trông thấy cô nhân viên của mình.

Khi tôi nói với Ngọc Châu điều này, nàng không hề bất ngờ. Từ hôm đó, chúng tôi chính thức là nhân tình của nhau. “Nhân tình” là nói theo sách vở; còn vợ tôi thì bảo đó là “mèo mã, gà đồng”. Riêng mấy tay đồng nghiệp của tôi thì phong phú hơn. Họ gọi mối quan hệ này là “bồ bịch ngoài luồng”, là “tình công sở”…

Đó là nói sau này khi chuyện đã vỡ lỡ, chứ trước đó một thời gian khá lâu, chẳng ai biết gì. Có một điều lạ là sách vở nói đàn ông ngoại tình khi về nhà thường nuông chiều, tỏ vẻ yêu thương vợ hơn; còn tôi thì ngược lại. 10 năm sống với Mai Lan, chưa bao giờ tôi thấy vợ mình xấu xí, nhạt nhẽo, nhàm chán như vậy. Tôi luôn gắt gỏng với nàng bởi những lời ngọt ngào, tôi đã dành hết cho Ngọc Châu. Buổi tối, tôi còn không thèm đụng tới nàng bởi đầu óc cứ tơ tưởng đến người yêu non tơ, bé bỏng của mình. Tôi còn nghĩ, nếu mình ăn nằm với vợ thì rất có lỗi với người yêu. Có thể nói, tôi ngoại tình cả ngoài đời thật lẫn trong tư tưởng.

Nhớ có lần, buổi sáng đang bực mình chuyện gì đó mà Mai Lan chạy theo ra cổng để dúi vào tay tôi cặp lồng cơm trưa, tôi đã hất tung xuống đất: “Dẹp đi. Từ nay không nấu nướng, mang vác mấy thứ hôi hám này nữa. Ai đời trưởng phòng mà cứ bắt xách cơm trưa theo, không ra cái thể thống gì cả”. Tôi nhớ như in cái dáng vợ tôi lom khom nhặt nhạnh mọi thứ. Cô ấy không nói một lời...

Thật tình là khi ấy tôi có chạnh lòng. Thế nhưng tôi lại tự trấn an: “Ai biểu cô già, cô xấu, cô không biết nuông chiều làm chi... Mỗi người chỉ có một cuộc đời, sao cứ phải bắt tôi chết dí trong cuộc đời của cô và 2 đứa nhỏ?”. Nghĩ vậy rồi tôi thấy lòng thanh thản, thậm chí tôi rất hãnh diện khi buổi trưa sánh vai Ngọc Châu đi ăn ở tiệm cơm trưa văn phòng. Quả thật, ngoại tình có cái hay, cái thú riêng của nó...

Và tôi cho ngoại tình là chuyện... nhỏ như con thỏ. Thậm chí ngoại tình còn rất tốt cho cuộc sống vì nó khiến người ta yêu đời, phấn chấn, làm việc hiệu quả hơn. Chưa kể, nó còn làm cho người đàn ông ngoài bốn mươi như tôi trẻ đi hàng chục tuổi. Tôi chẳng mảy may bận tâm đến người phụ nữ cạnh mình mà đầu óc lúc nào cũng ở tận đẩu, tận đâu.

Tình trạng ấy kéo dài được hơn 1 năm thì Mai Lan bảo tôi: “Anh hãy nói với con nhỏ đó trả cha lại cho con em”. Thì ra mấy tháng rồi tôi đã quên mất việc đóng tiền trường cho hai đứa nhỏ. Nhà trường đã gởi giấy nhắc nợ, gọi điện cho vợ tôi. Tôi giật mình vì chợt nhớ ra khoản “tình phí” đáng kể mà tôi đã chi xài cho người yêu bé nhỏ, nó thâm vào cả phần tiền trách nhiệm làm cha của tôi. Giờ nghe vợ nhắc, tôi mới giật mình.

