Người đàn bà bỏ chồng

Chị sẽ là người đàn bà bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ, sẽ thỉnh thoảng chị cô đơn đến nhói lòng khi nhìn người ta có cặp có đôi. 

Không nhiều đồ đạc cần phân chia khi anh chị quyết định đường ai nấy đi. Một chiếc tủ đứng cũ kỹ đã bong cả vecni, nham nhở những mẩu vụn gỗ xù xì và đầy những đường vẽ chì màu của hai thằng “giặc cỏ” nhà chị. Một cái bàn khập khiễng và bốn cái ghế nhựa. Một chiếc giường gỗ có chạm đôi chim tung cánh hai bên cặp trái tim lồng vào nhau là quà cưới của bố chị - vốn là một thợ mộc, tặng hai người. Khó chia có chăng là hai thằng con trai, một đang học lớp 2 và một chưa đầy năm tuổi, chia kiểu nào cũng dở. Và, rất nhiều nỗi đau trong lòng chị, chẳng biết phải chia sớt thế nào.
Chị không xinh đẹp, càng không đào hoa. Cuộc sống lam lũ với vai trò con gái lớn trong gia đình khiến chị phải phụ bố cáng đáng nhiều việc, từ đồng áng đến nuôi lợn, chăn gà. Người anh cả thoát ly cuộc sống ở vùng quê mà anh chê “ao tù nước đọng” theo người ta đi hái thuê hồ tiêu, cà phê. Bố bảo, thôi thế cũng được, miễn nó làm được cái mà ăn rồi nên người. Mà chắc anh cũng làm ăn được thật, mỗi khi có người về, anh không quên gửi mấy bộ quần áo mới và ít đồ cũ về cho các em. Có khi, anh gửi cả tiền, món tiền nhỏ nhưng khiến bố mừng rơi nước mắt và đủ để chị thấy cảm phục khi nghĩ về anh. Quá nhiều nỗi lo, chị dặn mình không được nghĩ đến việc lấy chồng sớm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
17, 18 tuổi, khi các cô gái cùng lứa đã biết liếc mắt làm duyên thì chị vẫn cặm cụi như một con gà mái mẹ. Rồi đúng là “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, bố chị bắt đầu sốt ruột. Chị quen anh khi bước sang ngưỡng “đã toan về già”. Anh hơn chị 11 tuổi, đã qua một đời vợ. Người thì nói anh bỏ vợ. Người nói anh bị vợ bỏ. Chẳng biết thế nào. Cuối cùng, chỉ thấy anh ở một mình, ba đứa con đi cùng mẹ, chả mấy khi về thăm bố. Anh làm thợ hồ, đến xây nhà hàng xóm của chị, khi bị mọi người ghép đôi, họ bắt đầu để ý đến nhau.
Mấy đứa em chị ra sức phản đối, không muốn chị mình lấy một người bị vợ bỏ, lại có những ba đứa con riêng. Anh trai cả điện về, bảo tùy cô quyết định. Bố chị nửa chạnh lòng, nửa muốn con gái mình yên bề, dù gì chị cũng chẳng còn trẻ trung. Còn chị, chị mong có một bờ vai để tựa…
Bố đóng một chiếc giường cưới cho con gái. Anh cả thu xếp về được một tuần lo cái đám cưới nho nhỏ cho em. Không đứa nào trong số ba con riêng của anh tới dự, mấy đứa em chị cũng tạm hài lòng.
Hai thằng con trai lần lượt ra đời khiến gánh nặng cơm áo càng nặng hơn trên đôi vai vốn chai sần của chị; nhất là khi công việc thợ hồ của anh bữa đực bữa cái, anh mắc thêm cái bệnh đau lưng của người “sắp già” hay làm việc nặng. Tằn tiện, tích cóp, vay mượn thêm của anh cả và vài người bà con, anh chị mua được mảnh đất nhỏ, cất một cái nhà, gọi là có chỗ chui ra chui vào. Bố chị vui trông thấy, mấy đứa em chị thôi nhắc chuyện ngày xưa.
Hai đứa con và người chồng tóc bạc gần nửa khiến chị cảm thấy nhẹ lòng. Dù sao, ông trời vẫn còn thương chị…
Cho đến khi anh đổ mình vào những con bài. Cái nhà vốn chẳng nhiều đồ đạc càng bị anh làm trống trải thêm. Cái ti vi cũ mà hai đứa con mỗi lần muốn xem lại phải đập đập mới chịu có hình, cái quạt điện anh cả mua cho bố, rồi bố chị nhường cho các cháu, đến cả cái nồi nấu cám lợn và mấy con gà đang đẻ cũng lần lượt ra đi sau những lần anh cố gỡ gạc. Chị nhắc mãi, nhẹ nhàng, khóc lóc rồi van xin, dọa bỏ… Anh đối phó với chị ban đầu bằng cách ăn năn, hứa hẹn, rồi sau bằng cả những cái bạt tai. Đồ đạc thì cứ lần lượt theo anh ra khỏi nhà.
Bố chị già sọp hẳn đi khi thấy con rể ngày càng đổ đốn. Mấy đứa em chẳng nỡ nhắc đến chuyện buồn, ôm chị khóc rưng rức, bù đắp bằng cách phụ chị nuôi hai đứa cháu. Anh cả về, khuyên cô đi theo con đường của anh ngày xưa, dù phải xa nhà xa quê nhưng dễ sống hơn. Bố có thể ở nhà cùng mấy đứa em hoặc theo anh cả để anh phụng dưỡng. Chị thấy lời khuyên của anh cũng xuôi.
Cuộc họp gia đình diễn ra chóng vánh. Chồng chị bảo muốn đi đâu thì đi, muốn mang theo một hay cả hai đứa con đều được, càng rảnh nợ. Rồi anh ta tu nguyên cả chai rượu, lè nhè đi khỏi nhà. Đêm về, nồng nặc mùi rượu, anh ta trèo lên người chị, vừa hành hạ vừa lảm nhảm những câu vô nghĩa. Chị cắn răng…
Rồi chị sẽ là người đàn bà một nách hai con nhỏ trông cậy vào anh trai và những người xa lạ. Rồi chị sẽ là người đàn bà bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ. Rồi, có thể lắm, sẽ thỉnh thoảng chị cô đơn đến nhói lòng khi nhìn người ta có cặp có đôi. Nhưng, đau thì cũng đã đau rồi, chị tự nhủ, dù gì mình vẫn có hai đứa con…

