![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Kỷ niệm 40 năm ngày cưới, tui tính tụ họp con cháu, làm một bữa tiệc nho nhỏ cho bà vui. Bà không chịu, cứ cản tui: “Ông bày vẽ làm gì cho mất công. Với lại, hồi trẻ không làm, giờ làm tụi nhỏ nó cười chết”. Khổ bà ghê, già rồi còn… mắc cỡ! Đã vậy, bà còn trách khéo tui hồi trẻ không biết… nịnh bà. Mà đúng thiệt, hồi trẻ tui không biết nịnh bà, là lúc ấy tui trẻ người non dạ. Giờ già rồi, từng trải hơn, thấy được “giá trị” của bà, nên phải tranh thủ nịnh càng nhiều càng tốt.
Đám cháu cứ nhao nhao: “Trời! Ông cưng bà thấy sợ. Tình cảm còn hơn cả đám trẻ tụi con!”. Tụi nó chỉ thấy giờ tui săn sóc cho bà từng miếng ăn, từng giấc ngủ, từng khi đau bệnh… Tụi nó chỉ thấy tui “già mà sến”, mua tặng bà khi thì cái khăn, lúc thì bó hoa. Nhưng tụi nó đâu có biết, bao nhiêu đó thì đáng gì, bởi tui nợ bà nhiều lắm, nợ cả cuộc đời…
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tui nợ bà cái danh, cái phận, nợ bà một đám cưới với đầy đủ nghi lễ. Bởi lẽ, cái tiếng ăn chơi của tui đến tai cha bà, và ông cương quyết không gả bà cho tui. Tụi mình tìm đủ cách thuyết phục mà không được, trong khi ông lại tìm cách gả bà cho một mối khác, vậy là bà trốn nhà để theo tui. Ngày đám cưới, chỉ có ba mẹ chú rể mà không có ba mẹ cô dâu. Đêm tân hôn, bà tủi phận mà khóc hết nước mắt…
Tui nợ bà nỗi cơ cực của những năm tháng vợ chồng. Tui vốn là thằng lông bông không nghề ngỗng, lúc lấy nhau, ba mẹ cho một cửa tiệm làm ăn. Nhưng sẵn tính ham chơi, tui khoán hết cho bà. Vậy là bà vất vả vừa kinh doanh, vừa nội trợ, vừa chăm sóc con cái. Còn tui cứ miệt mài từ cuộc vui này sang cuộc vui khác…
Tui nợ bà cả những tủi nhục, những uất hận của một người vợ trót có chồng trăng hoa. Lúc đứa con thứ hai mới chào đời, tui có “phòng nhì”. Cô ta trẻ đẹp, khôn khéo với vô số thủ đoạn. Tui mê mẩn cô ta, về đòi ly hôn. Bà cương quyết không chịu, nói tui muốn đi thì cứ đi, chứ bà không bao giờ đồng ý. Tui lại đòi chia tài sản để có tiền cho cô ta. Khuyên tui mãi không được, bà phải gạt nước mắt bán đi cửa tiệm, chia đôi tiền. Không thể về nhà mẹ đẻ được, bà phải dắt díu con sang ở nhờ nhà chồng, chịu cái tiếng bị chồng bỏ mà không có đường về…
Tui nợ bà cả một trời vị tha. Tui đi theo nhân tình được hai năm thì cũng gãy gánh, tiền bạc đội nón ra đi hết. Vậy mà khi tui lủi thủi quay về, bà cũng dang tay đón nhận. Rồi bà lại tiếp tục những chuỗi ngày vất vả vừa kinh doanh, vừa nội trợ, trong khi lão chồng bất tài chẳng giúp được bao nhiêu.