Sau đó khoảng 2 tháng, vợ tôi lại nói: “Anh bảo con nhỏ đó trả chồng lại cho em”. Tôi chợt nhớ, lâu lắm rồi tôi không gần gũi vợ. Đúng là tôi rất dở về khoản che đậy. Tính tôi vốn thật thà, ngay thẳng mà. Có bao nhiêu tinh lực, tôi đã xài bên ngoài thì còn đâu để trả bài cho vợ? Tôi đành thú thật: “Anh thấy không có hứng thú”. Vợ tôi làm thinh. Tối đó cô ấy dọn sang ngủ với con. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Lần thứ ba cách lần thứ hai khoảng 3 tháng, vợ tôi lại bảo: “Anh nói với cô kia trả anh về cho gia đình. Em chỉ nói lần này nữa thôi. Nếu anh không dứt bỏ mấy chuyện lăng nhăng, bậy bạ; mèo mã gà đồng thì đừng trách em sao không nhắc nhở”. Giọng điệu vợ tôi rất nhẹ nhàng nhưng sao lúc đó tôi nghe thấy rất chói tai. Hừ, dọa tôi à? Còn lâu tôi mới sợ. Lương trưởng phòng của tôi mỗi tháng 20 triệu, nếu không san sớt cho mấy mẹ con Mai Lan, tôi còn sướng nữa chớ ở đó mà dọa!

Sau này tôi phải công nhận sao lúc đó mình mê muội như vậy. Bao nhiêu trí khôn của tôi dường như đã mất hết. Tôi không nhận ra bất cứ lỗi lầm nào của mình mà chỉ thấy lỗi của vợ. Cô ấy già, cô ấy nhăn nheo, cô ấy xấu, cô ấy chù ụ, cô ấy quê mùa không biết chưng diện... Vậy thì chồng bỏ là đúng rồi, trách móc nỗi gì?

Tôi đâu ngờ, có ngày tôi cũng bị chê giống hệt như vậy. Và tôi không biết phải trách móc ai? Dọn về nhà mới với Ngọc Châu một thời gian thì một hôm nàng bảo: “Trông anh gớm thiệt, cứ nung núc như heo ấy”. Tôi giật mình. Đúng là sau này mình lười tập thể dục nên đã sồ sề, có bụng. Tôi cười: “Tại em đó, làm cho anh chẳng còn thiết làm gì nữa”. Sau đó mấy hôm, khi tôi đòi hỏi, nàng đẩy tôi ra: “Anh hôi chết được”. Tôi chưng hửng.

Những chuyện như vậy dồn lại, cho đến một ngày, người yêu bé nhỏ của tôi nói thẳng: “Em sắp rước mẹ và anh trai em ngoài quê vô ở chung, anh không ở đây được đâu”. Không ở đây thì tôi ở đâu? Chẳng lẽ về với vợ nhưng chúng tôi đã gởi đơn ra tòa rồi, tôi còn mặt mũi nào mà về? “Thì anh ra thuê nhà trọ ở”- Ngọc Châu mách nước. Nhưng ra đó thì ai sẽ chăm sóc, cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa cho tôi? Chưa kể rất nhiều thứ linh tinh khác mà tôi chỉ có thể làm được khi có người yêu bé nhỏ bên cạnh động viên, vỗ về. Tôi chết dí rồi.

Tôi tìm cách hoãn binh: “Em thuê nhà cho mẹ và anh ở được không? Anh sẽ trả tiền thuê nhà cho”. Nhưng Ngọc Châu kiên quyết: “Không được đâu, anh hai em mà thấy anh ở đây thì anh chỉ có nước nhừ đòn. Anh ấy rất cộc tính”.

Nàng kỳ hạn cho tôi trong vòng 2 tuần phải dọn đi. Tôi biết đi đâu bây giờ? Không ngờ đất trời bao la là thế mà cũng có ngày tôi không chốn dung thân! Bây giờ thì cái quan điểm “ngoại tình cũng có cái hay, cái thú của nó” đã lung lay.

Trước mặt tôi bây giờ là địa ngục vì tôi sắp sửa trở thành kẻ đầu đường xó chợ... Tôi thật sự không biết phải làm sao trong tình cảnh này vì kỳ hạn mà người tình bé bỏng ra cho tôi đã sắp hết...