Nhiều người tính không bằng một người đàn bà tính!

Xoảng! Ly nước trên cái kệ sát giường ông rơi vỡ tan tành. Ông đi đột ngột mà chỉ có cô và người đàn ông kia mới hiểu vì sao.

Cách đây hơn 20 năm, gia đình ấy đang hạnh phúc thì một biến cố xảy ra. Cậu con trai lớn lúc đó đã 20 tuổi, mắc bệnh nan y không qua khỏi. Sự ra đi của cậu không chỉ để lại bao đau đớn cho người thân mà còn phát sinh một nỗi lo lớn vì cậu là cháu đích tôn, cháu trai duy nhất của dòng họ.

Sau một thời gian, nỗi đau cũng nguôi ngoai nhưng áp lực nối dõi tông đường thì ngày một lớn. Mẹ cậu đã ở cái tuổi khó mà sinh nở thêm, nhưng ba cậu tuy ngoài 50 vẫn có thể kiếm con. Đó là ý kiến của mọi người trong dòng họ. Vì thế, cần phải có sự hy sinh cho việc lớn. Thêm một lần nữa mẹ cậu nén nỗi đau, chấp nhận ly hôn để chồng có cơ hội kiếm con trai nối dõi, bà nuôi cô con gái nhỏ. Ông để căn nhà mặt tiền cho vợ con, giữ lại một cơ sở sản xuất nho nhỏ đủ để gầy dựng tổ ấm mới. Thực ra, ông cũng nuối tiếc một gia đình đang ấm êm bỗng dưng tan đàn sẻ nghé. Ông thương người vợ hiền đã cận kề bên ông suốt từng ấy năm trời. Ngày xưa, ông bà từng có mối tình đẹp với bao kỷ niệm, làm sao ông quên được. Nhưng, cuộc sống là cuộc sống, đôi khi ta buộc phải làm những điều ta không muốn.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Qua mai mối của người trong họ, ông về quê gặp một cô gái trẻ, nhỏ hơn ông đến 32 tuổi, là con gái một gia đình nông dân nghèo chấp nhận làm vợ ông. Cái tuổi 25 của cô lúc đó ở quê đã là ế, dù cũng có vài trai làng ngắm nghía nhưng cô không muốn đời mình bị cột chặt vào mảnh đất khô cằn sỏi đá đó nên còn lần lữa. Cô muốn tìm cơ hội đổi đời...

Ngày ông về đưa cô đi, trong tay cô chỉ có chiếc túi du lịch sút mất một quai. Vẻ quê mùa, mộc mạc hiện rõ trên nét mặt, dáng người cô. Nhưng, nếu tinh ý, người ta sẽ nhận ra đôi mắt đen láy, sáng rực, đầy khát vọng. Về với ông, sau hai năm, cô sinh được thằng cu kháu khỉnh. Ông mừng chảy nước mắt, cả họ nhà ông ở quê cũng mở tiệc ăn mừng. Khỏi phải nói cũng biết, cô được chồng và họ nhà chồng quý đến thế nào. Cô nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới nơi phồn hoa đô hội, thay đổi từng ngày. Ông vốn giỏi kinh doanh, có bản lĩnh, lại dám nghĩ, dám làm, nay có thêm sự thông minh, nhạy bén và tuổi trẻ của vợ hỗ trợ, cơ sở làm ăn ngày càng phát triển. Chưa đầy chục năm, tài sản của họ được nhân lên gấp nhiều lần. Vợ chồng ông thành lập công ty.