Tui nợ bà những tháng ngày vui sướng của tuổi trung niên. Bởi lẽ sau này, khi tui đã hồi tâm chuyển ý, chuyên tâm làm ăn thì cũng đã muộn. Lúc tui tạo dựng được chút tiền bạc, chút của cải để bà có thể hưởng chút an nhàn thì là lúc tuổi bà đã xế chiều…
Tui nợ bà nhiều lắm, những món nợ chẳng bao giờ trả nổi. Gần 70 tuổi, trải qua bao thăng trầm dâu bể, tui đã sai lầm vô số chuyện. Nhưng có một điều tui chắc chắn mình đã làm đúng, đó là cưới bà. Tui đã tìm được cho mình một “tài sản” quý giá nhất đời.
Em nhớ hồi đó anh không cho em tới công ty tìm anh, không cho em gọi điện thoại đến công ty khi có việc cần. Anh cũng không dám hẹn hò hay đi chung với em. Anh bảo vì con gái của giám đốc để ý anh, nếu biết anh đã có người yêu thì sẽ gây khó dễ.
Anh bảo em cố gắng chịu đựng một thời gian, khi nào anh củng cố vị trí thật vững vàng ở công ty thì sẽ công khai tuyên bố, giới thiệu em với mọi người.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Anh đâu biết cái em cần là một tình yêu chân thật nhưng nó đã bị đánh cắp. Từ đó, em nghiệm ra rằng đừng tuyệt đối hóa bất cứ vấn đề gì, kể cả tình yêu. Bởi một khi người ta tính toán thì tình yêu cũng trở thành thứ để đổi chác.
Em đã luôn nghĩ như thế cho đến lúc gặp lại anh. Chiếc áo mà gia đình bên vợ khoác lên người anh quá rộng nên anh không thể nào thích nghi. “Vợ chồng anh không hạnh phúc, sống với nhau được 5 năm thì cô ấy đòi ly hôn. Anh không còn gì ngoài một bài học cay đắng, rằng khi yêu thì đừng nên tính toán…”. Anh đã nói với em như vậy trong ngày gặp lại.
Bất giác em hỏi: “Anh có cần em giúp gì không?”. Hỏi xong rồi em mới nhớ, đó chính là câu ngày xưa anh đã nói với em. Có lẽ anh không cần giúp gì bởi anh biết rõ, em chẳng có gì ngoài một tình yêu không tính toán…
Lâu lâu mới có dịp họp nhóm bạn học cũ thời đại học, chị râm ran kể chuyện chồng con. Chị bảo ông xã trước khi lấy chị rất cá tính, thuộc dạng ương ngạnh, nhưng chỉ 5 năm chung sống đã nghe lời chị răm rắp. Mới đầu đám bạn ồ à, ai cũng tưởng chị dùng biện pháp “giường chiếu” để chinh phục chồng. Chị phẩy tay, lắc đầu, cười: “Đó chỉ là phụ thôi. Cái chính là lời ăn tiếng nói. Đàn ông nào mà chẳng thích ngọt. Ngọt mật mới chết ruồi”.
Để chứng minh cho kết quả chị “huấn luyện” chồng thành công, chị kể ra rả. Chị gặp chồng thông qua mai mối. Sau hai tháng tìm hiểu thì kết hôn. Trước khi cưới nhau, chồng chị có một nhóm bạn độc thân vui tính hơn chục người. Vì độc thân nên các anh làm đồng nào xào đồng ấy. Không bia bọt nhậu nhẹt thì cà phê tán dóc. Chồng chị là trưởng nhóm của cái hội độc thân ấy nên việc chung chi càng mạnh tay hơn. Ngay cả khi làm đám cưới, chồng cũng phải mượn tiền của bà con dòng họ. Nhưng chỉ một năm sau ngày cưới, vợ chồng chị đã gom góp tiền mua được miếng đất ngoại thành.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Sau khi tách thành công nhóm bạn, chị lại lên kế hoạch đẩy chồng ra xa những người bà con, họ hàng mà theo chị thì “lợi dụng” chồng chị là chính. Chị khuyên chồng phàm việc gì không có lợi cho quan hệ, công việc làm ăn của mình thì anh chỉ nên chơi xã giao. Chẳng biết chị dỗ dành thế nào mà chồng nghe theo như bị bỏ bùa. Không người bà con nào dám bén mảng đến nhà vợ chồng chị. Ngay cả cha mẹ chồng hay cha mẹ ruột của chị, mỗi lần sang thăm cháu ngồi chưa nóng chỗ đã phải vội vã về ngay.