Cọc đi tìm trâu thì đã sao?

Anh bảo thời buổi này người ta lên tới sao Hỏa rồi, phụ nữ làm tổng thống, thủ tướng thiếu gì, mắc mớ chi tôi yêu mà không dám nói.

Khi đi ăn bún bò Huế với Khang, tôi nghĩ, chắc là mình yêu người con trai này. Đơn giản vì anh cũng tinh tế như cái món đặc sản hút hồn người của quê anh.

Thế nhưng được một thời gian, tôi lại thấy sự tinh tế ấy trở thành áp lực, gò bó mà tôi, một cô gái sinh ra và lớn lên ở đất Sài Gòn khó mà tiếp thu, ghi nhớ và thực hiện được. Tôi bắt đầu sợ những lần Khang rủ tôi về nhà anh, đến thăm bà con, cô bác của anh dù họ cũng ở ngay thành phố này.

Rồi tôi gặp Hùng, chàng trai “cù lần một cây” đến từ xứ sở công tử Bạc Liêu. Anh giản dị như món bún mắm mà anh nấu đãi tôi và bạn bè trong một lần đến chơi nhà anh. Tôi không hình dung trong vòng 1 tiếng đồng hồ, anh đã nấu xong nồi bún mắm cho hơn chục người ăn. “Có gì đâu mà khó? Thịt thà, rau củ, tôm mực… tất cả xào với sả ớt cho thơm rồi đổ vô nồi nước mắm nấu sẵn thôi mà. Bún với rau thì kêu người ta đem tới. Bà già mình hồi còn sống nấu còn nhanh hơn...”- Hùng vừa gạt mồ hôi vừa cười.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hình như chưa bao giờ tôi ăn tô bún mắm nào ngon như vậy. Nó ngon còn vì ánh mắt biết nói của anh cứ nhìn tôi như muốn nói rằng bữa ăn hôm nay anh nấu cho riêng tôi. Thế là từ sau bữa đó, tôi cứ bị ánh mắt của anh đồng nghiệp mới ám ảnh. Tôi hay tìm cách đi ngang phòng anh, kiếm chuyện gọi điện thoại cho anh. Đặc biệt, tôi rất mong đến cuộc họp công ty chiều thứ bảy hàng tuần để được ngồi cạnh anh trong hội trường công ty. Khi đó cảm giác của tôi rất lạ. Nó cứ bổi hổi, bồi hồi như thể đang yêu…

Điều đáng nói là tôi không còn thích ăn bún bò Huế nữa. Tôi cũng không thích gặp Khang. Mỗi lần anh gọi điện, nhắn tin, tôi cũng lười trả lời. “Em bận lắm” là câu trả lời tôi sử dụng thường xuyên đối với anh. Đến nỗi anh ngạc nhiên: “Em sao vậy? Có giận gì anh không?”. Tôi bảo rằng anh đâu có làm gì để tôi giận, chỉ có điều là tôi muốn có thời gian để nhìn nhận lại một số vấn đề. Có vẻ như Khang đã ngờ ngợ nhận ra. Anh nói: “Hay là em có điều gì giấu anh?”.

Đúng là tôi có điều giấu anh nhưng tôi không dám nói thẳng. Dù gì thì chúng tôi cũng đã có hơn 2 năm gần gũi, gắn bó. Ba mẹ Khang đã mặc nhiên xem tôi là người yêu của con trai họ. Bà con, dòng họ của anh cũng nghĩ như vậy. Trước đây tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng từ khi gặp Hùng, tôi đã nghĩ khác.

Điều khó cho tôi là mối quan hệ giữa tôi với Hùng dường như chẳng tiến triển. Anh vẫn quan tâm đặc biệt đến tôi, vẫn nhìn tôi một cách khác thường mỗi khi có dịp gặp gỡ, vẫn mời tôi và bạn bè trong công ty đi ăn mỗi khi có dịp. Anh còn sẵn sàng làm dùm tôi những việc mà tôi cố tình kêu khó để nhờ vả.

