Tình yêu ra đi cùng cái tát

(Kiến Thức) - Chúng em yêu nhau được hai năm, cảnh sống xa nhà, để tiết kiệm và cũng chắc chắn sẽ kết hôn, chúng em bàn bạc dọn về sống chung.

Chúng em yêu nhau được hai năm, cảnh sống xa nhà, để tiết kiệm và cũng chắc chắn sẽ kết hôn, chúng em bàn bạc dọn về sống chung. Một năm đầu, cuộc sống của chúng em rất vui vẻ, hạnh phúc. Thế nhưng, mọi êm đẹp đã chấm dứt khi anh ấy ra trường, đi làm. Anh ấy thường xuyên la cà nhậu nhẹt, có khi qua đêm cũng không về, chúng em cãi vã rất nhiều. 
Đỉnh điểm của mâu thuẫn là một lần em tìm đến nơi anh ấy nhậu, trút bực dọc lên đám bạn của anh và anh đã tát em trước mặt mọi người. Sau đó, anh có xin lỗi em, nhưng cùng với cái tát đó, tình yêu trong em đã ra đi. Giờ em rất muốn chia tay, nhưng chỉ băn khoăn, đã quá nhiều người biết em sống như vợ chồng cùng bạn trai. Liệu sau này, có người đàn ông nào chấp nhận quá khứ đó của em không? - Trần Mai Ly (Thanh Hóa).
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mai Ly thân, việc hai em sống chung cũng giống như giai đoạn đầu hôn nhân của các cặp vợ chồng, rất dễ nảy sinh mâu thuẫn. Bởi nó là sự cọ xát, phơi bày những tính cách thực của nhau, nhất là trong hoàn cảnh có những khó khăn, không giống như thời yêu đương “đơn thuần” chỉ toàn những lãng mạn, ngọt ngào. Tuy nhiên, khi có sự ràng buộc bởi hai chữ hôn nhân, các cặp đôi sẽ có trách nhiệm điều chỉnh để đi đến sự hòa hợp hơn là những đôi lứa trong tình trạng “sống thử”. 
Theo thư em kể, Tri Giao thấy mâu thuẫn của hai em chưa đến mức nghiêm trọng đến mức phải chia tay. Còn nếu chỉ vì cái tát của anh ấy, thì trong tình huống này em cũng có một phần lỗi, đã khiến anh ấy “mất mặt” trước bạn bè. Hãy hạ thấp cái tôi và kìm chế cơn nóng giận, đưa ra những thỏa thuận với anh ấy để tìm giải pháp. Đừng vội buông tay khi chưa thử níu giữ. Chúc em hạnh phúc. 

Tình tan như chiếc cốc rơi

Tôi nói ngay để anh đừng tiếp tục đóng kịch rằng tình đã tan như chiếc cốc rơi, có vun nhặt chỉ làm đứt tay mà thôi.

Tôi chúa dị ứng với những người con trai khi yêu cứ hay thề thốt, để rồi sau đó lời thề theo gió bay đi. Nhưng oái oăm thay, "ghét của nào trời trao của ấy" nên tôi  "chết" ngay một anh, khi nghe anh rót mật vào tai "thề yêu em suốt đời".

Cũng yêu, thương, giận, hờn, chia tay, chia chân vài bận lại hàn gắn. Đa số lỗi do anh, nhưng anh khéo nói lắm, toàn những lời có cánh với những cử chỉ âu yếm, lời xin lỗi rất chân thành, lời biện minh toàn do ngoại cảnh đem đến chứ : "anh thề trong trái tim anh chỉ có em" khiến tôi mau chóng xiêu lòng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thực sự tôi cũng không hiểu nổi mình, sao anh cứ diễn mãi điệp khúc thề thốt sến sẩm mà tôi vẫn lại đổ, vẫn sẵn lòng tha thứ cho anh mới lạ chứ. Hay khi yêu tôi bị ù tai, mờ mắt rồi?

Công bằng mà nói anh là người đã hút hồn tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dáng người, khuôn mặt rất nam tính, anh luôn chi tiêu rộng rãi và rất có kinh nghiệm chọn món quà thích hợp với dịp nào để tặng tôi. Cộng thêm những lời thề thốt ngọt ngào, cùng vòng tay mạnh mẽ như chở che, làm tôi khó lòng giận anh lâu được.

Nhưng sự đời, tuồng nào diễn mãi rồi cũng nhạt, lời yêu nghe lắm cũng nhàm tai. Tôi đâm cảnh giác với những lời thề của anh khi anh hay lí do nọ kia để không đến chỗ hẹn. Hôm rồi tình cờ tôi gặp anh đang hót như khướu với cô em gái của bạn tôi. Qua bạn, tôi biết được rằng anh đã thề thốt với em gái cô ấy rằng anh và tôi đã chia tay, anh sẽ "yêu em suốt đời" tôi bật cười, tự hỏi không biết đời anh dài đến đâu, mà gặp em nào anh cũng có thể “suốt đời" với họ một cách dễ dàng thế.