Từ khi mở tiệm buôn bán phụ tùng xe máy, chị càng có dịp đăng đàn “dạy” chồng. Chị nói đàn ông chỉ mèo mỡ khi trong túi rủng rỉnh tiền bạc. Phụ nữ muốn giữ chồng thì phải giữ túi tiền của anh ta trước. Sau một ngày buôn bán, chị sờ túi trên, nắn túi dưới, móc đến những đồng tiền lẻ cuối cùng. Chị kể nhiều bận anh chạy xe SH, quần áo bảnh bao mà xe hết xăng không có tiền đổ. Anh phải điện thoại gọi vợ ra cây xăng trả tiền. Chị cười hô hố, bảo “thấy cũng tội nhưng thôi thì kệ”. “Không nên đối xử tốt với đàn ông, họ hay sinh tật. Nhưng cái sự đối xử xấu ấy, mình chỉ nên để trong lòng, còn trước mặt thì vẫn phải giả lả, ngọt ngào”. Đám bạn ai cũng bảo chị giả tạo. Chị cười xòa. Chị bảo thời nay mối quan hệ nào cũng phải kiểu cách như vậy mới “lâu bền, tốt đẹp”.
Ngoài chuyện xiết chặt tiền bạc của chồng, những khi tiệm vắng khách hay ế ẩm, chị lại tỏ ra rầu rĩ, thở than. Chị kể lể ngày xưa chị có ti tỉ người giàu có, bảnh bao theo đuổi nhưng thương anh nghèo mà có ý chí nên vẫn nhận lời lấy anh. Chị cứ thổn thức bằng những lời ngọt nhạt để anh thấy ray rứt mà cố gắng phấn đấu. Anh lại chạy đôn, chạy đáo tìm cách làm cho cửa tiệm buôn bán tấp nập trở lại. Anh cày ngày, cày đêm cốt chỉ để vợ vui vẻ, hài lòng.
Trong khi anh ngày càng héo hon vì gánh nặng tiền bạc, công việc thì chị lại trẻ trung, phơi phới. Chị bảo, nhiều người phụ nữ ngu ngốc, suốt ngày chỉ biết cắm mặt làm lụng, lấy tiền về lo cho chồng con mà không biết tu bổ nhan sắc. Đàn ông chẳng bao giờ biết ơn, còn chê ỏng chê eo vợ vừa già, vừa xấu. Chị thì không như vậy. Chị cứ sắm sửa, ăn diện, nâng cấp nhan sắc để chồng “vừa yêu vừa xiêu” mà vắt sức ra lao động phục vụ cho mẹ con chị.
Tình cờ một lần ghé nhà chị, tôi gặp anh. Người ta nói phụ nữ sau khi lập gia đình thường già nhanh hơn chồng, nhưng xem ra trường hợp của chị thì ngoại lệ. Anh đang ngồi uống bia một mình. Chị bảo mỗi tối “cấp” cho anh hai lon bia để anh bồi bổ sức khỏe. Vừa thấy bạn vợ, anh lúng túng, ngượng ngập. Tôi cười đùa, cố ý châm chọc: “Bia ngon không có bạn hiền, sao uống được anh?”. Chị cười mỉa: “Úi dào! Bạn với chả bè làm gì cho rắc rối. Tụ tập ăn nhậu đông đúc lại sinh chuyện”. Anh im lặng, uống từng ngụm bia, ánh mắt xa xăm. Trông anh như một đứa trẻ lớn xác bị vợ giam giữ, canh chừng.
Tôi tự hỏi chẳng biết chồng chị có hạnh phúc không khi lấy được cô vợ quá “khôn khéo”. Và liệu anh có bao giờ cảm thấy cô đơn khi mỗi ngày vợ càng rào kín mọi mối quan hệ xã hội của anh?