Thế nhưng, anh đã không dưới ba lần nói với tôi rằng anh sợ con gái Sài Gòn. Rằng con gái Sài Gòn rất cao sang trong khi anh chỉ là một thằng nông dân quê mùa. Ông bà, cha mẹ anh mấy đời nông dân rặt ròng, quê mùa dốt nát; anh may mắn được ăn học đàng hoàng, được là kỹ sư này nọ nhưng cái cốt nông dân vẫn còn nguyên đó…

Nhiều khi tôi rất bực mình, cứ muốn nói huỵch toẹt ra là tôi thích anh nhưng mà mỗi lần sắp sửa nói, tôi lại thấy có cái gì đó chặn ngang, ngăn tôi lại. Không lẽ mình là con gái mà lại tỏ tình, lại nói yêu người ta? Chưa kể mang tiếng cọc đi tìm trâu, lỡ mai sau mà có thành duyên nợ thì biết đâu anh lại vin vào đó mà coi thường, ăn hiếp tôi?

Trong lúc tôi còn đang loay hoay với Hùng thì Khang lại đến tìm. Anh bảo ba mẹ anh muốn gặp tôi để bàn chuyện của hai đứa. Tôi tìm cách thoái thác thì anh giận dỗi: “Có chuyện gì em cứ nói thẳng với anh đi, đừng úp mở như vậy nữa. Nếu em có người khác thì anh sẽ rút lui cho em tự do”. Thật sự là tôi có người nào đâu? Hùng có nói yêu tôi đâu?

Thế nhưng tôi không dám nói thẳng với Khang, không muốn dứt khoát với anh bởi tôi sợ, nếu lỡ Hùng không yêu tôi thật thì có phải là tôi mất cả chì, lẫn chài không? “Nếu không yêu thì đừng để người ta hi vọng. Cứ lửng lơ như vậy thì chẳng có ai dám nói yêu cô đâu; chưa kể, có đứa con gái khác nhào vô cuỗm mất thì lúc đó chỉ còn chổng mông ngồi khóc”- anh hai tôi nói như vậy khi tôi tâm sự với anh chuyện khó nói của mình. Ý anh là tôi cứ chủ động nói rõ tình cảm với Hùng chứ đừng ngại ngùng, chờ đợi như vậy. Anh bảo thời buổi này người ta lên tới sao Hỏa rồi, phụ nữ làm tổng thống, thủ tướng thiếu gì, mắc mớ chi tôi yêu mà không dám nói, cọc đi tìm trâu thì đã sao?

Hay là tôi cứ nói huỵch toẹt với Hùng là tôi yêu anh?

Tôi có còn cơ hội?

Cuối cùng, anh cũng mở lời với tôi, chỉ có điều, tôi như đã được sắp đặt sẵn trong "kế hoạch cuộc đời" của anh.

Tiễn con trai và chồng ra sân bay, lòng tôi chênh chao khó tả. Nhìn con trai 13 tuổi hồn nhiên, hớn hở bên ba nó, tôi bỗng thấy thật cô đơn. Con trai tôi đang háo hức trước viễn cảnh tươi đẹp bên trời Tây mà ba nó sẽ đưa nó đến. Rồi đây, tương lai thằng bé sẽ tốt đẹp, rộng mở. Cuộc sống của nó sẽ được sung sướng, đầy đủ hơn. Đó là điều duy nhất khiến tôi được an ủi trong lúc này.

Chia tay mẹ, con trai tôi tỏ ra quyến luyến nhưng mắt vẫn ánh lên niềm vui. Ba nó vẻ mãn nguyện, nắm tay tôi trấn an: “Anh sẽ về rước em”. Tôi nghe lòng mình trống rỗng, lời anh như gió thoảng bên tai. Giờ đây, hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình đang để vuột mất tất cả. Con trai tôi là tất cả những gì tôi có, cũng ra đi không cách gì níu giữ được...