Tối thứ 7, anh đến nhà tôi với vẻ mặt hối lỗi, anh nói đó là anh ngộ nhận, chót chao đảo khi gặp em ấy, chứ lòng anh lúc nào cũng hướng về tôi. Anh không ngờ tôi đã biết thóp trò mèo của anh qua bạn tôi và cô em gái bạn tôi đã từ chối thẳng thừng với anh ngay sau đó. Tôi nói ngay để anh đừng tiếp tục đóng kịch rằng tình đã tan như chiếc cốc rơi, có vun nhặt chỉ làm đứt tay mà thôi. Dẫu có vun đủ mảnh, thì cũng chẳng có loại keo nào có thể hàn gắn mà không để lại những vết nứt xấu xí. Tốt nhất hãy để lời thề của anh bay theo gió.

Chồng cứ ngồi vào mâm là “bới lông tìm vết”

Đừng nói gì đến chuyện khen ngon theo… phép lịch sự! Cứ ngồi vào mâm là anh “bới lông tìm vết”.

Chị Ngọc xách giỏ, dắt xe đi chợ, miệng lẩm bẩm một câu quen thuộc:

- Riết rồi chẳng biết ăn cái gì!

Chị Ngọc không phải là bà nội trợ vụng về, ngược lại là đằng khác. Người ngoài nhìn vào mâm cơm nhà chị không khỏi trầm trồ. Dinh dưỡng đầy đủ, màu sắc phong phú, thơm ngon. Bữa cơm nhà chị lúc nào ít nhất cũng phải ba món, không có chuyện trùng lặp thực đơn. Vốn khéo tay, chịu khó dành thời gian học hỏi cùng với đam mê nấu nướng, tay nghề chị ngày càng khá hơn. Đi đâu tụ họp bạn bè, chị đều được mọi người ngưỡng mộ và khen ngợi vì biết nấu nhiều món, trình bày đẹp mắt.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thế nhưng, chồng chị thì lại không nghĩ thế. Anh vốn khó chiều, lại kén ăn, ít khi ghi nhận nỗ lực của vợ. Đừng nói gì đến chuyện khen ngon theo… phép lịch sự! Cứ ngồi vào mâm là anh “bới lông tìm vết”. Hôm nay ăn món này thì anh nhắc món kia, chép miệng. Rồi anh so sánh, chê bai. Sao canh khoai mỡ mà không thấy đi chung với tép kho ba chỉ? Sao đậu que mà không chấm chao mà lại kho quẹt? Cái món này, lẽ ra phải cho thêm thật nhiều hành lá mới đúng điệu… Dường như nhìn tô dĩa nào trên bàn anh cũng thấy có thiếu sót. Rồi thì anh mang những thứ đã được thưởng thức bên ngoài ra kể, tỏ ra sành điệu. Nhìn thái độ của anh, chị Ngọc vừa giận vừa bực. Đàn ông gì mà khó chịu, vô duyên đến thế! Chẳng lẽ lại sẵng giọng bảo, thì thôi, anh đến chỗ nào ưng ý mà ăn cho vừa lòng!

Nhớ hồi mới quen, anh làm công nhân quèn, ăn tô mì gói không rau không trứng chị làm, cũng vui vẻ kêu ngon đáo để. Cuộc sống ngày càng dễ thở hơn, chị cũng “tăng đô” cho bữa cơm gia đình, nhưng sự hào hứng của chồng con dường như ngày càng tỷ lệ nghịch. Ăn gì cũng kêu ngán. Dọn gì cũng uể oải lấy lệ. Có người nội tướng nào mà chẳng thấy muốn tắt bếp cho xong!

Chị Ngọc chán nản than, chồng mình “vọng ngoại”, chỉ thích quán xá nhà hàng. Bao người mơ một bữa cơm canh nóng sốt, nhiều rau ít béo, đơn giản mà ngon còn không có. Đằng này, chị quan tâm tới bao tử cả nhà, để ý từng sở thích nhỏ trong ăn uống, mà vẫn không đủ sức làm cho mấy cha con hài lòng.

Hôm rồi có bạn rủ qua nhà chơi, tới bữa chồng bạn về, bạn vô tư bảo, anh coi có gì ăn tạm dùm, em bận khách rồi. Chồng bạn vui vẻ xuống bếp, lục đục nấu nướng. Bạn bảo: “Ông chán lắm bà ơi, chẳng biết thưởng thức gì cả, cho gì ăn nấy, không bao giờ ý kiến ý ve. Tui có bày biện nấu nướng gì thì cũng như không, ông buông đũa đứng lên là quên ngay mình vừa được xơi món gì. Có chồng như thế, chả muốn vô bếp chi cho nhọc...”.

Chị Ngọc tần ngần nghĩ, chẳng biết, giữa một ông chồng thờ ơ với chuyện cơm nước, mặc kệ vợ muốn nuôi sao cũng được, với một quý ông cái gì cũng chê bai cấm cảu như chồng mình thì bà vợ nào khổ hơn. Hay đàn bà, vốn chỉ thích loay hoay tự làm khổ mình? Đường đến trái tim đàn ông phải đi qua bao tử, câu ấy quen thật, nhưng muốn làm vừa khẩu vị của chồng cũng không dễ dàng gì. Huống hồ bây giờ là thời của cơm hàng cháo chợ, mở cửa ra là gặp hàng ăn, từ cơm bụi bình dân đến nhà hàng mát rượi…