Vật vã gọi ship hàng ngày bão

Trong ngày bão số 3 Wipha đi vào đất liền, nhiều shipper nghỉ làm, từ chối nhận vận chuyển đơn hàng.

Shop online khó tìm shipper

Lúc 9h sáng 22/7, tâm bão số 3 Wipha cách Hưng Yên khoảng 10km về phía đông, cách Ninh Bình khoảng 25km về phía đông bắc. Khoảng 10h bão đi vào đất liền nam Hải Phòng, Hưng Yên và Ninh Bình.

Trước giờ bão đổ bộ đất liền, người dân tranh thủ mua nốt thực phẩm dự trữ, nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc men. Không chỉ chợ dân sinh và siêu thị mà ngay cả "chợ mạng" cũng vô cùng tấp nập cảnh mua bán kéo theo nhu cầu gọi ship giao hàng tăng cao.

Tuy nhiên do trời mưa bão, nhiều tài xế xe ôm công nghệ đã từ chối vận chuyển các đơn hàng khiến các chủ shop online được phen khốn đốn. Nhiều người chấp nhận trả giá cao vẫn không tìm được shipper, buộc phải hủy đơn của khách.

Chị Nguyên Thảo – chủ một cửa hàng bán hải sản ở phường Khương Đình (hà Nội) chia sẻ, do có thông tin về cơn bão số 3 Wipha nên lượng người đặt mua hải sản tăng mạnh.

Sát giờ bão đổ bộ, vẫn có người đặt hàng yêu cầu ship về tận nhà. Các mỗi ship quen đều bận, chị Thảo chuyển sang gọi xe công nghệ nhưng không tìm được người nhận đơn nên đành nhờ người thân đi ship hộ.

“Tiền ship tăng trong ngày mưa bão, mình cũng ngại với khách hàng. Nhiều khi họ thấy ship cao nên hủy đơn luôn”, chị Thảo nói.

Quãng đường giao hàng khoảng 14km nhưng shipper đưa ra mức giá 300 nghìn đồng.

Trên các diễn đàn chuyên về dịch vụ ship hàng, nhiều người than khó gọi người giao hàng từ sáng 22/7. Chị L.T tìm tài xế giao hàng  là 1 hộp thuốc từ đường Yên Xá đến đường Xuân Đỉnh. Một số người vào nhận ship nhưng đưa ra mức giá khá cao, từ 150 – 300 nghìn đồng.

Khảo sát trên các ứng dụng giao hàng công nghệ, giá cước cho quãng đường giao hàng khoảng 14km chỉ khoảng 100-115 nghìn đồng, nhưng đường xa nên đơn hàng của chị T. không có tài xế công nghệ nào nhận.

Dịch vụ ship đồ ăn nhanh cũng diễn ra sôi nổi dù các cửa hàng đa số đều yêu cầu khách phải chờ 30 phút đến cả tiếng. Chủ một cửa hàng bán đồ ăn nhanh khu vực Cầu Giấy chia sẻ, không chỉ thời gian ship chậm mà giá vận chuyển cũng tăng 10 – 15 nghìn đồng/đơn tùy khu vực.

Shipper nghỉ làm ngày bão về

Trong các nhóm chat riêng của tài xế công nghệ, không ít đơn đặt giao hàng được shipper đăng lên, tham khảo ý kiến đồng nghiệp có nên nhận hay không. Đa phần các cuốc xe đường xa 10km trở lên đều được các tài xế khuyên hủy.

Trời mưa gây cản trở tầm nhìn, đường sá trơn trợt, nhiều shipper chọn ở nhà tránh bão.

Anh Trần Phong cho biết, trong sáng và trưa 22/7 anh đã hủy 11 đơn giao hàng vì toàn những chuyến xa 10-20km, sợ đi đường bất ngờ gặp giông bão. “Nay mình nghỉ 1 hôm. Có mưa còn chạy được, chứ nay bão vào nguy hiểm lắm, nổi giông lúc nào không biết được”, anh Phong cho hay.

Trong khi đó, tranh thủ bão chưa đổ bộ đất liền, anh Hữu Thuận vẫn nhận đơn đến 10h30 sáng 22/7. Tuy nhiên đến khoảng 11h, trời bắt đầu có giông thổi liệng tay lái, anh Thuận dừng công việc, về nhà nghỉ ngơi tránh bão.

Đội ngũ shipper gặp nhiều khó khăn những ngày trời mưa bão. Do trở ngại thời tiết, gió mạnh, đường trơn, thời gian giao hàng của shipper vào ngày mưa bão thường bị kéo dài hơn, đồng thời việc bảo quản che chắn hàng hóa cũng đòi hỏi phải kỹ hơn để đảm bảo hàng khô ráo, an toàn.

“Nghề giao hàng đòi hỏi phải đúng hẹn nhưng thực tế vào lúc mưa gió có thể làm đường trơn trượt, ướt hàng hóa, dễ bị khách hàng từ chối nhận hàng. Giao hàng những ngày mưa lũ, đôi khi đồng nghĩa với việc đánh đổi sức khỏe và cả sự an toàn của bản thân”, anh Minh Hiếu – một xe ôm kiêm shipper công nghệ chia sẻ.