Cách đây mười mấy năm, tôi là cô thợ may được mai mối gặp anh, lúc đó anh là công chức. Chúng tôi không còn quá trẻ để yêu đương mơ mộng nên thấy hợp nhau thì tiến tới. Cuộc sống của chúng tôi dù khó khăn, vất vả nhưng cũng êm ấm, hòa hợp vì mỗi người đều biết sống cho gia đình. Con trai tôi ngoan ngoãn, giống ba như đúc. Tôi bằng lòng với hạnh phúc giản dị mình có.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một hôm, chồng tôi đi làm về trễ hơn mọi ngày, bảo gặp lại bạn cũ. Những ngày sau anh có vẻ ít nói và như đang có điều gì đó phải suy nghĩ, hỏi thì anh chỉ lặng im. Cuối cùng, anh cũng mở lời với tôi, chỉ có điều, tôi như đã được sắp đặt sẵn trong "kế hoạch cuộc đời" của anh. Chồng tôi bảo mình ly hôn hình thức, để anh kết hôn (cũng chỉ là hình thức) với cô bạn cũ đang định cư cùng gia đình bên Úc. Cô ấy sẽ bảo lãnh cho anh sang đó, lo công ăn việc làm cho anh, khi nào ổn định anh sẽ đón hai mẹ con qua. Tất nhiên tôi không đồng ý, nhưng anh kiên trì thuyết phục. Anh nhẹ nhàng phân tích cho tôi nghe đủ mọi điều tốt đẹp, hợp lý. Anh còn bảo, cô bạn ấy là bạn cũ từ hồi đi học, thấy hoàn cảnh bạn bè khó khăn thì giúp vô tư chứ không có ý gì. Không hiểu sao lúc đó tôi nghe những lý lẽ của anh thật thuyết phục. Rồi tôi cũng đồng ý.

Chúng tôi làm thủ tục ly hôn nhưng thực tế vẫn là vợ chồng, khi đó con trai tôi mới năm tuổi. Anh sang Úc gửi tiền về đều đặn nên cuộc sống của mẹ con tôi tốt hơn rất nhiều. Khoảng cách giữa chúng tôi như cũng không xa cách lắm vì vợ chồng, cha con vẫn thường liên lạc, trò chuyện với nhau qua webcam, voice chat... Mỗi năm anh về thăm mẹ con tôi một lần vào dịp Tết, rồi lại đi. Thời gian cứ thế trôi, anh luôn động viên hai mẹ con ráng chờ ngày đoàn tụ. Chờ đợi ngày đó là mục đích bao trùm lên cuộc sống của mẹ con tôi trong suốt một thời gian dài vắng anh. Nhưng, đến Tết vừa rồi anh mới lo được thủ tục bảo lãnh. Tôi chưa kịp mừng thì anh bảo chỉ bảo lãnh được mình con trai. Anh giải thích, chỉ bảo lãnh được cho từng người, dặn tôi hãy ráng chờ thêm. Tôi nghe hụt hẫng vô cùng, nhưng biết phải làm sao khi tất cả như đã an bài. Tôi nhận ra mình thật dại dột khi đặt hết lòng tin vào những điều chỉ nghe mà không thể thấy, không thể biết.

Trước đây, khi tôi chấp nhận kế hoạch của anh, gia đình tôi đã cản, bảo tôi nên suy nghĩ thật kỹ, nhưng tôi tin anh. Sau khi anh đi được vài năm, có người còn bảo anh đang sống hạnh phúc với cô người yêu cũ bên đó cùng một bé gái con của họ. Nhưng, mỗi lần anh về thăm, tôi hỏi thì anh phủ nhận. Tình cảm vợ chồng vẫn mặn nồng, anh đã xóa tan những nghi ngại trong tôi...

Gần tám năm qua, mẹ con tôi chờ đợi anh với niềm tin về một tương lai tốt đẹp. Giờ đây, khi con trai đi rồi, còn lại một mình, nhớ con quắt quay, tôi mới cảm nhận mình đã mất hết. Tôi còn biết bấu víu vào đâu để tin rằng anh sẽ quay lại? Năm nay tôi đã 42 tuổi, còn cơ hội nào để có thể đoàn tụ với chồng con?