Đến nay, cậu ấm của ông 15, 16 tuổi, ông đã 75. Năm rồi ông bị tai biến, may mà nhẹ nên cũng qua, nhưng sức khỏe ông suy sụp rất nhanh, so với lúc về quê đưa cô đi thì đã một trời một vực. Ngày ấy, nhìn ông còn mạnh mẽ, phong độ lắm, vẫn có thể là một chỗ dựa vững chắc, cũng vì thế mà cô gật đầu chịu theo ông ngay.

Bây giờ, ông tự biết mình nên cũng chẳng quá khắt khe với vợ. Những việc quan trọng ông giao lại hết cho cô. Ông trao cho vợ cả những bí mật cuối cùng trong công việc làm ăn. Con người ta sống chết chả biết thế nào, ông đã tai biến một lần, chắc không tránh khỏi lần sau... Cô bước vào tuổi 40 đã một hai năm nhưng nhìn trẻ hơn nhiều. Cô giờ là một phụ nữ hiện đại, giàu có, sành điệu, là một quý bà thay ông điều hành công việc, giao tiếp trong làm ăn, lái xe hơi vun vút. Và, không thể tránh khỏi bên cạnh cô luôn có mấy gã trai lực lưỡng, tương xứng, mà ông giả vờ như không biết. Cô đã cho ông điều ông muốn, nói đúng hơn là cho cả họ nhà ông. Thế là đủ!

Cô hiểu ông nên cũng cố không làm ông đau lòng. Không có ông thì cô đã chẳng có ngày hôm nay. Ông là chồng cô, nhưng từ lâu ông đã như cha của cô. Cô chọn người giúp việc chăm ông cẩn thận, chu đáo. Ông và cô đã tựa vào nhau gần 20 năm trời...

Mấy hôm nay ông mệt lắm, miệng tự dưng bị giật méo sang một bên, nói năng, ăn uống khó khăn, nhễu nhão, nên ông chẳng muốn đi đâu. Thằng con trai đi học về ghé qua phòng ông chào một tiếng rồi lại đi. Nó học suốt ngày, chẳng mấy khi ông gặp mặt. Cô dặn người làm chăm sóc ông cẩn thận, có gì phải báo cho cô ngay. Ông hiểu cô đang thay ông gánh trên vai trách nhiệm nặng nề. Có cô, ông thấy nhẹ lòng, dù có phải ra đi.

Ông nằm thiêm thiếp bỗng giật mình vì nghe tiếng động, rồi có tiếng nói chuyện khe khẽ, nhưng đủ để ông nghe rõ tiếng cô: “Đã nói rồi, cứ chờ đi!”. “Anh đã chờ mười mấy năm nay rồi còn gì? Anh muốn nó biết anh là ai trước khi nó căm thù anh”, tiếng đàn ông, hình như là người đồng hương thân tín của ông từ ngày mới gầy dựng sự nghiệp. Nhưng, anh ta đang nói gì thế? Ông cố lắng nghe. “Anh đã chờ được bao nhiêu năm nay thì ráng chờ thêm chút nữa. Chắc không lâu đâu!”, lại tiếng cô: “Em muốn ông ấy được an tâm, thanh thản đến ngày ra đi”. “Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Sang thế giới bên kia rồi ông ấy sẽ biết ngay nó là con anh...”.

Xoảng! Ly nước trên cái kệ sát giường ông rơi vỡ tan tành. Cô hốt hoảng cùng người đàn ông kia chạy vào đã thấy ông mắt trừng trừng, uất ức. Ông đi đột ngột mà chỉ có cô và người đàn ông kia mới hiểu vì sao.

Chẳng biết điều bí mật đó sẽ giữ được đến bao lâu. Người tính không bằng trời tính. Đúng hơn là nhiều người tính không bằng một người đàn bà tính!

Yêu người nghiện thuốc lá?

(Kiến Thức) - Trong những người đang theo đuổi em, anh ấy là người xuất sắc nhất, em cũng có tình cảm nhiều với anh, chỉ có điều anh nghiện thuốc lá.

Trong những người đang theo đuổi em, anh ấy là người xuất sắc nhất, em cũng có tình cảm nhiều với anh, chỉ có điều anh nghiện thuốc lá. Anh ấy không hút trước mặt em, nhưng lại hồn nhiên kể rằng mỗi ngày ít nhất anh phải đốt hết một bao. Em vốn dị ứng với khói thuốc lá, nghe anh ấy nói vậy em thấy rất thất vọng, buồn bã, em cũng đã chia sẻ điều này với anh ấy. Anh ấy hứa với em sẽ bỏ thuốc và anh đã làm được, người bạn thân của anh cũng đã chứng thực điều này với em. 
Nhưng em nghe một vài chị có gia đình nói, đàn ông có thể bỏ vợ chứ chẳng bỏ được thuốc, họ chỉ làm thế để chinh phục được mình, lấy nhau rồi đâu lại vào đấy, chồng các chị cũng vậy. Em hoang mang quá, nếu quả thực như vậy thì chẳng biết em có nên tiến xa với anh ấy hay không, sống cùng với một người chồng nghiện thuốc lá thì chắc chắn với em sẽ là địa ngục - Nguyễn Lan Anh (Hải Phòng).